30 tháng 11, 2016

Đà Lạt cảm và nhận

Tôi lên Đà Lạt cũng nhiều lần, những lần trước là đi công tác họp hành hội thảo kết hợp tham quan du lịch không mất tiền. Lần này (từ 21 đến 24/11/2016) rảnh rỗi nên dụ bà xã đi du lịch theo đúng nghĩa của nó. Đi bằng vé giá rẻ của hãng VJ nên cũng không tốn tiền lắm, vé khứ hồi chỉ hết 1tr đồng /người.
Có lẽ Sài Gòn – Đà Lạt là đường bay ngắn nhất của Việt Nam, chỉ mất 35 phút, chưa lên hết độ cao, chưa kịp ngả ghế tranh thủ làm một giấc thì tiếp viên đã thông báo hạ độ cao để đáp xuống sân bay Liên Khương. Thế mà đi ô tô thì phải mất cả đêm vì đèo dốc quanh co lại nguy hiểm nữa.
Đà Lạt mát mẻ quanh năm. Là thành phố duy nhất ở VN không có các cột đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ ở các ngã 3 ngã tư; đi cả ngày trên phố cũng không thấy bóng dáng các anh CSGT. Đường phố Đà Lạt là những con dốc nối tiếp nhau, cứ xuống hết một con dốc này thì lại lên một con dốc khác. Đi bộ mỏi cả chân, may có cái không khí lành lạnh bù lại nên không ra mồ hôi. Ở SG mà đường phố đầy những triền dốc như vậy chắc chớt.
Khách sạn ĐL giá cả khá mềm trong những ngày thấp điểm đầu tuần và không có lễ hội. Tôi chọn trú ở KS Tulip Xanh trên đường Hải Thượng cách chợ trung tâm ĐL 10 phút đi bộ phòng rộng rãi có cả bàn ghế tiếp khách với một lò sưởi (trang trí cho đẹp) mà chỉ 270 ngàn/ngày, lại có cả bữa sáng với cafe miễn phí. Tôi cẩn thận gọi đặt chỗ trước cả tuần nên lên đến nơi rất chủ động. Nhân viên khách sạn vui vẻ nhiệt tình. Trong phòng không có ấm đun điện nhưng khi tôi hỏi cần có nước sôi pha trà thì họ cấp luôn cho cái ấm siêu tốc dù hơi cũ kĩ. Quản lí KS thấy tôi có vẻ không yên tâm với cái ấm cũ, hôm sau đi tour về thì thấy trên bàn có một cái ấm điện siêu tốc mới tinh còn bọc trong giấy bóng. Cảm động thế.
Đà Lạt cũng là thành phố duy nhất không sử dụng máy lạnh. Riêng khoản này các KS cũng đỡ được khối tiền thiết bị và tiền điện.
Ăn uống ở Đà Lạt khá đắt đỏ mà cũng không ngon lắm. Một tô phở bò giá 40 ngàn mà nhạt như nước ốc. Ở xứ rau nhưng các món rau như xà lách trộn, canh rau, cải bó xôi… đều không dưới 70 ngàn đồng một dĩa. Nói chung ăn uống ở ĐL thua xa Sài Gòn về mọi nhẽ. May mà không ai lên ĐL để ăn, chỉ là lên để du ngoạn, thăm thú cảnh vật hoa hòe và thụ hưởng cái lạnh mát của thời tiết.
Thích nhất ở Đà Lạt là cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp với những không gian hoa ngút ngàn và muôn vẻ sắc hương. Thích hơn nữa là những đồi thông cao vút với những thảm cỏ hồng êm mượt như nhung ở bên dưới. Những vườn rau trồng theo kiểu hiện đại, trồng trong nhà kính thì khỏi nói. Những vườn dâu tây quả chín mọng nhìn là cứ muốn hái ăn.
Được lên Đà Lạt du lịch một lần trong đời là ước mơ của mọi người VN. Nhưng với tôi, Đà Lạt may lắm cũng chỉ ở được 5 ngày làn chán, là muốn về, để năm sau lại muốn lên lại nữa dù đã biết hết rồi.

Từ biệt để rồi muốn quay trở lại, đó chỉ có thể là Đà Lạt.

Trong nhà kính chuyên trồng mỗi giống hoa hồng môn, giống hoa mà ở SG lâu nay nhiều người nói là hoa lạ vì nhập từ Trung Quốc

Hoa dại mọc ven đường cũng hút hồn du khách 

Tôi thích những triền hoa dã quì này, vàng rực những con đường và những ngọn đồi Đà Lạt

Cây cầu treo dễ sợ bắc vào làng Cù Lần của đồng bào K'Ho, đi cứ lắc như đưa võng

Hai bên đường là những khu nhà kính trồng rau và hoa. Thảo nào buổi tối bay lên ĐL ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy những mái nhà kính sáng rực vì ban đêm phải thắp đèn cho rau mau lớn và hoa sớm nở bông. Chơi hoa kiểu hiện đại này thì tôi thua

Hồ Tuyền Lâm thơ mộng, nước trong xanh sâu đến 20m và lạnh như kem. Ai nhảy xuống đây tắm chỉ có nước chết. Sáng thứ ba đầu tuần, khu hồ chỉ có hai người. Chú lái xe của CTy Du lịch ĐL nói năm nào ở hồ này cũng có mấy vụ chết đuối là ít. Nó nói như thần nói, tôi về SG được 2 ngày thì đọc báo thấy nói cậu thủ môn đội tuyển bóng đá Lâm Đồng sáng ngày 27/11 nhảy xuống hồ này bơi với một anh bạn mới được đâu chục mét thì cả hai cùng chìm hẳn, anh bạn của chú thủ môn được người câu cá gần đó cứu vớt kịp nên hút chết. Chú thủ môn thì đến hôm nay đã 3 ngày rồi vẫn chưa tìm được xác.

Nếp nhà sàn của đồng bào K'Ho trong làng Cù Lần

Lên ĐL, tôi đăng kí một ngày đi tour ngoại thành, một ngày đi city tour (nội thành), ngày đầu đi tour ngoại thành chỉ có hai người là tôi với bx, vậy mà Cty DL ĐL cũng điều hẳn một xe 16 chỗ chu đáo đưa đi chơi hẳn một ngày. Chú lái xe rất vui vẻ vừa kiêm HDV vừa kiêm thợ chụp hình. Hôm sau đi city tour thì có thêm 7 người nữa với một xe 30 chỗ. Vui thế.

Tạo dáng chút bên đồi hoa dã quì. Cuối mùa nhưng còn đẹp chán.

Thăm công viên đất sét, một công trình kiến trúc độc đáo chỉ có ở Đà Lạt.

Tạo dáng với Lang Bi Ang bằng đất sét





Dâu tây. Lần đầu tiên tôi bước chân vô một vườn dâu và tha hồ tự hái ăn. Tươi rói và ngọt. Thơm mùi tự nhiên. Tất nhiên sau đó phải mua cho người ta một mớ đem về. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì.



Một mình tôi giữa con đường rừng vắng. Chỉ lên Đà Lạt mới có được cái thú khùng khùng điên điên này

Lên ĐL vô chợ trung tâm tha hồ mua đồ lạnh với giá mềm. Có điều mua xong đem về SG không biết sẽ mặc vô khi nào.

Thăm biệt điện Bảo Đại

Đến thác Dantala, có thể đi bộ hoặc lên xuống bằng máng lồng. Với giá khứ hồi 50 ngàn. Lúc đầu tôi tưởng chỉ là phương thức vận chuyển thuần túy cho đỡ mất công lội bộ. Ai ngờ ngồi lên mới biết đó là trò chơi mạo hiểm. Thật là điên rồ. Nó bay liệng vòng, nghiêng hun hút giữ chốn rừng già như làm xiếc. Trò chơi này chống chỉ định với người già, người bị bệnh tim mạch, huyết áp... Thế mà tôi đã ngu dại ngồi lên một cách vui vẻ để rồi hối hận khôn nguôi. May mà không sao.

Tôi ngồi sau lúc đầu sợ qúa nhắm tịt mắt lại nhưng sau nghĩ đến trách nhiệm còn phải cầm phanh điều khiển nhanh chậm nên cố gắng nín thở mong cho mau đến. Hút chết. Thiệt là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Bức hình này là của thợ chụp hình rình chụp lén lúc mới khởi hành, mình ra khỏi máng lồng thấy nó cười nhăn nhở đưa cho xem và nếu thích thì lấy với giá 20 ngàn. Không thích thì bỏ qua. Nhìn cũng được, lấy luôn.

25 tháng 11, 2016

Đà Lạt hoa và người

Tôi vừa có chuyến du lịch Đà Lạt trở về. 
Lâu lắm rồi mới lên lại Đà Lạt cảm giác vẫn thích thú vì tiết trời mát lạnh rất hợp với tôi. Khung cảnh thì vẫn như cũ nếu không nói là xấu hơn do sự can thiệp trắng trợn và ngày càng thô bạo hơn của bàn tay con người. Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở như nhỏ lại, thác Pren không còn hấp dẫn; riêng những đồi thông cao vút với những bãi cỏ xanh rì là vẫn hút hồn tôi như xưa.
Lần này lên Đà Lạt tôi ở lại những 4 ngày với 3 đêm trọn vẹn nên sự cảm nhận cũng kĩ càng và rõ nhất. Đà Lạt tôi cũng thích nhưng nếu so với Sapa, nơi mà tôi đặt chân đến cách đây 3 tháng thì sự thích thú chỉ bằng một nửa, dù cả hai nơi đều mát mẻ như nhau.
Ở Đà Lạt tôi quen biết cũng nhiều, khoảng chục người nhưng chỉ gọi báo tin và muốn gặp lại anh Hồ Văn Thoan, chính trị viên phó C20 F341 thời tôi còn ở lính. Nhận phòng khách sạn xong tôi gọi báo cho anh và anh hẹn chiều ngày mai.
Năm 1973, khi C20 của tôi đang huấn luyện ở Lệ Thủy QB để chuẩn bị vô Nam thì anh Thoan được cử về làm CTV phó. Anh người Kì Anh Hà Tĩnh, hơn tôi 8 tuổi, hiền lành và tốt bụng. Ở trong ban chỉ huy C20 nhưng chưa bao giờ anh tỏ ra mình là chỉ huy, ít nhất là với đám lính sinh viên chúng tôi. Tháng 12 – 1975, tôi rời C20, rời SG để xuất ngũ trở về trường cũ VU. Từ đó đến nay 41 năm rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau nhưng qua bạn bè đồng đội và qua điện thoại thì biết khá rõ về anh. Sau khi tôi ra quân anh ở lại rồi lên đến đến chính trị viên tiểu đoàn, sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1979 trở lại SG anh được cử lên Đà Lạt học ở Học viện Lục quân. Tốt nghiệp anh được giữ lại trường lên đến chức Trưởng phòng Đào tạo với quân hàm đại tá cho đến ngày về hưu. Anh có 3 người con trong đó cậu con trai đầu đi lính công binh bị hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Vũng Tàu, được phong Liệt sĩ và vì thế anh Thoan trở thành bố Liệt sĩ. Hai người con khác đã lớn đi học đi làm ở riêng hết. Anh ở với người vợ cũng là lính về hưu từng 5 lần bị tai biến mạch máu não.
Giờ thì anh Thoan đã 70 tuổi. Chiều hôm sau tôi vừa đi tour ngoại thành về thì anh đã chờ ở KS. Anh em ngồi chơi nói chuyện đời xưa lính tráng ai còn ai mất rất cảm động.  
70 tuổi nhưng dáng dấp anh vẫn trẻ trung như thanh niên. Khi mặt trời đã tắt hẳn bỗng anh nói: Sơn về nhà anh chơi cho biết nhé. Tôi ngồi sau xe máy, gió lạnh về đêm thổi mát rượi. Anh đi xe rất chững chạc không có vẻ gì là của một ông già đã 70 tuổi. Nhà anh cách KS nơi tôi ở 7km, đối diện với Học viện Lục quân ĐL. Đó là một căn nhà hai tầng rất rộng rãi nhưng cũ kĩ. Chị vợ đã 5 lần bị tai biến nên anh phải phục vụ chăm chút từng li từng tí. Tôi ngậm ngùi khi hình dung ra hết hết cái sự khổ cực của anh nhưng anh thì cười nói rất lạc quan, cứ như là không có chuyện gì xảy ra.
Rồi anh chở tôi về. Tôi nói thôi tối rồi mà cũng lạnh lắm rồi, anh để em kêu taxi về. Anh gạt đi: vậy sao được, để tao chở chú mày về cho trọn vẹn. Đến KS, anh em lại đứng trước cửa hàn huyên thêm lúc nữa. Rồi anh nắm tay tôi nói: Sơn này, lên đây đáng lẽ anh phải mời vợ chồng chú bữa cơm nhưng hoàn cảnh anh chú biết rồi đấy, vì thế anh có chút này gửi em coi như anh mời vợ chồng em bữa cơm nhé. Rồi anh rút trong túi áo khoác ra cái phong bì dúi vô tay tôi. Tôi rất ngạc nhiên bảo anh cần gì phải làm thế, em được gặp lại anh sau 41 năm, đến thăm nhà anh vậy là vui lắm rồi, anh cần gì phải khách sáo thế. Tôi lại đút ngược cái phong bì vô túi áo anh. Anh lại lôi ra đút vô túi áo tôi. Tôi dứt khoát không nhận bảo anh em mình vậy được rồi, anh về lo cho chị ăn uống đi. Sao lại có chuyện kì như thế được. Hai anh em cứ dúi qua dúi lại cái phong bì như thế đến mấy lần khiến cô bé lễ tân tròn xoe mắt nhìn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh Thoan bỗng lặng hẳn đi rồi chậm rãi nói: Nếu em không nhận anh sẽ cứ đứng ở đây, không về đâu. Tôi chỉ còn biết ôm lấy anh rồi cầm chặt cái phong bì mà tôi biết là có tiền của anh trong đó. Rồi anh vội vã lên xe ra về. Tôi nhìn theo người thủ trưởng cũ cho đến khi anh khuất hẳn dưới chân dốc trong bóng đèn đường đêm Đà Lạt. 
Lên phòng kể lại câu chuyện cho vợ nghe. Vợ tôi xúc động về nghĩa cử lạ lùng của người anh, người đồng đội cũ. Cái phong bì của anh Thoan có một tờ 500 ngàn nằm ngay ngắn trong đó.
Đêm tôi khó ngủ vì thương anh Hồ Văn Thoan.

Với anh Hồ Văn Thoan

Vô thăm làng Cù Lần của đồng bào dân tộc K'Ho


Dưới những gốc thông già Đà Lạt và bãi cỏ xanh rờn. Giá có cái võng mắc đây ngủ một giấc nhỉ.

Đến Thung lũng tình yêu mà chỉ thấy một ngọn đồi

Đang vãn cảnh ở Thích Ca Phật đài thì gặp nhóm làm phim tài liệu về du lịch của LTV. Cô phóng viên trẻ chặn lại xin chú cho cháu 1 phút phỏng vấn về du lịch Đà Lạt. OK. Chú quay phim nghe tôi nói về cái được và chưa được của du lịch Đà Lạt cứ gật gật đầu.

Những con đường thông con đường xanh. Sao mà tôi thích thế.

Mùa hoa dã quì đã sắp tàn nhưng vẫn nở vàng rực khắp những ngọn đồi và ven những con đường Đà Lạt khiến du khách say đắm  

Lên Đà Lạt nhìn đâu cũng muốn chụp


    


18 tháng 11, 2016

Tụ tập nhân ngày 20 - 11

Nhân dịp 20/11, một bộ phận không nhỏ cựu GV và SV Khoa Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn hiện lưu vong tại Sài Gòn (và cả ở Hoa Kì) hẹn hò tụ tập để tranh nhau nói cười tại Vườn Phố (Tân Bình) chiều tối nay.
Phải sang: 
Quoc Toan Dao và Nguyễn Thanh Minh (GV VHVN), Tran Van (SV Khóa I), Ngọc Hoa (SV Khóa V), Hà Tùng Sơn (GV VHTQ), Nguyễn Ngọc Quận (GV Hán Nôm), anh Dinh (bạn Nguyễn Thanh Minh), và Nguyễn Công Thắng (GV VHVN).

Hình 2 thêm Ngô Quang Hiển (GV VHAĐ) thứ hai phải sang. Vui vô cùng. 
Cảm ơn em Flower Tran Ngọc Hoa, SV khóa V hiện định cư tại Hoa Kì đã tài trợ chương trình này.








16 tháng 11, 2016

Giá tôi là đàn bà

Sáng chuông cửa kêu lảnh lói. Anh bưu điện đưa báo hàng ngày, tờ SGGP kèm gói bưu phẩm PCN. Vậy là có sách mới của Trần Kỳ Trung từ Hội An gửi vô rồi đây. Ông bạn nhà văn xứ Quảng chu đáo và nhanh thế.

"Giá tôi là đàn bà thể hiện cái nhìn đa chiều, nhiều góc cạnh của nhà văn về cuộc sống, con người và xã hội. Qua trang văn, có khi nhà văn hồi cố, hoài niệm về chiến tranh, và những gì nó để lại (Nơi ấy hậu phương, Hai anh em, Lầm lẫn…), có khi nhà văn kể chuyện của cuộc sống hôm nay để hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai (Gía tôi là đàn bà, “Dây chuyền công nghệ”, Đọp – nhà thơ…) Có khi là chuyện trong nhà, cũng có khi là chuyện ngoài ngõ… Nhà văn đã chắp nhặt và đưa vào Giá Tôi Là Đàn Bà những điều mắt thấy tai nghe, rất gần gũi, tưởng như ta vừa bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, để rồi mỗi người đọc chúng ta bất giác phải suy ngẫm, qua đó thôi thúc chúng ta sống tốt đẹp, bao dung và nhân ái hơn.
Giá tôi là đàn bà của Trần Kỳ Trung thuộc loại cổ điển, có tiết tấu chậm theo lối kể chuyện truyền thống, nhà văn chú trọng các chi tiết trong đời sống thực, luôn viết trong tâm thế nhập cuộc, luôn đau đáu với người với đời."

(Nguồn: Anybooks.vn)


Giá tôi là đàn bà là tập truyện ngắn hay và mới nhất của nhà văn Trần Kỳ Trung.




Tác giả: Xuất bản: 21-10-2016; Nhà xuất bản: Phụ Nữ;
Nhà phát hành: Phụ Nữ; Dạng bìa: Bìa cứng

Số trang: 272

15 tháng 11, 2016

Sự thật về lão Trump

HTS: Những ngày này cả Việt Nam và thế giới vẫn chưa ngớt lời bình luận về tân Tổng thống Trump. Rõ thiệt là:
Ông Trump của nước Cờ Hoa
Mà sao bàn tán như là của ta 
Bài viết của tác giả Luân Lê dưới đây sẽ cắt nghĩa và làm sáng tỏ được nhều điều về ông Tổng thống Trump. 



Luân Lê

Qua truyền thông Việt Nam và cả Trung Quốc, dường như chúng ta đã thấy một Trump điên rồ, xấu xa, độc ác và bất tài, kỳ thị.
Nhưng có vẻ như là chúng ta đã bị lừa phỉnh với những thông tin đầy chất độc có tính kích thích và kỳ thị một chiều theo kiểu được định hướng ấy.
Hãy thử xem, lão Trump qua vài điều sau để thấy một bộ mặt khác của ông và góc tối của truyền thông.
Nếu Trump là phân biệt chủng tộc, tại sao những nhân viên cố vấn của ông là đa chủng tộc? Tại sao công ty của ông phải thuê những con người với quốc tịch và chủng tộc khác nhau?
Nếu Trump phân biệt giới tính, tại sao ông lại có nhiều phụ nữ hơn đàn ông trong những vị trí cấp cao ở công ty? Người quản lý chiến dịch tranh cử của ông là phụ nữ. Người phát ngôn của chiến dịch là phụ nữ da đen.
Nếu Trump là người bài xích ngoại quốc, tại sao ông cưới một người phụ nữ ngoại quốc?
Nếu coi ông là kẻ cực đoan và phân biệt đối xử với phụ nữ, tại sao ông lại sở hữu hàng loạt các cuộc thi người đẹp? Và tại sao ông lại không rượu, bia, sống giản dị và hầu như là chẳng khi nào nói chuyện về phụ nữ, trong khi luật sư cũ của ông thì thừa nhận, ông chỉ biết đến công việc mà không bao giờ nói về chuyện nam nữ, ông cũng đối xử với những phụ nữ "như người cha thay vì như một tay sát gái"?
Nếu Trump chống đối người Do Thái, tại sao con gái ông lại lấy một người theo đức tin Do Thái, và cô ta chuyển đổi theo đạo Do Thái?
Nếu Trump chống đồng tính, tại sao bạn thân của ông là đồng tính, Peter Thiele người sáng lập PayPal, người ủng hộ lớn nhất của ông?
Nếu Trump là kẻ cuồng tín, tại sao ông lại có những người bạn, những cố vấn, những người cộng sự, những người nhân viên đa quốc gia, đa chủng tộc? Và nếu ông cuồng tín và miệt thị tôn giáo thì tại sao chẳng bao giờ ông dám nói lời nào hay xúc phạm đến "Chúa" cũng như các vị "thánh" tâm linh nào khác?
Nếu Trump là phát xít, độc tài, tại sao ông muốn lãnh đạo một quốc gia tam quyền phân lập?
Tại sao Trump "ngu" mà lại sở hữu điều hành một chuỗi kinh doanh tỷ đô?
Tại sao Trump "mất dạy, thô lỗ" mà ông có một gia đình mẫu mực, con cái xinh đẹp, thành đạt và nên người? Điều này đã được chính bà Clinton thừa nhận ngay trên truyền hình khi tranh cử trực tiếp.
Tại sao xung quanh Trump bao nhiêu là gái đẹp, nhưng ông và bà vợ siêu mẫu vẫn gắn bó hơn chục năm, và kể cả trong (02) các cuộc hôn nhân trước cũng đều bình thường?
Tại sao Trump làm con nít sợ, trong khi ông lại phản đối việc phá thai, khi thai nhi 9 tháng tuổi?
Tại sao số tiền của Trump ăn tiêu vài đời không hết, mà lại dấn thân vào công việc lương ít ỏi này mà không cần lấy 1 USD?
Tại sao Trump là ông trùm truyền thông mà lý do gì trong suốt quá trình tranh cử ông lại để truyền thông "đánh lại mình" từ phía bà Clinton?
Nếu nói ông không tôn trọng luật pháp và sẵn sàng phá bỏ thì tại sao ông lại dùng chính pháp luật để chống lại bà Clinton trong việc tranh cử về vấn đề bảo mật email? Tại sao ông không bắt bỏ tù bà Clinton ngay khi trúng cử như ông từng tuyên bố mà ngược lại còn cảm ơn bà cùng gia đình nữ luật sư này?
Tại sao Trump tiếp tục giữ lại một số điểm của Obamacare sau khi nhậm chức? Trump không chống lại vấn đề người di cư/nhập cư mà ông cứng rắn với việc trục xuất không do dự đối với người di cư/nhập cư bất hợp pháp.
Nếu không tôn trọng luật pháp, tại sao ông lại muốn kiện Trung Quốc về vấn đề bán phá giá và buộc Bắc Kinh làm ăn vào khuôn khổ luật pháp trong kinh doanh quốc tế?
Tại sao Trung Quốc (và một nước láng giềng khác) lại ghét Trump và ủng hộ Clinton làm tổng thống, vì hãy đọc về Trump và những chính sách của ông một cách cẩn trọng và hiểu biết, ông chống cộng sản và làm ăn "chộp giật, bất chấp" của Trung Quốc.
Và cuối cùng, tại sao Trump lại thắng cả hai thông số bầu cử, cả phiếu cử tri phổ thông và phiếu cử tri đoàn toàn bang?
(Lần lượt: phiếu phổ thông T-62.900.000/H-62.200.00 và phiếu cử tri đoàn T-306/H-232) - biểu đồ trên NYT cập nhật ngày 15.11.2016 đã có khoảng trắng (no results, không kết quả, hoặc có thể hiểu chưa xác định được), thì có thể kết quả cuối cùng là Trump hoàn toàn có thể thắng với 2 thông số như đã vừa nêu).
Chú thích: ở đây đưa ra thông tin và góc nhìn về một con người của hiện tại, không và sẽ hoàn toàn không nói về việc ông ấy phải và sẽ đạt được những gì khi tại vị. Tôi nói về sự thật và truyền thông. Đó là điều phải nhìn vào trước khi nói gì về vấn đề nào khác.
LL


14 tháng 11, 2016

Sự thật kinh hoàng về nước Mỹ

Qua lời kể của một du học sinh Trung Quốc


Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật, đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách để tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến ở Hoa Kỳ rất đáng thất vọng!
1. Công nghiệp
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển!
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu. Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói, nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa. Thế mà ở tại xứ cờ hoa này lại không có một cái ống khói nào! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi!
Và ở Mỹ, bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch, chả tìm đâu ra nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên sông! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ còn gì nữa! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả!
2. Kinh tế
Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế! Bạn biết đấy, nước họ có chỗ nào mà xa lộ không tới, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí! Chắc chắn dăm bữa nửa tháng là gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương!
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tẹo nào.
3. Xây dựng
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm. Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu nhẹ khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của nước ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại chúng ta xưa kia!
4. Văn hóa
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó và vì thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên đã giúp mang lên xe! Người này còn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì nữa không? Thế đấy!
Ở Trung Quốc, mấy chuyện này chỉ có vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. 
Hồi đó người ta chuộng lối sống ‘đạo đức giả’ nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng và trần trụi hơn, đó mới là hiện đại chứ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta!
5. Ẩm thực
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy!
Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền!
Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật, đó là một xã hội còn quá sơ khai!
                             Tượng Nữ thần Tự do của Mỹ – Ảnh: ST
6. Phong cách
Người Mỹ làm như không biết tự trọng!
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài, họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư Davis chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà vào giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm!
Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ Ph.D. lên danh thiếp của mình như ở nước ta. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học với những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây!
Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy! Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn hơn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy!
7. Học đường
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh ở Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở thành những công dân có đủ tư cách, sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao!
8. Y tế
Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng… ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc… Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc… mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm!
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ?… chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết tranh thủ khai thác, rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ đã chết rồi!
9. Báo chí
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao!
 Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ.
Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này: Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à? Nghe mà bực cả người!
10. Tâm linh
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu kinh thánh nghe hết sức khờ khạo: “Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ”.
Thật là buồn cười quá đi: Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này? Cầu Chúa có ích lợi gì chứ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng như ở nước ta!
 Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ!
11. Lối sống
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian.
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoãn đứng vào hàng chờ đợi…
Còn chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều!
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn tuyệt vời, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mỏi khi đứng chờ!
Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa..
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ!
12. Mua bán
Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý: Bạn có thể đem trả lại hàng hóa vài tuần sau khi đã mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ!
13. An toàn 
Nước Mỹ không an toàn chút nào! Tôi nói điều này bởi có tới 95% nhà dân không có tới lưới chống trộm và lại không có hàng rào xung quanh, và điều kỳ lạ nữa là: Chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi? Có nhiều ngôi nhà đẹp đẽ sang trọng mà ban đêm nhiều người Mỹ còn không biết khóa cửa lúc họ đi ngủ nữa. Thật mất an toàn hết sức!
14. Giao thông
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết! Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95% tài xế không dám vượt đèn đỏ! Ở nước ta thì phần lớn tài xế đều có thừa dũng cảm vượt đèn đỏ.
Và mặc dầu 99% dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ: Bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, tại sao người lái xe lại không bóp còi inh ỏi cho sướng tay như ở bên ta nhỉ? Phố xá bên Mỹ làm sao mà bì được với phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ!
15. Tình cảm
Người Mỹ rất là thiếu tình cảm và hình như không có cảm xúc. Có tới 95% nhân viên người Mỹ không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp hoặc của con cái sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình cảm thương mến đối với lãnh đạo!
16. Nhạy bén
Người Mỹ không nhạy bén chút nào! 99% người Mỹ đều đi học, đi làm, và thăng quan tiến chức, mà không hề biết đến sự cần thiết của “phong bì” để có thể mở ra một cánh cửa… sau, để giúp cho họ được thăng quan tiến chức nhanh hơn, giống như người Trung Quốc chúng ta!
Vậy thì còn đi Mỹ để làm gì nữa cơ chứ??!!!!
NGUỒN: Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận.
Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch, biên tập lại những phần cốt lõi nhất của bài viết nói trên.

Theo tinhhoa.net