15 tháng 3, 2015

Những câu chuyện về Thủ tướng Hun Sen

Trong những lời giới thiệu của người hướng dẫn viên Chan Sang, tôi khoái nhất là khi nghe anh ta nói về vị Thủ tướng đương nhiệm của chính phủ Campuchia Hun Sen.  
Đến thủ đô Phnom Penh, khi xe chạy vòng qua một quảng trường ở đó có tượng khẩu súng lục rất lớn bằng kim loại đặt trên một cái bệ cao. Điều đặc biệt của khẩu súng này là nòng của nó bị thắt xoắn lại, vì thế mà gọi là tượng đài khẩu súng bị thắt nút. Chan Sang kể, khi lên nắm quyền Thủ tướng Campuchia vào năm 1983, Với quyết tâm và sự thể hiện sẽ xây dựng CPC thành một đất nước hòa bình, đoạn tuyệt hoàn toàn với qúa khứ chiến tranh chết chóc, Hun Sen đã quyết định cho xây quảng trường với tượng đài độc đáo này.  
Thực ra ý tưởng về tượng đài khẩu súng bị xoắn nòng không phải là của Hun Sen mà do ông tiếp thu lại từ bức tượng khẩu súng lục khổng lồ có nòng bị thắt nút đặt bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở Mỹ. Tên của bức tượng ở trụ sở Liên Hợp Quốc gọi là Phi bạo lực do nhà điêu khắc Thụy Điển Fredrik Reutersward thực hiện. Dù sao chép ý tưởng nhưng cũng là sự thể hiện ý chí tất cả vì hòa bình và chỉ có hòa bình của vị Thủ tướng trẻ Hun Sen. Tiếc là do xe chạy nhanh quá tôi không bấm kịp một kiểu hình cho hình ảnh tượng đài khẩu súng bị thắt nút.

Tượng khẩu súng khổng lồ có nòng bị thắt nút bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở Mỹ. Bức tượng của nghệ sĩ Thụy Điển Fredrik Reutersward được đặt tên là “Phi bạo lực”. Ảnh: Internet

Ý chí xây dựng một đất nước CPC hòa bình của Thủ tướng Hun Sen được thể hiện không phải bằng lời nói suông mà chủ yếu là bằng hành động. Khi lên nắm chính quyền, để sớm chấm dứt chiến tranh và thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, Hun Sen đã ban bố sắc lệnh kêu gọi những binh lính và sĩ quan đã ở trong lực lượng Khmer đỏ của Pol Pot quay về phục vụ chính quyền mới, không trả thù, không phân biệt đối xử và trọng dụng lại toàn bộ. Ai ở trong quân Pol Pot giữ chức vụ gì thì khi sang với chế độ mới vẫn được giữ nguyên chức vụ đó, người nào không tham gia trong chính quyền mới thì được yên ổn trở về với gia đình với cuộc sống hòa bình.
Hun Sen là người từng ở trong quân đội của Pol Pot từ năm 1968, từng làm đến chức trung đoàn phó. Ông nói với mọi người rằng hãy tin tưởng ông vì chính ông cũng là người cũ của Pol Pot. Ông là tấm gương của người Campuchia từ đó.


    Tác phong gần gũi và thân mật của Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Điều này khiến tôi nhớ về Việt Nam sau 30 tháng Tư 1975, hàng vạn con người của chế độ cũ VNCH sau khi đến trình diện chính quyền mới đã bị bắt đi cải tạo ở những vùng rừng núi âm u, có người phải đi cải tạo hàng chục năm như nhà tù mà không được xét  xử gì. Đã thế với chủ nghĩa lí lịch hà khắc, con cái của những người dính líu đến chế độ cũ cũng bị phân biệt đối xử trong học hành và làm việc. Vì thế mà đã xảy ra cơn lũ vượt biển sang với nước Mỹ vào những năm 1980. Và cho đến nay, sau 40 năm hết chiến tranh sự hòa hợp dân tộc vẫn chỉ là câu chuyện của cái bánh vẽ, lòng thù hận hậu chiến vẫn âm ỉ cháy.  
Trở lại với những câu chuyện về ông Hun Sen. Để chấm dứt triệt để chiến tranh,  ông kêu gọi người dân CPC đem súng đến nộp và cho phá hủy khẩu súng chết chóc ấy ngay trước mắt họ. Sau đó phát cho mỗi người một cái xe máy để đi lại, làm ăn. Cứ một khẩu súng nộp lại đổi được một cái xe máy Honda mới toanh. Cách suy nghĩ và hành động ấy nói lên Hun Sen là một vị lãnh tụ quyết đoán, trung thực và tất cả vì nhân dân CPC, vì hòa bình của đất nước CPC.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh trên TV cách đây mấy năm khi VTV đưa tin về cuộc bầu cử quốc hội ở CPC. Ở một điểm bầu cử hình ảnh trên truyền hình cho thấy ông Hun Sen dù là Thủ tướng chính phủ nhưng trong vai trò là một cử tri đi bầu phiếu, ông đã xếp hàng trật tự cùng với người dân như bất cứ một cử tri nào khác để lần lượt bỏ phiếu vào thùng (nếu là ở VN thì ông sẽ là người có đặc quyền đặc lợi được ưu tiên bỏ lá phiếu đầu tiên). Chỉ chừng đó thôi cũng đã quá đủ để Hun Sen trở thành thần tượng của tôi. Và tôi mong các nhà lãnh đạo VN cũng được một phần như thế cho…dân VN được nhờ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới