16 tháng 2, 2017

Minh Hạnh – Cô giáo dạy văn làm thơ

Tôi quen biết Minh Hạnh (tên đầy đủ là Trần Thị Minh Hạnh) từ khi chị còn là sinh viên ngành ngữ văn (khóa VI) Trường Đại học Quy Nhơn. Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường văn khoa cũng như sau này khi đã trở thành một cô giáo dạy văn THPT, do chịu ảnh hưởng và tác động nhiều từ những áng văn thơ nổi tiếng trong chương trình dạy và học, Minh Hạnh đã từ những cảm xúc của con tim mà viết thành những bài thơ bỏ túi chỉ riêng mình chị biết.
Những bài thơ bỏ túi rất riêng tư ấy của Minh Hạnh có thể đã không có cơ hội đến với công chúng bạn đọc nếu cuộc đời chị có lần không may bị một căn bệnh hiểm nghèo phải nằm viện dài ngày. Đó là khoảng thời gian u ám dễ khiến cho con người ta bi quan trước cuộc sống. Nhưng đó cũng là cơ hội để con người thấm thía câu thành ngữ Sức khỏe là vàng, một chân lí đơn giản và hiển nhiên nhưng khi còn có sức khỏe nhất là với người trẻ, không hẳn ai cũng nhận thức được bởi thông thường con người ta chỉ thấy sự quí giá của sức khỏe (cũng như nhiều thứ khác) khi nó đã mất đi.
Minh Hạnh cũng không ngoài lẽ thường tình đó. Nhưng hơn thế, Minh Hạnh khi cơ thể yếu ớt nằm trên giường bệnh chị đã ngắm nhìn cuộc sống đời thường đang trôi qua khung cửa, thấy mọi người đi lại nói cười, thấy xe cộ tấp nập với những thanh âm quen thuộc mà bình thường lúc khỏe mạnh ít khi để ý, chị chợt nhận ra sự quí giá vô ngần của cuộc sống. Chính là vào cái lúc ấy, Minh Hạnh chợt thấy yêu cuộc sống vô cùng và lòng trào dâng xúc động. Từ đó, những vần thơ yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống của Minh Hạnh mới thực sự được hiển hiện dưới ánh sáng mặt trời, mới đến với người thân, bạn bè, học trò và đông đảo bạn đọc yêu mến chị. Trong lí luận văn học, người ta gọi đó là hoàn cảnh có vấn đề để từ đó nhà nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật.
Từ đó thơ gắn với Minh Hạnh cứ như là nước gắn với sự sống, khí trời gắn với hơi thở. Những câu thơ đầy xúc cảm của cô giáo dạy văn viết cho chồng con, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… cứ thế ra đời và được mọi người đón nhận.
Tôi vẫn nhớ vào dịp tháng 5 năm 2016, khi tập Mùa nắng hanh vàng với 123 bài thơ được tuyển chọn của Minh Hạnh ra mắt bạn đọc bởi Nhà xuất bản Văn học, chị đã kí tặng tôi với ánh mắt yêu đời và ngời sáng một tâm hồn lãng mạn. Bởi vào thời điểm ấy, Mùa nắng hanh vàng có ý nghĩa như là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm thơ và dạy văn của Minh Hạnh dù trước đó chị đã có nhiều bài thơ được in chung với các tác giả khác như: Tình thơ tháng 10, Hồn quê, Trút lá thầm thì, Gọi nắng xuân về…
Thơ Minh Hạnh giàu cảm xúc với những câu chữ nắn nót, nhẹ nhàng chứ không đao to búa lớn, hô hào chân lí cách tân này nọ như một số cây bút trẻ thường làm ra vẻ thời thượng mà ta vẫn thấy đó đây trong các thi tập khác. Có lẽ đó là đặc điểm có được từ những năm tháng Minh Hạnh làm cô giáo dạy văn trên bục giảng trường THPT.
Bạn đọc sẽ rất dễ nhớ những vần thơ của Minh Hạnh mà đọc lên nghe thật da diết, nhất là khi chị viết về tình yêu:
Mùa thu về trong gió nhẹ heo may
Cứ nồng nàn mỗi hàng cây gốc phố
Đường ta qua ngập vàng bao lá đổ   
Hanh hao nào làm đôi mắt em cay
                                   (Chung lối)
Đó chính là sự da diết với cuộc sống hay nói đúng hơn là với sự sống của Minh Hạnh sau những trải nghiệm của phần đời mà chị đã đi qua.
Đọc Minh Hạnh tôi nhận ra ở chị một tâm hồn trong trẻo và và hồn nhiên một cách tinh tế. Chị sinh ra Hà Nội, lớn lên ở vùng đất miền Trung nghèo khó lũ nhiều bão lắm rồi cuộc sống đưa đẩy vào lập nghiệp ở Sài Gòn, một thành phố đất rất rộng người rất đông và nắng lắm mưa nhiều. Tôi thích những câu thơ của Minh Hạnh viết về Sài Gòn với những cơn mưa rào bất chợt:
Mưa Sài Gòn không làm sao biết được
Đến bất ngờ như em đến trong ta
Tháng Tám rồi sao mưa cứ đi qua
Bờ vai lạnh bởi vì mưa giăng mắc
                                    (Trời Sài Gòn)
Đọc thơ Minh Hạnh, bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy sự tinh tế của chị khi nói về những tâm tình sâu kín thường chỉ có ở những cây bút nữ. Chẳng hạn hàng năm cứ mỗi mùa Vu lan đến Minh Hạnh luôn nhớ về người mẹ tần tảo của mình:
Mẹ sinh con trong bao nhiêu gian khó
Thuở bần hàn của cuộc sống ngày xưa
Những sớm trưa trên đồng ruộng cày bừa
Cùng cha con để cho con an giấc
(Con vẫn biết)
Đó là những câu thơ giản dị có ý nghĩa như một bài học về lòng hiếu thảo của cô giáo văn Minh Hạnh. Những câu thơ khiến ta cùng tác giả mỗi khi đọc to lên bỗng thấy cay cay nơi khóe mắt.
Người xưa đã nói rất đúng: Văn thơ là tiếng nói của trái tim (Ngôn, tâm thanh dã - Dương Hùng, nhà làm phú nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Hán). Người ta chỉ làm thơ khi muốn diễn đạt một cách ngắn gọn và khái quát nhất về những tình cảm đang bộc phát từ con tim mình. Vì thế thơ được xem là tiếng lòng của nhà thơ, cũng là sự thể hiện của một hiện thực đầy đủ và chân thật nhất về tư tưởng và tình cảm của con người nhà thơ. Minh Hạnh cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Tôi đã thấy chị viết rất hay về tình đơn phương qua hình ảnh một cánh diều thả lúc hoàng hôn:
Em thả rồi, dù biết sẽ đơn côi
Vì vắng anh trong cuộc đời em mãi
Diều vẫn bay gió không đưa trở lại
Bởi vì em yêu tình đơn phương.
                               (Thả diều)
Trong lịch sử tình trường của mỗi chúng ta, ai mà chẳng ít nhiều trải qua đôi ba mối tình đơn phương. Ai đã từng yêu những năm tháng học trò và cả những năm tháng sinh viên cũng đều có những mối tình đơn phương, những mối tình thường khiến ta mệt mỏi và vô vọng thậm chí là tuyệt vọng, nhưng với những câu thơ trên của Minh Hạnh, tình đơn phương lại mang hơi hướng của tính tích cực. Đó chính là sự trong sáng trong tâm hồn – thơ Minh Hạnh.  
Một đặc trưng khác trong thơ Minh Hạnh  là câu chữ, từ ngữ trong thơ chị rất giản dị dù chị vẫn dụng công trau chuốt. Người vụng về trau chuốt thường làm phức tạp, rắc rối thêm; người tinh tế trau chuốt là để làm giản dị thêm câu chữ. Minh Hạnh là một người làm thơ tinh tế. Hãy lắng nghe qua những câu thơ chị viết về tình yêu khi một mùa xuân đã đi qua để thấy hết sự sâu lắng mà thiết tha trong cảm xúc tâm hồn chị:
Đã cuối xuân rồi sao em mãi vấn vương
Hương sắc tình yêu vẫn đang mùa mật ngọt
Và say mê em lắng nghe tiếng hót
Đàn én ngang trời tung cánh lượn, mùa xuân!
                                  (Hương sắc mùa xuân)

Tác giả Minh Hạnh

Với những trang thơ dâng đầy sức sống không một chút mệt mỏi hay bi quan yếm thế, trải qua những năm tháng sống và viết, Minh Hạnh đã gặt hái được khá nhiều thành công. Có thể kể ra đây những giải thưởng văn học mà chị đã đạt được: Chuyện tình chị tôi (Giải nhì thơ Đồng vọng 2014), Ký ức mùa thu (Giải 3 thơ Hướng dương 2015), Lời nguyện cầu (Giải nhất cuộc thi thơ CLB Vần thơ Tâm Giao 2015. Minh Hạnh còn là thành viên của Thi đàn Việt Nam và là Quản trị viên CLB Văn học Hạt Bụi Vàng – Trung tâm UNESCO Việt Nam.
Người viết bài này cũng như bao độc giả khác luôn mong mỏi cho thơ Minh Hạnh, một cô giáo dạy văn làm thơ ngày càng tinh tế, đằm thắm và sâu lắng hơn để cho những tứ thơ hay luôn tuôn chảy trong tâm hồn chị. Nó như một sự khao khát luôn nằm ở phía trước như Minh Hạnh đã viết rất đạt trong bài thơ Điều em muốn mà tôi lấy làm kết thúc cho bài viết này:
Ngày đến rồi đêm cũng sẽ đi qua
Nỗi buồn nào cũng nguôi ngoai năm tháng
Chỉ còn em với tình yêu ở lại
Khao khát niềm vui luôn đến mãi trong đời.

  
Tuyển tập thơ Mùa nắng hanh vàng của Minh Hạnh         


11 tháng 2, 2017

Nguyên tiêu hội ngộ

Sáng nay nhằm ngày tết Nguyên tiêu, tôi cùng PGS. Nguyễn Mạnh Hùng và TSKH. Nguyễn Văn Khánh có cuộc hội ngộ cafe tại Hội VHNT 81 Trần Quốc Thảo quận 3, được PGS Hùng tặng sách quý Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông - Những bước chân hóa thạch.
Chúng tôi ăn sáng và cafe trên sân thượng rồi chuyện trò đàm đạo suốt buổi sáng về đủ thứ chuyện trên đời trong réo rắt tiếng đàn sáo, ngâm thơ, ca nhạc đủ kiểu của giới văn nghệ Thành phố nhân Ngày thơ rằm tháng giêng Đinh Dậu 2017.

PGS. Nguyễn Mạnh Hùng (bìa trái) - nhà sử học,  cha đẻ và là người đã nuôi dưỡng Trường Đại học QT Hồng Bàng như ngày nay.

TSKH. Nguyễn Văn Khánh và PGS. Hùng

Sách mới của PGS. Nguyễn Mạnh Hùng và cộng sự

Một vựng tập bằng hình ảnh về lịch sử của một Sài Gòn xưa - từng là Hòn ngọc Viễn Đông. Sau hơn 40 năm giải phóng, Hòn ngọc Viễn đông - Sài Gòn chỉ còn là qúa khứ. 

Ngày thơ Việt Nam nhằm rằm tháng giêng diễn ra trong khuôn trụ sở Hội VHNT Tp. HCM, 81 Trần Quôc Thảo, Q3.

Các văn nhân thi sĩ Tp. xúng xính trong y phục xưa mớ 7 mớ 3

Đàn sáo nhạc réo rắt suốt một ngày trời. Chúng tôi chỉ đến đây như một điểm hẹn để ăn sáng, cfe và chuyện trò đàm đạo. Không liên quan gì đến cái hội hè này.
  

4 tháng 2, 2017

Kep và Sihanouville

Niềm mơ ước của ngành du lịch là làm sao để du khách sau khi rời chân khỏi điểm du lịch họ sẽ còn mong ngày được trở lại bởi khi đó vùng đất và con người mà du khách từng đến sẽ là một vùng đất quyến rũ và con người ở đó thân thiện với du khách. Chứ mà du khách một đi không trở lại thì có thể khẳng định ngay là ngành du lịch ở đó hoạt động không tốt.
Cách đây 2 năm, vào dịp Tết năm 2015 tôi đã có chuyến du lịch đến Campuchia với hai vùng đất quan trọng là Siêm Riệp và Phnom Penh với những đền đài thành quách cổ xưa của Angkor Wat và Angkor Thom, của Hoàng cung vương quốc CPC, của những tượng đài Độc Lập, tượng đài tưởng niệm chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh trên đất CPC… Đó là một chuyến đi thú vị và hấp dẫn đến mức tôi đã hẹn là sẽ còn trở lại với đất nước Chùa tháp vào một dịp khác trong một hành trình khác. Đó cũng là một thắng lợi của ngành du lịch CPC, điều mà du lịch Việt Nam đang mơ ước.  
Vậy là mùng 5 Tết Đinh Dậu 2017 này, tôi và bà xã mua tour của Viettourist để thêm một lần nữa có được những trải nghiệm mới từ đất nước Chùa Tháp. 
Lần này tôi đi theo một hành trình khác gọi là tour du lịch biển đảo của Campuchia để đến với hai thành phố biển nổi tiếng của nước bạn là Kep và Sihanoukvill. Biển đảo thì trong nước ta cũng có rất nhiều tour nhưng vào những dịp lễ tết này chúng tôi không ngu gì mà đặt chân đến với những Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải, Phú Quốc hay Côn Đảo…  để giơ cổ cho dân ta ở đấy nó chặt chém. Trong lúc ở CPC tôi đã đi và thấy không có khái niệm chặt chém bởi người dân đất nước Chùa Tháp rất hiền lành và thân thiện.
Để đến được Kep đoàn chúng tôi phải đi qua thủ đô Phnom Penh của nước bạn, cung đường hai năm trước tôi đã đi qua.
4h30 sáng chúng tôi rời Sài Gòn khi mà cái Tết con gà vẫn đang rộn ràng trên mọi phố phường trong khí trời mát lạnh hiếm hoi của Tết Nguyên đán Sài Gòn. 6h30 đã ăn sáng với món đặc sản bách canh giò heo ở Trảng Bàng Tây Ninh. 7h30 đã xong thủ tục xuất cảnh ở cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài của ta còn bên phía Campuchia thì gọi là cửa khẩu quốc tế Bavet.
Con đường từ Sài Gòn đến cửa khẩu Mộc Bài dài 60km, từ Mộc Bài đến thủ đô Phnom Penh chỉ 170km. Đường tốt và thông thoáng. Xe chúng tôi lại lướt qua những làng mạc, những tỉnh lị của nước bạn mà tôi đã đi qua cách đây 2 năm. Khác là lần này tôi vượt qua sông Mekong trên đất CPC bằng cầu Neak Loeung, một cầu dây văng hiện đại do Nhật Bản viện trợ lớn cỡ như cầu Mỹ Thuận của VN chứ không phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để qua phà Neak Loeung như trước. Đây cũng là cây cầu hiện đại nhất, lớn nhất của nước bạn.
12h chúng tôi đã có mặt ăn bữa trưa buffet với thực đơn gồm hàng trăm món trong một nhà hàng lớn của Phnom Penh. Ăn xong thì đi thêm 150km nữa để đến tỉnh Kep, nơi có thành phố biển du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng cũng gọi là Kep. Kep là tỉnh thuộc loại nhỏ nhất của CPC chỉ có hai huyện mới được tách ra từ tỉnh Kampot (hoặc Kompot). Kep chỉ cách biên giới VN chưa đầy 2km. Sát với của khẩu Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang mà ta vẫn quen gọi là cửa khẩu Xà Xía. Kep gần VN đến mức ở đây tha hồ xài sóng các mạng điện thoại di động của VN mà không cần phải mua thêm sim của CPC.
Tp biển Kep nổi tiếng về hải sản ngon và rẻ, đặc biệt ở nơi đây có rất nhiều ghẹ. Nhiều đến mức người ta gọi Kep là thành phố con ghẹ và cho dựng hẳn một tượng đài con ghẹ to như chiếc ô tô ở trên biển cách bờ khoảng 100m với dòng chữ bằng tiếng Anh Welcome to Kep. Ai đến đây cũng ăn ghẹ và chụp ảnh với ghẹ mà không sợ mang tiếng như ghẹ sông Cầu ở miền Trung Việt Nam.
Ăn hải sản, ngủ lại Kep một đêm sáng dậy chụp hình kỉ niệm với tượng đài con ghẹ chúng tôi đi tiếp gần 100km nữa để đến Tp cảng Sihanouville. Trên đường đi qua Tp Kampot thuộc tỉnh Kampot, ở ngay trung tâm Tp chúng tôi dừng chân trước bức tượng đài quả sầu riêng rất to. Có tượng đài này là do ở Kampot nổi tiếng có nhiều sầu riêng và sầu riêng ở đây cũng rất ngon. 
Với tất cả lòng ngưỡng mộ về cách xây dựng tượng đài của nước bạn, chúng tôi lại dừng chân chụp hình với tượng trái sầu riêng quen thuộc. Lòng chợt nghĩ về tư duy vượt trội của các nhà lãnh đạo CPC mà đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen. Nghĩ sâu xa hơn, tượng lãnh tụ chính trị chỉ có một thời, khi thể chế chính trị thay đổi, những pho tượng của thế chế cũ sẽ bị người dân giật đổ (điều này đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới) nhưng chắc chắn tượng đài con ghẹ với trái sầu riêng thì dù có hàng chục lần thay đổi chế độ cũng không có ai nghĩ đến chuyện lật đổ nó. 
Chia tay quê hương của trái sầu riêng Kompot, chúng tôi đến với thành phố biển Sihanoukville thuộc tỉnh Sihanouk mang tên vị quốc vương Sihanouk nổi tiếng, là nơi có cảng biển Sihanouville cũng rất nổi tiếng.
Tỉnh Sihanouk có tên gọi cũ là Kampong Som (đổi tên từ năm 1964) nằm trên bờ vịnh Thái Lan thuộc phía nam CPC cách Phnom Penh 240km, là thành phố nghỉ mát tầm cỡ  và có cảng biển lớn, tương tự như Hải Phòng của VN. Thuộc Sihanouville có hòn đảo đảo Koh Kong được xem là thiên đường nghỉ dưỡng của CPC.
Sihanouville là một thành phố biển sầm uất với nhiều nhà hàng, khách sạn tráng lệ và đặc biệt là có rất nhiều sòng bạc về buổi tối rực rỡ ánh đèn và khách chơi vào ra tấp nập.
Vào buổi tối ngủ lại Sihanouville chúng tôi đi dọc bờ biển ngay khu chợ đêm với thú vui khó tránh khỏi của du khách là mua đèn trời đốt và mua pháo bông bắn lên trời phía hướng ra biển. Đứng trên bờ biển đêm lộng gió ngắm nhìn hàng chục đèn trời rực lửa bay thẳng lên trời và pháo hoa nổ lụp bụp, tôi có cảm tưởng như là đang ở thời điểm đón giao thừa đêm 30 Tết ở Việt Nam và như thấy hết sự tự do của đất nước bạn.
Ở Việt Nam, từ casino cho đến đèn trời, pháo hoa tự đốt đều bị nhà nước cấm tiệt. Vì sao mà cấm thì tôi không biết nhưng tại sao ở nước bạn láng giềng CPC lại không hề cấm. 
Vui chơi chán ở Sihanouville, sáng hôm sau chúng tôi quay lại thủ đô Phnom Penh ăn bữa trưa bằng lẩu băng chuyền, nơi hai năm trước tôi đã có dịp thưởng thức và thấy rất thú vị. Ăn trưa xong thì kéo nhau ra chợ trung tâm Phnom Penh nơi được xem là thiên đường mua sắm, dạo chợ và mua sắm linh tinh. Tại đây, đàn bà mua mấn váy, đàn ông mua áo chim cò. Có một ông nhà báo cùng đi khoe với tôi là đã mua được hai cái áo chim cò của người Khmer mà chỉ mất có 200 ngàn. Tôi chúc mừng và nhớ lại hai năm trước tôi cũng đã mua 2 cái với mức giá như thế, cái áo có hình con voi to mà chuyến này đi CPC tôi lại lấy ra mặc như một kỉ niệm.
4 giờ chiều, đoàn chúng tôi tạm biệt thủ đô nước bạn lên xe quay về lại Việt Nam. Nhưng vào thời điểm đó thật khó mà tạm biệt cho dứt bởi đường phố Phnom Pênh đang giờ cao điểm nên tràn ngập ô tô. Những chiếc xe ô tô hạng sang mà ở SG gọi là xe nhà giàu, xe của đại gia nhan nhản trên đường phố Phnom Penh nối đuôi nhau trong giờ cao điểm khiến mấy chú cảnh sát Hoàng gia rất vất vả. Phải mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ xe chúng tôi mới thoát được ra khỏi Phnom Penh để làm nước mã hồi về lại quê hương.

