Truyện ngắn của Chử
Anh Đào
Dung thân yêu!
Nhiều người nói
rằng khi uống rượu con người ta trở nên cởi mở hơn, trung thực hơn với chính
bản thân mình. Tối nay cũng vậy. Mình mới đi dự lễ Pơ tring (lễ cơm mới) ở làng
Nú Vai về. Hạnh bé bỏng của mình đã ngủ say trên cái giường tre cạnh bàn
viết.Ôi, con gái của mẹ! Cục cưng của mẹ! Nguồn sáng trong đời mẹ! Lớn lên con
sẽ hiểu vì sao…Bài soạn cho buổi lên lớp ngày mai đã xong rồi. Cám heo cũng đã
nấu rồi. Giờ ngồi nhìn Hạnh ngủ mà chợt nhớ tới Dung, tới sự âu yếm của Dung đã
dành cho nó trong phút chốc nhân dịp công tác tháng trước qua đây, tới bàn tay
bụ bẫm trắng trẻo của nó tin tưởng quàng qua cổ Dung.( Trong khi người lớn
chúng ta có trăm nghìn mưu mẹo đánh lừa để đổi lấy sự yêu mến của nhau thì với
trẻ con lại không thế. Làm mẹ rồi, người ta biết thêm nhiều điều lắm. Ví như
với trẻ con thì chỉ có tình thương thực sự mới có thể khiến chúng yêu thương
lại mà thôi.) Vậy là Dung đã thương yêu bé Hạnh. Mình cảm động và chân thành
biết ơn bạn về điều đó…
Những lần uống
rượu, đối diện với lòng mình mà chỉ thấy choáng ngợp trước một vực sâu thăm
thẳm. Dân làng thường nói : “ Cô Hoàng uống rượu không say. Lạ quá!” Đêm nay
mình nghĩ tới Dung, tới cái lòng tốt mà Dung đã không háo hức tò mò như giới nữ
chúng mình hay có trong những hoàn cảnh tương tự. Hẳn Dung còn nhớ cái buổi tối
xem phim Roomeo và Jliet về, hai đứa đứng trú mưa ở đường Lê Thánh Tông bên gốc me già gần chục năm về trước, chúng
mình đã bàn luận sôi nổi về tình yêu, đã giao hẹn với nhau sau này đứa nào cười
chồng thì vị hôn phu ấy phải được sự “ xét duyệt” của cả hai đứa. Vậy mà bây
giờ, trớ trêu thay! Hạnh, trong đầu của nó đã có một vốn gần hai trăm từ nhưng
không hề biết kêu “ ba”, một trong những từ tập nói đầu tiên của tất cả trẻ con
trên trái đất này. Thật đúng là ở đời có biết bao nhiêu điều mà người ta không
thể lường trước được. Dung đã toại nguyện trong công danh sự nghiệp, gia đình.
Mình mừng cho cậu. Cũng chính cái nghề cần đi đây đi đó nhiều của Dung nên ta
mới có cơ hội gặp nhau hồi tháng trước. Nhưng lần ấy ta đã huyên thuyên đủ thứ
mà không hề đụng chạm đến “ xuất xứ” của bé Hạnh. Còn bây giờ mình sẽ kể cho
Dung nghe…
Có lẽ bắt đầu từ
những đêm khó ngủ.Thoắt cái đã sáu năm trời. Hình ảnh cái cô gái xanh xao, mảnh
dẻ, tóc thề xõa ngang vai và đôi mắt to đen tròn ngơ ngác sau cặp kiếng bự đã
như một dĩ vãng xa xôi nào. Như của người khác xa lạ nào chứ không phải mình
bây giờ như Dung vừa thấy nữa. Khó ngủ nên hay nghĩ vẩn vơ. Nghĩ vẩn vơ để rồi
lại càng khó ngủ. Đêm mãi chẳng sáng. Nhiều lần mình thức từ tiếng giã gạo cụp
cum buổi tối tới khi con dê cọ chuồng sáng hôm sau. Những đêm ấy mình cứ nghĩ “
Tại sao?” Mình vẫn khỏe. Thư nhà đều đặn một tháng một lần. ( Má mình tuy đã
cao tuổi nhưng Người rất siêng viết thư) Công việc hoàn thành tốt, nhất là việc
quanh năm “dụ” học sinh tới lớp. Vẫn được bà con dân làng và học sinh nguyên
vẹn lòng quí mến. Dân làng đã coi mình là thành viên trong cộng đồng nghìn đời
của họ. Vào mùa lễ ư? Mời cô Hoàng. Nhà có người ốm ư? Mời cô Hoàng.Họp bàn
định canh định cư? Mời cô Hoàng…Vậy thì do đâu mà khó ngủ? Hay nhiệt tình nghề
nghiệp của mình đã giảm sút? Không! Nếu không yêu nghề, thương những thân phận
cụ thể làng Đăk Roong heo hút chênh vênh trên sườn núi cao quanh năm mây mù che
phủ này thì mình đã không tình nguyện ở lại từ hồi đó tới giờ. Hồi đó là những
ngày đầu sau 1975. Tương lai như bừng
sáng. Con đường dường rộng mở. Nhưng những đứa sinh viên như bọn mình như đang
đứng trước ngã bảy ngã năm. Mỗi người đã tự lựa chọn và tìm cho bản thân con
đường riêng. Người vội vã theo gia đình di tản ra nước ngoài. Người thở dài: “Thế
là hết” (!) và buông thả quãng đời còn rất dài, rất đẹp của mình trong những
tiệm cà phê quanh năm tăm tối với những điệu nhạc não nề. Lại có những kẻ lao
vào nhậu nhẹt bê tha bằng tiền của ba má. Rượu vào, huyênh hoang một tấc đến
giời rằng ta đây đã từng là sinh viên văn khoa, cử nhân luật… rồi dẫn cả mớ
triết học cổ kim đông tây ra nhắng nhít lòe thiên hạ. Có kẻ xoay sang chạy mánh
và tấp tểnh vượt biên những mong ngày trở về thành Việt kiều yêu nước. Có đứa
hốt hoảng cạo hết móng tay móng chân đi vì nghe đồn Việt cộng tiếp quản sẽ tuốt
sạch móng vuốt của họ, để rồi sau cơn bàng hoàng không phải thế lại sơn vào cẩn
thận hơn xưa, mô đec hơn xưa… Nhưng số đó không nhiều. Phần lớn sinh viên tiếp
tục học lên với chương trình mới. Vẫn Trần Hưng Đạo “tới bữa quên ăn, nửa đêm
vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Vẫn Nguyễn Trãi viết thiên cổ hùng
văn “Bình Ngô đại cáo”. Vẫn Quang Trung hành quân thần tốc,đánh tan hơn hai
mươi vạn quân Thanh. Vẫn Đồ Chiểu “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”…Lại có
người đi bộ đội, đi Thanh nhiên xung phong. Còn mình trong số những người xung
phong lên Tây nguyên xóa nạn mù chữ. Người mẹ nào mà lại chẳng muốn cho con
mình được sung sướng. Thế nhưng cũng bởi tinh thương mà chiều con. Bà cụ cũng
vui lòng cho mình đi vào đợt ấy. “Con cứ tới nơi cuộc sống cần con.” “Dạ! Sáu
tháng thôi má à, rồi con sẽ lại về bên má.” Vậy mà thoắt một cái đã sáu năm.
Sáu năm…Từ phát hiện ban đầu rằng kiến thức sách vở mới nhỏ bé làm sao, khác
biệt làm sao so với đời sống thực. Sáu năm ở lại chỉ với một ý nghĩ giản dị
rằng mình có ích cho mọi người. Dân làng tin yêu mình và muốn mình giúp đỡ để
đời sống của họ ngày bớt nhọc nhằn, lam lũ hơn…Vậy đó Dung à. Thế mà mất ngủ…
Đã sang đầu mùa
mưa. Mùa mưa ở Cao nguyên đồng nghĩa với sự sống sinh sôi, đồng nghĩa với mùa
xuân đồng bằng. Những ngày nắng vỡ ống nứa lồ ô, những cây bụi kín trời đã bắt
đầu nhường chỗ cho những hạt mưa đầu tiên rụt rè e thẹn trên từng cành lá khô
khát. Và trong những đêm nao lòng như thế, một giai điệu của những ngày xưa yêu
dấu không biết từ đâu vọng về. “Em tan
trường về/ đường mưa nho nhỏ…” Bài hát cũ trở về kéo theo bao nhiêu là thứ
khác. Những cái tưởng đã thành xưa cũ, đã lãng quên thì nay thi nhau ùa cả dậy
như sóng biển quê ta ngày mưa bão. Con đường tới trường ven biển rợp bóng dừa.
Tu viện Đức Mẹ vô nhiễm trầm mặc và u tịch bên những cây long não cổ thụ đương
Bà Huyện Thanh Quan. Những gương mặt bạn bè gái trai thân thiết. Những đêm theo
má đi soi ghẹ. Những cuộc bàn tán quanh bàn cà phê Diễm xưa ngày chủ nhật…Và nụ
hôn đầu tiên trong đời run rẩy vội vàng của người trai buổi chia tay lên má
phải của mình từ mấy năm về trước giờ lại ửng lên và buồn nhột như có con nhện vô
hình nào giăng tơ trên đó. Tất cả, tất cả được phủ lên bằng một thứ nắng vàng
mỏng nhẹ như nắng trong chiêm bao. Một cái gì xa vô cùng. Một cái gì đang đến. Một
cái gì thật như da thịt mình mà rất khó gọi tên. (Chỉ thầm gọi trong lòng thôi
đã khó). Ở ngoài kia là trời đất giao hòa qua những làn mưa giăng hăm hở. Những
dải đồi thấp mùa khô mỏi mòn là thế giờ ưỡn ngực lên để hứng cho hết những mát
ngọt của mưa trời. Những vạt rừng khô xao xác lá vặn mình run rẩy. Mưa xuống,
dòng nhựa ứ lên , thân cành nẩy cơ man là những búp non tơ mập mạp và tráng lệ.
Chim Plang Poong suốt đêm thổn thức, thiết tha gọi bạn về làm tổ mới. Ở dưới
kia, những khe lạch mới rồi còn khô khốc, lổn nhổn đã cuội trắng giờ đã ăm ắp
nước. Nước dềnh lên, say mê mơn man đôi bờ nõn nà cỏ xanh mới nhú. Từng đàn cá
Lăng, cá Anh Vũ bầy xuôi lũ ngược háo hức tìm nơi đẻ trứng. Tiếng quẫy đạp mùa
sinh nở của chúng làm lung lay cả cái im lặng tận nơi thẳm sâu của núi
rừng…Trong những ngày như thế, vào một buổi chiều trời quang mây tạnh, anh ấy
đã đến. Anh nói anh đi theo đội khảo sát mạch nước ngầm của Liên đoàn địa chất
K. Đây là đợt công tác cuối cùng của đội khi mùa mưa đã tới. Đây cũng là đợt đi
thực tế cuối cùng của anh trước khi lên đường ra nước ngoài làm nghiên cứu
sinh. Các bạn anh đang ở những làng bên cạnh. Anh đi theo hướng Tây- Bắc và
không ngờ gặp may. Anh xin cô giáo cho ngủ nhờ một đêm…
Bảy tháng sau, một
ông phụ trách công tác tổ chức của phòng giáo dục tìm tới. Dung có biết những
người ở xa như mình mừng thế nào không khi có khách? Cho dù người đó ở dâu, làm
nghề gì đi nữa chứ đừng nói đồng nghiệp với nhau. Vì ở đây rất ít khách. Lớp
mình mở ở làng, cách trung tâm cụm xã mười lăm cay số. Khách tới đây phải tính
bằng quí, bằng năm. Sự có mặt của khách giữa rừng già heo hút này đã là một bản
lí lịch tin cậy rồi. Chỉ riêng việc được nói chuyện bằng tiếng Việt thỏa mái
với nhau đã là một bữa tiệc, một sự sung sướng. Nhưng lần ấy, nụ cười mừng rỡ
chưa kịp nở trên môi mình đã bị cái nhìn như lưỡi dao bầu chọc tiết lợn của ông
cán bộ tổ chức phạt ngang không thương tiếc. Bước ngang qua lời chào, ông hùng
hổ bước vô. Cách mình chừng hai mét thì cái gương mặt khỉ dừng lại.(Làm như
bước thêm tới nữa thì mình sẽ làm bẩn ông ta) Không nói không rằng, ông trố mắt
nhìn thẳng vào bụng mình, lâu đến nỗi tai mình đỏ rừ lên và mình chỉ chực chui
xuống đất. Hình như cộng cả với sự bực tức
phải đi bộ gần cả ngày đường vì một chuyện không đâu, ông cứ đứng thế,
một tay chỉ vào bụng mình, một tay chống nạnh mà tuôn ra hàng tràng những lời
căm giận. Đại ý: Chúng tôi cứ tưởng cô lên đây yên tâm công tác phục vụ nhân
dân, phục vụ Đảng và nhà nước chứ đâu có biết cô lợi dụng chỗ heo hút này để
làm…(lạy trời! Xin thề là ý định gì đó là của ông cán bộ tổ chức nghĩ ra) Rồi:
