4 tháng 12, 2015

Đứa em

                                                                 (Tặng B.C.C)
                                                                                    Chử Anh Đào

            Đây là đứa em thuộc phạm trù thế hệ "người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ người hôm sau viết tiếp người hôm qua", không phải phạm trù gia đình dòng họ.
            Tôi là trưởng phòng một cơ quan cấp sở. Còn nhớ buổi ngang chiều nắng quái một mùa khô đã cũ, bốn người đàn ông, một lưng còng, hai trung niên và một trẻ tìm đến phòng tôi. Họ bỏ giày dép trước cửa, bước vào với cung cách điệu bộ khép nép, e dè. Cụ ông còn khoanh tay cúi đầu, chỉ còn thiếu nước "lạy ông" nữa thì sẽ thành thời anh Pha, chị Dậu. Tôi đứng dậy bảo: "Ấy chết! Mọi người mang giày dép vào đi" và mời họ ngồi. Vừa pha trà rót nước xong, cụ ông lại đứng dậy khoanh tay: "Dạ thưa...Tôi là Trung, cha của thằng Tín đây- cụ chỉ tay vào người trẻ nhất. Còn hai người này là cậu và anh rể nó. Hôm nay chúng tôi đưa cháu đến để nhận nhiệm sở và trình diện cơ quan... "Cụ nói xong câu mở đầu tuyên bố lí do giới thiệu đại biểu, lừng khừng chưa chịu ngồi. Tôi chợt nghĩ xen ngang: Ôi chao! giá mà phụ huynh đưa con nghìn dặm thi đại học là một nhẽ. Đằng này, chỉ có mấy bước chân từ một huyện cận kề cao nguyên mà bìu ríu, vẽ vời làm gì cho khổ. Trong khi cái ông con kia đã bốn năm đại học ở thành phố ngàn hoa hàng xóm, dù đeo kính cận dày cộp nhưng tướng mạo thì là dân anh chị thứ thiệt, không trộn vào đâu được. (Mãi sau này tôi mới biết là mình hồ đồ, quen thói ẩu tả. Mới thấm thía đấy là tấm gương một người cha mẫu mực, nghiêm cẩn cuối cùng của Nho học, đầy trách nhiệm và lòng tự trọng, chăm lo không chỉ cho con cái mà với mọi việc khác trong đời).
            Không khí công sở xã giao khách sáo chuyển thành không khí gia đình tự lúc nào. Tới mức ông cậu xuề xòa vắt cả chân lên ghế. Lời cuối cùng trước lúc chia tay của cụ là: "Thôi thì trăm sự...Cháu nó còn nhỏ dại, mong chú chỉ bảo dìu dắt giùm tôi"- như lời trăn trối của một người cha nói với một người cha trước khi sắp mất con mình. Tôi định nói với cụ: thì cháu có hơn gì nó đâu mà dìu với dắt, nhưng lại thôi.
            Ba tháng sau, tôi liên lạc lại với cụ và hân hoan thông báo: "Giờ thì cháu Tín nó chỉ bảo lại tôi rồi cụ ạ. Nhà ta thật có phúc. Xin chúc mừng".
            Quả vậy. Tín "trưởng thành" với tốc độ chóng mặt. Ngoài công việc chuyên môn làng nhàng "tuy rằng kém Ngữ nhưng mà yếu Văn" ra, còn lại tất cả em xứng đáng là thủ lĩnh. Xin kể ra đây ba lĩnh vực:
             Người ta một vài xị đế đã có nguy cơ cho chó ăn chè còn Tín là một hũ chìm chính hiệu. Tín khoe: "Khi mới sinh ra, mẹ tắm cho em bằng rượu mà. Rượu Bàu Đá chính hãng, nhà trồng được đấy". Uống nhiều tới mức, có một buổi sáng đi công tác , một người trên xe hỏi: "Hình như có ai làm đổ rượu?" Tín bảo: không, là em đấy! Quay lại, cả người Tín mùi rượu nồng nàn. Tín thường ngâm nga: "Làm trai cho đáng nên trai/ Tay thơm mùi rượu, miệng thơm mùi hèm". Đi khám sức khỏe, Tín hỏi bác sĩ xem có bao nhiêu phần trăm rượu trong máu mình. Xét nghiệm xong, bác sĩ kết luận: trong rượu của anh có một tí máu(!)
            Đánh bài "Tiến lên" ăn tiền (để mua rượu và mồi, hoặc ăn sáng, cà phê), Tín chỉ thua một lần duy nhất. Ấy là cái bữa trong nhóm chơi có một em váy ngắn, cố ý làm trái, không nội y ngồi đối diện. (Tín tiếc và than: trăm nghìn mua một khoảng trời om om). Còn lại là bách chiến bách thắng như chủ nghĩa mà dân tộc ta đang theo đuổi. Tín bảo: "Hồi vào đại học, ba mua cho em một bộ bài. Suốt bốn năm, gia đình không phải chu cấp gì thêm".
            Cơ quan tôi đã thành lệ bất thành văn là hễ cứ xong liên hoan tổng kết cưới hỏi tiệc tùng là thế nào mấy ông cũng kéo nhau ra quán bi-a chơi tiếp. Lạ thế! Bia rượu chùa ê hề mà đụng vào rất mức độ. Thừa đầy ra đấy nhưng không thèm. Còn ở quán bi-a là thời gian và sự tốn kém. Từ mười hai giờ trưa tới một giờ sáng là thường. Dù bụng đã kễnh cả lên nhưng mỗi cơ ít nhất mỗi người một lon Ken và điếu xì gà (mà ngoài cơ thủ, trọng tài thì các khán giả, quan sát viên kẻ cắp đông hơn người họp chợ). Tháng lương chỉ được vài ba lần như thế. Mọi người cảm hoài: "Nợ Quyết (tên chủ quán) chưa xong đầu đã bạc/ mấy độ mài cơ bóng nguyệt tà". Còn "anh Năm" là Tín vẫn cười tươi như nghé trước các "anh Một, anh Hai, anh ba, anh Bốn" là Kh, là G, là V, là Th mặt đang thi nhau héo rũ ra.
            Thấm thoắt ba mươi mùa lá rụng, Tín cũng "lừa" được một em vốn là đệ tử, cũng nói "làm thuê" thành "làm thơ" về làm vợ. Đã sống ở Gia Lai bằng một đời Kiều lưu lạc, hai vợ chồng xin chuyển công tác, dắt díu nhau về quê báo hiếu. Trong lí lịch trích ngang, mục:chức vụ cao nhất đã đảm nhiệm, Tín ghi: giám thị 1.
            Ở quê, người ta bảo một người làm quan, cả họ được nhờ. Đằng này cả họ nhà Tín làm quan, cấp xã thôi nhưng hét ra lửa đấy. Không biết Tín có được thơm lây không nhưng thạc sĩ Lại Công Tín, nhân một bà lão về hưu, cũng được thế chân tổ trưởng. Nghĩa là, như Tín tự an ủi: dưới vạn người, trên mấy người (!). Công việc suôn sẻ. Còn những phẩm chất nổi trội khi xưa trên núi vẫn tiếp tục phát huy, tỏa sáng. Có lần, tám giờ ngày chủ nhật, còn ê chề vì đám giỗ nhà phụ huynh hôm trước, thấy cha vác cuốc ra đồng, nằm trên bộ ngựa, Tín rên lên: "Cha chờ con đi phụ với". Người cha quay lại, trìu mến, ân cần: "Thôi con cứ nghỉ cho khỏe mà lấy sức uống rượu". Nhìn tấm lưng gầy còm của cha vừa khuất ở bụi tre đầu ngõ mà niềm thương cảm, ân hận nơi Tín dâng lên. Tín tự hứa: từ giờ về sau sẽ không bao giờ uống nữa (Chỉ xin lưu ý đấy là lời từng tự hứa, thậm chí là thề, của tất cả các con sâu rượu).
            Thỉnh thoảng cuối chiều vài ba tháng, tôi lại nhận được một thùng "đầu lâu heo" (má heo) của quán nổi tiếng ven quốc lộ 19 và rượu Bàu Đá do Tín gửi lên để "kiểm tra sức khỏe sư phụ và các chiến hữu" như tin nhắn của em.
            Thỉnh thoảng khi bạn bè Gia Lai có việc, Tín vẫn thu xếp có mặt. Lại tưng bừng như hội. Lại mềm như bún. Lại xuống ruộng lên bờ, tới mức đi bộ mà té rách cả quần. Khi về tôi lại đưa cho một bộ khác, dặn đi dặn lại, bảo cố tỉnh mà nói với nhà xe tới Trạm cân Núi Một thì cho xuống.
            Một người như vậy mà khi xa ai cũng nhớ thương. Hẳn bởi tấm chân tình và hào hiệp rất đàn ông nơi Tín.
                                                                                                PK.4.12/15
                                                                                                  C.A.Đ



             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới