25 tháng 1, 2015

Giáo sư Trần Đình Sử đã lên đường...theo chặng mới

HTS: Thông tin về học thuật lí luận văn học rất mới và rất có lí. Mạn phép đưa về đây để làm tư liệu (GS Trần Đình Sử là thầy dạy tôi hồi cao học. Tiếng nói của ông từ trong sách vở, giáo trình đến ngoài đời, bao giờ cũng mới và cách mạng - hiểu theo nghĩa triết học). 



  Nguyễn Xuân Diện 


Tường thuật Tọa đàm "Trần Đình Sử trên đường biên của lí luận văn học" 
Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Trên đường biên của Lý luận văn học” của tác giả Trần Đình Sử, chiều 23 tháng 1 năm 2015, Khoa Viết văn báo chí, ĐH Văn hóa HN đã tổ chức tọa đàm “Trần Đình Sử trên đường biên lý luận văn học”. Đông đảo các nhà lý luận phê bình văn học, các giảng viên, giáo sư đại học và các học viên cao học, nghiên cứu sinh đã đến dự. 

Trong một hội trường khiêm tốn, khoảng 60 người đã có mặt ngay từ khi buổi tọa đàm chưa bắt đầu, với sự có mặt của các học giả, nhà nghiên cứu: Đỗ Lai Thúy, La Khắc Hòa., Trương Đăng Dung, Nguyễn Hùng Vỹ, Đoàn Ánh Dương, Mai Anh Tuấn, Lưu Khánh Thơ, Đoàn Tử Huyến, Phạm Duy Nghĩa. Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Đức Mậu, Lại Nguyên Ân, Trần Ngọc Hiếu, Phùng Ngọc Kiếm… 


Cuộc tọa đàm do Nhà văn, PGS.TS Ngô Văn Giá, chủ nhiệm khoa Viết văn Báo chí (ngày xưa khoa này chính là một trường riêng, gọi là Trường Viết văn Nguyễn Du) chủ trì, và Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên dẫn dắt. 

Mở đầu, nhà văn Văn Giá giới thiệu từng vị khách có mặt, với mục đích để cho sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh được thấy những gương mặt khả kính của làng lý luận mà họ mới chỉ được đọc trên tác phẩm. Sau đó nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu về diễn giả cũng là tác giả của “Trên đường biên của Lý luận văn học” – Nhà lý luận Trần Đình Sử với những lời rất trân trọng, kính yêu. 

Đại để, ông Nguyên nói: Giáo sư Trần Đình Sử là một nhà lý luận phê bình được đào tạo chính quy nhất từ hai nước Liên Xô và Trung Quốc. Ông là nhà khoa học hàn lâm, đã từng giới thiệu lý thuyết về Thi pháp học về Việt Nam và áp dụng thành công (Thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu). Trần Đình Sử suốt đời theo dõi đời sống lý luận và đời sống văn học Việt Nam một cách sát sao, vì vậy tiếng nói của ông là tiếng nói của một người có thẩm quyền bậc nhất. Và hôm nay, nhân dịp xuất bản cuốn sách mới nhất khi ông 75 tuổi, ông sẽ dành cho chúng ta một vinh dự là được nghe ông nói về cuốn sách của mình.

Tiếp theo, Trần Đình Sử, với giọng nói âm sắc Bình Trị Thiên nhưng khá cuốn hút đã trình bày về 3 phần của cuốn sách, và đặc biệt nhấn mạnh đến phần 1 “Mấy vấn đề lí luận Marxist và lí thuyết hiện đại”. 

Ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, chừng mực và giàu sức thuyết phục, ông nói về:

Văn học và ý thức hệ xã hội, trong đó ông phân biệt ý thức hệ chính đảng với ý thức hệ giai cấp; ông nói rất, mạch lạc về ý thức hệ chỉnh thể. Và ông dứt khoát văn học chỉ có trong đó ý thức hệ chỉnh thể mà thôi.

Văn học phản ánh hiện thực là gì? Đó chính là đặc sản của Lenin. Thực ra, phản ánh không phải là coppy, sao chép, chụp ảnh, mà chính là kiến tạo tạo và luôn phải có kiến tạo tạo.

Về phương pháp sáng tác, ông khẳng định không có phương pháp sáng tác chung chung như bấy lâu nay mọi người vẫn hiểu, mà chỉ có phương pháp sáng tác riêng của từng nghệ sỹ. Ông cho biết cả Liên Xô (cũ) và Trung Quốc đều đã không còn dạy dỗ rao giảng gì về vấn đề phương pháp sáng tác như trước kia nữa.

Về lý thuyết hình tượng. Sai lầm của Lenin là không đề cập đến tính ký hiệu của hình tượng, đồng thời cũng chưa nói được bản chất giao tiếp của văn học nghệ thuật.

