6 tháng 6, 2022

Vớt trăng làm tỏ quê hương

 (Đọc Vớt trăng, Trần Hùng, NXB Thuận Hóa, 2022)

 Bài đã đăng trên báo Thanh niên và báo Quảng Bình

Hà Tùng Sơn 

Vớt trăng là một tập khảo cứu và tản văn của Trần Hùng đem lại nhiều hứng thú cho bạn đọc. Ngay từ cái tên sách đã nói lên sự thâm nho của tác giả và đề tài cũng như cách tiếp cận nội dung trong mỗi bài viết của cuốn sách dày trên 200 trang này là khá phong phú. Với 20 bài viết công phu, nghiêm túc, với thủ pháp của một ngòi bút phi hư cấu, Vớt trăng đã công bố những thông tin chân xác về một vùng đất Quảng Bình giàu có về văn hóa, văn học và lịch sử.

Hướng tiếp cận qua mỗi bài viết của Trần Hùng trong Vớt trăng là từ những vấn đề rất cụ thể thông qua các khảo cứu cứ liệu văn hóa, lịch sử và cả sự cảm nhận, cảm xúc tinh tế của anh về vấn đề được khảo cứu. Vì thế mà các bài viết trong sách này khá đa dạng dưới góc nhìn của ngôn ngữ lịch sử và văn học.  

 

Sách Vớt trăng của tác giả Trần Hùng, NXB Thuận Hóa, 2022

Bài đăng trên báo Quảng Bình

Vớt trăng có những bài viết rất giàu cứ liệu khảo cứu mà hàm lượng chất  xám và tư liệu xứng đáng là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc như Tam danh trên cửu đỉnh, Tư liệu hán Nôm tỉnh Quảng Bình qua một số cứ liệu điền dã, Vài nét văn chương Hán Nôm tỉnh Quảng Bình... Ngoài ra, Vớt trăng còn có những bài viết mang đậm chất văn chương, bộc lộ sự đam mê của tác giả với văn học và lịch sử văn học Quảng Bình như Di cảo của thi nhân, Qua Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan thấy gì, Đá trôi làng không trôi... Vì thế, Vớt trăng là một tập hợp những bài viết của nhiều đề tài từ lịch sử đến văn hóa và văn học.

Ở bài viết đầu sách Tạnh trời chuông Trạm... là cả một chặng đường tác giả đi tìm khởi nguồn của câu ca dao Tạnh trời chuông Trạm ngân xa/ Ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ. Đã một thời từ cực Nam Quảng Bình vẳng vào tận Hồ Xá (Quảng Trị) tiếng chuông ngân nga của Chùa Trạm, một ngôi chùa tọa lạc bên hữu ngạn sông Kiến Giang tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chỉ một tiếng chuông chùa cũng đủ khiến tâm hồn trẻ thơ một thời rung động và mãi đến cuối đời tác giả mới đi tìm nguồn cơn của tiếng chuông chùa ngân nga ấy. Bạn đọc sẽ đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi dõi theo từng trang sách của Trần Hùng chỉ để lí giải cho một câu hỏi, vì sao tiếng chuông ngôi chùa Trạm ở Quảng Bình lại ngân vang vào đến Hồ Xá tỉnh Quảng Trị, nơi cách đó mấy chục cây số. Đó không chỉ là câu chuyện của trí tưởng tưởng phong phú và chất lãng mạn của con người mà còn có cả tính khoa học.

Đọc Vớt trăng nhiều lúc độc giả sẽ ồ lên thích thú khi biết rằng Linh Giang (Dòng sông thiêng) không chỉ là danh xưng như một đặc sản của riêng con sông Gianh ở Quảng Bình mà nó còn một thời được dùng để chỉ những con sông khác như sông Hương ở Thừa Thiên Huế, sông Lam ở Nghệ An. Tuy nhiên qua quá trình biến đổi của lịch sử và quyết định sáng láng của vua Minh Mạng vào năm thứ 17 (năm 1836), đức Hoàng đế nhà Nguyễn đã đã chốt lại qua những bức tranh khắc chạm tinh xảo trên cửu đỉnh, Linh Giang là tên để gọi con sông Gianh ngày nay. Niềm tự hào của quê hương nhiều khi được thể hiện qua chỉ một cái tên lưu danh thiên cổ ấy.

Vớt trăng đã tạo nên một ý nghĩa lớn lao về nhiều mặt cho lịch sử vùng đất Quảng Bình. Từ những câu chuyện về lịch sử, địa lý, cuốn sách còn đưa bạn đọc qua những câu chuyện văn chương của những văn nhân Quảng Bình. Di cảo của thi nhân là một ví dụ. Người Quảng Bình hầu như không ai không biết về tên tuổi Xuân Hoàng (1925 - 2004), nhà thơ lớn của quê hương. Ông là một nhà thơ tiên phong, viết nhiều nhất và thành công nhất về cuộc sống và chiến đấu của người dân Quảng Bình trong những năm chiến tranh chống Mỹ với phong trào “Hai giỏi”, sản xuất giỏi và chiến đấu giỏi. Từ câu chuyện hai tập di cảo thơ của Xuân Hoàng cùng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Hùng không chủ tâm xác định xem tập nào có trước, tập nào có sau mà chỉ nhằm để nói lên và khẳng định rằng, với di sản hàng trăm bài thơ hay, trong đó có những câu thơ bất hủ viết về Đồng Hới từ năm 1966, Em đi phố nhỏ động cành dừa/ Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh/ Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh/ Chúng ta về ấm lại dải đường xưa, Xuân Hoàng thực sự là một nhà thơ Quảng Bình viết nhiều và viết hay về Bác Hồ, về cuộc sống của người Quảng Bình trong và cả sau cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông là một đỉnh cao của thơ ca hiện đại Quảng Bình cho tới hôm nay. Trần Hùng mãi miết lục tìm trong Di cảo của thi nhân để đi đến một khẳng định như thế tưởng cũng là xứng đáng lắm.

Có một bài viết trong Vớt trăng tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại nhận được sự quan tâm của nhiều người, đó là bài Nghĩ về địa danh Cộn. Cộn là một địa danh vô cùng quen thuộc của người Quảng Bình và những ai từng sống hoặc dù chỉ một lần đi qua Quảng Bình. Đặc biệt với thế hệ học sinh cấp 3 Đồng Hới những năm từ 1967 trở về sau thì Cộn, nơi đứng chân của trường cấp 3 Đồng Hới lừng danh một thời trở nên vô cùng quen thuộc và gắn bó. Nhưng đã mấy ai tự hỏi, tại sao vùng đất nơi sơ tán của thị xã Đồng Hới trong chiến tranh lại có cái tên độc đáo và giản dị ấy. Và ở đây, những lý giải của Trần Hùng đã rất có lí, được nhiều người chấp nhận. Quan trọng hơn, đằng sau sự lý giải ấy của Trần Hùng, những người con Quảng Bình, Đồng Hới lại càng yêu mến và tự hào hơn về vùng đất mang tên Cộn.

Một bài viết khác rất cảm động trong Vớt trăng, bài Sân ga một người nói về học giả giáo sỹ người Pháp Lesopold Cadière (1863 - 1955). Ông là người sinh ra ở Pháp, là người Pháp chính gốc nhưng có đến  63 năm sống và làm việc ở Việt Nam rồi qua đời cũng tại Việt Nam và hiện mộ ông đang nằm giản dị ở ngôi làng Kim Long thuộc Huế. Lesopold Cadière là tác giả của một khối lượng công trình nghiên cứu đồ sộ về Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng và được coi là nhà Việt Nam học, nhà Quảng Bình học đầu tiên và kiệt xuất ở nước ta. Lesopold Cadière còn là Ủy viên thường trực Trường Viễn Đông bác cổ, một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học. Có một chi tiết thú vị về nhà bác học này là vào năm 1918, Lesopold Cadière chuyển về sống và làm việc ở làng Di Loan (Vĩnh Linh, Quảng Trị) với tư cách một giáo sỹ. Thời này xe lửa xuyên Việt chạy suốt Sài Gòn – Hà Nội và chỉ dừng đón khách ở những ga lớn ở các thành phố tỉnh lị quan trọng. Nhưng do có Lesopold Cadière đang sống và làm việc ở làng Di Loan nên quan toàn quyền Đông Dương đã cho thiết lập ở làng này một nhà ga nhỏ để mỗi khi xe lửa chạy qua đây phải dừng lại 5 phút nhằm đón chỉ mỗi một hành khách là Lesopold Cadière bước lên tàu ra Hà Nội họp ở Trường Viễn Đông bác cổ mỗi tháng một lần. Câu chuyện kì lạ có một không hai này có lẽ thế giới không có trường hợp thứ hai đã khiến người đọc xúc động đồng thời cũng nói lên tầm vóc, vai trò và vị trí to lớn của Lesopold Cadière trong học thuật. Khi nghiên cứu về vùng đất và con người Quảng Bình, Lesopold Cadière từng viết: “Tôi đã ở Quảng Bình hơn 7 năm, tôi đã xuôi ngược nhiều lần từ Bắc chí Nam, tôi yêu mến dân Quảng Bình, các phong tục tập quán có phần chất phác như ngôn ngữ của họ” (Vớt trăng, tr 82). Thiết nghĩ đến một lúc nào đó, tỉnh Quảng Bình nên đặt tên Lesopold Cadière cho một con đường ở thành phố Đống Hới để tri ân nhà bác học Pháp đã hết lòng, hết sức và để lại cả một kho tàng tri thức đồ sộ về nhiều mặt cho vùng đất này.

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói về một thành công khác ngoài nội dung cuốn Vớt trăng của Trần Hùng. Đó là cách hành văn mang đậm tính hình tượng, giàu chất biểu cảm và là một cuốn sách rất sạch, không có một lỗi nào về ngữ pháp, chính tả và tu từ dù rất nhỏ. Điều đó nói lên sự nghiêm cẩn và năng lực làm việc to lớn của tác giả, một nhà folclore học từng xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

Vớt trăng thực sự là cuốn sách đã làm sáng tỏ nhiều điều về vùng đất và con người Quảng Bình từ xưa đến nay.

 Link XB trên báo Thanh niên: 

https://thanhnien.vn/vot-trang-lam-to-que-huong-post1460733.html?fbclid=IwAR1lUFe-8XjUlB8H9nd6g7Jh-Dih3aCvdOzdYwAw2GZktChJ8PrL24N806Q

 

2 nhận xét:

  1. https://thanhnien.vn/vot-trang-lam-to-que-huong-post1460733.html?fbclid=IwAR1lUFe-8XjUlB8H9nd6g7Jh-Dih3aCvdOzdYwAw2GZktChJ8PrL24N806Q

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới