23 tháng 3, 2015

Người bạn thân màu xanh

  Chử Anh Đào

                 “ NGƯỜI BẠN THÂN MÀU XANH”                

                 Người bạn thân màu xanh
                   Sáng bừng bên cửa sổ
                   Những ngón tay lá nhỏ
                   Vuốt khẽ vào ban mai

                   Để thành một cái cây
                   Chẳng thể nào đơn giản
                   Phải dầm mưa dãi nắng
                   Gồng mình chịu bão dông
                   Đôi khi gặp bàn tay
                   Vô tình mà tai ác
                   Bẻ ngang không thương tiếc
                   Nhánh cành đang non tơ

                   Để thành một cái cây
                   Biết buồn vui ca hát
                   Biết hóa làm bóng mát
                   Che người khi nắng nôi
                   Biết âm thầm tinh lọc
                   Những mùi hương giữa trời
                   Mang về bên cửa sổ
                   Cho trong lành giấc ngủ
                   Cho nhẹ nhàng cơn mơ

                   Để thành một cái cây
                   Không tò mò lắm chuyện
                   Không quay lưng hờ hững
                   Trước cửa sổ con người
                   Nơi thoáng một nụ cười
                   Hay một giọt nước mắt
                   Chỉ mình cây thấy được
                   Chỉ mình cây hiểu thôi
                   Chờ lúc nào gió đến
                   Mến thương xin cất lời

                   Chiều chiều chim về tổ
                   Sớm sớm ong tìm hoa
                   Trong nắng hè cháy da
                   Giữa mùa đông rét buốt
                   Lo âu và tỉnh thức
                   Người bạn thân màu xanh
                   Thủy chung bên cửa sổ
                   Những ngón tay lá nhỏ
                   Đan nhẹ vào thời gian

                   Để thành một cái cây…
                                                          Tác giả:  Thanh Thảo

          Đây là bài thơ Thanh Thảo làm hơn ba mươi năm về trước. Mà đầu óc con người ta kể cũng lạ. Một sự kiện, một tình huống nào đó xảy ra là cái trường liên tưởng lại như nước lũ tràn về. Ở trường hợp này là Ôn ga Bec gôn- “đừng đụng vào cây mùa lá rụng”; là Chử Văn Long- “ai dám chắc cỏ cây không đau khổ”… Nghĩa là không phải tự nhiên mà tôi nhớ tới bài thơ này. Nó được chép trong một cuốn sổ từ năm 1983! Nhưng thôi! Ta sẽ …
          Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn, gần giống với đồng dao, dễ nhớ, dễ thuộc, thể hiện tình cảm của tác giả với những cái cây được coi là “bạn thân” của mình.
          Điệp từ, điệp ngữ là để nhấn mạnh, khắc sâu. Bài thơ có tới ba lần tác giả lặp lại “người bạn thân màu xanh” và bốn lần “để thành một cái cây”. Phải! Cũng như kiếp người, để thành một cái cây không phải là chuyện đễ dàng vì không thiếu những “thế lực” hữu ý hay vô tình sẵn sàng bóp chết sự sống: sâu bọ, mưa, nắng, bão dông, bàn tay “vô tình mà tai ác”…Và vượt qua tất cả, cây vẫn lớn lên.
          “Cây” đã được nhân hóa, có cuộc sống như một con người với những cung bậc tình cảm, lí trí sâu sắc: “ Biết buồn vui ca hát, biết hóa làm bóng mát, biết âm thầm tinh lọc, không tò mò lắm chuyện, không quay lưng hờ hững, thấy được, hiểu, cất lời, lo âu và tỉnh thức,…”
          “Cây” có những phẩm chất rất Người, thấm đẫm nhân văn: gọi chim về tổ, gọi ong tìm mật, gọi gió về ca hát; làm bóng mát che chở cho con người lúc nắng nôi; dâng hiến lời ca và mùi hương tinh túy của đất trời qua bao tháng năm âm thầm tích lũy; không tò mò lắm chuyện nhưng cũng không vô cảm quay lưng hờ hững mà quan tâm, mà lặng lẽ sẻ chia với con người từ một thoáng nụ cười, một giọt nước mắt tới những giấc mơ nghiêng tận cõi trời xa lạ nào…Thử hình dung một cuộc đời không có bạn, cuộc đời ta sẽ cỗi cằn như hoang mạc. Tác giả mạnh mẽ khẳng định: cây là người bạn thủy chung. Hình ảnh “những ngón tay lá nhỏ” dịu dàng “vuốt khẽ vào ban mai” gợi lên niềm thương mến vô bờ. Và cũng nhưng ngón tay ấy “ đan nhẹ vào thời gian” tạo nên sự vĩnh hằng, bất tử.
            Câu thơ điệp ngữ cuối bài gợi rất nhiều suy ngẫm và cảm xúc.
          Tôi cứ thầm ước, nếu được là người xây dựng chương trình phổ thông các cấp, tôi sẽ đưa bài thơ này vào sách giáo khoa.
                                                                      PK.23/3/15
                                                                             C.A.Đ    

                


          

15 tháng 3, 2015

Những câu chuyện về Thủ tướng Hun Sen

Trong những lời giới thiệu của người hướng dẫn viên Chan Sang, tôi khoái nhất là khi nghe anh ta nói về vị Thủ tướng đương nhiệm của chính phủ Campuchia Hun Sen.  
Đến thủ đô Phnom Penh, khi xe chạy vòng qua một quảng trường ở đó có tượng khẩu súng lục rất lớn bằng kim loại đặt trên một cái bệ cao. Điều đặc biệt của khẩu súng này là nòng của nó bị thắt xoắn lại, vì thế mà gọi là tượng đài khẩu súng bị thắt nút. Chan Sang kể, khi lên nắm quyền Thủ tướng Campuchia vào năm 1983, Với quyết tâm và sự thể hiện sẽ xây dựng CPC thành một đất nước hòa bình, đoạn tuyệt hoàn toàn với qúa khứ chiến tranh chết chóc, Hun Sen đã quyết định cho xây quảng trường với tượng đài độc đáo này.  
Thực ra ý tưởng về tượng đài khẩu súng bị xoắn nòng không phải là của Hun Sen mà do ông tiếp thu lại từ bức tượng khẩu súng lục khổng lồ có nòng bị thắt nút đặt bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở Mỹ. Tên của bức tượng ở trụ sở Liên Hợp Quốc gọi là Phi bạo lực do nhà điêu khắc Thụy Điển Fredrik Reutersward thực hiện. Dù sao chép ý tưởng nhưng cũng là sự thể hiện ý chí tất cả vì hòa bình và chỉ có hòa bình của vị Thủ tướng trẻ Hun Sen. Tiếc là do xe chạy nhanh quá tôi không bấm kịp một kiểu hình cho hình ảnh tượng đài khẩu súng bị thắt nút.

Tượng khẩu súng khổng lồ có nòng bị thắt nút bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở Mỹ. Bức tượng của nghệ sĩ Thụy Điển Fredrik Reutersward được đặt tên là “Phi bạo lực”. Ảnh: Internet

Ý chí xây dựng một đất nước CPC hòa bình của Thủ tướng Hun Sen được thể hiện không phải bằng lời nói suông mà chủ yếu là bằng hành động. Khi lên nắm chính quyền, để sớm chấm dứt chiến tranh và thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, Hun Sen đã ban bố sắc lệnh kêu gọi những binh lính và sĩ quan đã ở trong lực lượng Khmer đỏ của Pol Pot quay về phục vụ chính quyền mới, không trả thù, không phân biệt đối xử và trọng dụng lại toàn bộ. Ai ở trong quân Pol Pot giữ chức vụ gì thì khi sang với chế độ mới vẫn được giữ nguyên chức vụ đó, người nào không tham gia trong chính quyền mới thì được yên ổn trở về với gia đình với cuộc sống hòa bình.
Hun Sen là người từng ở trong quân đội của Pol Pot từ năm 1968, từng làm đến chức trung đoàn phó. Ông nói với mọi người rằng hãy tin tưởng ông vì chính ông cũng là người cũ của Pol Pot. Ông là tấm gương của người Campuchia từ đó.


    Tác phong gần gũi và thân mật của Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Điều này khiến tôi nhớ về Việt Nam sau 30 tháng Tư 1975, hàng vạn con người của chế độ cũ VNCH sau khi đến trình diện chính quyền mới đã bị bắt đi cải tạo ở những vùng rừng núi âm u, có người phải đi cải tạo hàng chục năm như nhà tù mà không được xét  xử gì. Đã thế với chủ nghĩa lí lịch hà khắc, con cái của những người dính líu đến chế độ cũ cũng bị phân biệt đối xử trong học hành và làm việc. Vì thế mà đã xảy ra cơn lũ vượt biển sang với nước Mỹ vào những năm 1980. Và cho đến nay, sau 40 năm hết chiến tranh sự hòa hợp dân tộc vẫn chỉ là câu chuyện của cái bánh vẽ, lòng thù hận hậu chiến vẫn âm ỉ cháy.  
Trở lại với những câu chuyện về ông Hun Sen. Để chấm dứt triệt để chiến tranh,  ông kêu gọi người dân CPC đem súng đến nộp và cho phá hủy khẩu súng chết chóc ấy ngay trước mắt họ. Sau đó phát cho mỗi người một cái xe máy để đi lại, làm ăn. Cứ một khẩu súng nộp lại đổi được một cái xe máy Honda mới toanh. Cách suy nghĩ và hành động ấy nói lên Hun Sen là một vị lãnh tụ quyết đoán, trung thực và tất cả vì nhân dân CPC, vì hòa bình của đất nước CPC.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh trên TV cách đây mấy năm khi VTV đưa tin về cuộc bầu cử quốc hội ở CPC. Ở một điểm bầu cử hình ảnh trên truyền hình cho thấy ông Hun Sen dù là Thủ tướng chính phủ nhưng trong vai trò là một cử tri đi bầu phiếu, ông đã xếp hàng trật tự cùng với người dân như bất cứ một cử tri nào khác để lần lượt bỏ phiếu vào thùng (nếu là ở VN thì ông sẽ là người có đặc quyền đặc lợi được ưu tiên bỏ lá phiếu đầu tiên). Chỉ chừng đó thôi cũng đã quá đủ để Hun Sen trở thành thần tượng của tôi. Và tôi mong các nhà lãnh đạo VN cũng được một phần như thế cho…dân VN được nhờ.


5 tháng 3, 2015

Campuchia – vương quốc của những điều kỳ thú

Đầu tiên tôi phải nhại câu:
Chưa đi chưa biết Khờ mer
Đi rồi mới biết nó he (hay -tiếng Quảng Ngãi)) hơn mình
(Kiểu như:
Chưa đi chưa biết Bà Nà
Đi rồi mới biết mình là bà ngu)

Trước đây tôi cứ nghĩ rằng dù chưa có dịp đặt chân đến đất nước Campuchia nhưng mình đã biết rõ lắm rồi vì đã đọc quá nhiều cuốn sách, bài báo, xem nhiều bộ phim về đất nước và con người CPC; kể cả trên đường từ cửa khẩu Bavet đến Siem Reap anh chàng hướng dẫn viên người CPC tên là Chan Sang cũng đã chiếu lại đầy đủ bộ phim do người Mỹ làm về chế độ CPC thời Pol Pot diệt chủng Cánh đồng chết tôi thấy cũng không có gì mới. Thậm chí vì mê ông Thủ tướng CPC Hun Sen, tôi còn viết bài giới thiệu cuốn sách về ông Hun Sen – nhân vật xuất chúng của Campuchia đăng trên sachhay.com và phát trên đài truyền hình (xem ở đây: http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/2962/hun-sen-nhan-vat-xuat-chung-cua-campuchia).
Thế nhưng chuyến đi 4 ngày tới CPC mới rồi đã giúp tôi mở mang thêm rất nhiều sự hiểu biết về đất nước chùa tháp. Thấy thêm nhiều điều hay và không ít điều dở (mà vẫn thấy hay) về quốc gia láng giềng có nhiều duyên nợ với nước ta này.
Đó là một quốc gia mà đồng tiền nội tệ và ngoại tệ sử dụng vô cùng vô tư theo kiểu lung tung xoèng. Đồng tiền chính thức của CPC là đồng riel (đọc là ria) nhưng đồng đô la MĨ mới thực sự là thứ tiền tệ được ưa chuộng nhất, tiếp đến là tiền đồng của Việt Nam. Ngay tại trung tâm thủ đô Phnom Penh, bạn có VND hoặc tiền USD hoặc tiền riel đều mua sắm thoải mái. Những người bán hàng từ hàng rong vỉa hè đến các cửa hiệu sang trọng đều quy đổi rất nhanh tỉ giá tương ứng của 3 loại tiền trên mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Khách du lịch đến CPC lần đầu như tôi vì quá cẩn thận đã đổi qua cò người Việt ngay tại cửa khẩu Mộc Bài cứ 1 triệu VND ăn 170.000 riel. Sau mấy ngày du lịch nếu tiêu không hết về cò sẽ đổi ngược lại với tỉ giá như cũ. Nhưng khi sang đến CPC mới biết cứ một triệu VND thì = 200 ngàn riel. Mình đổi ở cửa khẩu bị bọn cò Việt nó chém mất 30 ngàn riel/1 triệu VND. Việc thả nổi cho người dân sử dụng đồng thời  cả 3 loại tiền trên khiến khách du lịch như tôi muốn điên cái đầu khi mua sắm bởi phải căng não ra để nhẩm tính quy đổi. Ngay tại cửa chính đền Angkor Thom, khi tôi và Đạo mua 2 li nước thốt nốt người bán đã giơ một ngón tay lên và nói tiếng Việt: 1 đô la. Tôi lập tức phải nhẩm tính: 1 USD = 20 ngàn VND suy ra 1 li = 10 ngàn VND = 2 ngàn riel CPC. Không nhức đầu mới lạ. Cũng vì thế mà đa số người bán hàng ở CPC đều biết nói cả 3 thứ tiếng: CPC (dĩ nhiên), tiếng Việt và tiếng Anh.


Dưới bóng cây thốt nốt trước đền Angkor Thom. Ở đâu trên đất nước Campuchia cũng có cây thốt nốt. Cây thốt nốt mọc giữa đồng hoang, mọc ở cả chốn đền thiêng, cả Hoàng cung cũng có cây thốt nốt. Đến mức người CPC từng nói ở đâu có bóng cây thốt nốt ở đó chính là đất đai của người Campuchia. Cứ 1 USD (20 ngàn VND) mua được 2 li nước thốt nốt lấy thẳng từ cây xuống. Uống thơm thơm mát mát dịu dịu.

Sự mua bán nhất là hàng may mặc thời trang và thủ công mĩ nghệ… đều được nói thách từ 30 đến 70%. HDV Chan Sang nói trước đây người CPC không biết nói thách đâu, ưng bán bao nhiêu là nói giá bấy nhiêu. Nhưng kể từ khi tiếp xúc nhiều với người Việt  (xảo trá và lừa lọc – HTS) thì người CPC đã học rất nhanh “mặt tốt” của nước bạn láng giềng hữu nghị nên mới có lối nói thách trên trời như thế.
Buổi tối đầu tiên ở Siem Reap tôi ra chợ đêm mua một cái áo chim cò. Người bán nói 10 đô. Tôi trả 6 đô, người bán đòi 8 đô. Cò cưa chán cuối cùng cưa đôi cái giá hai bên đưa ra thành 7 đô. Tính ra là khoảng 150 ngàn VND. Rẻ chán. Về khách sạn tôi cứ hí hửng mãi vì nghĩ mình đã mua được giá hời. Sáng hôm sau khi đến một quầy bán hàng bên ngoài đền Angkor Wat, cũng cái áo ấy anh Hai Thắng và Ngô Văn Đạo mua chỉ 5 đô (100 ngàn VND)/cái. Hai ông bạn đồng hành huơ huơ cái áo trước mặt làm tôi nóng mặt quá đành mua thêm một cái nữa để giảm thất thiệt. Bù qua bù lại thì 2 cái áo của tôi cũng chỉ 6 đô/cái. Còn may chán. Vậy là tôi có đến hai cái áo chim cò của Miên như nhau.


Nhóm tôi trong đồng phục áo chim cò của người Khmer. Cái 5 đô, cái 7 đô. Anh Hai Thắng bảo là áo Hoàng gia. Cứ thế này chúng tôi đổ bộ vào thủ đô Phnom Penh. 


                               Nữ nhân viên lễ tân khách sạn Hibiscus

Về phương tiện đi lại, ở thành phố Siem Reap và thủ đô Phnom Penh cũng như ở các thành phố thị xã khác, thảng hoặc lắm mới thấy có một chiếc taxi chạy trên đường. Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân TP và khách du lịch là xe tuk tuk mà thực ra là xe lôi. Một cỗ xe hai bánh có hai băng ghế cho khách ngồi được kéo bằng một chiếc Honda. Loại xe lôi này ngự trị khắp phố phường, đậu thành dãy trước Hoàng cung. Khách du lịch từ ta đến Tây đều rất khoái đi xe lôi dạo phố. Vừa rẻ, vừa thoáng mát, tha hồ mà ngắm cảnh vật.


                                  Xe lôi phổ biến trên đường phố Phnom Penh

                     Xe lôi đậu thành dãy chờ khách trên con phố cạnh Hoàng cung

                          Anh Hai Thắng lái còn tôi ngồi sau

Đến lượt tôi ngồi trước. Cái xe này đậu đón khách trước khách sạn Diamond. Người chủ xe thấy anh em tôi thích cái xe liền giao cho tha hồ chụp ảnh. Còn anh ta vào vỉa hè ngồi hút thuốc 

Ở CPC, tất cả các lại ô tô đều nhập khẩu nguyên chiếc. Chính phủ đánh thuế nhập khẩu ô tô rất thấp, thấp đến mức không đáng kể nên giá ô tô ở CPC rất rẻ. Nhất là xe đã qua sử dụng. Chỉ với một vài ngàn đô Mĩ bạn đã có một chiếc xe cũ mà vẫn còn rất tốt để chạy. Dân CPC khoái nhất là các nhãn xe Camry, Lexus và Range rover. Xe của các nước khác như Hàn Quốc hầu như không có chỗ ở CPC. Nếu ở Sài Gòn hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc siêu xe Range rover chạy trên đường và chủ của nó dứt khoát là đại gia thì sang Pnom Penh, bạn sẽ thấy nó nhan nhản trên phố, thậm chí nằm phủ bụi giữa những bãi xe cũ bày bán bên đường mà nước sơn vẫn còn bóng bẩy. Nếu ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu trở lên mới có ô tô thì ở CPC , tầng lớp bình dân đã có xe ô tô đậu trước nhà. Đã thế, ban đêm ở Siem Reap cũng như Phnom Penh, ô tô không cần đưa vào nhà mà đậu đầy trên vỉa hè và cả dọc phố. Hình như ô tô không phải là mặt hàng cần để mắt đến của dân đạo chích Khmer. Vì có ăn cắp được chúng cũng không biết bán cho ai.
Nói đến xe cộ thì cũng cần nói thêm luật giao thông rất thoáng của nước bạn. Trên đường phố Phnom Penh rất vắng bóng cảnh sát. Thỉnh thoảng thấy vài ba chú túm tụm hút thuốc hóng mát dưới bóng cây mà không chăm chú làm anh hùng núp dương gậy với thổi còi như cảnh sát Việt Nam. Mà nếu thấy có ai phạm lỗi phải thổi còi, người ta nghiêm túc đứng lại thì phạt, lỡ họ bỏ chạy luôn thì cảnh sát cũng làm lơ, không có vụ tuýt còi đuổi theo truy bắt đến cùng gây nên những tai nạn thảm khốc như bên ta.
Quy định đội mũ bảo hiểm với người đi xe máy cũng có nhưng chỉ người ngồi trước đội, còn người ngồi sau thì khỏi cần, cứ để đầu trần cho mát. Ngay cả người ngồi trước muốn đội thì đội, không thì cũng không sao vì CSGT không thổi còi bao giờ. Có điều mũ bảo hiểm của người đi xe máy CPC rất bảo đảm, cái nào cũng trùm lút đầu như nồi cơm điện, không có loại mũ bảo hiểm lại còn thời trang nửa vời như ở VN.
Xe tải, nhất là xe bán tải chạy trên phố và chở đầy người như hàng hóa nhưng cảnh sát cũng không thổi phạt. Hình như không có sự cấm vụ này. Họ nói ngồi sau thùng lỡ xe bị lật thì vọt thoát dễ dàng hơn là ngồi trong buồng lái!
Hạ tầng cơ sở, nhất là đường sá, cầu cống của nước bạn quá kém. Đường phố ở Phnom Penh chật chội, một số con đường lầy bụi trong lúc xe cộ lại quá dày đặc nhưng ô tô muốn đỗ đâu cũng được. Không chỉ đỗ kín trên vỉa hè mà ngay cả dưới lòng đường cũng vậy, có đỗ thành hai ba hàng cũng không sao. Cực kì thoải mái.


 Ô tô rất nhiều và đậu đỗ rất lộn xộn trên đường phố Phnom Penh. Nếu là ở VN thì công an đã hốt hết đem về đồn giam rồi

                               Con đường lầy bụi ngay thủ đô Phnom Penh

Người Campuchia hiền lành và thân thiện. Họ chất phác thật thà chứ không ma giáo xảo quyệt đến phát kinh như người Kinh bên ta. Ngay cả các chú cảnh sát cũng vui vẻ và thân thiện chứ không làm ra mặt đăm đăm hình sự như cảnh sát Việt Nam. Tôi đã gặp một chú cảnh sát trước cửa Hoàng cung khi đến tham quan nơi này. Thấy anh ta to cao lại nai nịt oai vệ qúa tôi ngỏ ý muốn được chụp ảnh chung làm kỉ niệm. Anh ta búng ngón tay OK ngay và vui vẻ đứng gần lại bên tôi để vợ tôi bấm một kiểu ảnh của tình hữu nghị. Chợt nhớ bên ta đã từng có dự thảo quy định của Bộ Công an ngay cả đến cánh nhà báo cũng không được chụp ảnh CSGT trên đường phố. Muốn chụp phải xin phép trước. Nếu cảnh sát không cho là không được chụp. Trông người mà ngẫm đến ta. Ai lạc hậu, ai văn minh tưởng  như đã quá rõ. Vậy mà nếu cứ ru rú ở nhà không đi thì cứ tưởng mình là nước lớn xhcn  văn minh. Ai dè mình chỉ là thứ dã man trong lúc bạn đang thực thi một thể chế xã hội văn mình hơn nhiều.


Viên cảnh sát Hoàng gia CPC oai phong như ông hộ pháp này vui vẻ nhận lời chụp ảnh chung làm kỉ niệm với tôi ngay trước cổng Hoàng cung

Đúng là một đất nước của tự do và dân chủ. Thứ tự do đã mang lại nhiều lợi ích và quyền cho người dân của một chế độ đa nguyên đa đảng. Trong lúc nhiều đảng phái cùng tham gia hoạt động, đảng nào được lòng dân nhất thì đảng đó sẽ nắm quyền lãnh đạo. Vì thế mà ở CPC, đảng chính trị nào cũng đưa ra những chính sách nhằm thu hút lòng dân. Chẳng thế mà vào năm 2008, khi ngôi đền Preah Vihear nằm trên lằn biên giới giữa hai nước CPC và Thái Lan khiến cho hai quốc gia láng giềng vốn không thân thiện với nhau đã xảy ra tranh chấp dữ dội. Sự oái oăm nằm ở chỗ toàn bộ ngôi đền cổ nằm gọn trên đất CPC nhưng cái cửa vào đền lại nằm ở phía đất Thái Lan. Đã có lúc căng thẳng tới mức cả hai bên đem hàng sư đoàn đến đóng quân ở đây và sẵn sàng nổ súng vào nhau. Chuyện trôi qua cũng đã mấy năm rồi nhưng người CPC vẫn luôn căm thù người Thái tận gan ruột. Ấy thế mà cách đây 2 năm, ông thị trưởng Phnom Penh đã cả gan mời một nữ ca sĩ nổi tiếng người Thái sang Phnom Penh biểu diễn. Người dân Phnom Penh tức điên đã xuống đường biểu tình cho đến khi tay thị tưởng phải từ chức. 
Đó chính là tự do và dân chủ. Thứ mà ở Việt Nam còn quá đỗi xa vời và xa xỉ.

 Thăm bảo tàng trưng bày tội ác diệt chủng của quân Khmer đỏ - Pol Pot ở Siem Reap

 Cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Campuchia Hai Thắng trước bảo tàng diệt chủng

Cuối cùng tôi muốn nói đến anh hướng dẫn viên du lịch người Campuchia của xe tôi. Trên xe có 45 du khách mà có đến 3 hướng dẫn viên. Một anh người Việt tên Toàn có mặt ngay từ điểm xuất phát ở Phạm Ngũ Lão quận 1. Qua của khẩu Bavet thì có thêm 2 HDV người CPC cùng lên xe làm nhiệm vụ trong suốt hành trình trên đất CPC cho đến khi đoàn rời Phnom Penh. Một anh tên là Sa Ry, anh còn lại tên là Chan Sang. Anh Chan Sang khoảng 35 tuổi. Nói tiếng Anh và tiếng Việt như gió. Riêng tiếng Việt Chan Sang còn sử dụng thành thạo cả tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn Nam Bộ và rất biết cách ca cải lương.  Chan Sang biết hát, biết kể chuyện tiếu lâm, biết hài hước để cả xe vui cười quên hết mệt mỏi. Đặc biệt anh là cả một pho tư liệu sống về lịch sử không chỉ của CPC mà còn cả của Việt Nam; là cả một kho kiến thức và tri thức về nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

HDV Chan Sang (áo vàng đeo ba lô) đang giới thiệu về đền Angkor Wat trước khi du khách vào thăm ngôi đền. Chan Sang cho tôi số đt CPC của anh 0888858666 và dặn khi nào chú sang lại CPC thì hãy gọi cháu. Nếu cần gì cháu sẽ giúp đỡ

Ngày chúng tôi chuẩn bị xuất phát thì từ trước đó một ngày Chan Sang đã nhảy xe đò từ Phnom Penh về đón đoàn ở cửa khẩu Bavet. Khi đoàn đến Phnom Penh và nghỉ lại ở khách sạn Diamond, anh chỉ vào chiếc Camry màu sữa trắng mới cáu cạnh đỗ trên vỉa hè trước khách sạn và nói đó là xe của anh để ở đó đã bốn ngày nay rồi để về biên giới đón đoàn. Buổi tối sau khi đi xem biểu diễn nghệ thuật về Chan Sang đã lấy xe chở cả nhóm đi lượn phố rất thoải mái.

Phần lớn những điều tôi viết trong cả 4 bài sau chuyến du lịch này là thông tin mà tôi đã tiếp thu được từ người HDV Chan Sang. Với tôi, anh là siêu hướng dẫn viên. 

                                  Cả đoàn đi massage chân

                         Trong nhà hàng lẩu băng chuyền ở Phnom Penh


Đoàn xe dài hàng chục chiếc chở khách du lịch Viêt Nam đến Campuchia. Việt Nam là quốc gia có lượng du khách đến CPC đông đứng thứ nhì chỉ sau Trung Quốc 


Trên đường từ Siem Reap về Phnom Penh một chiếc xe 45 chỗ bị chết máy. Du khách phải xuống đẩy cho xe khởi động. (Hình chụp ở Kongpong Thom)