Văn học không phản ánh hiện thực, mà phản ánh cái khả nhiên, cái khả nhiên phong phú hợn hiện thực nhiều.

Về quan hệ văn học và hiện thực, ông cho rằng nhà văn đi vào nhà máy, công xưởng, ruộng đồng chỉ để sang tạo cái biểu đạt. Nhà văn phản ánh ý nghĩa nhân sinh của cuộc sống.

Trần Đình Sử kết thúc 30 phút trình bày của mình rằng: Lý luận văn học Mác xít có rất nhiều nhầm lẫn. Và chúng ta phải nhận thức lại. 

Tiếp theo, theo lời mời của Phạm Xuân Nguyên là lần lượt ý kiến của Phạm Xuân Nguyên, La Khắc Hòa, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Hiếu, Lại Nguyên Ân, Văn Giá, Nguyễn Xuân Đức, Mai Anh Tuấn, Phùng Ngọc Kiếm, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Đăng Điệp. Riêng ba tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Xuân Diện (ngoại đạo) không được mời phát biểu.


 Nhà phê bình Lại Nguyên Ân (bên phải) phát biểu


 PGS.TS La Khắc Hòa phát biểu




 PGS. TS Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy phát biểu

GS. La Khắc Hòa khẳng định tầm quan trọng của vấn đề mà cuốn sách nêu ra, đó là phải truy vấn lại tất cả các lý thuyết mà chúng ta được trang bị lâu nay, hoài nghi, bàn thảo, truy vấn tất cả và cuối cùng là để kiến tạo những lý thuyết mới. 

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân đánh giá cao sự xuất hiện của cuốn sách trong bối cảnh hiện nay khi mà bầu trời lý thuyết lý luận đầy u ám. 

Các nhà phê bình văn học trẻ như Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương tìm thấy trong cuốn sách sự dẫn lối và nghe thấy trong đó hồi kèn hiệu triệu của một bậc lão làng trong làng phê bình, lý luận văn học. Mai Anh Tuấn, Nguyễn Đăng Điệp phát hiện cuốn sách xuyên suốt là một giọng điệu hóm hỉnh của một bậc trưởng thượng mà “ngoan đồng”. 

Là người phát biểu cuối cùng, bằng một giọng nói xúc động mà vui vẻ Giáo sư Trần Đình Sử đã nói lời tâm sự của một người cả đời đi tìm kiếm và áp dụng lý luận cho ngành phê bình và nghiên cứu văn học. 

Ông nói: “Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi. 

Các anh chị khi lên lớp hãy nói cho sinh viên rằng: Phản ánh hiện thực là Kiến tạo tạo hiện thực. Khi dạy về hình tượng thì hãy nói Hình tượng là ký hiệu. Tất cả chúng ta hãy góp sức làm thay đổi hệ thống lý luận, làm thay đổi bức tranh lý luận. 


Đổi mới lý luận là phải có nhiều người cùng làm, mà mỗi người là một khác nhau chứ không phải là bè cánh. Tôi mừng thấy thế hệ trẻ đã có cái mới và sẽ đem cái mới về cho nền lý luận văn học của chúng ta”. 


Rồi ông nói vui: “Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”. 

Cuộc tọa đàm diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ, với khoảng 60 người tham dự. Rất hiếm hoi có một cuộc sinh hoạt học thuật về lý luận mà lại hấp dẫn, lôi cuốn được từ đầu đến cuối trong chừng ấy tiếng đồng hồ.


PGS. TS. Nhà văn Văn Giá, trưởng khoa Viết Văn Báo Chí tặng hoa GS. TS Trần Đình Sử

Trần Đình Sử là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân Dân. Ông là một nhà khoa học uyên bác và có thẩm quyền trong làng lý luận văn học lâu nay. Với 75 tuổi đời, ông vẫn hàng ngày cặm cụi bên bàn làm việc nhiều giờ, đọc trực tiếp những bài viết, công trình mới nhất từ nguyên bản tiếng Nga và tiếng Trung trên bản điện tử, vẫn viết với cường độ mà nhiều anh em trẻ cũng khó theo kịp. Vẫn chấm các luận văn luận án, viết bài cho các hội thảo và theo dõi sát sao đời sống văn học và lý luận nước nhà. Trần Đình Sử đã là một cây đa, cây đề, một bậc danh vọng trong làng phê bình và nghiên cứu văn học. 

Sương tuyết đã nhuộm trắng mái đầu, Trần Đình Sử vẫn luôn đổi mới, quyết lòng tính sổ và bỏ lại phía sau những gì đã lỗi thời, lạc hậu, trì trệ và áp đặt thô thiển – mặc dù có khi chính cái đó đã mang lại danh vọng cho ông, để lên đường, chặng mới của hành trình đổi mới lý luận văn học… 

N.X.D
Nguồn: Tễublog




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới