Triền miên tiểu thuyết của Lê Quang Phương
Chương
V: MÚA
LỘN NƠI THÔN CÙNG
- Thưa nhân dân, trưởng
thôn Hoàng Lộc Hầy nói, bây giờ có lẽ đã
đến 15 giờ kém 15, ta họp thôi. Thưa nhân dân có lẽ mọi người đi chậm. Bây giờ
đã 15 giờ (lại co tay nhìn đồng hồ)
kém 15, chiều, sắp hết buổi chiều. Thưa nhân dân, thôn ta có một ngàn hai nhân
khẩu. Bảy trăm bảy cử tri. Bây chừ, ta có mặt một hai ba bốn năm sáu bảy tám,
tôi là chín, ông Hích là mười, Bạo mười một, Hồng, Hồng mười ba. Bí thư mười
bốn. Phụ nữ (hội) mười lăm . Da cam(hội)
chưa đến nhưng chắc đến, đó vừa nói đến là đến, vô đi mười sáu. Mặt trận mười bảy,
chị Minh vô đi, con Minh nữa hai tám. Nông dân(hội) chưa đến, ta tạm tính ba
mươi, cựu chiến binh ba mốt. Quân dân số đi tạm ổn. Tốt. Các cụ bốn hai. Báo
cáo cuộc họp đông đủ đại diện nhân dân, dân chủ đảm bảo, đại diện các ban ngành
hội đoàn thể đảm bảo… Cuộc họp hôm nay bàn nhiều việc to lớn quan trọng. Tôi đã
bắc loa gọi mãi nhân dân đi họp. Thay mặt ban thôn tôi bắt đầu họp. Tôi trưởng
thôn xin chủ tọa và giới thiệu đồng chí Thụng (định nói Thụng Kều nhưng
thôi) bí thư thôn lên phát biểu ý kiến
lãnh chỉ đạo của trên theo tinh thần đã quán triệt nhất trí và cho phép của hội
đồng quyết liệt và quyết liêt.
- Thưa nhân dân, thưa các cụ, có lẽ bây chừ ta họp vì đã bốn giờ mười
lăm. Bí thư Thụng sau mấy lần rít thuốc lào và đằng hắng dọn
giọng bắt đầu lên tiếng.
- Đã
thưa nhân dân rồi lại còn thưa các cụ. Trưởng thôn Hầy nhắc bí thư Thụng.
- Thưa thế là đúng chứ răng không. Bí thư Thụng quay lại
phản biện đồng chí trưởng thôn rồi lớn giọng: Tôi vẫn thưa các cụ. Vì như lời đồng chí Hích trưởng làng đã nói chúc
mừng các cụ trong bài thơ báo liếp ở đình ta:” Kính già đa thọ đa dâm”. Vầy
thưa các cụ. Thưa nhân dân. Tôi được sự cho phép của hội đồng đảng ủy xã quán
triệt tinh thần bầu cử các chức danh nhiệm kỳ mới trong cơ cấu nhân sự đợt này.
Nhân dân ta, các cụ ta, cùng các đoàn thể chúng ta lắng tai nghe, trật tự nghe
để quán triệt rồi thảo luận rồi giới thiệu .
- Ô tời tời lại bầu với bán. Có
tiếng người dân nào đấy nói ngang.
- Tôi lại nhắc đồng chí bí thư thêm một lần
nữa là không phải “kính già đa thọ đa dâm” mô. Nhắc mãi đính chính mãi trong
cuộc họp người cao tuổi rồi.
Ông Chủ tịch hội người cao tuổi vội vã nhắc
nhở đồng chí Thụng. Ông vốn là bí thư đảng ủy xã Xuân Nồng này từ thời bắn may
bay Mỹ. Ông chả có văn hóa lớp mấy cả, vì ông bà cha mẹ là bần cố nông cộng với
tinh thần làm bèo hoa dâu không sợ rét mướt nên ông được kết nạp. Ông đi dân
công đắp đê, mỗi gánh cả tạ đất chả thua gì mấy chị dân quân xóm vác cả hai hòm
đạn dính nhau. Hồi thanh niên ông khỏe lắm. Mần chi cũng phăng phăng không
quản, không thèm suy nghĩ. Dốn Mím là tên của ông. Dốn là tên cha mẹ đặt cho.
Mím là tên bon thanh niên thanh nữ gán cho. Mồm thằng Dốn cứ mím môi lại mỗi
khi hắn làm việc nặng. Việc càng nặng hắn càng mím chặt môi. Ai quát hắn hẵn
cũng mím môi cấm cãi lấy một lời. Cứ cấp trên bảo làm là mím môi cắn lưỡi lấy
mà làm, làm bằng được, làm bằng chết. Việc càng nặng càng khó càng mím chặt
môi. Từ tổ trưởng bèo hoa dâu hoặc tổ trưởng tổ vớt rong vớt bèo tây ở ao cồn
làm phân xanh đến anh thư ký đội đều là cấp trên của Dốn Mím. Đều quát tháo và
sai vặt được Dốn Mín. Thanh niên có tí đầu óc sáng dạ lần lượt ra đi trong
những ngày vui sao từng đoàn ra trận. Dốn Mím mần việc chi cũng khỏe đấy nhưng
không hiểu tại sao lại yếu tim và huyết áp cao nên lần nào khám cũng trượt bộ
đội. Ở lại hậu phương Dốn Mím phấn đấu chăm chỉ, ngoan ngoãn vâng lời, rồi được
làm bí thư xã đoàn rồi bí thư đảng ủy xã vì nhiều thành tích. Thành tích quan
trọng nhất là bắt trói lợn trong làng xã. Không đủ sức khỏe đi bộ đội nhưng Dốn
thừa sức lực trói lợn vật trâu. Một tay nắm đuôi kéo, một tay bắt cẳng, một cú
huỵch là con lợn to mấy thì to cũng bị Dốn vật ngữa ngon ơ. Rồi một mình kéo
lên xe cải tiến, một mình đẩy cả non tấn lợn lên nhà thực phẩm huyện. Dốn Mím
tuy yếu tim nhưng mổ lợn nhanh lại sạch. Cái đẹp nhất của đồng chí Dốn Mín,
được cán bộ các cấp thôn làng, xã huyện ngợi khen là động tác một mình chọc
tiết lợn. Một lát cắt ngọt nhẹ nhàng ngang cổ. Một cú đâm thọc dao nhọn vào đứt
cuông tim. Máu lợn tuôn xối xả đầy chậu. Không anh dũng giết giặc đổ máu ngoài
chiến địa thì anh hùng chọc tiết lợn nơi hậu phương. Làm thịt lợn nhanh mà
sạch, phay ra cân chia theo phiếu thực phẩm. Trước hết là cho các đồng chí cán
bộ huyện. Sau đó là mới đến nhân viên các cấp. Nếu có giáo viên đến chìa phiếu
ra đòi mua thịt thì Dốn kêu là thịt hết mặc dù còn. Đồng chí Dốn ghét nhất là
người chó học. Cái lũ có học lắm lý sự không lọt được lỗ tai của đồng chí Dốn
mù chữ. Tuy vậy từ ngày gánh vác trọng trách bí thư đảng ủy xã trong thời chiến
tranh, đồng chí đã quyết tâm nâng trình độ toàn diện của mình lên để đáp ứng
yêu cầu. Bắt đầu là việc tập cầm bút học chữ kí “Trịnh Dốn”.
