20 tháng 8, 2016

Tự Vinh phó Sài Gòn không biết bao nhiêu tự

Với tôi, ở đâu mà tôi xem như quê hương tôi, như nhà tôi thì mỗi khi từ Sài Gòn đi đến nơi đó tôi gọi là về. Vinh với tôi là một nơi như thế. Từ Sài Gòn nơi tôi đang sinh sống ra Vinh tôi gọi là về Vinh, đi Quảng Bình thì gọi là về Quảng Bình vì nơi đó là quê tôi. Nhưng đi Hà Nội thì chỉ là ra chứ không thể là về. Đơn giản vì Vinh gắn với một chặng đường nhiều kỉ niệm đẹp của cuộc đời tôi, có gần 7 năm tôi ở đó học đại học và cao học; nhất là ở đó có những người bạn thân mà tôi xem như ruột thịt.
10h30 sáng 18/8/2016, tôi chia tay người bạn, người đồng đội Lê Quang Phương, từ biệt xã Tây Hồ Thọ Xuân quê của Phương để về Vinh cũng trên một chuyến xe giường nằm. Giữa chuyến thăm viếng cố đô Lam Kinh ngày hôm trước cho đến sáng chia tay nhau, tôi và Phương còn vi vu  nhiều di tích lịch sử khác nữa như đền thờ Lê Lai, đền thờ Lê Hoàn. Chúng tôi còn đến tận cổng làng Luận Văn nơi nổi tiếng với giống bưởi đỏ Luận Văn, đến đứng trên con đập hồ Cửa Đặt và cả con đập Bái Thượng lộng gió sông Chu… (Xin nói thêm, từ đền Cố đô Lam Kinh đến Đền thờ Lê Lai và Đền thờ Lê Hoàn – Lê Đại Hành tôi và Lê Quang Phương đã nghĩ ra mấy dự án – là những bài báo nhỏ sẽ được viết rất nghiêm túc để góp phần làm hoàn thiện những di tích lịch sử vô cùng quý báu này; và cũng vì nghiêm túc quá nên để dành viết sau).

Trước cửa nhà Lê Quang Phương sáng 18/8/2016. Hình do chị chủ quán cháo lòng tiết canh cạnh nhà Phương chụp.

Đến 15h chiều cùng ngày thì chiếc xe khách đường dài thả tôi xuống trạm bán vé cầu Bến Thủy. Chưa kịp đặt ba lô xuống vệ đường thì đã thấy Nguyễn Trung Ngọc với chiếc Nissan Sunny quen thuộc ra đón. Trên đường về nhà, chúng tôi tranh thủ tạt vô một quán bia hơi có cái tên rất nhạy cảm là Bia Ông Hồ uống mỗi thằng một ca nhựa bia hơi với đậu phộng luộc. Cái ca cũng cỡ nửa lít. Lần đầu tiên tôi uống bia theo phong cách của người anh hùng hảo hán Lỗ Trí Thâm như thế.
Từ đây tôi bắt đầu cho điểm dừng chân ở Vinh với hai ngày còn lại trong chuyến du lịch và thăm thú bè bạn.
Với tôi, căn nhà của Nguyễn Trung Ngọc và Phan Nga đã quá quen thuộc. Đó là một căn nhà đầy ắp tiếng cười nói bi bô của trẻ con là những đứa cháu nội ngoại của Ngọc. Tôi yêu những đứa trẻ như thế và chúng nó hình như cũng có phần thích tôi. Lần nào về Vinh tôi cũng đều ăn nghỉ lại căn nhà của Ngọc Nga, những người bạn trên cả thân thiết; được bế trên tay những đứa cháu dễ thương của Ngọc. Có lẽ đó là lí do khiến tôi hay nhớ và có cơ hội thì đều trở lại với TP Vinh.
Đến được nhà Ngọc thường tôi cũng chẳng muốn đi đâu và gặp ai khác nữa bởi với tôi thế là đã đủ cho một chuyến về Vinh rồi.
Hai ngày ở Vinh cũng là hai ngày mà cơn bão số 3 được gọi với cái tên ghê gớm là cơn bão Thần Sét tràn vào miền Bắc. Các sân bay từ Hải Phòng trở vào đều đóng cửa, hàng chục chuyến bay bị hủy. Bình thường thì chắc tôi cũng lo lắng lắm nhưng lần này tôi rất ung dung không sợ gì hủy với hoãn chuyến. Bởi sau thứ 6 ngày 19/8, ngày tôi có lịch bay vào Sài Gòn là ngày thứ 7 và chủ nhật, có về SG trễ cũng không ảnh hưởng gì tới công việc ở trường; và nhất là có cơ hội ở lại chơi thêm với Ngọc Nga thì cũng chỉ có thêm vui.
Tối muộn hôm qua, Ngọc Nga tiễn tôi về lại SG với lời dặn của Ngọc vô sân bay nếu có trục trặc gì thì thông báo. Trục trặc thì có đấy nhưng không đáng kể vì chuyến bay bị trễ chỉ 15 phút. Trong lúc các sân bay miền Bắc đều bị đóng cửa mà sân bay Vinh vẫn hoạt động bình thường là quá may rồi. Chỉ có một điều không bình thường là trên chiếc Airbus A320 của VJ tối qua có rất ít hành khách. Đang tháng 7 cô hồn lại xôn xao bão tố nên người ta tránh đi là phải. Chỉ có tôi là phó thác cho số phận với câu cửa miệng sống chết có số.
Ngọc chia tay tôi mà hình như không yên nên dừng xe gọi hỏi có gì trở ngại không. Như thường lệ tôi nói với Ngọc là mọi chuyện vẫn bình thường mặc dù chưa có chuyến bay nào từ Vinh về lại SG mà tôi không bị trễ, có chuyến trễ đến cả tiếng.
Hạ cánh xuống TSN lúc 23h3p, rời khỏi máy bay tôi mở đt nhắn tin cho Ngọc và Phương: Mình đã hạ cánh an toàn (đúng nghĩa đen của từ này) xuống SG rồi. Nhớ các bạn lắm.
Lát sau thì Ngọc nhắn lại: OK. Cảm ơn trời đất. Tôi cười thành tiếng ha ha khi đang ở trong nhà WC của sân bay TSN như một thằng điên. Rồi Phương cũng nhắn lại OK. Nếu ai biết chuyện tôi đi Sapa khi cơn bão số 1vừa tan hậu quả chết người ở Lào Cai chưa khắc phục xong; hết 3 ngày ở Sapa trong lúc đài đưa tin cơn bão số 2 đang đến thì tôi lên đèo rời Sapa về lại Hà Nội trong mưa bão; về đến Thanh Hóa lại nghe tin báo cơn bão số 3 sắp đến và rời khỏi Vinh khi cơn bão này đang hoành hành ở Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa… thì mới thấy tôi đã gặp may mắn như thế nào.
10 ngày của chuyến du lịch trong sự yên lặng khác thường giữa những cơn bão qua đi, tôi đã ngồi trong căn nhà mình vừa ăn bưởi Phúc Trạch của Nga cho với vợ con và tóm tắt lại hành trình chuyến đi với rất nhiều cảm xúc và trọn vẹn. Tôi hẹn là Tết này, khi trời yên biển lặng, khi những rừng đào núi Sapa rực nở đón xuân, tôi sẽ làm hướng dẫn viên không chuyên đưa vợ tôi đi Sapa cho biết về một vùng đất đẹp và hấp dẫn nhất Việt Nam với những đỉnh cao Fansipan, núi Hàm Rồng, bản Cát Cát; với những người đồng bào dân tộc H’Mông, Dao Đỏ hiền lành tốt bụng; với những em bé H’Mông dễ thương xinh xắn; với những đồng ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ… là như thế nào.

Tại quán bia hơi Ông Hồ trên TP. quê hương của Bác Hồ. Nguyễn Trung Ngọc với chiếc Nissan Sunny quen thuộc

Cafe Công đoàn sáng thứ 7 ngày CMT8 - CƯỚP chính quyền thành công (19/8) trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trái sang: Phan Nga, Nguyễn Trung Ngọc, Nguyễn Đình Anh và Hà Tùng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới