14 tháng 8, 2016

Hà Nội mùa này ...

15h30 chiều qua tôi và cả đoàn tạm biệt Sapa để quay về lại Hà Nội. Trong lúc mọi người ngồi sảnh khách sạn chờ xe thì tôi tranh thủ ra nhà thờ đá ngắm lại tòa thánh đường cổ xưa, nơi được xem là biểu tượng của Sapa lần cuối. Đồng bào dân tộc H’Mông và Dao đỏ ở Sapa xem đây như là quảng trường trung tâm của thị trấn vùng cao này nên từ sáng sớm đến khuya lúc nào cũng thấy họ tụ tập ở đây để trao đổi, mua bán hàng thổ cẩm thủ công.
Tôi bấm kiểu ảnh cuối cùng trước khi tạm biệt Sapa, nơi mà tôi nghĩ đáng lẽ mình nên đến sớm hơn mới phải đạo.
Xe vừa lên đèo thì trời đổ mưa to. Con đèo dốc độc đạo vô cùng hiểm trở thuộc quốc lộ 4D nối giữa Sappa với TP. Lào Cai hẹp như ngón tay, ngoằn ngoèo như con rắn lượn suốt vài chục cây số, năm nào cũng xảy ra tai nạn thảm khốc với xe chở du khách là nỗi kinh hoàng của hành khách đi ô tô từ bao đời nay. Mới cách đây mấy ngày do bị ảnh hưởng bởi mưa bão số 1 đã bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều khúc, lũ cuốn trôi gần hết cả một gia đình sống trên đỉnh đèo gồm 3 mẹ con chỉ còn lại anh chồng sống sót nhờ mắc vào gờ đá. 3 ngày trước khi tôi đi lên nhiều chỗ còn chìm trong bùn, căn nhà bị lũ bùn lướt qua còn bày bàn thờ di ảnh 3 mẹ con xấu số bên vệ đường. Trong lần sạt lở ngày 5/8 mới rồi có 2 chiếc xe du lịch 40 giường nằm bị bùn đất chôn ngập hết bánh may mà không bị trôi xuống vực. Tỉnh Lào Cai phải điều hàng trăm người đến cứu hộ 80 du khách mắc kẹt trong bùn đất. Tôi xem trên TV mà phát hãi (bây giờ khi đã yên vị ở Hà Nội tôi mới dám viết những dòng này).
Xe lên đèo và tôi nằm nhắm mắt lại không dám nhìn cái vô lăng quay tít nơi tay người tài xế, cũng không dám nhìn ngắm gì nữa hết, lòng đầy lo âu cầu trời cho xe tôi qua lọt con đèo này, dù biết sống chết đã có số. Cả 40 người trên xe toàn là khách du lịch Tây ba lô và Hàn Quốc ba lô cũng tuyệt đối im lặng, hình như họ đang cầu chúa. Tôi không có chúa nên chỉ biết cầu trời.

Khu đất rộng trước nhà thờ cổ Sapa như một quảng trường của thị trấn vùng cao là nơi đồng bào dân tộc H'Mông thường tụ tập gặp gỡ chuyện trò mua bán hàng hóa thủ công thổ cẩm

Chụp kiểu ảnh cuối cùng để tạm biệt Sapa

Mưa trắng trời suốt từ Lào Cai, Yên Bái về đến Hà Nội. 21h đêm thì tôi xách ba lô chui tọt từ ô tô vào khách sạn và cảm thấy hú hồn.
Khách sạn tôi ở nằm trên con phố cổ Tống Duy Tân quận Hoàn Kiếm có cái cổng chào to tướng đề là Phố ẩm thực của Hà Nội, du khách Tây ba lô ăn uống ì xèo suốt đêm. Tôi ra vỉa hè khách sạn làm một tô phở bò thật to thật nóng rồi trùm kín mền ngủ một giấc cho đến 8h sáng nay, nếu không có điện thoại của chú Ngọc gọi chắc tôi còn ngủ nướng đến trưa mới dậy.


Có tâm hồn ăn uống nên tôi chọn KS ở ngay trong lòng con phố này

Ngọc đến, 2 anh em tôi tản bộ ra Bờ Hồ ăn sáng, uống café và chụp ảnh. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều kỉ niệm của tôi, nhớ nhất là thuở nhỏ học cấp 1 có lần theo ba tôi ra công tác Hà Nội, tôi đi bộ quanh hồ vừa đi vừa mút hết 10 cây cà rem mỗi cây giá một hào. Hết đúng một đồng với 10 cây cà rem thì giáp một vòng Bờ Hồ.
Xong vụ café ngắm cảnh, hai anh em về căn hộ chú Ngọc ở Nam Từ Liêm đi chợ, tự nấu lấy ăn (chú Ngọc làm việc ở HN một mình, vợ con sống cả ở Qui Nhơn). Cũng rất thú vị.

Lâu lắm rồi tôi mới quay lại nơi này

Trời Hà Nội vừa mưa xong, buổi sáng ven hồ xám xịt

Hai anh em tôi thì trên từng cây số đã 20 năm nay


Chẳng mấy khi tôi và chú Ngọc có dịp thư thả tản bộ từ phố cổ ra Bờ Hồ thế này

Quanh Hồ Gươm anh em tôi vẫn bàn chuyện vua Lê
Lòng vẫn còn rêu phong chuyện cũ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới