11 tháng 12, 2018

Ra trận (kì 1)


Nguyễn Trung Ngọc

NTN: Gần đến ngày 22/12, gần đến ngày các đồng đội ở C20 về Hà Tran, tôi gửi tặng món quá này như một sự tri ân các bạn đã ưu ái có lời mời mà tôi không về được (Tôi sẽ đăng thành 2 kì). Thực ra đây cũng là một chương trong cuốn Hồi kí tôi đang viết mà phần trước phải tạm dừng để kịp trước ngày các bạn về Hà Tran đã.
--------------------------------------
Thế hệ thanh niên ngày nay đã không còn quen với hai tiếng “ra trận” nữa, họ chỉ cảm nhận qua những thước phim, những trang sách báo... Nhưng với thế hệ chúng tôi, cái chữ đó ở tuổi thanh niên gần như ai cũng biết và nhiều người thì còn nếm trải. Tháng 9 năm 1972, vừa kết thúc năm học, một lứa sinh viên chúng tôi đã lên đường ra trận.
Đợt tuyển quân ở ĐHSP Vinh lần ấy diễn ra rất nhanh gọn và “thành công”: Nếu đầu khoá, những học sinh tốt nghiệp phổ thông đậu vào trường khá hiếm hoi thì cuối năm học ấy, những người đi tuyển quân lại “được mùa” to. Hầu hết sinh viên tham dự đều trúng tuyển. Chỉ lác đác đôi người vì một lí do nào đó "trượt" khỏi danh sách mà thôi. Tiền tuyến đang cần gấp. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị vừa phải chịu mất một lứa lính sinh viên tinh nhuệ. Phần đa lũ sinh viên chúng tôi lúc bấy giờ sức khoẻ có thể có người còn loại B nhưng tinh thần thì đều “A hoa” cả. Các trường Đại học trong cả nước cũng nô nức lên đường, một khí thế ra trận không biết rồi có bao giờ lặp lại nữa không:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”;
“Đốt cháy Trường Sơn đánh Mĩ cũng không sờn”;
“Dáng anh đi và vành mũ tai bèo…”
Sau này, nhắc lại những ngày tháng ấy, nhiều đứa chúng tôi đều nói giống nhau: Hồi đó nếu không trúng tuyển có ở lại chắc chẳng bụng dạ nào mà học nữa, “sách vở tao cũng dẹp hết rồi”. Đi thôi, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”
Tôi nhớ mãi buổi tập hợp đoàn quân sắp thành hình ở khoa gồm toàn bộ CBGD và sinh viên nhập ngũ. Thầy Nguyễn Duy Bình nói chuyện với chúng tôi. Giọng Thầy sang sảng: “Thưa các bạn! Ngày mai các bạn sẽ lên đường. Đồng bào Miền Nam, đồng đội ở chiến trường đang chờ các bạn tiếp sức, cả nước đang bước sang giai đoạn cuối để dành toàn thắng…” Đoạn cuối bài phát biểu bỗng Thầy hạ giọng, nghẹn ngào: “Các…em đi chân cứng đá mềm, nhà trường, khoa, tất cả các thầy cô, cán bộ công nhân viên và các bạn sinh viên ở lại dõi theo từng bước đi của các em, chờ các em ngày chiến thắng trở về!”
Sao thân thương đến thế mà cũng oai hùng đến thế! Nhớ trường lớp, nhớ bè bạn, thầy cô đến nao lòng nhưng không một ai trong đám sinh viên chúng tôi tỏ ra chùn bước. Chúng tôi đã ra trận!
Đoàn huấn luyện tân binh ở Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn đón chúng tôi về một xóm nhỏ bìa rừng. Một sáng mùa thu 1972, chúng tôi từ giã chiếc áo trắng sinh viên để khoác lên mình bộ quân phục, tập hợp trên khoảnh đất mới được san phẳng đầu rừng, “ra mắt” đại đội mới: C12 – D4 – Đoàn 22A – QK4. Bắt đầu từ đó ngày nào cũng hát vang khúc quân hành: “Vừng đông đã hửng sáng…”; “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”…
Mấy tháng luyện quân ở rừng núi Nghĩa Thuận chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng có lẽ gần hai trăm sinh viên nhập ngũ khoá ấy sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời mình từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi bỏ lại sau lưng lớp học đại học của thời kì sơ tán với hầm, hào, lán, luỹ; với những bữa cơm sinh viên ở nhà ăn tập thể không thể giản đơn hơn; với những chiều dưới gốc đa làng nơi sơ tán túm tụm tán chuyện vui, cười rung cả lá; với những bước chân thong thả bên người bạn gái ngày mới làm quen…Để rồi bước vào quãng đời làm lính, gắn bó với chiếc ba lô và cây súng trên vai, lấp lánh ngôi sao trước mũ, đi về phía trước…
Ai biết được ngày về? Ai sẽ ngã xuống? (Đã ra trận không thể nào không có). (Các bạn! Những đồng đội thân yêu của tôi ở đây, – nói riêng với đồng đội C20 dịp về Hà Tran). Ngày ấy chúng tôi đã không hề tính toán. Những chàng trai mười tám, đôi mươi bấy giờ chỉ biết nhìn về phía trước, “Chiến trường còn gọi ta còn hành quân xa…” Tôi cùng các bạn đã sát cánh bên nhau, dâng trọn những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho đất nước. Không vui sao được! Không tự hào sao được! Chúng ta đã sống xứng đáng với cha ông, với nhân dân của một dân tộc không chịu làm nô lệ. Ngày tôi đi chiến trường, bố tôi viết thư cho tôi và bảo: “Bố mẹ thương con lắm! Con là đứa con trai yêu quí nhất. Và bố có một niềm tin sắt đá rằng: Con Trai bố không bao giờ hèn nhát”. Đấy! sau lưng chúng tôi khi ấy có một “hậu phương” như vậy! cả nước ta như vậy! Chúng tôi đã được sống những ngày rất đẹp.
Mấy tháng huấn luyện tân binh nhanh chóng trôi qua. Những chàng sinh viên dáng dấp thư sinh đã trở thành những chiến binh cứng cáp. Ở tiểu đội tôi có hai thằng khoẻ mạnh là Lê Quang Phương và Đỗ Xuân Ngôn cứ trông như là mấy thằng lính Đức. “Đổ mồ hôi ở thao trường để không đổ máu ở chiến trường”. Tất cả lũ lính sinh viên chúng tôi học nhanh và nắm chắc các bài tập chiến thuật và điều lệnh quân đội. Mười lời thề danh dự đã thuộc làu. “Khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải thi hành một cách nhanh chóng và chính xác”. Lên đường! Những ngày qua, gian lao thật, vất vả thật nhưng chỉ là tập trận. Giờ mới là lúc ra trận. Cả đại đội được phân ra nhiều ngã. Lại một cuộc chia li mới, cuộc chia li của những người đồng đội từng huấn luyện với nhau, giờ mỗi người một nơi đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi may mắn lại trở thành không may mắn nhất: Là một trong những người đầu tiên BCH đại đội gọi lên nhận nhiệm vụ mới, tôi được lấy đi học lớp quân lực tại trung đoàn. Tôi nói không may mắn vì tôi không thích làm “lính cậu” mà chỉ muốn được “ra trận” thực thụ, về đơn vị chiến đấu như bọn thằng Sơn, thằng Ngôn, thằng Phương, thằng Ngọc…trở thành lính trinh sát của F341 anh hùng. Chúng nó may mắn được ở với nhau cho đến tận khi kết thúc chiến tranh, lại được cùng nhau tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau 30/4 còn rủ nhau đến hiệu ảnh giữa Sài Gòn chớp những bức ảnh vai khoác súng, ngực ưỡn ra cho rõ cái phù hiệu “Quân quản thành phố” để rồi sau này khoe với người yêu “chiến tích”, ngày trở về trường.
