24 tháng 7, 2016

Comment


Tào lao mấy vần
Vui tặng Hà Tùng Sơn


Trời sinh ra bác Tùng Hà
Bạn bè thời lắm người nhà thời đông
Giang hồ vặt Tây Đông Nam Bắc
Thân một nơi hồn khắp muôn nơi
Mỗi lần hết một cuộc vui
Lại về gõ gõ một hồi thành văn

Nọ bút ký hung hăng hài hước
Ghi bài ca thuở trước ùng oàng
A K báng gấp bên hông
Sau lưng hai oát nghiến mông tạch tè

Rồi Tản văn bác ghè phát một
Đang tửng tưng lại độp cái ghê
Nào là thủ tướng nước kia
Đi xe không mũ miễn chê ông rồi
Lại nhìn đất nước này coi
Quan cao như thể ông trời với dân

Rồi đang lúc sóng gầm ta thán
Biển thương đau hải sản tiệt nòi
Công văn của cậu ông trời
Cấm dân nghệ sỹ ca bài lương tâm


Thấy biển chết gạt thầm nước mắt
Bác lại ca bài hát Quảng Bình
Lời thơ mang nặng nghĩa tình
Biển xanh cát trắng Quảng Bình quê choa

Ô ba ma anh chàng tổng thống
Ghé vào thăm Đại Việt nước nhà
Anh khen chàng ấy rõ là
Trung thực là đức quan nhà nên soi

Gõ bàn phím một hồi thấm mệt
Hiệu trưởng giao mấy việc làm rồi
Giang hồ bác lại rong chơi
Tào lao bầu bạn như hồi còn trai


Bao giờ ra Bắc lần hai
Rủ hai ông Ngọc cho vui tang bồng
….

LQP
Địa chủ mới Lê Quang Phương giữa đồi sim tím

21 tháng 7, 2016

Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi

Chiều nay đang giờ làm việc ở trường thì Nguyễn Duy Xuân từ Buôn Ma Thuột xuống Gò Vấp thăm cháu ghé chơi.
Tôi đưa Xuân lên nhà hàng café Sota của trường trên lầu 5 ngồi uống trà và café.
Xuân là bạn học cùng lớp đại học với tôi, dạy ở Cao đẳng SP trên BMT từ ngày ra trường đến nay. Tôi hỏi Xuân khi nào đến tuổi về hưu, hắn nói 2 năm nữa. Vậy là có khi Xuân về hưu cùng lúc với anh tông chọng về vườn. Vinh dự thế.
Xuân đến mang theo tặng tôi cuốn thơ dày 100 trang mới in xong với lời đề tặng trân trọng.
Đây đã là tập thơ thứ 2 của Xuân in riêng, còn in chung thì có chừng dăm bảy cuốn chi đó. Trong đám bạn học cùng lớp thời đại học của tôi có một bộ phận không nhỏ thích viết lách văn chương thơ phú, Nguyễn Duy Xuân là một tay đam mê trong số đó.
Tập thơ này lấy tên Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi đã trở thành nổi tiếng khi được một anh nhạc sĩ ở Bình Dương phổ nhạc từ nguyên bản bài thơ Tổ quốc của Xuân và đã đạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Tổ quốc tôi do Hội Thanh niên VN và báo Thanh niên tổ chức hồi năm ngoái.

In tập thơ này, Nguyễn Duy Xuân đã có một nghĩa cử đẹp là dành từ số tiền bán sách ít ỏi để ủng hộ  Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đắk Lắk ba triệu đồng. Trước đó, Xuân cũng đã trao 500.000đ từ số tiền bán tập thơ này cho chị Nguyễn Thị Thúy (xã EaKpam, CưMga', Đắk Lắk) bị khuyết tật bẩm sinh, không nghề nghiệp, một mình nuôi hai con nhỏ hiện đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) vì bệnh hiểm nghèo.

Tập thơ mỏng trăm trang nhưng nhiều ý nghĩa của Xuân

Với lời đề tặng trân trọng

Bài thơ được phổ nhạc đat giải cuộc thi sáng tác ca khúc toàn quốc 2015 cũng đủ để Nguyễn Duy Xuân sướng âm ỉ được vài tháng

14 tháng 7, 2016

Với Nguyễn Thế Tường

Với lão văn sĩ Nguyễn Thế Tường bên bờ Nhật Lệ, tháng 3/2016.

Giờ nhìn lại thấy lão Tường Nguyễn Thế ngồi không ra tư thế nhà văn lớn, tác giả của truyện ngắn nổi tiếng "Hồi ức một binh nhì" gì cả.

                                        (Ảnh: FB Trương Duy Quyền)

13 tháng 7, 2016

Kết thúc chấm thi

Ra balcol chụp tấm hình kỉ niệm với học trò cũ  và cũng là đồng nghiệp:

11 tháng 7, 2016

Được bác Trần Mùi khen

Chiều nay do đội quân Ban Thư kí HĐCT làm không kịp tiến độ nên 2 tổ chấm được nghỉ xả láng. Ăn trưa xong ngủ một giấc thỏa thuê liền gọi điện rủ rê bác Trần Mùi đi cfe HHT.
Trần Mùi là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; là phu quân của ca sĩ, NSUT Tô Lan Phương rất nổi tiếng trong những năm chiến tranh chống MĨ và chống Tàu.  

Hai anh em tôi chơi với nhau cũng đã chục năm nay, từ khi Trần Mùi còn làm ở Sài Gòn Tiếp thị và Hàng VN chất lượng cao.
Tối nay vô FB thấy bác Trần Mùi đăng hình hai anh em ngồi cfe HHT và có cả bài viết sau, cũng đã lâu lắm rồi, từ 2012.

Với NS. Trần Mùi chiều nay

Gần 2 năm nay giờ mới gặp lại Hà Tùng Sơn. Cùng hàn huyên bên ly cà phê, chụp với nhau một tấm ảnh và nhớ nhiều kỷ niệm cũ...một bài viết về Hà Tùng Sơn vào tháng 6.2012 nay đăng lại để tặng "Người bạn xứ Nẫu".
...Không nhớ là bao năm rồi, nhưng có lẽ từ rất lâu tôi biết anh khi tới Đài Truyền hình Bình Định làm việc. 
Gặp anh, quen anh và dễ nhớ bởi hình thức gồ ghề, người chắc nịch như người dân vùng quê anh Làng Thọ Lộc tỉnh Quảng Bình. 
Mà đã là dân của sông nước thì phấn lớn hay “ăn to nói lớn” đó cũng là điều dễ hiểu. 
Quen nhau ắt hẳn là cái duyên, rồi hợp nhau cũng là sự chân tình…
Cho nên mỗi lần ra Bình Định, tôi phải tìm tới anh, trò chuyện “trên trời dưới biển” và “chén tạc chén thù”…
Blog Hà Tùng Sơn mới đây viết “Nốt trầm xao xuyến” kèm theo một vài bức ảnh. Ảnh anh chụp với những người bạn thâm giao hồi anh còn đảm trách công việc Trưởng phòng Biên tập Chương trình của Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định… Nét ưu tư, trầm buồn thoang thoảng gợi nhớ “Cái thưở ngày xưa ấy” hiện rõ trên khuôn mặt nửa vui nửa buồn…và tôi ấn tượng hơn là bức ảnh chụp căn nhà - nơi gia đình anh ở trên con đường nhỏ yên ả nằm sát ngay mép núi ở Quy Nhơn.
Tôi nhớ, bởi có đôi lần ghé qua.
Anh nhớ, nhớ đau đáu nơi ấy… bởi nó gắn bó gần một đời người với bao kỷ niệm vui, buồn, trăn trở…cho dù hôm nay anh và gia đình đã yên bề định cư tại Sài Gòn. 
Nhiều khi tôi nghĩ anh là người của xứ Nẫu, bởi anh rành xứ này như rành con sông giếng nước, con đò của quê hương của anh, nơi cảnh vật sông núi thật hữu tình và…vô hình chung quê anh cùng xứ Nẫu Bình Định đã ngấm vào con người anh cái chất thơ ca lãng mạn của sông của biển và của núi… 
Thời chiến tranh, anh là người lính. 
Khi hòa bình, lại tiếp tục “dùi mài kinh sử” và sau này là giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Quy Nhơn, một Nhà giáo đúng nghĩa : 
Có tâm, có kiến thức và tầm nhìn được sinh viên nể trọng, 
Một nhà báo có bề dầy kinh nghiệm nơi quê hương của người Anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ…
Vậy làm sao mà không nhớ không thương ?
Khi biết tôi sắp sửa đi Bình Định, anh Email nhắn :
“Bác đi Quy Nhơn cho em gửi theo vào đó sự thèm thuồng và nhớ về Quy Nhơn nhé”
Ôi, người bạn của tôi ! Sài thành hoa lệ cùng với sự bận rộn tới chóng mặt cho dù có đầy đủ, cho dù có hoa lệ đến mấy đi chăng nữa…Hà Tùng Sơn vẫn nhớ, vẫn thương về một vùng yên ả đến se lòng…

Bài và ảnh : Trần Mùi
TP Hồ Chí Minh 23.6.2012

8 tháng 7, 2016

Đến hẹn lại lên

Cứ như là câu hát trong dân ca quan họ, hàng năm cứ sau mùa thi của các cháu thế hệ 9x (vài năm nữa sẽ là 10x), đến hẹn là tôi lại lên với Trường Đại học Kinh tế - Luật để tham gia Hội đồng chấm thi. Tôi chỉ làm nhiêm vụ giúp trường bạn ở Tổ chấm kiểm tra.

Nói thực là năm nào tôi cũng lên làm mỗi cái công việc chán ngăn ngắt lại mất thì giờ và đi xa (mãi Linh Xuân, Thủ Đức) này đơn giản chỉ là là do tôi thích ngôi trường này.  

Tổ văn vẫn ở lầu 6 như mọi năm

Vẫn cái cổng trường giản dị nhất thế giới. Mùa chấm TS năm 2011, khi lần đầu tiên lên đây và thấy cái cổng trường quá đỗi đơn sơ này tôi đã tưởng là cổng tạm bợ của một công trường đang xây dựng.


Xa xa là làng đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 


Họp toàn thể Hội đồng chấm thi. Năm nay có cả truyền hình đến quay phim đưa tin


4 tháng 7, 2016

Chuyện hôm qua

Những hình ảnh trong chuyến du hí miền Tây của 5 thằng lính C20 dịp họp mặt Sư đoàn 341 nhân kỉ niệm 41 năm ngày 30 tháng 4. Một chuyến đi mà theo như lời Nguyễn Quang Ngọc nói là đi về cả tuần rồi trong người vẫn lâng lâng. 
Hình ảnh Lượm lặt từ Facebook của Lê Quang Phương:


Dưới chân tượng đài người anh hùng Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định ở Tiền Giang. Trái sang: Trương Ngọc Kim, Lê Quang Phương, Lê Sơn, Hà Sơn (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc) 


Trên dòng Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua Long An. Trái sang: Lê Sơn, Nguyễn Quang Ngọc, Hà Tùng Sơn


Trên cây cầu dừa lắt lẻo ở Cai Lậy, Tiền Giang. Lê Sơn và Hà Sơn 


Trước nhà Trương Ngọc Kim ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Người phụ nữ đứng giữa là Liên vợ Kim, sinh viên khoa 15 khoa văn ĐHSP Vinh. GV Trường CĐSP Tiền Gang. Riêng Lê Quang Phương phải mượn thêm cái máy chụp hình khủng của Nguyễn Quang Ngọc treo vô ngực cho thêm phần oai vệ.


Lê Quang Phương tại Mekong Restaurant





2 tháng 7, 2016

Tụ tập trái phép

Đang lúc cá chết máy bay rơi thì có một nhóm cựu GV ĐHSP QN lưu vong ở SG tụ tập trái phép tại Sơn Ca 3 Phú Nhuận vào tối qua và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

Trái qua: Nguyễn Tiến Lực khoa Sử, Thắng khoa Lý, Nguyễn Thanh Minh và Hà Tùng Sơn khoa Văn.