Bên cạnh thành tích mổ và chọc tiết lợn nhanh
sạch đẹp được tỉnh đoàn khen tặng bằng khen danh hiệu “Đạt nhiều thành tích
trong lao động sáng tạo nơi hậu phương” lúc còn đang làm bí thư xã đoàn, Dốn
còn có thành tích đặc biệt khác. Dốn coi đó là thành tích. nhưng không kê khai
để nhận bằng khen lúc làm bí thư đoàn hay bí thư xã ủy. Đó là việc đêm đêm đi
giúp đỡ các vợ bộ đội, động viên các vợ liệt sĩ bỏ mình vì nước.
Thằng bí thư Dốn Mím bị anh em cha mẹ các đồng
chí bộ đội đang sống hoặc đã chết ngoài chiến trường ngày ấy khinh thường lắm,
căm ghét lắm. Ghét như xúc cứt đổ đi, nhưng cứ thấy hắn lại tươi cười, chào
thưa, bẩm hỏi. Ngày nay cứ gặp người đàn ông nào là con các bà vợ liệt sĩ trong
xã, vợ bộ đội, có động tác mím môi mím lợi thì đích thực là đứa con rơi của cụ
cựu bí thư Dốn Mím rồi. Chả cần xét nghiệm ADN cho tốn tiền. Lũ này chả thèm nhận cụ làm cha mần chi cho
rách việc. Chúng là lũ con liệt sĩ giả cầy. Số này nhiều cỡ mấy chục, có ở cả
ba làng. Còn nguyên bí thư xã ủy Dốn Mím cũng chả dại gì mà nhận đám con rơi con vãi ấy. Nhận rồi để
chúng đòi chia tài sản đất đai, rồi đánh nhau, rồi chí chóe, ai mà chịu được. Dốn
Mím được những người vui tính ở làng Chân Mây ví như con ruồi đực cưỡi lên lưng
con ruồi cái, nhấp đít mội cú rồi bay đi, có cần biết đến con cháu ra sao.
- Không đa dâm mà là đa tâm. Đa tâm đồng chí
nhớ chưa. Cụ Dốn đang sang sảng giảng giải cho đồng chí bí thư
chi bộ thôn. Câu lạc bộ thơ làng ta và
câu lạc bộ liên thế hệ xã mình đã sinh hoạt thơ, bình thơ, có giấy mời mà đồng
chí vắng mặt. Bữa đó đã bỏ phiếu đi đến thống nhất đính chính đa dâm thành đa
tâm, đồng chí không biết nên vẫn đọc đa dâm. Kết quả bỏ phiếu 41% là đa tâm,
22% là đa đâm, riêng tà dâm là ít phiếu nhất chỉ có 7%. Còn lại là mấy phần
trăm đó giữ nguyên câu các cụ đa thọ đa dâm. Cái anh đa tâm phiếu cao nhất nên
biểu quyết câu thơ đó là đa tâm. Đây là việc rất rất chi là hệ trọng, vì nếu nói các cụ đa dâm là không
làm gương cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo được. Bọn thanh niên nó lại thắc
mắc. Xã ta lại đang nhức buốt chuyện nhà nghỉ Tuyết Vân sao mà lắm đôi vào làm
việc. Rồi làng văn hóa ta tháng tháng
lại xảy ra chuyện hiếp dâm…
Cụ Dốn nguyên bí thư xã ủy bây giờ không đa
dâm là đúng rồi. Cụ đã ngoài tám mươi, còn chi nữa mà dâm với dật. Cụ nói năng
còn lưu loát nhưng người hom hem còm nhom. Hàm răng giả trắng hơn hớn, môi mim
mím thật tội nghiệp, chân run tay lẩy bẩy ngó mà thương, chắc cũng sắp chết rồi
nên cái thời làm bí thư có bao nhiêu tội lỗi với dân làng Chân Mây và cả xã
Xuân Nồng (vốn có trái tim con người) cho qua hết. Hòa bình rồi mà. Riêng cái
tội đoạt tình vợ liết sĩ và vợ bộ đội rồi vãi con ra mà không nhận để con cùng
cha khác mẹ chúng lại lấy nhau, rồi cháu của chúng lại cưỡng hiếp nhau, làm
thui chột giống nòi thì tổ tiên nhà nguyên bí thư Trịnh Dốn không tha thứ được.
Không phải trăm phần trăm vợ liệt sĩ và
vợ bộ đội thời đó im lặng để cho đồng chí bí thư xã ủy Dốn Mím vào buồng. Có đêm Dốn bí thư đi
tuần tới gõ cửa chị Hào (mới làm lễ truy điệu chồng được năm ngày). Chị Hào
chìa cái liềm ra dọa “Cái thằng Dốn Mím chó dái ni, mi mà bước qua
nghạch cửa nhà tau là tau móc mắt ném cho chó đớp”. Rồi bà la to “ Trộm trôm trộm, ối dân quân du kích ơi
trôm trôm trộm”. Bí thư xã thật bất ngờ, vì đã là bí thư xã rồi thì muốn
con mẹ mô mà chả được. Không ngờ cái con mẹ Hào vắng chồng lâu rồi. Lại mới
truy điệu chồng mà còn mần ta đây ta đó. Bí thư xã phải vội vàng tụt dép, tay
ôm cặp da, tay xách dép, chạy chạy chạy, rồi lanh lẹn đầm mình xuống ao Cồn.
Dân quân du kích làng xóm nghe tiếng hô kéo nhau ra bắt trộm. May mà ao Cồn ngày ấy lắm năn nhiều lác xen với sen
đang độ lá tốt hoa tươi, là nơi ẩn náu an toàn của tên trộm. Có may mà lại
không may. Ao Cồn có sen có súng lại còn có cả những đám cây ấu dày đặc gai củ
ấu. Cá còn sợ gai củ ấu huống hồ da thịt thằng Dốn. Vô phúc tiểu đức cho thằng
trộm lúc lên bờ lại đi lạc qua đám gai ấu. Củ ấu được bữa đâm gai cho thấu
xương buốt óc thằng trộm. Củ ấu nổi lềnh bềnh những gai là gai đâm từ cổ lên
cằm lên cái môi mím của Dốn Mím đang bậm mồm mím môi. Củ ấu gai nổi lờ đờ đâm
từ cổ xuống dái thằng trộm. Củ ấu gai xanh đen chìm trong bùn non đâm từ dái
thằng Dốn Mín xuống đầu gối hắn. Củ ấu lâu năm đen bóng gai nhọn hoắt như gai
cây bồ kết chìm trong bùn sâu cứ nhè chân thằng trộm tình mà cắm vào rồi gãy ra
để lại đầu nhọn đen tẩm bùn độc đáy ao vào da thịt bí thư Dốn Mín.
Gần sáng Dốn Mím mới mò về được đến nhà. Hắn
cởi trần ra, súng lục của hắn cũng bị gai củ ấu đâm đang đỏ tía và sưng lên vắt
vẻo hai bên đùi. Đặc biệt là bao súng bằng da người thật của hắn là bị gai ấu
hỏi thăm nhiều hơn. Dốn Mím nằm tô hô trên giường, tất nhiên là mím môi bặm
miệng, không hé ra kêu la đau đớn lấy nửa lời. Vợ hắn phải dùng nhíp nhổ râu
của bố chồng nhổ từng đầu cái gai ấu ra khỏi da thịt đàn ông mà trắng hều của
hắn.
Sau này Dốn được huyện biểu dương vì thành
tích lùa nhưng không bắt được bọn hàng chài dưới sông Chu đêm đêm lên ăn trộm
cá ao Cồn. Cá ao Cồn là nguồn phân phối cá cho cán bộ huyện khi tết đến.
Bây giờ cụ Dốn nguyên bí thư Đảng Ủy xã giai
đoạn 1965 đến 1976 đã về hưởng lương hưu địa phương và hưởng thêm trợ cấp người
có công (là thương binh loại 4, tỉ lệ thương tật 39% -Không ai biết củ ấu đâm
mà thương tích như đạn bom vậy).
- Thưa các cụ cùng với hôi nghị. Tôi đồng ý
với cụ Dốn là các cụ đa tâm. Theo nghị quyết hội đồng hôm nay ông Hầy trưởng
thôn sẽ (đã) quán triệt. Bí thư Thụng nhường lời cho cụ Dốn từ
lúc tới giờ nay lại lên tiếng.
- Đồng chí bí thư quán triệt chứ tôi chỉ tập
hợp thôn thôi. Hầy trưởng thôn nói.
- Tôi đang quán triệt đây. Đồng chí Hầy lại
đùn đẩy trách nhiệm cho tôi rồi. Tôi đại diện cho Đảng thôn lãnh chỉ đạo đạo
đường lối. Đồng chí đại diện cho chính quyền thôn thực hiện. Việc bỏ phiếu lần
này vô cùng quan trọng bầu ra những người tài đức để lãnh đạo thôn làng ta đạt
danh hiệu về nông thôn kiểu mẫu mới. Theo tinh thần càng về nông thôn mới càng
sớm càng tốt, mức thưởng càng cao.
- Lại bầu bán, viền thôi.
Có tiếng thì thào truyền tai nhau ở hàng ghế bên dưới,
nơi dân thường hay ngồi. Cán bộ thôn xã ngồi hàng ghế trên không nghe được dân
đang rủ nhau đi về khi nghe đến chuyện bầu cử. Bí thư Thụng thì đăm đăm đọc tài
liệu hướng dẫn. Trưởng thôn Hầy thì chăm chú đối chiếu xem Thụng đọc sai chỗ
nào để kịp thời bắt bẻ. Một đồng chí cúi mặt xuống ê a ề à đọc rặn ra từng chữ,
một đồng chí chực chờ theo sát từng lời để bắt lỗi, chả ai nhìn hội nghị. Khi
cả hai đồng chí đọc xong ngửng đầu lên thì thấy chỉ còn các đồng chí lãnh đạo
đoàn thể, dân đâu chả thấy.
Chuyện họp dân mà chả có dân chỉ toàn là cán bộ là việc thường xuyên nơi làng xóm. Nó
quen đi rồi chả việc chi mà phải bận lòng. Cứ thế mà tạc vào biên bản báo cáo
lên trên là đã được thông qua nhân dân và nhân dân đồng thuận một trăm phần
trăm. Anh dân nào có ý kiến lại, rằng thì là ai bảo chúng bay không đi họp, ai
bảo đang họp lại về. Có mấy đứa ngồi họp thì không mở mồm mở miệng ra nói lấy
nửa lời. Cứ gật gù đồng ý. Choa làm mất dân chủ của bay hay là bay chả thèm vào
cái dân chủ của bay.
Trong cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thương bệnh
binh thôn Tứ, đồng đội cật vấn chủ nhiệm câu lạc bộ (cũng chính là Thụng bí thư
thôn kiêm luôn) rằng:
- Tại sao đồng đội mày lại làm mất quyền dân chủ của dân xóm đi. Bọn tao
hỏi thật đồng đội, quân dự án xây dựng nông thôn mới đó hắn cho đồng đội được
mấy trăm mấy triệu mà nhà văn hóa đang có đó đập đi, bán đất cho nhà hàng Tình
yêu và sự kiện. Rồi nhà hàng Tình yêu sự kiện đó lại là nhà thầu đứng ra nhận
thầu xây nhà văn hóa thôn lợp tôn tỉ bày, xa trung tâm xóm, chưa bàn giao xong
đã nứt tường nứt móng.
- Căng thẳng làm chi, làm quan thì phải chấm
mút. Mẻ không ăn mẻ chết. Một đồng đội khác lên tiếng, rồi nhiều
người vào cuộc đấu khẩu.
- Nói
thế mà nghe được à! Ăn nơi khác chứ đừng ăn quẩn dân đen hàng xóm!
- Ăn bẩn
nơi mô cũng là ăn bẩn.
- Các ông cứ làm như thời xưa, bao giờ trở lại
thời xưa.
- Dân thì gian quan thì tham.
- Dân không gian thì sống sao được.
- Cán bộ thôn được mấy đồng mà bảo hắn không
moi móc tiền dân. Không moi móc ăn bẩn tiền dân thì bốc đất mà ăn à.
- Tau
nói cho các đồng đội biết. Không dễ mà mua được thằng này đâu nhớ. Hắn cũng mời
tau đi ăn sáng mấy bữa thì tau đi. Thụng lên tiếng trả lời đồng đội. Gọi bỏng cổ dát họng, dân được mấy đứa đi
họp. Bay đi xây mỗi ngày trăm rưởi, biểu bay đi họp bay lẫn như chạch. Mình tao
chống chế với bọn xã chống mần răng được. Quân xã bảo nghị quyết hội đồng rồi
phải chấp hành. Ý thức tổ chức kỷ luật đảng của đồng chí đâu. Đồng đội bay chỉ
nói cái mồm có thằng mô đi họp, có thằng đi họp thì ngậm mồm như hến. Tau với đồng đội bay có
được đứa mô biết chi đến luật này luật nọ, có mấy đứa ngồi đây là đảng viên, kể
cả tau đây là bí thư thôn mà có nhớ chi điều lệ với nghị nghị quyết nên phải
tin tưởng đảng ủy với hội đồng mà làm theo. Trên đó hắn có tư pháp với văn
phòng Đảng ủy, chắc là hắn đúng cả.
- Thôi thôi, miễn bàn chuyện chính chị chính
em, dân chủ dân chọt chi ở đây. Ta bàn chuyện câu lạc bộ coi có góp được liên
hoan ăn bữa thịt chó không. Coi quỹ được mấy để tính đi du lịch
- Tao làm bí thư được triệu lẻ bạc
nhưng tao đéo thèm tham ô như những
thằng khác lắm bạc nhiều tiền.
- Thôi đi đồng đội Thụng. bọn tao biết kiếm
được thằng bí thư thôn như mi chừ hiếm lắm. Bọn xã cũng chả muốn mi làm bí thư
mô. Nhiệm kì sau đấm vô mà mần nữa.
- Các
ông dốt ngu tăm tối lắm. Cái thằng Thụng còn tí máu người tử tế phải bầu cho
hắn làm bí thư thôn. Cái thằng Phập mà làm bí thư thôn ni coi, liệu đó mà đóng
ghóp.
Bí thư Thụng người gầy nhẵng nên đã cao lại
càng cao. Làm bí thư phải gương mẫu. Muốn gương mẫu phải có cái để mà gương
mẫu. Người muốn làm bí thư thôn nhưng không được làm, vì không đầu tư, không
gương mẫu xông pha mặc kệ sai mặc kệ đúng mặc dân và cả mặc chấm chấm. Người
không muốn làm nhưng lại làm bí thư như Thụng là sự cố nhân sự. Thụng phải bấm
bụng để làm bí thư. Người năng lực và đức độ chả ai dại gì đâm đầu vào gánh vác
để ôm rơm rặm bụng. Họ mở trang trại, đi buôn, đi học nghề chứ không ai có khả
năng và có lương tâm lại làm trưởng thôn hoặc làm bí thư chi bộ thôn. Những
công việc ăn theo nói leo dễ mất phẩm giá nhà quê nên ai có học còn có chút
nhìn xa trông rộng họ đều né tránh.
Thành thử các chức tước này chỉ dành cho những người còn lại. Đã 69 tuổi
rồi mà cứ phải đeo đẵng cái chức bí thư thôn nên nhà nghèo nhất xóm vẫn cứ
nghèo nhất xóm. Chỉ vì tự ái bởi mấy câu nói của cánh cựu chiến binh với mấy
ông tronh câu lạc bộ thương bệnh binh mà Thụng đeo cái cùm trách nhiệm chưa
tháo ra được. Thằng Trương Báo và mấy đứa cùng học với Thụng chưa hết lớp ba
thì đi bộ đội. Vượt cả ngàn cây số vào Tây Nguyên thời chiến tranh mấy đứa chết
mất xác chỉ còn Báo và Thụng trở về. Báo là em ruột Trương Bạo. Tính Báo như
beo như cọp nên được làm Chủ tịch mặt trận Quê hương. Cả mấy xóm của thôn Tứ
hiệp thương không ai chịu nhận làm chức bí thư thôn nên Báo khích Thụng “ Chiến chinh đéo chết, đạn bom đéo sợ, làm
bí thư chết chó chi mà không mần. Bí thư thôn lãnh đạo cả ngàn người còn hơn cả
đại tá sư trưởng, tội chó chi mà không muốn oách...”. Thật ra đâu có phải
mình lời khích nửa thật nửa sỏ ấy mà Thụng nhận lời để đưa vào diện bầu bán.
Thụng có lương tâm trách nhiệm trung thành. Trung thành vì cái gì, cái đó thế
nào thì Thụng không cần biết, không cần quan tâm. Mới dở lớp ba và cái đầu mấy
đời ăn củ chuối nên theo nề
nếp ông cha để lại là không cần suy nghĩ nhiều. Cấp trên xã huyện là
sáng suốt rồi, chỉ có thằng ngu mới hay suy nghĩ đúng sai khi làm việc. không
riêng gì Thụng mà tất cả các cán bộ thôn làng Chân Mây đều nghĩ thế.
Nhà
nghèo thật nhưng là bí thư phải gương mẫu trong công tác cắt nghèo. Thụng phải
tự giác và gương mẫu để đưa gia đình mình ra khỏi diện hộ nghèo. Vợ Thụng (phu
nhân) căm hờn Thụng việc này lắm. Căm Thụng và trả thù bằng cách không cho
Thụng đụng vào người. Trương Bạo biết được Thụng bị cấm vận nên hay nháy mắt
đểu mỗi khi gặp nhau ngoài đình. Trương Bạo có rủ rê gợi ý mấy đám để giải tỏa
nhưng Thụng sợ kỷ luật, sợ mất tính tiền phong gương mẫu nên đành kìm hãm. Nhà
Thụng ăn uống cũng kham khổ, vả lại cũng có tuổi rồi nên bí thư Thụng chẳng ham
hố gì cái khoản đó. Vì không phải hao tổn sinh lực với vợ nên Thụng có da có
thịt hơn, ra dáng cán bộ bí thư đứng đầu thôn hơn. Điều này không qua mắt được
cô Hồng Hương. Hồng Hương đã là chi hội trưởng phụ nữ thôn, là cán bộ nên hay
kề vai sát ngực vào lưng bí thư Thụng. Hai cục ngực bèo nhèo của Hồng Hương
được bọc trong hai cái nón nội y có núm nhọn và cứng chấm chấm vào lưng Thụng.
Hai cái núm ngực ấy đã nhiều lần chấm chấm, rồi phẩy phẩy vào lưng vào vai
Thụng nhưng nghe ra vẫn chả có tác dụng gì nhiều. Thụng cũng đã nghĩ đến chuyện
giải tỏa áp lực bí thư thôn do vợ cấm vận, nhưng điều kiện không cho phép.
Thụng bảo éo sợ kỷ luật nữa. Thụng thấy mê đứa cặp bồ vào nhà nghỉ Tuyết Vân mà
có sao đâu. Mê đứa cán bộ làm giả hồ sơ để ăn cắp tiền của nhà nước mà có sao
đâu. Điều kiện để không cùng đi với em Hồng Hương đó là Thụng không có xe máy
và cũng không biết đi xe máy, không có tiền để trả tiền phòng. Cho là Hồng
Hương thương mà cho không đi nữa thì bí thư Thụng cũng chịu. Không phải chịu vì
thiếu năng lực đàn ông do có tuổi. Người có tuổi bây giờ cũng như thiếu niên
đâu có kém gì thanh trung niên khoản đó. Có nơi có chỗ có lúc có người còn mạnh
dữ hơn là trai tráng. (Tóc bạc thì nhuộm đen đi cho ngang tầm con cháu, gọi là
trẻ hóa lãnh đạo. Ra đường đâu gặp mấy ông già tóc bạc đáng kính, đen tóc không
hà. Ai thống kê dân số người mình đang già đi là sai lầm). Trương Văn trưởng làng cứ có đám nào hiếp dâm
hoặc đánh ghen trong làng lại nói chữ là dương thịnh âm thịnh chúng phải phang
chắc cho hòa bình đươc lập lại. Nhà thơ cấp huyện, sau thời gian tìm hiểu nhà
nghỉ Tuyết Vân gọi việc này là văn hóa tình dục giải thoát. Trương Bạo giải
thích cho các cụ tại đình làng là do ăn thịt chi cũng nuôi bằng cám con cò nên
nam phụ lão ấu lúc nào cũng chỉ 12 giờ.
Cái bản mặt thằng Trương Bạo làm chi hiểu được
cái tình. Hắn chỉ biết mỗi cái dục. Có lần một cụ chỉ vì nhặt hộ rồi trao lại
cái nội y hai nón đen, cứng không còn cứng, nhọn cũng không còn nhọn của bà
hàng xóm, rồi cụ ông sinh tình làm thơ tình mà ầm ĩ đến mức phải đem ra nhà văn
hóa thôn kiểm điểm. Cụ ông này 78 tuổi,
vợ chết được 20 năm, ở một mình, vì khó tính con cháu không chiều được. Hình
như ông có gì bất đắc chí. Cụ bà hàng xóm mới độ 65, góa chồng hơn 5 năm rồi,
cũng ở một mình vì ngại phiền tới con cháu. Bà cũng khó tính và hình như có nỗi
buồn tình. Bình thường hai ông bà hai nhà cũng chẳng có mặn mòi chi lắm. Họ giữ
gìn để tránh tai tiếng thị phi. Hôm đó
gió to nội y của bà bay sang vườn nhà ông. Ông đang đứng nhìn trời nhìn gió để
may ra có bài thơ nào nộp cho câu lạc bộ. Ban chấp hành hội người cao tuổi có ý
định nhiệm kì này bầu cử ông vào ghế chủ tịch thay cụ Dốn. Nếu như vận động
được cụ Dốn nguyên là bí thư đảng xã ủy tuổi quá cao tự nguyện viết đơn xin rút
chức chủ tich hội thì chắc ông sẽ là nguồn cơ cấu cứng không cựa được. Vì vậy
ông lại càng phải gương mẫu làm thơ và nộp thơ cho đúng hạn. Nhìn gió rồi nhìn
cây, nhìn mây rồi lại nhìn trời, vẫn
chưa động tình để mà có thơ. Động tình sao được khi mà thơ ông phải nộp để chào
mừng đại hội các cụ, rồi chào mừng đại
hội đảng bộ xã nhà. Năm 2015 này có nhiều đại hội lắm nên phải thi đua làm
thơ.
Thấy
đồ dùng của đàn bà, tay run run, ông cầm lên. Vừa lúc bà góa chạy sang để lượm
vể. Tay ông trao đồ vào tay bà. Ông thấy lòng xao xuyến, bà thấy lòng chông
chênh. Ông kéo bà lại rồi ôm lấy. Bà cũng ôm ông trong lúc trời vẫn đang gió,
cây vẫn đang lay, và mây vẫn đang bay. Gió mạnh hơn, rồi gió trở sào, sắp mưa.
Hai người kéo nhau vào nhà. Ông dìu bà lại giường, bà ngoan ngoãn vâng lời. Bà
ngồi xuống, ông ngồi bên, bà tựa vào vai ông. Ông vòng tay ôm eo bà. Hai trái
tim già cô đơn cùng thổn thức. Ông ôm chặt lấy bà. Bà đưa bàn tay còn dính nhựa
chuối (vì vừa thái chuối nuôi ngan giúp con dâu) lên sờ sờ vuốt vuốt vào râu
ông. Ông nhẹ nhàng cấm lấy tay bà rồi nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng ông đưa bàn tay
bà vào ngực ông. Trời vẫn vũ là thế mà lúc này chỉ lắc rắc làn mưa. Đây rồi đây
rồi. Ông đọc cho bà nghe:
Gió gió cây cây
Mây mây bay bay
Gió đưa tà áo sang đây
Tay nâng trao lại nhớ này nhớ xuân
Ông
không ôm bà nữa mà đưa tay lấy bút nơi đầu giường (lúc nào cũng có sẵn đề phòng
nhỡ có nàng thơ về thì dùng nhanh cho kip, không nàng đi mất) run run chép lại
những lời vừa đoc.
Xuân ơi xuân nào xuân được hưởng
Thuở đang xuân gió chướng thân lao
Nào đâu đất thấp trời cao
Làm ra xuân đấy ai nào thấy xuân
Khốn thân dời gian truân nam bắc
Chí tang bồng
Bỏ mặc bồng tang
Gió đánh cành hồng
Gió giật cành nam
Đông Tây một gánh giang san…
Dòng thơ đang thanh thoát nhập vào từng con
chữ thì lão đồng chí Dốn Mím che ô lẩy bẩy bước đến. Lão đồng chí có ý định
sang thương thuyết chuyện làm chủ tịch hội người cao tuổi. Ý lão đồng chí muốn
làm một nhiệm kì chủ tịch hội nữa nên đến để khuyên ông đừng nhận lời xã ủy
động viên dịp này. Khóa sau ông chỉ nên làm. Mới 78 tuổi vội làm chi. Dốn Mín
làm sao hiểu được ông. Nào ông có ham hố chi, có ưng chi bọn lãnh đạo thôn làng
xã này. Ông làm thơ thì làm thế thôi chứ chả mấy khi ông đồng ý cho đăng trên
báo tường báo líp.
Thật
mười mươi cái cơ sự ông bà hai nhà đang ngồi sát nhau, cái nội y còn để đó.
Mười mươi sự việc không chối cãi được. Lão đồng chí Dốn Mím vung gậy lên đập
đập vào tường nhà vào cột nhà rồi mồm lão hô hoán “Chà chà chà thằng cò con hỉm nhà ni mô mau mau mà coi. Thằng cò con hỉm
ơi.”
Dốn Mím đã loại được đối thủ dự nguồn chủ
tịch hội Người cao tuổi.
Bà kia thì được hội phụ nữ kiểm điểm nhắc
nhở. Khi kiểm điểm và nhắc nhở có mặt cả cựu bí thư Dốn Mín và Trương Văn
Trương Bại cùng về dự cho thêm phần long trọng. Cả ba vị khách mời đều có ý
kiến nghiêm khắc nhắc nhở bà nọ phải giữ thuần phong mĩ tục cho làng văn hóa
Chân Mậy . Không ai biết cả ba thằng già này đều có ý định tòm tem với bà nọ
nhưng bà cương quyết không là không. Riêng thằng Dốn Mím thì bà ghét hạng một,
chả thèm chào hỏi.
Cánh có tiền ở nhà quê bây giờ, cách giải trí
là đi nhà nghỉ. Người ăn lương nhà nước
vì áp lực ngồi không ở nhiệm sở, đọc báo không ham, lướt nét không biết, hút
thuốc lá nghe điện thoại mãi nặng nề lắm. Dự họp với các đoàn thể phát nhàm. Vì
vậy tuần một đôi lần đến nhà nghỉ. Họ có xe máy tay ga, điện thoại cảm ứng ngón
tay. Họ đội nón, bịt mặt, đeo kính một dương một âm đèo nhau đi trên xe máy lên
thị trấn hoặc đến làng khác vào nhà nghỉ. Nông thôn mới ngày nay nơi nào chả có
nhà nghỉ hoặc quán giải quyết nỗi buồn công sở của dân công sở, nỗi buồn học
đường của tuổi học đường. Đi nhà nghỉ mới thể hiện được vị thế lãnh đạo, vị thế
choai choai của tuổi học đường ta đây người lớn. Bí thư Thụng sánh làm sao được
với người ta. Nếu so với bí thư Dốn Mím thời thế kỷ hai mươi lại càng không nên
so sánh mần chi. Dốn Mím thời đó cứ muốn mần chị mô thì mần. Vì Dốn là bí thư
nên quyền to trùm cả bầu trời của xã, cứ thầy chị mô vắng chồng mà Dốn mím môi
lại là y như chị đó tối ngủ không đóng cửa chờ Dốn đến để kiểm tra coi chồng có
đào ngũ về không. Bí thư Dốn Mím thời đó cứ thế mà tha hồ, chả mất chi đồng
tiền bát gạo.
Bí thư thôn như Thụng bây giờ, lương một
triệu lẻ ba tư ngàn đồng, cộng với lương thương binh hai mốt phần trăm thương
tật, tám trăm tám tám ngàn đồng, chả đủ để ăn cỗ cưới, với đám bốc mã thôn làng
mời quanh năm.
Phu nhân Thụng nhận ra cách trả thù chồng
trong việc gương mẫu tự cắt hộ nghèo nhà mình bằng phương pháp tình dục là sai
lầm, là tự mình làm khổ mình. Phu nhân Thụng trả thù bằng cách ngược lại. Vì
trẻ hơn chồng một con giáp nên bí thư Thụng bị trả thù ác liệt lắm. Người Thụng
lại hao mòn nhanh chóng. Ý đồ của phu nhân là làm cho Thụng gầy ốm đi phải bỏ
chức bí thư đi để năm tới được xét tái nghèo cho đỡ nghèo đỡ khổ. Người ta là hộ nghèo (cả nghèo giả cả nghèo
thật) thì có bảo hiểm y tế , có tiền điện thắp sáng. Phụ nhân Thụng hay ốm đau,
vì tự gương mẫu cắt mất hộ nghèo nên không có thẻ bảo hiểm y tế. Không dám đi
nằm viện vì vào viện đôi ba ngày là đôi ba triệu, kinh hãi lắm.
Phu nhân Thụng đêm đêm kẹp cứng lấy chồng, lúc
được cũng hờn lúc không cũng hờn. Phu nhân hờn chuyện chồng vợ thì ít và hờn
chuyện thôn xóm thì nhiều. Hai vợ chồng lại hờn nhau cái chuyện cắt hộ nghèo:
- Ham hố chi chức bí thư thôn tháng triệu bạc
mà để khổ thân khổ nhục vợ con.
- Ham hố chó chi chức bí thư, mà ham.
Trưởng
thôn, bí thư thôn cùng các chủ tịch hội đoàn thể thôn làng xã là những chức
tước trên cử dưới bầu. Dưới bầu thì mặc dưới bầu. Cấp trên cử xuống mới vào
ngạch quan. Xã cử kiểu cơ cấu rồi. Tổ bầu cử kiểm phiếu trong các cuộc bầu bán
thường là Hồng Hương hâm chập làm thư ký, Văn Phập (trung úy về hưu) gác thùng
phiếu, Trương Báo công an viên giám sát, Trương Văn trưởng làng là tổ trưởng.
Đại diện đoàn thể giám sát bỏ phiếu, kiểm phiếu, lấy kết quả, tính tỉ lệ phần
trăm, vân vân trong bầu cử là cụ Dốn (bây giờ không gọi là mím nữa vì kính thọ
cụ) chủ tịch hội người cao tuổi. Cụ Dốn nguyên là bí thư xã nên cụ trung thành
một trăm phần trăm với đảng ủy và hội đồng nhân dân xã Xuân Nồng . Cụ Dốn là
trưởng ban giám sát cộng đồng nên giám sát bầu cử thì thật là dân chủ theo ý
đảng ủy xã. Cụ mù chữ, mắt lại kém, nhưng cụ đã đứng bên giám sát thì lãnh đạo
xã vô cùng an tâm.
- Cứ xã
cơ cấu là trúng. Chị Minh nói vậy.
- Sẽ là trúng cứ xã cơ cấu.
Chị Nhu cũng nói vậy khi đi cấy thuê ngoài đồng.
- Cả làng nói vậy thì việc chi phải đi bầu. xã
thích ai thì xã cử. Mấy bà tiếc bữa cấy thuê trăm rưỡi nên nói
liều như vậy
Những lần bỏ phiếu trưởng thôn Hầy thường vác
loa ác quy ra đồng a lô “ bà con nhân dân
thôn Tứ không được mần rốn nữa. Ta về bỏ
phiếu để phát huy quyền làm chủ. Bỏ phiếu xong rồi ra đồng muốn mần chi thì
mần. Đừng để ban đội nhắc nhở. Ai không chấp hành về bỏ phiếu thì công an cương
quyết cương quyết bắt buộc phải phát huy quyền dân chủ.
- Ôí chao ! bỏ thì bỏ.
Mấy bà chia 2 phe cá độ cốc nước mía. Cá độ là
cứ tâp trung phiếu bỏ cho quân xanh nhưng quân đỏ (cơ cấu) vẫn chiến thắng cho
mà coi. Nhân dân (không tính cán bộ) chia hai phe xanh đỏ để mà chơi thôi mà.
Vui chơi có thưởng cốc nước mía, chứ chả phải sợ chi nâng cao quan điểm cờ bạc
mà công an sờ gáy.
- Bầu cử có luật có pháp chứ các bà đừng có mà đùa. Anh Hảo con bà Hào nói vậy làm các bà mất
hứng. Chuyện bầu cử to bằng trời mà các
bà lại đem nước mía ra cá cược. Công an có hỏi thăm sức khỏe đừng có run như
cầy sấy nhớ.
Anh Hảo làm nghề thợ xây. Anh là con liệt sĩ
chính hãng. Bà Hào mẹ anh là vợ liệt sĩ chính danh. Anh Hảo sinh đầu năm 1964.
Bố Lẫm anh đi chiến trương Miền Nam cuối năm 64, hy sinh năm 68. Khi nhân dân
và cán bộ làng Chân Mây làm lễ truy điệu bố Lẫm, họ hô to át tiếng khóc của người
thân: “Tinh thần đồng chí liệt sĩ Nguyễn
Tiến Lẫm bât diệt – bất diệt – bất diệt – bất diệt”. Mới 4 tuổi anh Hảo
chưa biết chi là bất diệt, nhưng anh vẫn hô theo: “Tinh thần đồng chí Nguyễn Tiến Lẫm bất diệt bất diệt bất diệt”.
Ngày hôm sau rồi ngày hôm sau nữa cứ thấy mẹ khóc là anh cu Hảo lại hô tinh
thần đồng chí Nguyễn Tiến Lẫm bất diệt bất diệt. Tiếng hô hào hùng váng óc chói
tai năm ấy gây ấn tượng và ghi nhớ mãi trong óc anh.
Lớn lên Hảo được mẹ Hào kể lại chuyện sau mấy
ngày báo tử bố Lẫm, thằng bí thư Dốn Mím toan vào cưỡng hiếp mẹ. Mẹ đem liềm ra
dọa móc mắt hắn rồi hô trộm cướp cho hắn bỏ chạy. Lúc dân làng đến bắt trộm,
thấy nhiều người đến tụ họp như hôm truy điệu bố Lẫm, cu Hảo lại hô tinh thần
đồng chí Nguyễn Tiến Lẫm bất diệt.
Năm trước Hảo cưới vợ cho con trai. Năm nay
anh có cháu trai nội. Ngày 27/7-2015 vừa qua, anh bế cháu đích tôn đứng cạnh
bàn thờ tổ tiên nói với thằng cu mới 5 tháng là tinh thần cụ nội bất diệt. Hảo
tự hào vì cái chết của bố anh. Anh học tập tinh thần bất diệt, anh dũng hi sinh
của bố mình. Vụ mười vừa qua cán bộ xã thôn làng thu tiền đóng góp của mẹ anh
để xây dựng nhà văn hóa thôn. Mẹ anh vâng lời đem nạp. Anh Hảo đem văn bản
chính phủ ra chất vấn cán bộ, ai cho phép các ông thu mà các ông thu. Các
ông có coi đảng và chính phủ là cái chi nữa không. Tôi không phải là đảng viên
nhưng tôi hỏi các ông là đảng viên có phải tuân theo pháp luật không. Mẹ tôi đã
tám lăm tuổi, cha tôi hy sinh chưa tìm thấy xác, nhà nước cho miễn nhưng các
ông là cái chi, là cán bộ thôn làng xã mà cho mình có quyền hơn quốc hội. Các
ông trả lại tiền cho mẹ tôi… đây là một sự kiện vô cùng mới mẻ vì từ ngày
khai sinh ra xã Xuân Tươi (1946) đến giờ chưa có ai dám cãi lời cán bộ.
Chiều hôm sau trong tiệc
cưới con hàng xóm, có thằng bạn hỏi Hảo là: Tau
chỉ nghe nói là ngày nhỏ lúc truy điêu ông Lẫm, mi cũng hô tinh thần bất diệt
bất diệt phải không.
Hảo đang kề môi chén rượu, nghe bạn hỏi vậy,
dừng uống giây lát, rồi ngửa cổ tu ực một cái, rồi dằn mạnh cốc xuống mâm. Hảo
quắc mắt nhìn bạn, lớn tiếng:
- Từ
nay tao cấm mi nói đến bố tau. Không nói đến anh dũng với bất diệt hi sinh chi
đây nữa cả.
- Có chi mà mi nổi quạu lên. Không rõ thì hỏi.
có chi phản động mô mà mi cấm tau.
- Cha tau hi sinh, chú mi hy sinh hỏi xác nằm
ở mô mi biết được không. Mẹ tau nhà nước Việt Nam cho tí chế độ, còn nhà nước
Xuân Nồng ni bắt đóng góp cho bằng đủ. Thím mi vợ chú mi là liệt sỹ đó. Nhà
đang nghèo đó nó bỏ phiếu cho mất nghèo. Từ nay tau cấm mi đừng há mồm trong
phạm vi xã Xuân Tươi này nói anh dũng hy sinh với bất diệt nữa. Đi thôn khác đi
làng khác đi xã khác mà nói.
Khi biết được các bà các chị các em nhà mình
có trò vui cá cược cuộc chơi bỏ phiếu, Hảo nói
- Các bà làm cho cẩn thận nhưng phải thề thật
độc địa vô, thề tới ba đời con cháu, đề phòng đứa phản bội ton hót với công an.
Họ bí mật bảo cho con cháu họ hàng khi bỏ
phiếu cứ quân đỏ mà gạch. Đứa mô không gạch quân đỏ thì như con chó cúi mặt ăn
cứt chứ đừng ngửa mặt lên nhìn người. Để cho chắc chắn dân quê có cách của dân
quê. Vì đi bỏ phiếu chỉ cần một người bỏ thay cho cả hộ. Lần này các bà không
nhờ con cháu bỏ thay nữa mà rủ nhau cùng đi cùng giám sát nhau.
-
Quân
đỏ trong phiếu là ai phải nói cho rõ ràng ra?
-
Quân
đỏ là của bọn xã cử viền đó, có rứa mà còn phải hỏi.
Những cuộc bỏ phiếu bầu bán trưởng thôn trưởng
làng Chân Mây, mấy người dân cứ nhìn ai là Đảng viên thì gạch ngang. Đây là
kinh nghiệm từ thôn Ngũ làng Đông tràn sang. Nhưng họ thừa biết có gạch nấy chứ
gạch nữa trúng vẫn trúng. Trò vui mà, vậy nên họ cá cược.
Cuộc cá độ nước mía trên cuối cùng ai cũng
đúng và ai cũng phải bỏ hai ngàn một cốc để được bữa cười nghiêng ngả. Cười
vì được thấy ngược cái sự đời có thật.
Con Chẹt thoạt chân mở quán nước mía cạnh nghĩa trang liệt sĩ bữa nớ bất ngờ vì
thấy mấy chục bà và chị kéo nhau đến, kẻ đứng người ngồi râm ran kể chyện rồi
cười vui vẻ lắm. Việc uống nước mía chỉ là chuyện phụ, buôn dưa lê chuyện bỏ
phiếu mới là việc chính. Chẹt nhanh trí pha nước mía thêm nhiều đá lại còn thêm
cả nước lã, có tí đường vô để cho kịp cho đủ mấy chục con người.
- Đời thuở nào đứa bị gạch ngang lưng nhiều
rứa mà vẫn trúng. Ôí ôi ôi cha ôi mẹ ơ!!! Chị Minh vừa cười
đó mà chị khóc rồi là cớ vì sao?
- Ô tề
ô tề, mi mới cười cái chuyện bỏ phiếu ba que xỏ lá đó răng lại khoóc loóc lên
liền. Chị Nhu hỏi chị Minh.
- Hay lại chê cốc nác mía loãng the loãng thét
đá nhiều mía ít. Mấy bà thấy chị Minh mới cười ngặt ngẽo
đó mà lại khóc liền, vội hỏi
- Ganh anh tậy uống mần chi. Tôi lại nghĩ lại
thương mẹ tôi chết oan chết uổng. Ôi trời ôi ai lại đi bỏ phiếu hộ nghèo. Họ
nhà ai lắm người đông anh em thì bàn chắc bỏ phiếu được hộ nghèo cho anh em họ
hàng nhà hắn. Họ nhà tôi có phải thiếu người mô. Bác Dân tôi, chú Lẫm nhà tôi,
ông Đồng nhà tôi, rồi anh Đông anh Ngãi các ông không hy sinh thời đánh Pháp
đánh Mẫy (Mỹ) đánh biên giới Pôn Pốt, đánh biên giới Tàu thì họ hàng nha tôi
thiếu chi người. Các ông mà sống lại được các ông chôn sống bọn thôn xã ni đi.
Ôi ôi ôi người nhà ta ôi chả sống lại mà bỏ phiếu cho mẹ tôi được nhờ cái hộ
nghèo, được ơn cái đường lối cho hộ nghèo. Tại cái chi cành nhà tôi lắm người
dắt nhau vào mần công ty ở Bình Dương, lúc bỏ phiếu hộ nghèo lại không vác mặt
về kịp. Hi.. hi…hơi hơi… mẹ ơi là mẹ, mẹ ốm lại kinh phải đi bệnh viện. Không
có hộ nghèo không có thẻ bảo hiểm nên mẹ chết dần chết mòn.
- Tại mi không biết đấu mà đòi cho được hộ
nghèo cho mẹ mi.
- Đòi chi được, một đàn một lũ kéo đến chấm
điểm cho nhà mẹ tôi.
Tác giả Lê Quang Phương thứ hai từ trái sang. Thọ Xuân, Thanh Hóa, 4-2015