Học xong lớp quân lực, tôi cùng mấy đứa nữa được điều về Quân khu để đi thành lập một trung đoàn trực thuộc mới – Trung đoàn 79, tiền thân của lữ đoàn công binh Hải Vân sau này. Trung đoàn bộ lúc ấy thiếu người nhiều nên Tôi và Hoàng Mạnh Truật phải “bỏ nghề” Quân lực sang làm Quân nhu. Còn một tên nữa cùng về 79 là Nguyễn Minh Khâm thì được bố trí làm quản lí của E bộ. Đấy là những ngày buồn chán nhất trong đời lính của tôi. Cũng là tại tôi “hơi khác”, “ngu ngơ”, nhiễm cái tinh thần Paven Coocsaghin hơi nặng, chỉ một mực muốn hành quân “ra trận”. Nếu ở vào bây giờ, một thằng lính tân binh như tôi bỗng được nhấc làm quân nhu Trung đoàn có lẽ thế nào cũng có người cho là con cháu của một “ông to” nào đó. Nắm trong tay kho Quân nhu Trung đoàn thời chiến có đủ cả “thượng vàng hạ cám” nhưng lấy một vài gói bột giải khát hay vài miếng lương khô tôi cũng tự yêu cầu làm phiếu xuất hẳn hoi. Truật thì đã đành, nó là con một sĩ quan vừa hi sinh, có thể người ta ưu ái. Còn tôi chỉ là lính trơn chẳng là gì cả mà cứ điều quanh quẩn trong E bộ: Lúc Quân lực, khi Quân nhu, lúc lại suýt về “Đội tuyên truyền văn hoá” của Trung đoàn.
Truật quê ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, học lớp 12 B với cô Cẩm Nam xinh đẹp, bạn của Thanh Tùng, hoa khôi khoá ấy. Tôi còn nhớ chuyện này: Có một lần bố Cẩm Nam là một cán bộ quân đội “có quân hàm”, đi chiếc xe com-măng-ca ghé thăm con gái ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu. Hôm ấy khoa đang có việc gì đó tập trung cả mấy khoá ở cái sân vận động lớn. Cha con Cẩm Nam chỉ gặp nhau ít phút rồi chia tay. Tiễn bố lên xe, Cẩm Nam đón nhận một nụ hôn ấm áp của ông lên trán. Giữa cái sân rộng nên rất nhiều người được chứng kiến. Tiếng một nam sinh hình như từ phía khoá 11 thốt lên: “Ôi! Ông ấy sướng thật…” Cả đám người cười vang.
Tính Truật hiền lành, chu đáo. Trong số bạn bè ở trường cùng nhập ngũ, hắn ở với tôi lâu nhất và có lẽ vì thế mà có nhiều kỉ niệm chung nhất. Tôi không bao giờ quên, một chiều mùa đông u ám, Truật nhận thư nhà báo tin người cha thân yêu của mình đã ngã xuống ở chiến trường Miền Nam. Hắn ôm lấy bức thư vào ngực gục xuống, hai vai rung lên bần bật. Tôi chẳng biết làm gì hơn, ngồi xuống bên bạn, nhìn hắn khóc. Những giọt nước mắt đã lâu lắm không chảy, ướt nhoà khuôn mặt hiền hậu. Dĩ nhiên thời bấy giờ Truật cũng chỉ âm thầm nhận tin sét đánh từ gia đình như vậy và khóc một mình bên một người bạn là tôi. Thời chiến, Bộ Đội không có phép! Ôi…chiến tranh!
(Còn nữa, Các bạn đón đọc kì sau tôi đăng trên trang cá nhân NTN)

Hình ảnh một buổi tiễn đưa Sinh viên Trường ĐHSP Vinh lên đường nhập ngũ, 1972


Top of Form
Bottom of Form


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới