20 tháng 8, 2022

Hai truyện ngắn hay của Di Li trong Tầng thứ nhất

(Bài đăng trên vanvn.vn của Hội nhà văn VN, 19-8-2022) 

Tầng thứ nhất (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2007) bao gồm 16 truyện ngắn được xem là hay nhất và mới nhất của Di Li vào thời điểm bấy giờ. Và quả thực, truyện nào trong sách này cũng có cái để đọc, để ngẫm nghĩ bởi một lối viết khá mới mẻ về những đề tài mang đậm chất huyền hoặc, thậm chí là ma quái. Nói chung đó là những điều khó tin, khó gặp trong cuộc sống nhưng vẫn luôn tồn tại trong nhận thức của mỗi người. Vì thế mà đọc Tầng thứ nhất cứ thấy ngờ ngợ, như lạ lại như quen.

 Tôi muốn nói về 2 truyện ngắn gây ấn tượng nhất với người đọc trong Tầng thứ nhất của Di Li.

Tập truyện ngắn Tầng thứ nhất của Di Li


Ở truyện ngắn đầu tiên được lấy làm nhan đề chung của tập truyện, Tầng thứ nhất, tác giả đã kể về cái chết của một người làm nghề viết báo. Nhà báo này do viết không đúng sự thật nên bị mắc bệnh ung thư chết và bị đày xuống tầng thứ nhất của địa ngục và bị trừng phạt bằng cách xiên một cái que sắt ngang miệng với mục đích là trị cho hết tội nói láo. Tuy nhiên, do nhiễm thói quen nói láo từ khi còn làm nghề viết báo, vị nhà báo này dù đã bị chết, bị đày xuống tầng thứ nhất của địa ngục vẫn tiếp tục nói láo. Và cứ mỗi lần anh ta nghĩ đến chuyện thêm mắm, thêm muối theo thói quen nghề nghiệp để cho ra một bài báo mới là cái que lại cựa quậy khiến anh ta đau nhói. Và anh ta nhận ra rằng, ở dưới địa ngục, ngay ở tầng thứ nhất thôi, đã không có chỗ cho thói quen nói dối và bịa đặt như ở trên trần gian. Truyện ngắn đã phê phán không thương tiếc tính cách thiếu trung thực đến mức đã trở thành thói quen của con người trong cuộc sống nói chung và trong nghề làm báo nói riêng.

 Có thể nói, đã từ lâu lắm rồi, cái thật, thậm chí cái thật thà theo lí thuyết văn học phản ánh hiện thực vẫn đang chiếm lĩnh tâm trí các nhà văn Việt Nam khi cầm bút, như là một điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi, bởi ai cũng cho rằng đó là cách viết đúng đắn nhất. Trong bối cảnh đó, những tìm tòi trong phong cách sáng tác cũng như trong nội dung của nữ nhà văn trẻ Di Li có thể xem là một sự khám phá trong sáng tạo văn học. Ở tập truyện này, Di Li đã thể hiện một cách phóng khoáng tư chất của một cây bút có năng khiếu viết chuyện ma quái, chuyện kinh dị.

 Ám ảnh nhất, cuốn hút bạn đọc nhất trong tập truyện này phải kể đến chuyện Bức tranh và ngôi nhà cổ. Đây là một điển hình của truyện kinh dị mang tên Di Li. Câu chuyện bắt đầu từ một bức tranh lạ. Lạ từ xuất xứ đến hình thức, lạ từ chất liệu đến nội dung. Một bức tranh mà chủ nhân của nó tình cờ có được không phải mất tiền mua do tình cờ thấy trong ga ra của một người quen, người quen này nghĩ là đồ vứt đi nên cho không ông ta. Từ  khi mang bức tranh về, giá của nó tăng lên vùn vụt, ba nghìn, năm nghìn rồi mười lăm, hai mươi nghìn đô la Mĩ. Bất cứ nhà sưu tầm tranh nào nhìn thấy cũng đều trả giá cao để mua cho bằng được. Tuy nhiên có điều kì lạ là sau khi trở về nhà lấy tiền mua tranh, trên đường đi, tất cả đều gặp tai nạn giao thông, và cuối cùng thì ai cũng phải từ bỏ ‎í định mua bức tranh ma quái ấy. Câu chuyện cứ thế cuốn hút người đọc đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Và kết thúc là một vụ án hình sự giết người đầy bí ẩn cách đó 10 năm được phát hiện. Cả hai nhân vật chính của câu chuyện, một đôi bạn vong niên, đã vượt qua nhiều cản trở, nhất là vượt qua nỗi sợ hãi của ma quái và hiểm nguy mang đầy tính hoang đường để tìm ra sự thật, giải thoát cho số phận của một cô gái đã bị giết trước đó 10 năm.

 Cách hành văn của Di Li trong câu chuyện kinh dị này với một nhịp độ nhanh hơn bình thường: Cuộc tìm kiếm và thám hiểm căn hầm bí mật, các nhân vật chính phải đối phó với kẻ sát nhân xảo quyệt… Những lối đi sâu, cầu thang dốc và xoáy hình trôn ốc… Những pho tượng với những khuôn mặt nhăn nhúm, khổ sở với đôi mắt hoặc đang kinh hoàng, hoặc đang ai oán, là những chi tiết nghệ thuật được tác giả sử dụng rất có hiệu quả nhằm làm tăng tính tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

 Từ câu chuyện rùng rợn này, tác giả muốn nói lên một chân lí trong cuộc sống: Người ta có thể làm biến mất một cái tên, một con người, nhưng vĩnh viễn không thể làm biến mất một linh hồn. Linh hồn tồn tại vĩnh viễn trong đời sống xã hội con người.

Đọc tập truyện Tầng thứ nhất của Di Li, bạn sẽ thấy được sự biến ảo của một cây bút nữ rất độc đáo của văn học Việt Nam đương đại. Có những chuyện được viết với lối phê phán sắc sảo, được thể hiện bằng một ngôn ngữ hài hước, châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội; Có chuyện lại được viết với giọng văn hình sự, trinh thám, tạo nên một sức hấp dẫn, tò mò cho người đọc. 

Đó là thành công lớn của Di Li qua tập truyện ngắn Tầng thứ nhất này.

HÀ TÙNG SƠN


Link XB trên vanvn.vn: 

https://vanvn.vn/hai-truyen-ngan-hay-cua-di-li-trong-tang-thu-nhat/?fbclid=IwAR3v5Bv5ytnqMKZXVoCPRxEfnvengvyj9-Q5bMJZw3-4kc20gzP8AasHqlY

 

 

Cái gì cũng có giá của nó

 Những ai đang sống trong những căn nhà hình ống hoặc trong những căn chung cư chật chội như 1 cái tổ ong ở thành phố chắc chắn có những lúc mơ ước có được một căn nhà có vườn tược, cây cối... nhất là một căn biệt thự hoặc villa xanh ở bìa rừng, trước nhà có ao cá, 4 phía là cây trái... đại loại thế. Trong số đó có tôi, dĩ nhiên.

Có một ngày tôi đi Củ Chi. Đi 1 mình trên chuyến xe bus số 13 để thăm địa đạo Củ Chi. Đó là 1 buổi sáng chủ nhật, tôi đón xe từ siêu thị Pandora Trường Chinh. Đến bến xe Củ Chi đi tiếp 1 chặng xe bus về Dầu Tiếng, ngang qua địa đạo thì xuống. Giá vé đi CC là 15k đồng. Cả chuyến xe đông nhưng chỉ mình tôi xuống với địa đạo.

Tôi đi địa đạo 1 mình vì rủ rê khắp mà không có ai đi. Người thì nói đi rồi, người thì nói không thích. Tôi đi vì chưa biết thì phải đi, không lí gì sống ở TP mà không biết địa đạo CC là ở đâu và như thế nào trong lúc chỉ cách trung tâm TP có 60km.

Tôi ở địa đạo Củ Chi

Đến địa đạo CC tôi cũng chui địa đạo và mới được 1 khúc ngắn gặp cái cửa thoát đầu tiên tôi đã chui lên ngay, khó thở, đau mỏi lưng muốn chết. Giờ đang chui địa đạo mà địch đến là tôi đầu hàng ngay. Thà sống chung với địch còn hơn sống dưới địa đạo. Nhưng tôi thích ở khu địa đạo này 2 món: Củ mì (sắn) luộc và bắn súng. Củ mì thì được mời ăn miễn phí, mỗi người được 2 mẩu như đốt ngón tay, rất ngon. Bắn súng thì vô chỗ trường bắn, ở đó có 2 loại súng: AK47 và M16. Hồi đi lính tôi đã quen tay với AK47. Ngày đó tôi được giữ 1 khẩu AK báng gập của lính trinh sát, nhìn rất đáng nể. Vì thế đến địa đạo, tôi đã mua 5 viên đạn AK để bắn cho đã. Súng ở đó cũ kĩ quá hay do tôi bắn kém, 5 viên chỉ có 3 viên trúng bia với điểm thấp èng nhưng thế cũng sướng hung rồi.

Ăn tô hủ tiếu xong vẫn còn sớm, tôi nhớ đến 1 ông đồng nghiệp là GV cùng trường có nhà ở Củ Chi, chủ nhật ổng đang ở nhà và có dặn tôi lên CC nhớ gọi ổng. Gọi cái ông bắt máy ngay, giọng mừng rỡ: Tôi ở cách địa đạo 5km, ông ra cổng chờ đó tôi qua chở về nhà chơi.

Ông chạy xe máy đến sau 20 phút, cứ đi theo đường Phan Thị Ràng quẹo 5, 6 cái gì đó là đến. Nhà ông nhìn giống 1 căn nhà sàn có 2 tầng. Dưới là sàn để xe cộ và các thứ linh tinh, trên có 2 tầng nằm giữa khu đất rộng cả nghìn m2. Có ao cá, có vườn cây các thứ... Đúng là 1 căn nhà trong mơ.

Tôi với ông ngồi dưới bóng cây nhâm nhi rượu thuốc với khô cá sặc, Tôi nói, nhà anh sướng quá nhỉ. Ông ậm ừ: Ừm... sướng. Tôi biết là có chuyện không ổn. Ông nói: Ông cứ ngủ lại đây 1 đêm rồi sẽ biết sướng hay không. Ngủ lại thì chắc chờ dịp khác vì sáng mai tôi phải lên trường nhưng ông kể tôi nghe xem là sống trong 1 không gian như thế này thì sẽ như thế nào.

Rôi ông kể hết cho tôi nghe. Tối lại khi bật đèn lên sẽ có đủ thứ côn trùng bay vào nhà, lao vào những bóng đèn và chết như 1 lũ thiêu thân. Đó có thể là mối, là kiến và đủ thứ côn trùng biết bay khác. Vì thế tối phải đóng kín hết các loại cửa rồi mới dám bật đèn hoặc tốt nhất là không bật đèn dù nhà cửa tối thui. Có rất nhiều loại động vật từ muỗi, côn trùng, rắn rết, kì nhông, tắc kè... cùng cư trú trong nhà. Sáng dậy thấy 1 con rắn xanh lè hoặc nhiều khoang nằm khoanh tròn dưới chân cầu thang cái đầu ngóc cao lên là chuyện rất bình thường. Tôi nghe mà rùng cả mình. Tôi sợ nhất mấy con đó. Ông nói thêm: Trời mưa to còn kinh nữa, ếch nhái bơi lội kêu ình oàng. Vì thế mà ông thấy đấy, vợ và con tôi chủ nhật đều ở căn nhà ống chật chội trên thành phố chứ có ai về đây chơi đâu ngoài tôi. Hằng ngày tôi phải nhờ 1 thằng cháu có nhà gần đây qua trông coi, thứ 7, CN rảnh rỗi chỉ mình tôi về đây.

Kết luận ông hỏi tôi: Giờ ông còn thấy căn nhà vườn của tôi là căn nhà trong mơ của ông nữa không. Tôi không dám trả lời vì sợ mất lòng bạn. May mà tôi chưa thực hiện ý đồ bán căn nhà ở Tân Phú để tìm mua 1 căn nhà vườn ở Hóc Môn hoặc Củ Chi. 1 ý đồ mà tôi đã ủ mưu nhiều năm nay.

Đúng là cái gì cũng có giá của nó.

Ăn uống xong ông chở tôi ra bến xe Củ Chi để đi xe bus số 13 về lại Sài Gòn. Ngồi trên xe tôi trầm ngâm ngẫm nghĩ.


 

Trại hoa đỏ của Dili, cuốn tiểu thuyết trinh thám độc đáo của Việt Nam

 (Bài đăng trên vanvn.vn của Hội Nhà văn VN, ngày 8-7-2022)

Nhân vật chính của tiểu thuyết Trại hoa đỏ (Tiểu thuyết của Dili, NXB Công an Nhân dân, 2009) là Diên Vĩ, một thiếu phụ sang trọng và xinh đẹp. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ Diên Vĩ được chồng tặng cho một trang trại nằm lọt vào giữa một vùng rừng núi âm u, hẻo lánh. Ngay khi đặt chân đến trang trại có nhiều loài hoa đỏ nở kín rừng một cách huyền bí, Diên Vĩ đã thấy có rất nhiều những cảm giác bất an vây bủa xung quanh mình. Những người bản địa thuộc một dân tộc thiểu số kì dị; những cái chết bí ẩn xảy ra liên tục; những truyền thuyết ma quái về dòng họ Quách… đã khiến cho Diên Vĩ thực sự sợ hãi và kinh hoàng trong suốt quãng thời gian chị có mặt ở trại hoa đỏ. Cũng từ đó, với sự ra tay của những cảnh sát hình sự, bộ mặt thật của những kẻ sát nhân ở trại hoa đỏ đã lần lượt bị phơi bày.

Cũng vì thế mà nói Trại hoa đỏ là một tiểu thuyết hình sự thì chính xác hơn trong khi tác giả và rất nhiều người khác lại cho rằng đây là một tiểu thuyết trinh thám và kinh dị.

Tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Dili


Một trong những nhân vật chính khác được tác giả miêu tả khá nổi bật là viên đại ú‎y‎ cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách. Với lương tâm và trách nhiệm của một người công an luôn vì cuộc sống yên bình của xã hội, đại ú‎y Bách đã tự giác làm một thám tử bắt tay vào điều tra những cái chết xảy ra liên tục và bí ẩn ở trại hoa đỏ. Tuy nhên, với một kết cấu mang nhiều yếu tố bất ngờ và một bố cục chặt chẽ rất cao tay, cuốn sách của Di Li đã làm hấp dẫn người đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Đọc Trại hoa đỏ, dù có trí tưởng tượng phong phú, bạn cũng sẽ khó mà đoán trước được điều gì về kết cục rất bất ngờ của câu chuyện. Ở chỗ này, Di Li đã sử dụng tốt nghệ thuật phục bút của những cây viét tiểu thuyết thạo nghề. Và đó chính là thành công lớn nhất của Di Li trong cuốn tiểu thuyết hình sự dày dặn này.

Xoay quanh những hoạt động nhiều trí tuệ và tích cực của nhân vật chính diện Bách, câu chuyện về những cái chết li kì và rùng rợn trong Trại hoa đỏ không chỉ là một cuộc điều tra thuần túy để tìm ra ai là kẻ sát nhân mà còn có một ý‎ nghĩa nhân văn sâu xa hơn:  đó là xác định nhân cách của nhiều loại người đang sống trong xã hội dưới những vỏ bọc khác nhau đang ngày ngày vây bủa xung quanh ta.

Giữa một cuộc sống bề bộn và ngày càng phức tạp, ai cũng đua nhau làm giàu và tận hưởng mọi lạc thú, việc xác định sự tốt và sự  xấu, cái thiện và cái ác nhiều khi thật là khó. Thật giả khôn lường, chẳng biết đâu mà lần. Với một hướng đi tích cực như thế, Trại hoa đỏ là một một đóng góp tích cực vào những tác phẩm văn học Việt Nam  đương đại trong phản ánh hiện thực xã hội.

Đó là một hiện thực khắc nghiệt trong sự xung đột nhiều chiều của cuộc sống hiện đại. Vì đồng tiền, kẻ thủ ác trong Trại hoa đỏ đã giết người không ghê tay; vì lòng thù hận và nghen ghét, không ít những con người lương thiện đã phải lìa bỏ sự sống của mình. Đọc Trại hoa đỏ, chúng ta sẽ không khỏi rùng mình và kinh hãi khi cái ác bị lật mặt. Đó không chỉ là cái ác mà còn là sự nham hiểm của những kẻ mất nhân tính. Đằng sau những cái chết kinh dị của các nhân vật là lòng thù hận và sự phản trắc. Yếu tố bất ngờ về sự thật của Trại hoa đỏ được tác giả khôn khéo giữ để khi gấp lại trang cuối cùng của Trại hoa đỏ, bạn đọc chợt nhận ra rằng, ở đời cái gì cũng có giá của nó. Dù đó là những cặp phạm trù luôn đi liến với nhau như sự thật và gian trá, cái ác và cái thiện, hạnh phúc và đau khổ v.v.

Ở Việt Nam, loại sách văn học trinh thám, kinh dị không có nhiều. Vì thế, khi cuốn tiểu thuyết Trại hoa đỏ ra đời đã thu hút được nhiều người tìm đọc. Trại hoa đỏ không chỉ là một cuốn tiểu thuyết trinh thám và kinh dị, điều đặc biệt còn ở chỗ tác giả của nó là một cây bút nữ còn khá trẻ có bút danh là Di Li. Còn trẻ tuổi nhưng Di Li đã là tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi; đồng thời cũng là dịch giả của nhiều đầu sách văn học nước ngoài.

Điều làm cho Trại hoa đỏ trở nên hấp dẫn bắt đầu từ sự tò mò của người đọc. Sau đó là cả một cuộc kiếm tìm sự thật trong một mớ những sự kiện và nhân vật hỗn độn mà tác giả đã dày công tạo dựng một cách rất logic. Đó cũng chính là điều làm nên tính độc đáo và hiếm hoi, không đụng hàng của tác giả Di Li trong Trại hoa đỏ.

Điều đọng lại sau khi đọc xong Trại hoa đỏ là sự yêu quý những giá trị chân thật của cuộc sống. Những giá trị mà vì nó, không ít những con người lương thiện đã phải trả giá bằng cả mạng sống của họ. Và đi liền với nó là sự căm ghét những con người tham lam, độc ác, lừa thầy phản bạn, gian xảo và phản trắc. 

HTS 

Link XB trên vanvn.vn: 

https://vanvn.vn/trai-hoa-do-cua-dili-cuon-tieu-thuyet-trinh-tham-doc-dao-cua-viet-nam/?fbclid=IwAR0s5XSrE1Jq4s1x91Bu6MPpT3rsIU0yUKsBndHOqvYcSzpTRuhU5L2_Ve4