Cô có biết là cô đã làm một việc xấu xa, ghê tởm tới mức nào không? Cô đã bôi
nhọ danh dự nhà giáo chúng ta (à quên, “chúng tôi”- ông ta sửa lại ngay) biết
chừng nào không? Cô thấy còn xứng đáng là người giáo viên nhân dân nữa không? Vân
vân và vân vân. Làm như nhà nước ta sắp phải giải thể ngành giáo dục vì cái
bụng của mình và mình là tên tội phạm lớn nhất thế kỉ không bằng ấy. Tóm lại là
mình cứ đứng như trời trồng và không thể tưởng tượng nổi ông ta lại nói năng
như thế, ông ta lại có năng khiếu kể tội hùng hồn đến thế.(Xin thông báo cho
Dung biết thêm, lão này một năm sau hiện nguyên hình là một con dê già, léng
phéng thế nào với cô tạp vụ cơ quan, bị thằng người yêu cô ấy bắt quả tang, xẻo
“hộp số” của lão quăng xuống suối. Sau lão bị tâm thần, răng gãy một cái ở ngay
cửa ngõ, tóc rụng mấy phần, phải mua chim nhựa lắp vào, giờ suốt ngày lê la
kiếm ăn ở chợ Huyện, bị mọi người xa lánh)
Trở lại hồi ấy,
thoạt đầu mình sợ lắm. Sợ rồi đến bực, đến buồn, đến chán nản. Mình biết thân
biết phận, biết tội mình lắm chứ. Có điều nó có trầm trọng tới mức như ông cán
bộ kia nói không? Trong thời gian ấy, có lần mình mơ ngủ. Mình đang ngồi bên bờ
suối vắng và khóc. Nước mắt đầm đìa hai vạt áo, chảy xuống thành dòng suối thứ
hai. Bỗng một cụ già râu tóc bạc trắng hiện lên, vỗ vỗ nhẹ vào vai mình và thủ
thỉ: “Nín đi con! Khóc mà làm gì. Ở thế gian này nước mắt không phải là thứ vũ
khí hiệu nghiệm đâu. Ta muốn con bình tâm nghĩ lại. Trong tai họa bao giờ cũng
chứa đựng mầm hạnh phúc. Và tai họa sẽ làm cho người ta cứng cáp hơn lên. Con
có tội vì làm trái với thông lệ của đám đông. Nhưng con lại làm đúng với Đạo
của thiên nhiên. Đó lại là điều đẹp đẽ. Vả chăng con người không phải chỉ có
bổn phận, dù hoàn thành bổn phận xã hội ấy tốt đến đâu chăng nữa. Con người còn
có những nhu cầu trần thế, rất Người, rất chính đáng khác cần được thỏa mãn.
Chính ở đây mới cần một cách phán xét, một cái nhìn bao dung độ lượng và nhân
đạo để nâng đỡ con người.”
Mình thấy lúc thì
đi giữa cánh đồng đầy hoa hồng bạch, lúc lại lạc trong những nghĩa địa hoang
tàn mà đồng bào đã làm lễ bỏ mả với những tượng mồ mục rữa, u buồn. Có những
pho tượng bị mối mọt, gió mưa đục gãy thân mình, lăn lóc trên mặt đất nhưng vẫn
giữ bộ mặt trang nghiêm vốn có. Lúc lại như được chắp cánh bay lên, bay lên mãi
tới vùng hào quang lòa chói, rợp cánh bay lượn của những thiên thần nhỏ. Khi
lại như đang rơi với tốc độ chóng mặt xuống vực sâu không đáy lúc nhúc thuồng
luồng, cá sấu. Giữa con người, có người mỉm cười vẫy gọi; có người dang rộng
tay dìu mình đi; có kẻ lại xua đuổi, phỉ nhổ, giẫm đạp lên bụng mình…Và trên
hết, đứa con tượng hình trong tất cả. Và lần đầu tiên mình phát hiện ra rằng
thế giới này là thế giới của tình mẫu tử. Từ những bầy trâu bò của dân làng tới
bầy gà con nhi nhúc bên mẹ; từ vạt rẫy bắp đang bồng con ngậm sữa phất cờ đến
bụi le ngoài suối oằn tấm lưng gầy nâng níu những chồi măng vượt qua cõi đất đẻ
sống cuộc sống với trời mây và ánh sáng. Trông dãy Ngok Ring trước nhà cũng
thấy hình núi mẹ địu con. Cho tới cả xoong nồi, ấm chén, bát đũa…Tất cả! Gần
gũi và thiêng liêng làm sao. Chúng trở nên thân thiết máu thịt với mình làm sao.
Và chúng đem lại cho lòng mình sự thanh thản vô cùng.
Mình sinh con ở
bệnh viện huyện. Cũng phải nói thêm là khi chuyển dạ, người đàn bà cần đến
người đàn ông đã gần gũi mình biết chừng nào. Dĩ nhiên là anh ta không thể đau
bụng thay mình được. Nhưng anh ta sẽ là cái trụ vững chắc về vật chất và tinh
thần để người phụ nữ dựa vào. Nhớ lại cái đêm anh nghỉ nhờ, tới giờ mình vẫn
không giải thích được tâm trạng mình khi ấy. Dung có thấy nhiều khi con người ta
không thể hiểu ngay cả chính bản thân mình không? Mình nói thế không phải để
ngụy biện gì. Tội vạ đâu mình xin chịu hết. Mình không hề có ý định oán trách
ai cả. Dạo ấy, khi biết mình có bầu, một cô bạn dạy làng bên cũng ái ngại và
thương mình nên bày cách: “ Thì cậu cứ đổ hết tội lên đầu hắn đi. Trên đời này
thiếu gì những tên Sở Khanh. Thêm một tên nữa cũng chưa đến nỗi là thừa đâu.
Giờ thì hắn đã cao chạy xa bay rồi, biết đâu mà cãi cọ, mà kiện cáo. Ví như cậu
cứ nói là mình nhẹ dạ cả tin, bị lừa, thậm chí bị cưỡng bức. Người ta sẽ tin và
thương cậu ngay.” Nhưng chỉ nghe cô bạn nói mình đã đỏ mặt.Và cho tận mãi bây
giờ nếu được quyền lựa chọn thì mình vẫn sẽ chọn anh ấy và tin là anh đồng ý.
Đúng là anh ấy chứ không phải ai khác. Xin đừng tưởng rằng cứ ở thật lâu bên
nhau là tin tưởng và thương yêu nhau đâu. Bằng linh cảm, bằng trực giác mà có
khi chỉ một phút giây đã là tất cả và có khi gần cả đời người vẫn không thể
xích lại gần nhau. Trực giác của cánh con gái chúng mình mạnh và nhạy lắm. Dung
có thấy vậy không? Với lại, xét cho cùng thì do mình đề nghị, mình xin tình yêu
của anh ấy kia mà... Nhưng không có anh, thui thủi tới bệnh viện một mình, mình
tủi thân hơn bao giờ hết. Những ngày ấy nếu không có sự sẻ chia thông cảm, giúp
đỡ tận tình của những người thầy thuốc , đồng nghiệp thì chưa chắc mình vượt
qua khỏi. Đau bụng hai ngày hai đêm, sáng thứ ba, kiệt sức, phải hút con bé mới
chịu ra. “Thứ này mai ngày là lì lắm đây”- một bà hộ lí thốt lên. Ông Thung bác
sĩ khoa sản biết chữ Hán góp ý nên đặt tên cháu là Hạnh. “Tôi không duy tâm
đâu. Nhưng “Hạnh” nghĩa là may mắn. May mắn cho cô và cho cuộc đời cháu sau
này. Chúng ta có quyền ao ước và hi vọng chứ”- ông nói vậy.
Đấy là câu chuyện
hơn hai năm về trước. Giờ bé Hạnh của mình đây- cái kết quả của một tình yêu
không đám cưới. Con bé có đôi mắt to đen như mắt mẹ nó ngày trước và cái cằm
bạnh ra cương nghị của anh. Hạnh trắng trẻo, hồng hào,suốt ngày lê la đất cát
với lũ trẻ con trong làng. Dạ (bà) Y Vim ở làng Pút, nơi mình chuyển đến dạy
sau khi sinh cháu , đan cho Hạnh cái gùi mây nhỏ xíu để đựng con búp bê bằng
vải tiết kiệm mình làm cho nó. Lớn lên Hạnh có những câu hỏi mà mình cần trả
lời. Nhưng đấy là chuyện sau này. Còn bây giờ, mùa mưa tới đây, ngày ba mươi
tháng năm, Hạnh tròn ba tuổi. Nó đã thuộc gần chục bài hát ngắn cả Việt lẫn Xơ
Đăng. Và cái gót chân hồng dính đầy bụi đất đỏ của nó cũng đã bắt đầu rụt rè
nhún nhảy theo nhịp chiêng trong mùa lễ hội của dân làng.
…
C.A.Đ
Tác giả Chử Anh Đào (thứ 2 từ phải sang) 35 năm về trước. Người đứng giữa là anh hùng Núp (Ảnh từ blog của nhà thơ Văn Công Hùng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới