Tháng 9 năm 1979 tôi tốt nghiệp đại học
và dù trước đó đã có 3 năm 3 tháng đi lính trở về với quân hàm hạ sĩ một sao đè
lên một vạch mềm bằng lụa màu vàng, tôi vẫn được ưu ái cử đi học thêm khóa sĩ
quan dự bị 3 tháng ở Trường quân sự Nghi Kim để tốt nghiệp được phong quân hàm
thiếu úy với một ngôi sao bạc nằm trên một vạch bạc. Tiếng là thành sĩ quan
nhưng tôi chẳng những không thấy oai phong gì mà chỉ lấy làm căm hận thêm cái
chế độ quân trường dã man chỉ vì trong thời gian học tôi suýt nữa bị kỉ luật đuổi
học trả về trường đại học. Mà đã bị trường quân sự trả về trường thì chắc chắn
tôi sẽ bị treo bằng, chuyển sang khu lao động Nghi Xuân trồng rau nuôi gà cải tạo
lao động một năm sau đó mới được phân công đi dạy ở một trường cấp 3 nào đó, tan giấc mơ dạy đại học là cái chắc.
Mà lí do của vụ suýt bị kỉ luật thì
có gì ghê gớm đâu. Lần đó, sau cả chục ngày nhập trường, đã ra thao trường học
chiến thuật quân sự rồi nhưng lũ sinh viên chúng tôi, bây giờ gọi là tân cử
nhân, vẫn không được bộ phận hậu cần cấp phát quân trang để huấn luyện theo quy
định. Tôi khi đó do là cựu binh, đảng viên nên được cử làm tiểu đội trưởng đã
cùng 6 tiểu đội trưởng đảng viên khác trong đó có Lê Trọng Minh bạn cùng lớp với
tôi trong một tối sinh hoạt đại đội nhất loạt đứng lên phản ánh rất gay
gắt về sự chậm trễ vô trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường đối với quyền lợi của
học viên.
Trước sự thẳng thắn đến dũng cảm của
chúng tôi (gồm 7 tiểu đội trưởng đều là cựu binh, đều là đảng viên), đám sĩ
quan cấp tá lãnh đạo trường QS rất lấy làm tức tối. Bởi lần đầu tiên trong cuộc
đời binh nghiệp chúng thấy một đám hạ sĩ quan cấp dưới lại dám đứng lên phê
phán cả sĩ quan chỉ huy. Sự việc lập tức được cấp báo lên bộ tư lệnh quân khu
IV. Ngay sáng hôm sau một chiếc com măng ca đưa một thiếu tướng phó chính ủy quân
khu về làm làm việc với ban chỉ huy nhà trường. Trong buổi họp, 7 thằng tiểu đội
trưởng chúng tôi bị khép vào tội chống lại cơ quan hậu cần, mà chống lại cơ
quan hậu cần tức là chống lại quân đội, mà chống lại quân đội có nghĩa là chống
đảng vì quân đội là của đảng. Ở chế độ này, chống ai cũng được nhưng đã chống đảng
thì chỉ có nước đi tù hoặc chết. Sau buổi làm việc đó, ông đại úy đại đội trưởng
có cảm tình với tôi gọi ra cho biết: Bộ tư lệnh quân khu IV đã ra quyết định
kỉ luật bằng cách đuổi chúng tôi ra khỏi trường sĩ quan, trả lại cho trường ĐHSP
Vinh giáo dục tiếp.
Nói tôi hận vụ đi học sĩ quan là vì thế.
Bởi trước khi lên học sĩ quan dự bị, tôi đã có quyết định của Bộ Giáo dục cử
vào làm cán bộ giảng dạy của Trường ĐHSP Quy Nhơn. Chỉ cần sau 3 tháng huấn luyện
ở trường quân sự là về phòng tổ chức cán bộ nhận quyết định lên tàu Nam tiến. Hồi
đó tốt nghiệp đại học mà được ở lại trường làm giảng viên cũng là cả một niềm tự
hào cho bản thân và gia đình. Tôi đã viết thư về quê khoe với ba mạ tôi. Bây giờ
thì biết ăn nói giải trình làm sao với ông cụ đây. Cả một tương lai tươi sáng của
tôi tại ĐHSP Quy Nhơn tưởng đã cầm chắc trong tay vậy là bị dập tắt chỉ vì dám
đứng lên đấu tranh cho lẽ công bằng.
Sau khi biết tin, tôi cùng Lê Trọng
Minh và 5 đồng đội kia buồn vô hạn. Có người định ra đường tàu nhảy vô đầu tàu hỏa
tự tử, có người tính đường viết thư tình nguyện lên biên giới phía Bắc chiến đấu
với quân Trung Quốc xâm lược, thà chết ở biên ải còn hơn nhận án kỉ luật nhục nhã
trở về trường đi lao động một năm ở Nghi Xuân.
Thế nhưng ở đời có những điều bí ẩn
mà có khi đến chết cũng không giải mã được. Đó là trường hợp thoát án kỉ luật của
tôi.
Sáng thứ 2 toàn trường có lễ chào cờ
đầu tuần. Viên trung tá hiệu trưởng mặt quắt queo như mặt chuột nhìn gian ác dễ
sợ bước lên đứng dưới cờ dõng dạc đọc quyết định kỉ luật của Bộ tư lệnh
quân khu. Cả hàng quân im phăng phắc. Tôi là tiểu đội trưởng đứng ở đầu hàng
quân lúc đó nhìn cái cột cờ và đám sĩ quan chỉ huy của nhà trường đứng hai bên
mà như mờ hẳn đi. Mọi người nhìn chúng tôi như nhìn những tội đồ của lịch sử. Tội
chống đảng thì chỉ có nước chết. Có trời cứu may ra...
Tay trung tá hiệu trưởng hắng giọng lấy uy rồi đọc: Căn cứ..., nay quyết định kỉ luật tước quân tịch đuổi ra khỏi trường
Quân sự Quân khu, trả về trường ĐHSP Vinh các học viên sĩ quan sau đây: 1/....;
2/..3, 4, 5..., người thứ thứ 6 trong bản quyết định kỉ luật là anh Lê Trọng Minh
bạn học cùng lớp 16D K2 với tôi. Lê Trọng Minh, quê Đức Thọ Hà Tĩnh, học trước tôi hai khóa, là SV khóa
10 nhập ngũ làm lính sư đoàn 2 binh đoàn Tây Nguyên, từng tham gia chiến dịch HCM. Trở lại trường anh và tôi học cùng một lớp 16D K2. Minh người nhỏ con, hiền lành,
điềm đạm, da xanh tái vì những năm tháng bị sốt rét rừng Trường Sơn hành hạ. Trở
về trường cũ sau chiến tranh, Minh học hành chăm chỉ và học giỏi như để bù lại
cho những năm tháng thất học vì đi lính. Là đảng viên, Lê Trọng Minh còn là bí
thư chi bộ của lớp tôi. Anh luôn làm ra vẻ nghiêm nghị của một bí thư chi bộ
nhưng thực sự tôi biết Lê Trọng Minh mang tâm hồn của một nghệ sĩ và lãng mạn.
Anh kéo đàn nhị khá hay và biết hát các làn điệu dân ca từ Bắc Bộ đến Nam Bộ,
nhất là bài Xe chỉ luồn kim dân ca
quan họ Bắc Ninh. Anh tốt nghiệp loại giỏi và cũng được phân công về làm CBGD của
một trường đại học. Vậy mà... Sau quyết định dã man và thảm khốc trên, Lê Trọng
Minh rơi vào một quãng đời đầy bi kịch. Anh bị treo bằng tốt nghiệp một năm để
sang trại cải tạo Nghi Xuân trồng lúa, trồng khoai lang. Sau một năm cải tạo,
Lê Trọng Minh được phân công về dạy ở một trường cấp 3 trong Ninh Thuận. Dù bị
cuộc đời vùi dập nhưng với bản chất khảng khái của một nhân cách tốt đẹp, Lê Trọng
Minh vẫn ung dung sống, anh đã trở thành Hiệu trưởng của nhà trường, sau này
còn được tín nhiệm cử làm hội thẩm nhân dân của tòa án tỉnh. Bây giờ thì anh đã
vợ con cháu đề huề với một căn nhà rất đẹp định cư luôn ở khu nghỉ mát Ninh Chữ.
Tôi luôn nhớ về Lê Trọng Minh với vụ án cũng ngang tầm với vụ án Lệ Chi Viên thời
Nguyễn Trãi ở thế kỉ thứ XV. Vì thế mà hễ có dịp là tôi lại ghé Ninh Chữ thăm anh, hai thằng
thường cùng nhau đi tắm biển Ninh Chữ vừa ngụp lặn vừa nhắc về kỉ niệm xưa. Cái
buồn đã được chúng tôi chôn chặt và ở lại phía sau, bây giờ chỉ còn niềm vui.
Trở lại với vụ đọc quyết định kỉ luật
trong buổi chào cờ nghiệt ngã ở trên. Người thứ 6 là Lê Trọng Minh. Đọc đến
đây, tay trung tá hiệu trưởng bỗng dừng lại. Mọi ánh mắt đều dồn hết về phía
tôi, người chắc chắn xếp ở vị trí thứ 7, vị trí cuối cùng trong bản danh sách. Tay
trung tá cũng đưa mắt nhìn về phía tôi với một ánh nhìn rất khó hiểu và có cả sự
ngạc nhiên lớn dù mọi thông tin về tôi đang nằm trong tay hắn. Người tôi như
run lên. Chắc chắn là tôi sẽ cùng một số phận với người bạn học, người đồng đội
Lê Trọng Minh. Tôi nghĩ đến trại cải tạo Nghi Xuân, sẽ có 365 ngày trồng khoai chờ
tôi ở đó vào ngày mai.
Bỗng tay trung tá tuyên bố: Buổi chào
cờ hôm nay đến đây là hết. Giải tán.
Và đó là một bí ẩn đối với tôi, một
bí ẩn lớn của cuộc đời tôi mà đến ngày hôm nay, sau 38 năm vẫn chưa được giải
mã. Vì sao tôi không bị kỉ luật, vì sao tôi vẫn được giữ lại trường sĩ quan, vì
sao sau đó tôi vẫn được nhận quyết định của Bộ Giáo dục về làm giảng viên của Trường
ĐHSP Quy Nhơn để rồi sống mãi ở Quy Nhơn đến 31 năm trời.
Cả một bí ẩn lớn mà đến nay mỗi lần gặp
nhau, Lê Trọng Minh vẫn hỏi tôi. Điều mà chính tôi đến nay cũng không biết.
Đó cũng là lí do vì sao mà tôi phải
show cái phần đời ở trên của tôi ra đây trước khi viết về Quy Nhơn và tôi. Bởi nếu vào cái buổi sáng chào cờ đó mà có thêm một
người mang thứ tự số 7 trong bản án kỉ luật của Bộ tư lệnh Quân khu IV thì chắc
chắn sau đó một năm tôi cũng sẽ như Lê Trọng Minh nhận một quyết định về dạy ở một
trường cấp 3 của một tỉnh nào đó. Và chắc chắn khi đó tôi sẽ không có cơ hội đặt
chân đến Quy Nhơn để sinh sống, cũng như đến Trường ĐHSP Quy Nhơn để lập nghiệp.
Và cũng không biết cuộc đời tiếp theo của tôi sẽ trôi nổi thế nào.
(Còn
tiếp)
Ngày tôi còn dạy ở Khoa Ngữ văn ĐHQN, Lễ ăn mừng tốt nghiệp của SV lớp tôi chủ nhiệm khóa 6 (Văn 6A), 7/1988. Trái sang: Hà Tùng Sơn, Nguyễn Hồng Thoa (SV khóa 6) Nguyễn Công Thắng (VHVN) Nguyễn Khánh Nồng (Ngôn ngữ, đã qua đời) Biện Tấn Mân (SV khóa 6)