9h đêm qua cửa khẩu, lại dừng ở Trảng Bàng ăn bữa tối cuối cùng của chuyến đi. 23h thì về đến Sài Gòn. Kết thúc một chuyến du xuân thú vị. 

7h30 đi qua cửa khẩu Mộc Bài - Bavet. Hai bên đường phía đất Campuchia là hàng chục sòng bạc lớn hút dân Việt Nam sang nhập cuộc đỏ đen.

Trên cây cầu Neak Loeung bắc qua sông Mekong thay cho phà Neak Loeung đã 2 năm nay. Đây là cây cầu hiện đại nhất, lớn nhất của CPC do Nhật Bản viện trợ.

Trên bờ biển dưới chân bức tượng đài ở Kep

Ngay đó là một chợ hải sản với rất nhiều cua cá và ghẹ. Du khách đang chọn mua ghẹ luộc ăn ngay tại chợ hoặc mang về khách sạn ăn

Nghỉ lại Rock Royal Hotel & Resort nằm ngay trên biển Kep này một đêm

Cạnh khách sạn chúng tôi nghỉ lại là tòa nhà nghỉ mát của Thủ tướng Hun Xen. Nhà của ông ở trên sườn núi hướng ra biển cả.


Trước tượng đài con ghẹ của thành phố con ghẹ - Kep

Đoàn chúng tôi đi có gần 40 du khách trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Họ rất vui nhộn. Chiếc xe mang biển đăng kí của Campuchia do tài xế CPC lái chạy êm và an toàn.  

Chiều tà tôi ra hồ bơi trên bờ biển uống bia với mực tươi nướng. Học tập và làm theo phong cách đạo đức của thần tượng Obama khi ông đến Hà Nội uống bia Hà Nội, đến đất nước Angkor tôi uống bia Angkor.

Trên bờ biển Kep

Dừng chân trước tượng đài trái sầu riêng ở trung tâm TP. Kampot thuộc tỉnh Kampot 

Ai cũng muốn lưu lại hình ảnh kỉ niệm với tượng trái sầu riêng. Giả sử đây là tượng một lãnh tụ chính trị thì có lẽ là không nhé.

Đã đến Sihanoukvill. Nghỉ lại ở KS Grandseagull này một đêm

Buổi tối đi chợ đêm Sihanoukvill và ra bờ biển xem đốt đèn trời và bắn pháo bông 

Một cái đèn trời có giá tiền tương đương 70 ngàn đồng tiền Việt Nam, nhưng du khách vẫn thích thú với thú vui bị cấm ở trong nước 

Thưởng thức bữa trưa bằng lẩu băng chuyền ở Phnom Penh

Thủ đô Phnom Penh của người Campuchia cũng có những tòa nhà rất hiện đại. Sắp tới người Trung Quốc sẽ xây dựng ở thành phố này một tòa tháp đôi cao nhất thế giới. Trên thế giới này đi đâu cũng gặp Trung Quốc, nhất là ở Campuchia - được gọi là chiến lược xâm lược mềm của người Tàu. 

Đi chợ Trung tâm Phnom Penh,  nơi được xem là thiên đường mua sắm, chợ do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ XIX khi CPC còn là thuộc địa do Pháp cai trị.

Đường phố Phnom Penh giờ tan tầm buổi chiều ken dày ô tô. Phải mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ xe chúng tôi mới thoát được ra khỏi Phnom Penh để làm nước mã hồi về lại quê hương.

Giờ cao điểm cũng là giờ tan trường của các em học sinh THPT CPC. Một nhóm học sinh CPC trong đồng phục áo sơ mi trắng rất dễ thương đứng chờ qua đường ngay cửa sổ xe tôi với nụ cười thân thiện.

Hai bên đường phố Phnom Penh rực hồng những chùm hoa bằng lăng khiến tôi cứ ngỡ như đang trên đường phố Sài Gòn