Truyện ngắn của Chử Anh Đào
Cơ quan chúng tôi nằm ở một trong
những vị trí cao nhất thành phố về phía tây. Sau đó là nghĩa địa cũ. Xa hơn tí
nữa là vạt rừng cao su mùa này trụi lá, giơ muôn vàn cánh tay khẳng khiu vào
trời xanh như cầu xin một tí mưa thôi cũng được vì bị cái nắng nóng thiêu đốt
tới kiệt sức. Tỏ mờ phía chân trời là dãy Chư Ó giáp quốc gia láng giềng.
Thường mỗi sáng thứ hai giao ban xong, tôi và Độ không sà vào rê dắt cà phê mà ngược lên con đường mòn sau cơ quan để lang thang đi về phia có những làng đồng bào dân tộc, nơi tiếng chiêng lễ Pơ thi đêm trước còn vương đâu đó trên những ngọn cây hoặc đã hòa vào mây trắng những linh hồn bất tử. Tôi dạy âm nhạc còn Độ dạy mĩ thuật. Cả hai vừa có chân trong Hội văn học nghệ thuật của Tỉnh. Nghĩa là, nói cho oai một tí, chúng tôi vừa là thầy giáo, vừa là nghệ sĩ.Những cuộc đi bộ vặt vãnh này có thể cũng được coi là đi điền dã, đi thực tế, tìm đề tài, cảm hứng sáng tác.Có lúc thấy tôi chần chừ, Độ vừa như động viên vừa răn dạy: “Như ông bà mình nói, đi một ngày đàng… Chứ cứ ru rú ở nhà…Cơ hội không bao giờ tự đến với bất cứ ai mà chỉ đến với những người đi tìm nó.”
Lối mòn ngược lên phía đồi lầm bụi đỏ.
Bụi len lỏi vào tất cả các ngõ ngách người đi. Mới ra giêng mà trời đã hầm hập
nóng để đến lúc đực cái không thiết nghĩ tới nhau trong vài ba tháng nữa thì
trời mới làm những trận mưa phục sinh cho muôn loài. Từ “mùa xuân” ở Tây
Nguyên nghe có vẻ như là sự mỉa mai. Xuân gì mà nắng, mà gió, mà bụi, mà khô
héo, mà quay quắt…Không phải là sự bắt đầu mà như sự kết thúc. Mùa xuân chim én
bay về, chim én đưa thoi đâu chả thấy, chỉ rợp trời bóng quạ. Đàn quạ như bóng
mây bay qua che lấp cả mặt trời. Không gian đầy chật âm thanh ồn ã và hỗn độn
tiếng quạ kêu, không lẻ loi vắng lặng và quạnh quẽ như trong “ Phong Kiều dạ
bạc” của một nhà thơ Đường…
Tiếng chiêm chiếp đứt quãng như tiếng
ọ ẹ của trẻ sơ sinh bên gốc tràm cành lá rũ rượi như tóc người đàn bà sau cuộc
yêu làm chúng tôi chú ý. Chúng tôi cúi xuống. Thì ra là một chú chim non to bằng
con chim sẻ đã trưởng thành. Mắt nó như hai giọt mực to tròn ngơ ngác. Viền
xung quanh mỏ là một màu vàng nhạt đến nao lòng, mỏng và thoảng như nắng trong
chiêm bao. Lơ thơ dăm ba sợi lông măng trên đôi cánh như bàn tay con trẻ đang
ra sức vẫy vẫy cầu cứu trong cơn tuyệt vọng, Loang loáng vài ba vết bầm dập vì
rơi từ độ cao trên kia xuống. Chi chít gai của bãi mắc cỡ đã làm thân mình non nớt, đỏ hon hỏn của nó rớm máu.
Độ nâng nó trong lòng bàn tay. Mắt nó dường như sáng lên biểu lộ niềm vui và sự
tin cậy vô cùng. Và lạ thế, chẳng thấy tanh hôi đâu mà thịt da nó thoảng lên
hương thơm như đứa trẻ ba bốn tháng tuổi ngát lừng mùi sữa mẹ. Có tanh hôi là ở
những năm tháng phía trước, có lẽ cũng là do hoàn cảnh. Còn thoạt kì thủy thì
đúng như lời Phật dạy: Không có sự khác nhau nào trong máu cùng đỏ; không có sự
phân biệt nào trong nước mắt cùng mặn! Tôi trèo lên cây tràm gỡ cả cái ổ chim
rất rối xuống. Cả thảy là năm con. Kí ức tuổi thơ như những đợt sóng âm ỉ qua
lặng thầm năm tháng bỗng ùa dậy, tuôn trào. Thủa ấy khi còn là cậu bé sáu bảy
tuổi, cùng với chó mèo gà vịt, tôi rất thích nuôi chim. Tôi không biết leo
trèo, cũng không biết cắt một ống tre cái, lấy tàu lá cọ phủ ra bên ngoài, bắc
lên cây xoan, cây ổi trong vườn dụ vợ chồng chim sẻ về ở rồi sinh con đẻ cái.
Tôi phải mua lại của lũ bạn ma lanh hơn. Thường một lứa chim sẻ bốn năm con.
Sau dăm ba ngày chúng mở mắt là tôi xin tiền mẹ để mua. Cứ vài ba ngày con chim
chết bởi sự vụng về, ngờ nghệch của con người. Tôi buồn bã mua con khác. Người
bạn kia biết tôi thế nào cũng mua hết lứa chim của hắn nên hắn để dành và thản
nhiên tiền trao cháo múc về những lứa chim non ấy. Công cuộc nuôi chim, trừ con
sáo ngà anh Thông nhà bá tôi trên Phù Ninh cho, là thành công, còn lại là thất
bại. Nhưng lớn lên tôi nghiệm ra rằng: Nhu cầu kết bạn của con người là rất
lớn; rằng bất kì con vật gì mà ta thật lòng yêu thương chúng thì ắt sẽ được đáp
đền trở lại, và chính đó là niềm vui, niềm an ủi vỗ về kích thích lòng ham
sống. Gần đây cơ quan tôi, có bà làm trưởng một phòng chuyên môn. Mọi kế hoạch
chỉ tiêu trong năm đều hoàn thành xuất sắc. Nhưng không khí trong phòng đặc
quánh mùi quan liêu hách dịch, thiếu hơi thở ấm nồng của nhân tình. Các nhân
viên lần lượt viết đơn xin chuyển công tác. Bà này với tôi cũng là chỗ thân
quen. Trong buổi bình xét thi đua cuối năm, thấy mọi người từ xa xôi bóng gió
tới huỵch toẹt ra cái gót chân A Sin của bà, tôi thầm nhớ lại một câu ngạn ngữ
phương Tây: Nếu một người bảo anh là con lợn thì anh có thể đấm vỡ mõm hắn ra.
Nhưng nếu trăm người nói anh là con lợn thì đúng anh là con lợn thật. Đấy có
thể là văn hoa hình ảnh. Còn Khang, một chuyên viên có dáng người mập mạp phúc
hậu như một bí thư xã vùng xa thì chân thành, giản dị: “ Cũng như ta nuôi gà
nuôi chó thôi. Yêu thương chúng thì chúng sẽ yêu thương lại.” Đúng là có những
bài học tưởng như quá đơn giản trong đời mà ta mãi vẫn không thuộc được…
Chúng tôi đem ổ chim ấy về, cũng chưa
biết để làm gì. Vào tới sân khu tập thể, ông Kiến, chủ nhiệm khoa của chúng tôi
hỏi:
- Các ông có cái gì đấy?
- Bìm bịp.
Mắt ông Kiến sáng lên:
- Bìm bịp. Mấy con? Để cho tớ. Chiều tớ sẽ đãi
các ông một chầu nhậu.
Ông Kiến quê ở nơi có Bà mẹ Việt Nam
anh hùng nhiều nhất nước, con một, gia đình liệt sĩ. Vợ ông làm y tá, cũng là
con một của ông làm giám đốc một lâm trường mãi tận huyện K. Nói như thế để
biết cái sự khát khao có lớp măng mọc cháy bỏng biết chừng nào. Cưới nhau đã
năm năm, sự sốt ruột pha chút hoang mang lo sợ đã lên gần đỉnh điểm. Thôi thì
vái tứ phương, đủ các loại đình chùa miếu mạo, đủ các loại thầy, đủ các loại
thuốc đông tây nam bắc. Rốt cuộc thành tâm đã thấu tới trời, sự sống đã tượng
hình sáu tháng. Siêu âm quí tử đích tôn, tim thai khoẻ mạnh, thai nhi phát
triển bình thường. Gia đình háo hức đếm ngày đếm đêm chờ tới cái giờ khai hoa
kết trái. Đứa bé trong bụng chừng như cũng đọc được sự nôn nóng của mọi người
mà quẫy đạp mẹ nó mãi không thôi.
Ông Kiến giải thích thêm:
- Minh Mạng thang, A ma Kông, Trường xuân tửu,
Dâm dương hoắc, tắc kè, cá ngựa…nhà đầy. Chỉ có bìm bịp là khó kiếm. Rượu bìm
bịp non hạ thổ, ngâm ba tháng mười ngày cùng với trứng gà ta là cực tốt cho cả
mẹ lẫn con: nhiều sữa, da dẻ hồng hào, xương cốt dẻo dai cứng cáp, nhỡ có té từ
độ cao một mét cũng không sợ gãy…Thần dược! Thần dược!
Tôi chợt nghĩ: Ở cái nước mình thì cây
gì, con gì mà không nhậu được, ngâm rượu được. Thật là một đất nước kì quái.
Toàn quân ham chết sợ sống(!) Nhưng thấy sự háo hức như bắt được vàng của ông
Kiến, chúng tôi tần ngần đưa ổ chim cho chủ nhiệm khoa rồi cao chạy xa bay, “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, tuyệt đối không dám mơ tưởng tới buổi chiều
bên nồi lẩu dê thơm nức mũi ở cuối đường Trư Bát Giới mà ông Kiến hứa chiêu
đãi.
Một tháng sau, ông Kị chủ căng tin gặp
chúng tôi gầm gừ. Lão này khi nghi ngờ hoặc bực tức điều gì với ai thì mắt vằn lên
những tia máu và lồi ra, trông rất đáng sợ:
- Các ông cho thằng Hướng con tôi chim gì?
Chả là trưa hôm đó, chúng tôi ghé vào
căng tin uống nước. Thằng Hướng cũng là một đứa trẻ thích chim. Nó năn nỉ các
chú cho nó một con…
- Chúng tôi cho chim bìm bịp.
- Bìm bịp gì mà lông đen tuyền?
- Vậy thằng Hướng nuôi nó bằng gì?
- Bằng thịt bò.
- Thảo nào lông nó chả đen. Bìm bịp phải cho
ăn rắn thì màu lông mới chuẩn.
- Thôi con lạy các bố. Con chim biết nói rồi
đấy. Đến mà nghe nó kêu rành rẽ tên khai sinh của nó kia kìa.
Chúng tôi tái mặt. Sợ ông Kị một còn
sợ cái ông ngâm rượu kia mười!
Đúng bảy mươi ngày sau. Bà vợ ông Kiến
đã mẹ tròn con vuông, đang ở cữ. Buổi chiều, bên tô cháo gà ác tần nghi ngút
khói, ông cầm li rượu thuốc, hai tay nâng ngang mày cung kính:
- Em cố uống hết li này. Vì em, vì hoàng tử
của chúng ta.
- Em chịu thôi, tanh lắm.
Ông Kiến năn nỉ:
- Ráng lên mà. Càng tanh càng bổ. À hay là anh
pha thêm chút mật ong rừng?
Bà vợ phùng mang trợn mắt, lấy hết sức
bình sinh nuốt cái li rượu ấy đánh ực, như vừa thoát được cửa ải mới, khó như
lần vượt cạn vừa qua.
Bỗng có con quạ cái đen trùi trũi ,
sải cánh như đại bàng từ phía Tây bay tới, như từ cổ tích ngàn năm trước bay
về, đậu ngay lên đầu hồi dãy nhà kí túc xá kêu vang ba lần:
- Quạ! Quạ! Quạ! Ngon gì mà ngon. Rượu ngâm
con tao. Có còn xin hớp!
Ông Kiến tái mặt, ra lấy đá ném đuổi
nó đi. Nó chao về phía căng tin rồi lộn vòng trở lại: “ Quạ! Quạ!...” Ông A Veo
phòng bên bảo: “ Với người Xơ Đăng chúng tôi, chim cú, chim quạ kêu báo điềm
lành lắm đấy.”
Chiều sầm sập buông như cố khép lại
một cái Ác không chủ định.
PK
20.2.14
C.A.Đ