20 tháng 12, 2022

BAMBOO MUÔN NĂM

 

Trước đây tôi cứ nghĩ đi Vietnamairline mới là tốt nhất nhưng gần đây tôi đi liền mấy chuyến đều bay của hãng Bamboo airways, cái hãng hàng không có ông chủ tịch đang mặc đồng phục đội Ju Ve. Cứ tưởng khi ông chủ tịch vô lò thì hãng bay này sẽ sập tiệm ai ngờ nó vẫn đứng vững và ngày càng tốt lên.

Này nhé:

- Đi Bamboo thường đúng giờ, ít khi bị delay. Theo thống kê của Cục Hàng không VN thì Bamboo là hãng bay có tỉ lệ chuyến bay bị deley thấp nhất trong các hãng bay VN. Trên chuyến bay từ Vinh – TP HCM tối 17-12 mới rồi hành khách (là tôi) còn được mời ăn 1 ổ bánh mì kẹp chả và 1 chai nước hoàn toàn miễn phí. Điều mà những ai bay VNA hoặc VJ có nằm mơ cũng không thấy. Nhận chai nước và ổ bánh từ tay cô tiếp viên đẹp hơn hoa hậu lúc kim đồng hồ chỉ 22h30 và khi máy bay đã ở độ cao 9000m khiến lòng tôi rưng rưng.

Chai nước và ổ bánh mì kẹp chả free của Bamboo dành cho hành khách lúc máy bay ở độ cao 9000m vào lúc gần nửa đêm.

- Đội bay với các nữ tiếp viên thì không chỉ trang phục lịch sự mà ngoại hình cô nào cũng khiến cánh đàn ông mê mệt mỗi khi ngắm nhìn. Cô nào cũng chân dài miên man, eo thon và vân vân các cái. Vì thế đi VJ hoặc VNA thường ngồi yên chỗ là hành khách đã ngủ, nhưng với Bamboo thì không như thế, khách chỉ ngủ 1 nửa thời gian bay, nửa thời gian còn lại dành để ngắm các tiếp viên thoăn thoắt đi lại dọc các hàng ghế.

- Ghế ngồi hình như cũng cao rộng hơn so với VJ. Ngồi thoải mái và dựa lưng cũng thoải mái hơn.

- Điều quan trọng nữa là trong vé bay của Bamboo hành khách thường được gửi thêm 20kg hành lí ngoài 7kg hành lí xách tay dù mình không đặt mua. Điều này nếu là bay hãng VJ thì bạn phải chi thêm 300k nữa.

Cuối cùng tôi muốn dành lời khen ngợi cho sân bay Vinh. Cái đứa nào nói SB Vinh là sân bay làng quê thì đích thị đó là một đứa thuộc thế lực thù địch.

Tối 17-12 mới rồi, sau khi lặng lẽ rời đám tiệc đang vào lúc cao trào của cuộc gặp gỡ lần thứ 3 những người lính Trinh sát Sư đoàn 341 tại Nhà khách Nghệ An, lặng lẽ rời vì nếu tôi mà mở lời chào để ra về thì mỗi đồng đội sẽ chào lại tôi 1 li tiễn biệt và chắc chắc tôi sẽ ngã gục ngay cửa nhà khách trước khi ra đến sân bay Vinh.

Tôi bay chuyến 22h05. Đến nơi chỉ 1’ là tôi đã xong thủ tục check in và thấy mình đã ngồi trong phòng chờ bay. Nghĩ đến những lần check in và qua cửa an ninh ở sân bay TSN mà rùng cả mình. Có khi cả tiếng cũng chưa qua được cổng an ninh.

Phòng chờ bay vào giờ đó ở SB Vinh tha hồ thoáng đãng kiểu vắng như chùa Bà Đanh rất hợp với tâm trạng tôi. Khoan khoái ngả mình trên ghế tôi tha hồ tư duy, tha hồ nhớ về những người đồng đội, nhớ về những người bạn mà mình vừa chia tay với những cái nắm tay nóng hổi.

Đến giờ lên máy bay, rất đúng giờ, tôi được đi trong ống lồng, điều mà ở sân bay TSN 5 thì 10 họa tôi mới được sử dụng.

Tối đó khi đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 0h05’ (đã bước qua ngày mới) tôi như vẫn còn thả hồn mình ở SB Vinh.

Hoan hô sân bay Vinh và muôn năm Bamboo. Từ nay đi đâu tôi sẽ ưu tiên chọn Bamboo.

Ảnh 1: Chai nước và ổ bánh mì kẹp chả free của Bamboo dành cho hành khách lúc máy bay ở độ cao 9000m vào lúc gần nửa đêm.

Ảnh 2: Cái ống lồng ra máy bay tuyệt hảo của sân bay Vinh. Điều ít khi gặp nếu bạn đến sân bay Tân Sơn Nhất vì ở đó ống lồng dù nhiều mấy cũng quá ít so với lượng máy bay cất hạ cánh.

Ảnh 3: Vinh và những người bạn tại cuộc gặp gỡ lần thứ 3 đồng đội CCB trinh sát C20 Sư đoàn 341, ngày 17 - 12 - 2022. (Ảnh: Hoàng Tấn Quả)

 

24 tháng 9, 2022

Cự Nẫm mùa nấm tràm

 (Bài đăng trên báo Quảng Bình số ra ngày 23 – 9- 2022)

 Ở nhiều làng quê của huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình như Cự Nẫm, Vạn Trach, Tây Trạch... có một món ăn thuộc hàng đặc sản nhưng lại rẻ chỉ ngang một mớ rau. Đó là nấm tràm.

Tôi về làng vào những ngày đang là cao điểm của mùa nấm tràm. Đúng là nấm mọc sau mưa. Ngày đầu tiên đi chợ Cự Nẫm, tôi đã không tin vào tai mình khi hỏi một chị đang ngồi bán chỉ duy nhất một rổ nấm tràm khoảng 2kg: Bao nhiêu mớ nấm này chị? Dạ, 30 nghìn 1kg chú. Cứ nghĩ là tai tôi nghe nhầm, chí ít thì cũng phải 50 nghìn chứ nhỉ. Phải hỏi lại lần nũa tôi mới tin là mình không nghe nhầm. Vẫn chỉ có 30 nghìn với 1 kí nấm tràm với những búp nấm tròn trịa xinh xắn, trong rổ có 2kg nghĩa là 60 nhìn đồng.

Nấm tràm là món ăn đặc sản từ thiên nhiên mà có lần ra Phú Quốc, chính tôi hỏi ở chợ Dương Đông người bán đã hét giá 100 nghìn đồng 1 kí nấm tươi. Còn muốn mua nấm tràm khô đem về Sài Gòn làm quà thì không dưới 300 nghìn đồng một kí. Vậy mà cánh sành ăn ở đảo Ngọc còn lu loa lên rằng cái giá đó không hề đắt chút nào bởi nấm tràm là thứ đặc sản độc chiêu chỉ có ở Phú Quốc do thiên nhiên ban tặng chứ con người chưa thể tạo ra được. Riêng chỗ này thì mấy tay đó chưa biết hết thôi chứ ở một số vùng quê trung du Quảng Bình, nấm tràm ngày nay cũng đã thành đặc sản nhưng... rẻ như rau.   

 2 kí nấm tràm 60 nghìn đồng tôi mua ở chợ Cự Nẫm. Nấm này búp mới nhú nên có đắt hơn tí xíu, nếu là loại đã nở xòe thì rẻ hơn nhiều, chỉ 15 nghìn đồng/kg (Ảnh: HTS)

 Không hề mặc cả, tôi mua ngay mớ nấm tràm 2 kí 60 nghìn đồng ấy đem về nấu một nồi canh với rau khoai lang nấm nhiều hơn nước, rau ít hơn nấm. Khi nấu canh nấm tràm hầu như không phải nêm nếm gì ngoài một thìa cà phê ruốc Lý Hòa, hai muỗng canh nước mắm ngon Đức Trạch mà ăn cứ ngọt lừ với vị đắng đặc trưng của nấm tràm, ăn xong cái bụng no rồi nhưng cái miệng vẫn thèm thuồng. Cũng như sầu riêng, có những người không ăn được nấm tràm vì vị đắng đặc trưng của nó, nhưng ai đã ăn được là ghiền luôn, chỉ nhớ đến đã thèm.  

Về thăm quê đã một tuần, ngày nào tôi cũng đi rảo ở hai cái chợ quê là chợ Thọ Lộc và chợ Cự Nẫm để tìm mua nấm tràm về ăn. Người bán có bao nhiêu nấm trong rổ là tôi mua hết gọn bấy nhiêu. Mà thực ra cũng chả ai tranh giành với tôi. Dân quê tôi coi nấm tràm cũng chỉ như mớ rau muống rau lang. Những người bán nấm cũng chính là những người vừa vào rừng hái nấm về mang thẳng ra chợ. Bán được bao nhiêu vẫn lời bấy nhiêu vì họ không mất chút vốn liếng nào. Công đi hái chỉ như cuộc dạo chơi thể dục buổi sáng.

Mùa nấm tràm đến, sau một trận mưa giông ban đêm, tảng sáng khi mặt trời hửng là khi nấm tràm mọc rộ lên từng vạt. Có nhiều người từ các làng quê Kẻ Nầm, Kẻ Hạc (tên gọi cũ của vùng Cự Nẫm và Vạn Trạch) vào rừng hái nấm và bán nấm. Hái được bao nhiêu họ đem ra chợ Cự Nẫm và chợ Thọ Lộc bán cho bằng hết. Nấm tràm tươi là thứ không thể để qua ngày vì thế giá có rẻ mấy họ cũng bán. 

 Nấm tràm sau khi gọt rửa sạch, ngâm nước muối khoảng 10 phút là nấu ăn ngon lành (Ảnh: HTS)

 Nấm tràm là loại nấm hoang mọc lên từ những đống lá tràm mục (hoặc cây tràm mục) nơi rừng tràm. Nấm tràm có hình dáng như cái ô, mặt bên ngoài có màu nâu tím, phần bên trong trắng mịn, vị nhân nhẩn, ngọt hậu. Nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm tràm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu…(thảo nào từ bữa giờ tôi uống rượu mà cứ như nước đổ hang chuột, người cứ tỉnh queo).

Riêng trong việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, nấu kiểu gì cũng ngon, nấu với gì cũng ngon. Nấm tràm có thể nấu lẩu, nấu cháo, xào với tôm, thịt, gói giấy bạc nướng lên ăn càng ngon. Nhưng với người làng quê tôi, nấm tràm nấu canh rau khoai lang là ngon nhất.

Mỗi năm ở vùng quê tôi nấm tràm chỉ mọc một lần sau những cơn mưa đầu mùa khoảng từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, nấm mọc rộ dần và kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần là hết. Người dân quê Cự Nẫm và Vạn Trạch coi nấm tràm là một thứ lộc trời. Lộc cho người hái bán và cả lộc cho người mua ăn. Hái được nấm tràm và được ăn nấm tràm chỉ có từ may mắn trở lên. 

Gắp một búp nấm tràm mập mạp bỏ vô miệng, thong thả nhai để ngấm cho hết cái dư vị đắng đót mà ngọt ngào chỉ riêng có ở nấm tràm. Một cảm giác rất...nấm tràm.

HTS

Link XB trên báo Quảng Bình ngày 23-9-2022:

https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202209/cu-nam-mua-nam-tram-2203721/ 

20 tháng 8, 2022

Hai truyện ngắn hay của Di Li trong Tầng thứ nhất

(Bài đăng trên vanvn.vn của Hội nhà văn VN, 19-8-2022) 

Tầng thứ nhất (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2007) bao gồm 16 truyện ngắn được xem là hay nhất và mới nhất của Di Li vào thời điểm bấy giờ. Và quả thực, truyện nào trong sách này cũng có cái để đọc, để ngẫm nghĩ bởi một lối viết khá mới mẻ về những đề tài mang đậm chất huyền hoặc, thậm chí là ma quái. Nói chung đó là những điều khó tin, khó gặp trong cuộc sống nhưng vẫn luôn tồn tại trong nhận thức của mỗi người. Vì thế mà đọc Tầng thứ nhất cứ thấy ngờ ngợ, như lạ lại như quen.

 Tôi muốn nói về 2 truyện ngắn gây ấn tượng nhất với người đọc trong Tầng thứ nhất của Di Li.

Tập truyện ngắn Tầng thứ nhất của Di Li


Ở truyện ngắn đầu tiên được lấy làm nhan đề chung của tập truyện, Tầng thứ nhất, tác giả đã kể về cái chết của một người làm nghề viết báo. Nhà báo này do viết không đúng sự thật nên bị mắc bệnh ung thư chết và bị đày xuống tầng thứ nhất của địa ngục và bị trừng phạt bằng cách xiên một cái que sắt ngang miệng với mục đích là trị cho hết tội nói láo. Tuy nhiên, do nhiễm thói quen nói láo từ khi còn làm nghề viết báo, vị nhà báo này dù đã bị chết, bị đày xuống tầng thứ nhất của địa ngục vẫn tiếp tục nói láo. Và cứ mỗi lần anh ta nghĩ đến chuyện thêm mắm, thêm muối theo thói quen nghề nghiệp để cho ra một bài báo mới là cái que lại cựa quậy khiến anh ta đau nhói. Và anh ta nhận ra rằng, ở dưới địa ngục, ngay ở tầng thứ nhất thôi, đã không có chỗ cho thói quen nói dối và bịa đặt như ở trên trần gian. Truyện ngắn đã phê phán không thương tiếc tính cách thiếu trung thực đến mức đã trở thành thói quen của con người trong cuộc sống nói chung và trong nghề làm báo nói riêng.

 Có thể nói, đã từ lâu lắm rồi, cái thật, thậm chí cái thật thà theo lí thuyết văn học phản ánh hiện thực vẫn đang chiếm lĩnh tâm trí các nhà văn Việt Nam khi cầm bút, như là một điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi, bởi ai cũng cho rằng đó là cách viết đúng đắn nhất. Trong bối cảnh đó, những tìm tòi trong phong cách sáng tác cũng như trong nội dung của nữ nhà văn trẻ Di Li có thể xem là một sự khám phá trong sáng tạo văn học. Ở tập truyện này, Di Li đã thể hiện một cách phóng khoáng tư chất của một cây bút có năng khiếu viết chuyện ma quái, chuyện kinh dị.

 Ám ảnh nhất, cuốn hút bạn đọc nhất trong tập truyện này phải kể đến chuyện Bức tranh và ngôi nhà cổ. Đây là một điển hình của truyện kinh dị mang tên Di Li. Câu chuyện bắt đầu từ một bức tranh lạ. Lạ từ xuất xứ đến hình thức, lạ từ chất liệu đến nội dung. Một bức tranh mà chủ nhân của nó tình cờ có được không phải mất tiền mua do tình cờ thấy trong ga ra của một người quen, người quen này nghĩ là đồ vứt đi nên cho không ông ta. Từ  khi mang bức tranh về, giá của nó tăng lên vùn vụt, ba nghìn, năm nghìn rồi mười lăm, hai mươi nghìn đô la Mĩ. Bất cứ nhà sưu tầm tranh nào nhìn thấy cũng đều trả giá cao để mua cho bằng được. Tuy nhiên có điều kì lạ là sau khi trở về nhà lấy tiền mua tranh, trên đường đi, tất cả đều gặp tai nạn giao thông, và cuối cùng thì ai cũng phải từ bỏ ‎í định mua bức tranh ma quái ấy. Câu chuyện cứ thế cuốn hút người đọc đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Và kết thúc là một vụ án hình sự giết người đầy bí ẩn cách đó 10 năm được phát hiện. Cả hai nhân vật chính của câu chuyện, một đôi bạn vong niên, đã vượt qua nhiều cản trở, nhất là vượt qua nỗi sợ hãi của ma quái và hiểm nguy mang đầy tính hoang đường để tìm ra sự thật, giải thoát cho số phận của một cô gái đã bị giết trước đó 10 năm.

 Cách hành văn của Di Li trong câu chuyện kinh dị này với một nhịp độ nhanh hơn bình thường: Cuộc tìm kiếm và thám hiểm căn hầm bí mật, các nhân vật chính phải đối phó với kẻ sát nhân xảo quyệt… Những lối đi sâu, cầu thang dốc và xoáy hình trôn ốc… Những pho tượng với những khuôn mặt nhăn nhúm, khổ sở với đôi mắt hoặc đang kinh hoàng, hoặc đang ai oán, là những chi tiết nghệ thuật được tác giả sử dụng rất có hiệu quả nhằm làm tăng tính tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

 Từ câu chuyện rùng rợn này, tác giả muốn nói lên một chân lí trong cuộc sống: Người ta có thể làm biến mất một cái tên, một con người, nhưng vĩnh viễn không thể làm biến mất một linh hồn. Linh hồn tồn tại vĩnh viễn trong đời sống xã hội con người.

Đọc tập truyện Tầng thứ nhất của Di Li, bạn sẽ thấy được sự biến ảo của một cây bút nữ rất độc đáo của văn học Việt Nam đương đại. Có những chuyện được viết với lối phê phán sắc sảo, được thể hiện bằng một ngôn ngữ hài hước, châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội; Có chuyện lại được viết với giọng văn hình sự, trinh thám, tạo nên một sức hấp dẫn, tò mò cho người đọc. 

Đó là thành công lớn của Di Li qua tập truyện ngắn Tầng thứ nhất này.

HÀ TÙNG SƠN


Link XB trên vanvn.vn: 

https://vanvn.vn/hai-truyen-ngan-hay-cua-di-li-trong-tang-thu-nhat/?fbclid=IwAR3v5Bv5ytnqMKZXVoCPRxEfnvengvyj9-Q5bMJZw3-4kc20gzP8AasHqlY

 

 

Cái gì cũng có giá của nó

 Những ai đang sống trong những căn nhà hình ống hoặc trong những căn chung cư chật chội như 1 cái tổ ong ở thành phố chắc chắn có những lúc mơ ước có được một căn nhà có vườn tược, cây cối... nhất là một căn biệt thự hoặc villa xanh ở bìa rừng, trước nhà có ao cá, 4 phía là cây trái... đại loại thế. Trong số đó có tôi, dĩ nhiên.

Có một ngày tôi đi Củ Chi. Đi 1 mình trên chuyến xe bus số 13 để thăm địa đạo Củ Chi. Đó là 1 buổi sáng chủ nhật, tôi đón xe từ siêu thị Pandora Trường Chinh. Đến bến xe Củ Chi đi tiếp 1 chặng xe bus về Dầu Tiếng, ngang qua địa đạo thì xuống. Giá vé đi CC là 15k đồng. Cả chuyến xe đông nhưng chỉ mình tôi xuống với địa đạo.

Tôi đi địa đạo 1 mình vì rủ rê khắp mà không có ai đi. Người thì nói đi rồi, người thì nói không thích. Tôi đi vì chưa biết thì phải đi, không lí gì sống ở TP mà không biết địa đạo CC là ở đâu và như thế nào trong lúc chỉ cách trung tâm TP có 60km.

Tôi ở địa đạo Củ Chi

Đến địa đạo CC tôi cũng chui địa đạo và mới được 1 khúc ngắn gặp cái cửa thoát đầu tiên tôi đã chui lên ngay, khó thở, đau mỏi lưng muốn chết. Giờ đang chui địa đạo mà địch đến là tôi đầu hàng ngay. Thà sống chung với địch còn hơn sống dưới địa đạo. Nhưng tôi thích ở khu địa đạo này 2 món: Củ mì (sắn) luộc và bắn súng. Củ mì thì được mời ăn miễn phí, mỗi người được 2 mẩu như đốt ngón tay, rất ngon. Bắn súng thì vô chỗ trường bắn, ở đó có 2 loại súng: AK47 và M16. Hồi đi lính tôi đã quen tay với AK47. Ngày đó tôi được giữ 1 khẩu AK báng gập của lính trinh sát, nhìn rất đáng nể. Vì thế đến địa đạo, tôi đã mua 5 viên đạn AK để bắn cho đã. Súng ở đó cũ kĩ quá hay do tôi bắn kém, 5 viên chỉ có 3 viên trúng bia với điểm thấp èng nhưng thế cũng sướng hung rồi.

Ăn tô hủ tiếu xong vẫn còn sớm, tôi nhớ đến 1 ông đồng nghiệp là GV cùng trường có nhà ở Củ Chi, chủ nhật ổng đang ở nhà và có dặn tôi lên CC nhớ gọi ổng. Gọi cái ông bắt máy ngay, giọng mừng rỡ: Tôi ở cách địa đạo 5km, ông ra cổng chờ đó tôi qua chở về nhà chơi.

Ông chạy xe máy đến sau 20 phút, cứ đi theo đường Phan Thị Ràng quẹo 5, 6 cái gì đó là đến. Nhà ông nhìn giống 1 căn nhà sàn có 2 tầng. Dưới là sàn để xe cộ và các thứ linh tinh, trên có 2 tầng nằm giữa khu đất rộng cả nghìn m2. Có ao cá, có vườn cây các thứ... Đúng là 1 căn nhà trong mơ.

Tôi với ông ngồi dưới bóng cây nhâm nhi rượu thuốc với khô cá sặc, Tôi nói, nhà anh sướng quá nhỉ. Ông ậm ừ: Ừm... sướng. Tôi biết là có chuyện không ổn. Ông nói: Ông cứ ngủ lại đây 1 đêm rồi sẽ biết sướng hay không. Ngủ lại thì chắc chờ dịp khác vì sáng mai tôi phải lên trường nhưng ông kể tôi nghe xem là sống trong 1 không gian như thế này thì sẽ như thế nào.

Rôi ông kể hết cho tôi nghe. Tối lại khi bật đèn lên sẽ có đủ thứ côn trùng bay vào nhà, lao vào những bóng đèn và chết như 1 lũ thiêu thân. Đó có thể là mối, là kiến và đủ thứ côn trùng biết bay khác. Vì thế tối phải đóng kín hết các loại cửa rồi mới dám bật đèn hoặc tốt nhất là không bật đèn dù nhà cửa tối thui. Có rất nhiều loại động vật từ muỗi, côn trùng, rắn rết, kì nhông, tắc kè... cùng cư trú trong nhà. Sáng dậy thấy 1 con rắn xanh lè hoặc nhiều khoang nằm khoanh tròn dưới chân cầu thang cái đầu ngóc cao lên là chuyện rất bình thường. Tôi nghe mà rùng cả mình. Tôi sợ nhất mấy con đó. Ông nói thêm: Trời mưa to còn kinh nữa, ếch nhái bơi lội kêu ình oàng. Vì thế mà ông thấy đấy, vợ và con tôi chủ nhật đều ở căn nhà ống chật chội trên thành phố chứ có ai về đây chơi đâu ngoài tôi. Hằng ngày tôi phải nhờ 1 thằng cháu có nhà gần đây qua trông coi, thứ 7, CN rảnh rỗi chỉ mình tôi về đây.

Kết luận ông hỏi tôi: Giờ ông còn thấy căn nhà vườn của tôi là căn nhà trong mơ của ông nữa không. Tôi không dám trả lời vì sợ mất lòng bạn. May mà tôi chưa thực hiện ý đồ bán căn nhà ở Tân Phú để tìm mua 1 căn nhà vườn ở Hóc Môn hoặc Củ Chi. 1 ý đồ mà tôi đã ủ mưu nhiều năm nay.

Đúng là cái gì cũng có giá của nó.

Ăn uống xong ông chở tôi ra bến xe Củ Chi để đi xe bus số 13 về lại Sài Gòn. Ngồi trên xe tôi trầm ngâm ngẫm nghĩ.


 

Trại hoa đỏ của Dili, cuốn tiểu thuyết trinh thám độc đáo của Việt Nam

 (Bài đăng trên vanvn.vn của Hội Nhà văn VN, ngày 8-7-2022)

Nhân vật chính của tiểu thuyết Trại hoa đỏ (Tiểu thuyết của Dili, NXB Công an Nhân dân, 2009) là Diên Vĩ, một thiếu phụ sang trọng và xinh đẹp. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ Diên Vĩ được chồng tặng cho một trang trại nằm lọt vào giữa một vùng rừng núi âm u, hẻo lánh. Ngay khi đặt chân đến trang trại có nhiều loài hoa đỏ nở kín rừng một cách huyền bí, Diên Vĩ đã thấy có rất nhiều những cảm giác bất an vây bủa xung quanh mình. Những người bản địa thuộc một dân tộc thiểu số kì dị; những cái chết bí ẩn xảy ra liên tục; những truyền thuyết ma quái về dòng họ Quách… đã khiến cho Diên Vĩ thực sự sợ hãi và kinh hoàng trong suốt quãng thời gian chị có mặt ở trại hoa đỏ. Cũng từ đó, với sự ra tay của những cảnh sát hình sự, bộ mặt thật của những kẻ sát nhân ở trại hoa đỏ đã lần lượt bị phơi bày.

Cũng vì thế mà nói Trại hoa đỏ là một tiểu thuyết hình sự thì chính xác hơn trong khi tác giả và rất nhiều người khác lại cho rằng đây là một tiểu thuyết trinh thám và kinh dị.

Tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Dili


Một trong những nhân vật chính khác được tác giả miêu tả khá nổi bật là viên đại ú‎y‎ cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách. Với lương tâm và trách nhiệm của một người công an luôn vì cuộc sống yên bình của xã hội, đại ú‎y Bách đã tự giác làm một thám tử bắt tay vào điều tra những cái chết xảy ra liên tục và bí ẩn ở trại hoa đỏ. Tuy nhên, với một kết cấu mang nhiều yếu tố bất ngờ và một bố cục chặt chẽ rất cao tay, cuốn sách của Di Li đã làm hấp dẫn người đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Đọc Trại hoa đỏ, dù có trí tưởng tượng phong phú, bạn cũng sẽ khó mà đoán trước được điều gì về kết cục rất bất ngờ của câu chuyện. Ở chỗ này, Di Li đã sử dụng tốt nghệ thuật phục bút của những cây viét tiểu thuyết thạo nghề. Và đó chính là thành công lớn nhất của Di Li trong cuốn tiểu thuyết hình sự dày dặn này.

Xoay quanh những hoạt động nhiều trí tuệ và tích cực của nhân vật chính diện Bách, câu chuyện về những cái chết li kì và rùng rợn trong Trại hoa đỏ không chỉ là một cuộc điều tra thuần túy để tìm ra ai là kẻ sát nhân mà còn có một ý‎ nghĩa nhân văn sâu xa hơn:  đó là xác định nhân cách của nhiều loại người đang sống trong xã hội dưới những vỏ bọc khác nhau đang ngày ngày vây bủa xung quanh ta.

Giữa một cuộc sống bề bộn và ngày càng phức tạp, ai cũng đua nhau làm giàu và tận hưởng mọi lạc thú, việc xác định sự tốt và sự  xấu, cái thiện và cái ác nhiều khi thật là khó. Thật giả khôn lường, chẳng biết đâu mà lần. Với một hướng đi tích cực như thế, Trại hoa đỏ là một một đóng góp tích cực vào những tác phẩm văn học Việt Nam  đương đại trong phản ánh hiện thực xã hội.

Đó là một hiện thực khắc nghiệt trong sự xung đột nhiều chiều của cuộc sống hiện đại. Vì đồng tiền, kẻ thủ ác trong Trại hoa đỏ đã giết người không ghê tay; vì lòng thù hận và nghen ghét, không ít những con người lương thiện đã phải lìa bỏ sự sống của mình. Đọc Trại hoa đỏ, chúng ta sẽ không khỏi rùng mình và kinh hãi khi cái ác bị lật mặt. Đó không chỉ là cái ác mà còn là sự nham hiểm của những kẻ mất nhân tính. Đằng sau những cái chết kinh dị của các nhân vật là lòng thù hận và sự phản trắc. Yếu tố bất ngờ về sự thật của Trại hoa đỏ được tác giả khôn khéo giữ để khi gấp lại trang cuối cùng của Trại hoa đỏ, bạn đọc chợt nhận ra rằng, ở đời cái gì cũng có giá của nó. Dù đó là những cặp phạm trù luôn đi liến với nhau như sự thật và gian trá, cái ác và cái thiện, hạnh phúc và đau khổ v.v.

Ở Việt Nam, loại sách văn học trinh thám, kinh dị không có nhiều. Vì thế, khi cuốn tiểu thuyết Trại hoa đỏ ra đời đã thu hút được nhiều người tìm đọc. Trại hoa đỏ không chỉ là một cuốn tiểu thuyết trinh thám và kinh dị, điều đặc biệt còn ở chỗ tác giả của nó là một cây bút nữ còn khá trẻ có bút danh là Di Li. Còn trẻ tuổi nhưng Di Li đã là tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi; đồng thời cũng là dịch giả của nhiều đầu sách văn học nước ngoài.

Điều làm cho Trại hoa đỏ trở nên hấp dẫn bắt đầu từ sự tò mò của người đọc. Sau đó là cả một cuộc kiếm tìm sự thật trong một mớ những sự kiện và nhân vật hỗn độn mà tác giả đã dày công tạo dựng một cách rất logic. Đó cũng chính là điều làm nên tính độc đáo và hiếm hoi, không đụng hàng của tác giả Di Li trong Trại hoa đỏ.

Điều đọng lại sau khi đọc xong Trại hoa đỏ là sự yêu quý những giá trị chân thật của cuộc sống. Những giá trị mà vì nó, không ít những con người lương thiện đã phải trả giá bằng cả mạng sống của họ. Và đi liền với nó là sự căm ghét những con người tham lam, độc ác, lừa thầy phản bạn, gian xảo và phản trắc. 

HTS 

Link XB trên vanvn.vn: 

https://vanvn.vn/trai-hoa-do-cua-dili-cuon-tieu-thuyet-trinh-tham-doc-dao-cua-viet-nam/?fbclid=IwAR0s5XSrE1Jq4s1x91Bu6MPpT3rsIU0yUKsBndHOqvYcSzpTRuhU5L2_Ve4

30 tháng 7, 2022

Sách cũ anh đi còn để lại

Trích Tự truyện: NHỮNG CHUYỆN KHÔNG NÊN KỂ

Chương 3: Thăng trầm đời đi học

Ngày mai tôi đi Đồng Hới họp lớp 12A K2. Lần gần đây nhất lớp này họp là tháng 8-2019 tại Cửa Lò.

Người ta thường chỉ có 1 lớp cấp 3 và 1 lớp ĐH để họp riêng tôi lại có đến 2 lớp cấp 3 và 2 lớp ĐH.

Hồi học lớp 8 tôi đi K8 ra Thọ Xuân, Thanh Hóa khi mới học hết HK 1 của lớp 7, nghĩa là chưa tốt nghiệp cấp 2. Ra đến Thọ Xuân thì người ta vừa thi tốt nghiệp cấp 2 xong. Vào năm học mới 1968 tôi phải học lại lớp 7 từ đầu ở trường cấp 2 Thọ Nguyên. Học được 2 tháng đang yên lành thì bỗng dưng không biết từ đâu và do ai can thiệp, có giấy của Ty GD Thanh Hóa do 1 cán bộ của Ty cầm về Thọ Nguyên trao tận tay tôi, 1 chú bé 14 tuổi, cho tôi vào học lớp 8 Trường cấp 3 Thọ Xuân 1 khi đó đóng ở xã Xuân Hòa bên bờ sông Chu, cách xã Thọ Nguyên 10km. Vậy là tôi thành HS lớp 8 cấp 3 khi mà mới học được nửa lớp 7 chưa kịp thi tốt nghiệp và vô lớp 8 thì chậm mất 2 tháng. Giả sử bây giờ có ai đó đứng ra viết đơn tố cáo tôi chưa thi tốt nghiệp, chưa có bằng tốt nghiệp cấp 2 mà đi dạy đại học với làm đủ thứ việc này nọ thì tôi cũng đành phải chấp nhận.

Tôi mang cái giấy của Ty GD đến gặp thầy Hiệu trưởng Trường cấp 3 Thọ Xuân 1 là thầy Khởi. Thầy tướng mạo cao to đẹp trai và rất hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ hơn cả những phụ nữ đẹp. Thầy bảo: Em vào lớp 8A nhé rồi hỏi tôi đã có sách vở gì chưa. Dạ em chưa ạ. Ngày mai em lên đây, trường sẽ cấp cho em 1 bộ sách giáo khoa mới tinh và 10 cuốn vở. Tôi mừng rơn. 3 năm sau vào học khoa văn ĐHSP Vinh tôi gặp lại thầy Hiệu trưởng Khởi ở thầy Chủ nhiệm khoa, GS Hoàng Tiến Tựu dạy VHDG, cũng cao to đẹp trai, cũng hiền lành, cũng nói năng rất nhỏ nhẹ, cũng quê Thanh Hóa.

Học sinh K8 hồi đó chế độ như bộ đội. Mỗi năm 2 bộ quần áo, tháng 15kg gạo, 1 hộp sữa đặc, 0,5kg đường... Tôi cầm Giấy vào lớp của thầy Khởi tìm đường về lớp 8A là một căn nhà hầm nằm lọt giữa làng, học buổi đầu tiên.

Tôi học buổi đầu tiên ở lớp 8A với môn toán của thầy Phục, 1 thầy giáo dạy giỏi nhưng rất nghiêm khắc của cấp 3 Thọ Xuân 1. Thầy viết lên bảng mấy chữ Đường tròn ngoại tiếp rồi chỉ luôn vào tôi (có lẽ do hôm đó tôi mặc bộ quần áo mới tinh và rất đẹp do nhà nước cấp phát, khác hẳn mọi người trong lớp): Anh trả lời cho tôi biết định nghĩa về đường tròn ngoại tiếp. Tôi ớ cả người vì đây là lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm này. Đó là kiến thức mà các bạn trong lớp đã học trong 2 tháng qua của đầu năm lớp 8. Sau này tôi còn nghe thêm 1 khái niệm toán học rất lạ nữa là đường tròn nội tiếp. Đầu óc giàu trí tưởng tượng của tôi suy đoán ra ngay: Đã có ngoại tiếp ắt phải có nội tiếp nhưng vì sao lại thế thì tôi không thể biết. Tôi đứng như trời trồng. Thầy Phục giọng lạnh ngắt: 1 điểm về chỗ. Ngay lập tức Thắng lớp trưởng (Thắng là con ông GĐ nông trường Sao Vàng) dũng cảm đứng lên: Thưa thầy bạn Sơn là học sinh K8 mới vào học buổi đầu tiên hôm nay ạ. Thầy Phục rất ngạc nhiên bước xuống bàn tôi hỏi chuyện. Tôi đứng lên kể hết câu chuyện học hành mất đầu mất cuối của tôi cho thầy nghe, kể cả chuyện bom đạn Mĩ đang ngày đêm ném xuống mảnh đất Quảng Bình chết chóc nhiều như thế nào, kể luôn chuyện tôi đã đi hàng tháng trời từ Quảng Bình để sơ tán ra được Thọ Xuân này. Thầy lặng thinh 1 lúc rồi nói: Thầy xin lỗi, thầy không cho em điểm 1 nữa. Rồi thầy giao luôn cho Thắng kèm cặp tôi học bài cho kịp chương trình. Cuối buổi học Thắng kéo tôi về ở trọ cùng nhà với hắn trong Xuân Hòa. Sau này còn thêm thằng Dong con ông chủ tịch xã Thọ Nguyên ở làng Phai Phô cùng trọ chung nhà với tôi và Thắng.

Cuối cùng thì hết năm lớp 8 tôi cũng thi đủ điểm các môn, đa số là điểm 3 (3 trên 5, tương đương điểm 5/10 bây giờ), đủ điểm lên lớp 9 mà không phải thi lại môn nào. Tôi phục tôi vô cùng và cũng vô cùng biết ơn Thắng, xem Thắng là người bạn lớn trong đời của tôi. Nghe nói lên lớp 10 thì Thắng trúng tuyển đi học phi công quân sự ở Liên Xô. Tôi ước gì được gặp lại Thắng 1 lần nữa trong cuộc đời này.

Đang nghỉ hè tung tăng đi hái trộm hồng của vườn phụ lão ven sông Chu thì Mĩ ngừng ném bom ra miền Bắc, tôi được xe của tỉnh Quảng Bình ra đón về lại quê và học lớp 9, lớp 10 rồi tốt nghiệp cấp 3 ở trường Đồng Hới (khóa 1968 – 1971).

Vì thế mà tôi có đến 2 lớp cấp 3 để đi họp. 1 lớp ở Thọ Xuân, 1 lớp ở Đồng Hới. Lớp nào kêu tôi cũng đi hết.

Tốt nghiệp cấp 3 xong tôi thi đỗ và vào học ĐHSP Vinh luôn trong năm 1971. Tôi học lớp 12A K2. Nhân đây cũng giải thích luôn cái tên lớp có vẻ khó hiểu với những ai chưa từng là SV ĐHSP Vinh. 12A có nghĩa khóa 12 lớp A. Khóa 12 khoa văn của tôi có 150 bạn trúng tuyển được chia làm 2 lớp A và B. Tôi học lớp A gọi là 12A. Còn K2 nghĩa là Khu 2, nơi ở của khoa văn, gọi K2 khoa văn là vì thế. Trường tôi những năm chiến tranh sơ tán hết từ Thanh Hóa về đến Nghệ An, ở chung với dân. Mỗi khoa là 1 khu đóng ở 1, 2 xã. Bắt đầu từ K1 (khu 1) là VP trường, K2 (Khu 2) khoa Văn, cứ thế K3 khoa Toán, K4 khoa Vật Lý, K5 Khoa Hóa, K6 Khoa Sinh, K7 là khoa đào tạo GV cấp 2 có trình độ ĐH chỉ học 3 năm, K8 là khoa Sử, hình như hồi đó chưa có khoa Địa lý. K là khu, không phải là khoa như nhiều người nhầm tưởng. Do chiến tranh, mọi thông tin cần bí mật, ngay tên Trường ĐHSP Vinh khi đó cũng có 1 cái tên rất bí mật là Trường 12-9 (Ngày khởi nghĩa Xô viết Nghệ An, bây giờ vẫn có câu ca Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An).

Cũng nhân đây xin nói luôn, thế hệ chúng tôi ai đã học dưới tên gọi trường ĐHSP đều rất tự hào và rất thích nhận là SV của Trường ĐHSP Vinh, chúng tôi không thích gì cái tên gọi cộc lốc ĐH Vinh bây giờ. Tương tự, tại Trường ĐHSP Quy Nhơn nơi mà tôi có hàng chục năm giảng dạy cũng vậy, cả thầy và trò thời ấy đều luôn xưng là ĐHSP Quy Nhơn, không ai ưa gì cái tên cộc lốc ĐH Quy Nhơn bây giờ. Tôi vẫn nghĩ những ai đã cố tình đổi tên ĐHSP Vinh, ĐHSP Quy Nhơn thành ĐH Vinh, ĐH Quy Nhơn là ngu xuẩn. Muốn mở thêm các hệ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thì cứ thế mà mở dưới tên trường ĐHSP chứ ai cấm. Tại sao ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Huế, ĐHSP TP HCM... vẫn tồn tại và đầy uy tín đến bây giờ. ĐHSP Vinh mà bỏ SP đi thì cũng ngang ĐH Hồng Đức, ĐH Hà Tĩnh; tương tự ĐHSP Quy Nhơn mà bỏ SP đi thì cũng chỉ ngang ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Phú Yên... Tự mình làm cho bé mọn hẳn đi, không ngu xuẩn mới lạ.

 Giấy chứng nhận học tập do thầy Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh GS Nguyễn Thúc Hào kí ngày 10-9-1972 xác nhận tôi là SV năm thứ 2 khoa văn “Được thôi học để đi làm NVQS”. Trong giấy ghi là Học sinh vì ngày đó Bác Hồ không cho gọi SV dễ gây kiêu căng tự mãn; tương tự ngày đó không gọi phi công mà gọi là chiến sĩ lái máy bay để các phi công khỏi kiêu căng... Hic.

Như đã nói, tháng 9-1971 tôi nhập trường làm SV lớp 12A K2 thì tròn 12 tháng sau, tháng 9-1972 tôi lên đường nhập ngũ. Tôi khi đó dù đã xong năm nhất chuẩn bị vào học năm 2 nhưng vẫn chỉ mới tròn 18 tuổi, còn rất ngu ngơ nên cũng chẳng phải yêu nước này nọ gì lắm. Người ta cho học thì học, người ta bảo đi lính thì đi lính. Chứ người ta bảo đi bộ đội mà mình cứ ì ra ngồi học cũng không xong. Tóm lại là tôi khi đó lên đường nhập ngũ mà không phải vì tinh thần thanh niên 3 sẵn sàng hay yêu nước căm thù giặc gì hết. Tôi quan niệm cái gì đã là nghĩa vụ thì phải làm cho xong và cố gắng làm cho tốt. Thế thôi. Trong người tôi ngày đó chưa có khái niệm tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc như báo chí tuyên truyền.

Đi bộ đội ngày đó thì huấn luyện xong tôi phải vô miền Nam chiến đấu. Hết chiến tranh, tháng 12-1975 tôi được quân đội trả lại trường. Lớp 12A đã tốt nghiệp và họ biến đi đâu hết, chỉ còn lại các khóa đàn em. Đáng lẽ tôi vào khóa 15 để học năm thứ 2 nhưng khóa 15 khi đó đã học gần hết học kì 1 sợ tôi theo không kịp nên trường xếp cho tôi theo học với khóa 16, nghĩa là học lại từ đầu năm thứ nhất với 4 năm dài đằng đẵng. Đời đi học của tôi quả thật lận đận.

Khoá văn 16 này tuyển sinh được 200 SV chia thành 4 lớp ABCD, tôi học lớp D gọi là lớp 16D K2. Nhà trường đặt tên cho khóa 16 là khóa Việt Nam Chiến thắng vì là khóa học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất.

Vì thế mà tôi có đến 2 lớp ĐH để đi họp lớp. Lớp 12A K2 và lớp 16D K2. 2 lớp này khá siêng họp và tôi chưa bỏ họp lớp lần nào. Có khi trong 1 năm cả 2 lớp cùng họp, tôi vừa đi họp lớp này về lại khăn áo đi họp lớp kia. Rất rộn ràng. Mà mỗi lớp lại họp 1 nơi, có khi rất xa nhau. Như năm kia, vừa họp lớp 12A ở Cửa Lò về lại tung tăng lên Đà Lạt họp lớp 16D. Bà xã tôi bảo có khi ông được cấp huy chương vì sự nghiệp họp lớp cũng nên. Huy chương thì hồi đi bộ đội tôi có mấy cái, lại thêm HC vì sự nghiệp báo chí, HC vì sự nghiệp truyền hình, HC vì sự nghiệp GD v.v., nên tôi chẳng thiết, tôi chỉ mong có đủ thời gian, sức khỏe và tiền bạc để đi họp lớp. Cái hồi anh gì chủ cafe Trung Nguyên nói câu tưởng như rất ất ơ Tiền nhiều để làm gì khiến nhiều người lấy làm khó chịu thì tôi đã có ngay đáp án: Tiền nhiều để đi họp lớp.

Đó là chưa nói năm ngoái, mấy ông bạn lớp CH6 còn gọi cho tôi đề nghị nên tổ chức họp lớp CH văn 6 tại Vũng Tàu. Chưa kịp thực hiện thì có ông lăn ra ốm nặng rồi qua đời nên tạm thời gác lại. Chứ nếu có họp thêm lớp CH nữa thì tôi vẫn vui vẻ nhận lời..

Trở lại với vụ đi họp lớp 12A K2 ngày mai. Như đã nói tôi chia tay lớp này đi lính vào tháng 9-1972. Cả lớp có 75 SV mà chỉ có 20 nam, còn lại là nữ. 2 đợt nhập ngũ vào tháng 5 và tháng 9-1972 có 12 bạn nam lên đường. Lớp trống trải hẳn ra. Bạn Đào Thủy trong lần gặp lại đầu tiên ở Gò Vấp, Sài Gòn kể cho tôi biết: Ngày các bạn lên đường không khí trong lớp chùng hẳn xuống, rất trống trải. Trong số những bạn lên đường với tôi, một số bạn đã kịp có người yêu học cùng lớp nên chia tay rất bịn rịn. Tôi vẫn nhớ cái buổi chiều tối ngày 11-9-1972 ấy, toàn bộ các thầy cô là CBGD của khoa và SV khoa văn từ năm 1 đến năm 4 đứng nối dài từ cổng gạch cổ xưa của làng Lăng Thành (cái cổng gạch ấy nay đã đổ nát) dưới bóng cây đa làng trăm tuổi (cây đa làng ấy nay đã chết) ra đến bờ đê Yên Thành để tiễn chúng tôi ra trận. Nhiều bạn chia tay nhau mà phải quệt nước mắt, mỗi tôi là không có ai để lưu luyến ngoài bạn bè vô tư trong lớp nên ra đi rất nhẹ nhàng. Giờ nghĩ lại thấy mình sao chậm khôn thế, học đến năm 2 rồi mà vẫn chưa biết hơi ấm bàn tay con gái.

Có 1 câu chuyện rất buồn cười và ngu ngơ ngày đó, chuyện này rất không nên kể nhưng tôi vẫn kể ra đây. Tôi ở trọ cùng nhà với Mạnh Trọng Hội (đã qua đời), Nguyễn Minh Khâm, Nguyễn Xuân Tùng. 4 thằng thì có 3 thằng là Khâm, Hội và tôi cùng nhập ngũ. Trong 3 thằng cùng nhập ngũ thì 2 thằng kia đã có bạn gái hoặc nhang nhác kiểu như người yêu. Mạnh Trọng Hội khi đó yêu bạn Danh cùng lớp (đã qua đời). Ngày nhập ngũ Danh thêu tặng Hội 1 cái túi đựng kem bót đánh răng xinh xắn. Hội khoe với tôi, tôi thích lắm. Danh thấy tội cho tôi quá nên mới nói: Mình muốn thêu tặng Sơn 1 cái như của Hội nhưng hết chỉ thêu rồi, bạn đi xin đâu được ít chỉ thêu về mình sẽ thêu tặng bạn. Chỉ kịp nghe có thế tôi chạy ngay qua nhà của mấy bạn Búp, Duyến, Nhạn, Hiệu xin chỉ thêu. May sao Trần Nhạn gom cho tôi được 1 mớ chỉ thêu xanh đỏ tím vàng. Danh đã thêu tặng tôi 1 cái túi y như của Hội. Cái túi thêu của Danh theo tôi vào tận B2 – miền Đông Nam Bộ, vào tận Sài Gòn ngày giải phóng 30-4.

Tóm lại ngày tôi chia tay lớp 12A K2 để nhập ngũ, lòng tôi không gợn lên 1 chút xao xuyến gì vì không có 1 gương mặt bạn gái nào để nhớ. Với tôi ngày đó thì Lê Phương Nga, Nguyễn Phương Nga hay Lê Khắc Chân Như thì cũng như Đậu Văn Phúc, như Lê Văn Ngọ, như Nguyễn Khắc Chi hay Nguyễn Trung Ngọc. Thậm chí là tôi còn thấy nhớ các bạn nam hơn nhớ các bạn nữ vì tôi thấy chơi với con trai vui hơn, thoải mái hơn là chơi với con gái. Sau này có mấy đứa bạn thân thì cũng toàn là nam, không có 1 bạn nữ nào. Tình hình này kéo dài cho đến ngày tôi trở lại trường học với lớp 16D. Có ông bạn thân nói hay là tôi bị gay, bóng, đồng tính gì đó. Tôi phải giơ tay thề là không hề nhé. Bằng chứng là nếu con gái sờ vào tôi thì tôi thấy thích còn con trai sờ vào tôi thì nhột chịu không nổi. He he.

Ngày tôi chia tay lớp 12A K2 để nhập ngũ, trong cuốn sổ tay nhỏ của tôi đút sâu trong ba lô chỉ có mỗi Nguyễn Đình Anh lưu bút với 4 câu thơ:

Sách cũ anh đi còn để lại

Mai ngày bạn mới sẽ nâng tay

Hơi nồng trong ấy còn vương mãi

Nghĩa bạn tình thầy chẳng hề phai

4 câu thơ trên năm 1988 tôi khéo léo đưa vào trong 1 truyện ngắn có tên là Người bạn trên Cao nguyên tham gia cuộc thi viết về thầy giáo và nhà trường do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tổ chức và đã đạt giải B không có giải A mảng văn xuôi. Tôi đã đọc truyện ngắn cho Nguyễn Đình Anh nghe. Hắn thích lắm. Cuốn sổ với bài thơ ngắn của Nguyễn Đình Anh sau này trên đường hành quân vào Nam, khi vượt qua vĩ tuyến 17 tôi phải tiêu hủy theo mệnh lệnh của chỉ huy đơn vị vì bộ đội vào miền Nam không được mang theo dấu vết từ miền Bắc, lỡ bị quân địch bắt thì lộ hết bí mật. Nhưng bài thơ của NĐA thì tôi thuộc đến bây giờ. Đi họp lớp 12A lần này tôi rất muốn được gặp lại Nguyễn Đình Anh là vì thế.

Đúng là Học với nhau 1 năm mà nhớ nhau suốt đời.

Nói thực lòng, chuyện tôi hay đi họp lớp và chưa bỏ 1 cuộc họp lớp nào từ to đến nhỏ không phải vì hội chứng, không phải vì đu trend. Tôi đi họp lớp từ khi chưa ai đi, từ khi tôi còn rất bận rộn với công việc biên tập ở đài truyền hình Bình Định và ở Đài TH cáp Quy Nhơn.

Tôi đi họp lớp chỉ vì mấy lí do sau: Tôi nghĩ đến những bạn học, những đồng đội cùng đi lính với tôi đã ngã xuống trong chiến tranh. Họ giờ này đang nằm yên dưới những nấm mồ ở các NTLS và chỉ mong được 1 lần chớp mắt để nhìn thấy bầu trời cũng không được. Tôi nghĩ đến những bạn bè khác dù còn sống nhưng bị thương tật, bị bệnh tật đau ốm như ung thư, đột quỵ, tiểu đường biến chứng, xương khớp, nhồi máu cơ tim... có người dù muốn đi từ giường ngủ vô nhà vệ sinh cũng không được.v.v. Hà cớ gì tôi còn đi lại hoạt động bình thường, có đủ sức khỏe, điều kiện các thứ thế này mà lại không đi khi bạn bè kêu gọi. Trong lúc các bạn ban cán sự lớp (đã giải tán từ 50 năm trước), ban tổ chức họp lớp tự nguyện vác tù và kia đã đứng ra lo liệu hết mọi thứ vất vả thế, mất thì giờ thế để có được 1 cuộc họp lớp với những chỗ chơi, chỗ ăn, chỗ ngủ rất ngon lành, mình chỉ book vé bay vù cái là xong, sao lại không đi. Mình không đi thì ai đi. Không đi là phụ lòng bạn bè và tự thấy mình có lỗi. Không đi là phụ lòng với bạn bè lớp 12A K2, những người đã tiễn tôi, nắm chặt tay tôi ngày tiễn tôi lên đường nhập ngũ tròn 50 năm về trước (năm 2022 này là kỉ niệm tròn 50 năm tôi chia tay bạn bè, chia tay trường, khoa đi bộ đội, tháng 9-1972). Đó là chưa nói vợ tôi lại rất ủng hộ tôi đi họp lớp dù đi hơi nhiều và hơi dày.

Bởi họp lớp chính là 1 phần của cuộc sống.


 

5 tháng 7, 2022

Cuốn tiểu thuyết về một chương đen tối trong lịch sử nhân loại

 (Đọc “Gương mặt loài Homo Sapiens” của Trần Như Luận, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Bài đăng trên báo THANH NIÊN ngày 4/7/2022

 Trần Như Luận là một nhà văn Việt Nam đương đại hoàn toàn sống ở Việt Nam nhưng ông đã viết cuốn tiểu thuyết mang tên Gương mặt loài Homo Sapiens dài 370 trang về lịch sử nước Congo thuộc châu Phi giai đoạn từ năm 1940 đến năm 1964 với những chi tiết chân thực, sống động như người trong cuộc. Đó là điều đáng để bạn đọc khâm phục về tác giả Trần Như Luận qua cuốn tiểu thuyết lấy đề tài và cảm hứng từ lịch sử đất nước Congo, Gương mặt loài Homo Sapiens.

Tiểu thuyết “Gương mặt loài Homo Sapiens” của tác giả Trần Như Luận

(Ảnh: HTS) 

Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1940 khi mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1941 – 1945) bắt đầu diễn ra cho đến khi kết thúc với tội ác tày trời của chủ nghĩa phát xít mà đứng đầu là Adolf Hitler. Cùng với đó là cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân Bỉ vào đất nước Congo (nay là nước Cộng hòa Dân chủ Congo). Là một tác phẩm văn học được sáng tác dựa trên những cứ liệu lịch sử nên các nhân vật và sự kiện được đề cập đến trong nội dung sách được hư cấu theo kiểu 7 thực 3 hư. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy ở Gương mặt loài Homo Sapiens những trang viết miêu tả sự áp bức, bóc lột dã man kinh hoàng của chủ ngĩa thực dân Bỉ đối với người dân thuộc địa Congo. Đó chính là lời tố cáo đanh thép đầy sức thuyết phục của ngòi bút Trần Như Luận trước tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân. Qua những trang hồi kí của nhân vật chính Po Martin, thực trạng áp bức, bất công đó đã được vạch trần: “Đồng loại Homo Sapiens quá lạm dụng vũ lực và khí giới. Khi nắm quyền hành và vũ khí trong tay, chúng trở nên quá lộng hành. Chúng coi đồng loại chẳng ra gì. Muốn cướp là cướp, muốn bắt là bắt, muốn bắn bỏ là bắn bỏ” (Trang 63).

Vấn đề đặt ra ở đây là, dù là thực dân thống trị hay người dân thuộc địa bị áp bức thì cũng đều là giống người được trưởng thành từ một loài động vật bậc cao rất tinh khôn, rất gần với loài người, đó là loài Homo Sapiens. Vì thế mà từ tên sách còn đặt ra một vấn đề khác: Sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa Apartheid. Ở đây không đơn giản là học thuyết về sự đề cao giống người da trắng (được xem là con người thượng đẳng) và kì thị giống người da đen (được xem là con người hạ đẳng) mà từ đó chủ nghĩa phát xít đã lấy làm cơ sở lí luận để mở những cuộc chiến tranh xâm lược khắp thế giới với những cuộc giết chóc ghê rợn trong đó có cả chiến dịch bài trừ người Do Thái. Chúng gây ra nạn đói tràn lan khắp thế giới trong đó có cả đất nước Việt Nam xa xôi thuộc Đông Nam Á. Nhân vật Po Martin đã có những trang viết cháy bỏng lòng căm phẫn về tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam trong chuyến đi thực tế ở Việt Nam vào năm 1945: “Tôi cực lực lên án cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật, những kẻ phải chịu trách nhiệm về nạn đói tại Việt Nam kéo dài từ tháng 10 năm 1944 đến hết tháng 5 năm 1945. Tính ra trong 8 tháng đã có 2 triệu người Việt Nam chết đói” (trang 282). Ở chi tiết này, tác giả Trần Như Luận đã rất khéo léo dẫn dắt câu chuyện từ Congo châu Phi xa xôi về đất nước Việt Nam và nhờ đó mà tiếng nói lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân trong Gương mặt loài Homo Sapiens càng lan tỏa rộng rãi hơn.     

Thông qua lời của nhân vật thông tuệ, nhà sử học lớn của Congo Po Martin, Gương mặt loài Homo Sapiens đã đặt ra một vấn đề rất lớn: “Động vật thượng đẳng (Homo Sapiens – người viết bài) hóa ra là như thế sao” (trang 63). Vì những nội dung và ý nghĩa được nêu trên mà Gương mặt loài Homo Sapiens không chỉ là mang hơi hướng của một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà hơn thế, nó còn là một cuốn tiểu thuyết luận đề, luận đề về chủ nghĩa thực dân và luận đề về tệ nạn kì thị chủng tộc mà thực chất là chủ nghĩa Apartheid đã từng rất phổ biến trên thế giới và hiện vẫn còn rơi rớt ở nhiều nước.

Tuy nhiên nội dung và ý nghĩa của tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens không chỉ có thế. Trong cuốn tiểu thuyết này, với những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, tác giả Trần Như Luận còn vạch trần tội ác của chủ ngĩa phát xít như là một kẻ đồng hành, đồng lõa cùng chủ nghĩa Apartheid mà đứng đầu là tên trùm quốc xã Adolf Hitler trong đó nổi bật là chủ nghĩa bài Do Thái (tiếng Anh: antisemitism). Câu chuyện của Trần Như Luận đưa người đọc đến với số phận của nhận vật Anne, người thiếu nữ Do Thái xinh đẹp, người yêu của nhân vật chính Po Martin. Cô và cả gia đình gồm 9 người đã bị lính Đức bắt vào trại tập trung và dùng hơi ngạt giết chết trong đau đớn. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, đã có đến 6 triệu người Do Thái bị giết chết trong các trại tập trung của phát xít Đức. Tiểu thuyết của Trần Như Luận cũng cho biết từ cái chết của cô gái Anne: “Người ta đã nghĩ sai khi cho rằng Anne là biểu tượng của 6 triệu người Do Thái bị bức hại cho đến chết. Thực ra cuộc đời và cái chết của Anne chỉ là số phận của một cá nhân riêng lẻ; nhưng số phận thảm khốc ấy đã diễn ra tới 6 triệu lần” (trang 287). Một con số thật là khủng khiếp từ một cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tính luận đề.

Từ đó độc giả cũng thấy thêm một ưu điểm nữa của Gương mặt loài Homo Sapiens là tính hiện thực trong tác phẩm đã được tác giả tuân thủ một cách nghiêm nhặt. Vì thế, Gương mặt loài Homo Sapiens là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực phê phán thời đương đại. Ở đó ngòi bút tiểu thuyết của Trần Như Luận đã thông qua tội ác của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa Apartheid và chủ nghĩa phát xít để nhằm nói lên rằng, loài người dù là động vật bậc cao nhất trong thế giới động vật nhưng sự dã man của một số tầng lớp người trong đó là hết sức khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả những loài vật dã man nhất như hổ báo.

Những trang viết của Gương mặt loài Homo Sapiens còn cho bạn đọc thấy một thực tế rất khác về những người da đen châu Phi ở Congo. Họ bị áp bức nặng nề bởi chủ nghĩa thực dân Bỉ nhưng tinh thần quật cường, ý chí phản kháng chống lại thực dân Bỉ để xây dựng một nước Congo độc lập, dân chủ luôn trỗi dậy ở một bộ phận những người dân và trí thức yêu nước. Trong đó tiêu biểu là nhân vật Patrice Lumumba, một thanh niên trí thức trẻ, một người anh hùng dân tộc của Congo, sau này trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Congo độc lập đã nói những lời đầy tin tưởng: “Nhất định châu Phi sẽ viết nên lịch sử riêng của nó. Đó sẽ là lịch sử ở phía bắc và phía nam của sa mạc Sahara, một lịch sử vinh quang và thấm đẫm nhân phẩm, chứ không phải lịch sử của sự cắn răng chịu đựng nỗi lăng nhục triền miên” (trang 192).

Chính vì tinh thần quật cường và giàu tư tưởng nhân bản ấy nên tuy sống trong nghèo khổ, lạc hậu và xa lạ với văn minh phương Tây nhưng đời sống tâm hồn của các bộ tộc Congo lại rất trong sáng và đẹp đẽ. Họ đã làm nên cuộc sống của một xã hội loài người thu nhỏ mà ngày nay con người của xã hội văn minh đang mơ ước: “Ở đấy không hề có nạn bắt bớ, giam cầm và tàn sát nhau như tại Somaliland thuộc Ý, hoặc tại Pháp và Hà Lan. Không hề có mối thâm thù giữa người Đức và người Pháp do Hitler đầy hoang tưởng dựng lên, đẩy hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Không hề có tình trạng dùng vũ lực cướp nước rồi bỏ dân bản địa chết đói đối với bọn Đức Quốc xã tại Hà Lan và bọn phát xít Nhật tại Việt Nam” (trang 315). Tương tự, trong hồi kí của nhân vật Po Martin cũng đưa ra những tư tưởng rất tiến bộ về cách ứng xử giữa người với người để triệt tiêu chiến tranh: “Bạn có bao giờ mong muốn ai đó đối xử dã man với bạn không? Đương nhiên là không. Vậy thì, tôi mong bạn đừng bao giờ đối xử dã man với bất cứ ai. Những kẻ manh tâm hành động dã man không xứng đáng là người đâu. Họ là ác quỷ đấy”. (trang 322).

Những trang viết như thế đã làm sáng lên cuốn tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận. Nó làm cho người đọc không rơi vào bi quan mà đã tạo nên một niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Đó cũng là chất lãng mạn đáng kể của Trần Như Luận trong cuốn tiểu thuyết này.    

Đọc Gương mặt loài Homo Sapiens ban đầu độc giả sẽ có cảm nhận đây là một cuốn sách khó đọc và khô khan nhưng càng đọc bạn sẽ càng bị cuốn hút. Cuốn hút vì sự hấp dẫn của một nội dung vô cùng phong phú của loài Homo Sapiens như là một chương đen tối trong lịch sử nhân loại được nén chặt trong 370 trang sách. Cuốn sách còn cuốn hút người đọc vì lối dẫn chuyện điềm đạm, tự tin, chủ động của tác giả. Mặt khác, lối hành văn ngắn gọn, ý tại ngôn ngoại được xây dựng bởi một bố cục hợp lí là một trong những thế mạnh của Trần Như Luận ở tác phẩm này. 

Trước khi Gương mặt loài Homo Sapiens ra đời, nhà văn Bình Định Trần Như Luận đã là tác giả của 7 đầu sách được xuất bản. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, biên khảo và có thế mạnh về tiểu thuyết. Gương mặt loài Homo Sapiens là cuốn tiểu thuyết thứ 3 trong gia tài sáng tác văn học của anh. Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết thành công không chỉ vì đề tài mới lạ mang tính nhân bản cao mà còn vì những giá trị về nội dung và ý nghĩa mà cuốn sách mang lại cho bạn đọc.

HTS

 Link XB trên báo THANH NIÊN :

https://thanhnien.vn/ve-mot-chuong-den-toi-trong-lich-su-nhan-loai-post1474826.html?fbclid=IwAR2FsH7eZOO0da4PdNhcR_A0pYwqzCgtymwR9toi7yrdzmzmnPCETyt15cE