12 tháng 4, 2022

Quảng Ngãi trong tôi

 

Quảng Ngãi trong tôi là một thị xã nhỏ chưa đi đã hết. Nếu bạn đi từ hướng Bình Định ra Bắc thì dấu ấn đầu tiên khi đặt chân đến TX Quảng Ngãi là trường CĐSP nằm ở phía bên trái đường; và chỉ chốc lát xe bạn đã chạy trên cầu Trà Khúc. Ấy là dấu hiệu để bạn biết là đã đi xuyên thấu hết cái thị xã rất giản dị ấy của miền Trung Bộ.

Đi qua lại TX Quảng Ngãi thì đã nhiều lần nhưng lần đầu tiên tôi lưu lại Quảng Ngãi lâu đến 2 tháng trời là vào hồi tháng 1/1983 khi tôi vừa xong cao học 2 năm về lại trường thì thầy Trưởng khoa văn ĐHSP Quy Nhơn là Nguyễn Văn Giai chắc do thấy tôi rảnh rỗi quá nên phân công tôi dẫn 1 đoàn SV năm 4 của khóa 4 đi thực tập tốt nghiệp ở trường cấp 3 Nghĩa Hành.

Đoàn SV do thầy Trịnh Sâm dạy ngôn ngữ đã dẫn ra trước cả tuần rồi nên tôi đi xe đò 1 mình ra Quảng Ngãi. Xe đạp thì gác lên mui xe đò để có cái đi lại. Xuống xe ngay TX tôi tạt vô 1 quán cháo vịt bên đường. Cháo vịt thì ở khắp VN này nơi đâu cũng có nhưng với tôi, cháo vịt Quảng Ngãi là số 1, ngon nhất nước. Cháo thì ngọt lừ, miếng thịt vịt thì vừa béo mềm vừa ngọt, chấm với chén nước mắm gừng ngon cách chi lạ.

Sau này tôi còn phát hiện ra Quảng Ngãi còn có thêm một món ngon nữa là trứng vịt lộn. Trứng vịt lộn thì xó xỉnh nào mà chẳng có nhưng ở Quảng Ngãi quả trứng vịt lộn không chỉ ngon mà còn nồng nàn hơn các nơi khác. Cái lần tôi ghé thăm thầy Quyền GV văn trường Trần Quốc Tuấn, thầy Quyền dẫn tôi ra quán vịt lộn gần nhà thầy vừa ăn vừa uống với rượu gạo. Thầy Quyền là chủ nhà chỉ ăn được 2 quả còn tôi đánh bay 5 quả. Đó là món ngon thứ 2.

Món ngon thứ 3 là gân bò chấm mắm gừng. Đó là cái lần tôi và thầy Nguyễn Quang Cương từ Quy Nhơn ra được Nguyễn Tấn Huy, SV văn khóa 9 nay dạy ở Lê Khiết mời đi ăn gân bò ở 1 cái quán có mấy bụi tre ngà. Trời Quảng Ngãi về đêm mưa nặng hạt và hơi lạnh. Gân bò chấm mắm gừng ăn sần sật, giòn giòn, thỉnh thoảng húp muỗng cháo nóng khiến người ấm hẳn lên. Sau này tôi còn ăn gân bò mắm gừng ở nhiều nơi nhưng món gân bò Quảng Ngãi vẫn là ngon đầu bảng. Nó không bầy hầy lằng nhằng như gân bò ở Sài Gòn, nơi tôi đang sống.

Trở lại với chuyến thực tập ở cấp 3 Nghĩa Hành. Sau khi ăn xong tô cháo vịt bụng đã no như được tiếp thêm nhiều năng lượng sống, tôi 1 mình ung dung đạp xe về Nghĩa Hành vừa đi vừa hỏi đường. Tôi nhớ là đi qua 1 cái ngã 5 hơi hoang vu trong đó có 1 ngã rẽ về Nghĩa Hành, 2 bên đường có nhiều ruộng mía. Khoảng 1 tiếng sau thì đến Chợ Chùa, nơi có trường cấp 3 Nghĩa Hành. Và tôi đã ở đây 2 tháng trong vai trò GV trưởng đoàn hướng dẫn thực tập. Khi tôi ra thì thầy Trịnh Sâm rút về.

Có một ấn tượng in mãi trong tôi qua những năm dạy ở khoa văn ĐHSP Quy Nhơn và qua tiếp xúc là con gái Quảng Ngãi rất đẹp và hiền. Hình như con gái Quảng Ngãi nói năng rất nhỏ nhẹ, họ không biết nói to và mắng chửi là gì. Khi nói chuyện với một nữ SV người Quảng Ngãi bạn phải tập trung thính lực và rất lắng tai mới nghe hết câu nói của họ vì họ nói rất nhỏ. Có lẽ tôi đã học được cách lắng nghe người khác nói qua những lần tiếp xúc với con gái Quảng Ngãi.

2 tháng ăn dầm nằm dề ở Nghĩa Hành tôi còn rút ra được 1 kết luận nữa là ở Quảng Ngãi thì con gái Nghĩa Hành là đẹp và duyên dáng nhất. Còn vì sao lại như thế thì bạn hãy thử đi Chợ Chùa một vài lần sẽ hiểu. Ở cái Chợ Chùa mà không có cái chùa nào đó, có rất nhiều phụ nữ đẹp. Ngày đó tôi thấy họ không cần makeup son phấn gì nhưng vẻ điệu đà cứ toát lên từ dáng vẻ tự nhiên của họ. Chỉ nhìn sau lưng 1 người con gái Nghĩa Hành đã đủ để khiến bạn mê mẩn.

Điều cuối cùng tôi muốn nói rằng, Quảng Ngãi là đất của văn chương, dạy học và thơ phú. Tôi có rất nhiều bạn bè và học trò ở Quảng Ngãi và họ đều là những nhà giáo danh tiếng, yêu văn chương và sống rất sôi nổi.

Quảng Ngãi ngày nay không ai còn gọi là thị xã nữa bởi nó đã lên cấp thành phố, đô thị loại 2 từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn thích gọi Quảng Ngãi là thị xã chỉ vì những hoài niệm cách đây đã gần 40 năm về trước.

Tất cả những điều đó khiến tôi không ngại ngần nghe theo tiếng gọi của bạn bè và học trò ở Quảng Ngãi để làm một chuyến quay lại chốn xưa.

 Sáng nay tôi đã có 1 cuộc gặp gỡ với một nhóm các nhà giáo từng sống và dạy học nhiều năm ở Quảng Ngãi (Thu, Huệ, Tháp, Nga) tại cafe Dinh Độc Lập chỉ để nghe họ nhắc những kỉ niệm ấm lòng về đất và người Quảng Ngãi.

 

1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới