28 tháng 1, 2020

Nhà báo lính C20



Nguyễn Quang Ngọc
Tết năm 2018 khi đang chu du giữa những cánh rừng cao su Bình Phước, tôi bắt gặp tờ báo Tết Nông nghiệp Việt Nam. Với người làm nghề báo thì những tờ báo Tết dù là của báo nào cũng phải rất đáng trân trọng và rất đáng đọc bởi đó là cái đinh của tờ báo sau cả một năm họ lao động vất vả. Tôi lật ngay tờ báo và đập vào mắt tôi là phóng sự viết về phân bón Đầu Trâu và các sản phẩm phân bón khác của Công ty phân bón Bình Điền. Một bài báo nói về phân bón và những người làm ra sản phẩm phân bón Bình Điền nhưng đọc lại rất hấp dẫn.
Ấn tượng khi đọc là phóng sự phân bón báo Tết này viết về phân bón nhưng lại là nói về con người, từ ông Tổng giám đốc Cty Bình Điền cho đến những người công nhân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Họ kinh doanh vì lợi nhuận nhưng cao hơn cả lợi nhuận là trách nhiệm trước một nền nông nghiệp Việt Nam xanh và sạch. Đọc không thấy mùi tiền trong đó.
Tác giả phóng sự trên là Nguyễn Quang Ngọc, một CCB của C20. Thảo nào...
Trong hàng trăm CCB của C20 F341 trở về với đời thường, Quang Ngọc là một trong ba nhà báo chuyên nghiệp (cùng với Phạm Thanh Tùng và HTS).
Còn nhớ hồi tháng 12 năm 1990, tôi khi đó đang phụ trách mảng công tác biên tập chương trình của Đài PTTH Bình Định được giao nhiệm vụ tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc tại TP. Cần Thơ. Tại đó tôi đã rất ngạc nhiên khi gặp Nguyễn Quang Ngọc đang là phóng viên của Đài PTTH Đồng Tháp mang phim đến dự thi. Sau những phút tay bắt mặt mừng, tôi và Ngọc cùng ngồi xem ở tiểu ban chương trình phim thiếu nhi. Hôm đó Ban giám khảo cho chiếu phim tài liệu mang tên Em vẽ quê mình của Ngọc. Phim chiếu xong cả hội trường vỗ tay. Ngồi cạnh tôi là nữ nhà báo Minh Nguyệt, một tay làm phim thiếu nhi kiệt xuất của VTV quay sang nói: Phim này dứt khoát vàng. Quả nhiên mấy hôm sau, trong đêm bế mạc Liên hoan và trao giải, Ngọc khủng khẳng lên sân khấu nhận Huy chương vàng cho phim Em vẽ quê mình.
Tốt nghiệp khoa sinh sau mấy năm rời C20, Nguyễn Quang Ngọc về dạy ở CĐSP Đồng Tháp nhưng máu xê dịch và ham mê viết lách đã đưa Ngọc đến với nghề làm báo chuyên nghiệp tại Đài PTTH Đồng Tháp. Sau mấy năm lại xê dịch tiếp, Ngọc chuyển lên TP. Hồ Chí Minh làm phóng viên cho báo Nông Nghiệp Việt Nam. Học khoa sinh ra làm báo nghe có vẻ trái khoáy nhưng học khoa sinh làm báo nông nghiệp thì rất có lí.
Những kiến thức về sinh vật học trong nhiều năm dạy học đã nhanh chóng đưa Ngọc thành một cây bút có số má của tờ NNVN, nhất là ở mảng phóng sự. Nhiều bài phóng sự của Nguyễn Quang Ngọc trên tờ NNVN đã được các giảng viên báo chí lấy làm tư liệu minh họa để dạy cho sinh viên các khoa báo chí về cách viết phóng sự, một thể loại không dễ viết và chỉ thành công với các cây bút lão luyện.
Làm báo Nông nghiệp VN, Nguyễn Quang Ngọc có cơ hội đi khắp nước. Nhiều lần Ngọc ra công tác Bình Định, chúng tôi lại ngồi với nhau để nhắc về những kỉ niệm ở C20, ở ĐHSP Vinh, những nơi mà chúng tôi đã quăng lại không ít mồ hôi và nước mắt của cả một thời trai trẻ. Rồi Ngọc về hưu khi đang ngồi trên ghế giám đốc TTQC chi nhánh Sài Gòn của NNVN.
Bây giờ sau những năm tháng lăn lộn với đời, với nghề làm báo, dù đã về hưu nhưng Nguyễn Quang Ngọc vẫn không chịu lão giả an chi mà vẫn ham mê rong ruổi đó đây ngang dọc đất nước, vẫn ham mê viết lách như thời trai trẻ. Cái máu lính trinh sát C20 vẫn không ngừng chảy trong con người Ngọc.

 Vợ chồng Nguyễn Quang Ngọc và Hoàng Tấn Quả về thăm đồng bào Hà Tran, 1/2020.


Phạm Thanh Tùng
Trong số những CCB C20 nói chung và những CCB C20 làm báo nói riêng, Phạm Thanh Tùng là người sôi nổi hơn cả. Cái sôi nổi ấy có lẽ bắt nguồn từ hàng chục năm Tùng làm ở một tờ báo có cái tên rất trẻ và dành cho những người trẻ của đất nước, báo Tiền Phong.
Xuất ngũ trở về trường cũ, Phạm Thanh Tùng tốt nghiệp khoa văn khóa 15 ĐHSP Vinh. Sau mấy năm làm nghề dạy học, máu viết lách và làm báo trỗi dậy, Tùng chuyển sang làm phóng viên cho tờ Tiền Phong, văn phòng đại diện tại miền Trung. Bút danh Thanh Tùng của tờ Tiền Phong nổi lên không phải vì cái chức Trưởng Văn phòng đại diện Tùng nhiều năm đảm nhiệm sau đó mà là do những bài phóng sự điều tra về những mảng tối nhiều tiêu cực trong xã hội, về những con sâu trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, kể cả từ những kẻ mang danh trí thức ở các trường đại học. Dưới ngòi bút của Phạm Thanh Tùng, chẳng e ngại một ai.
Đã là dân làm báo ai mà chẳng có máu xê dịch. Phạm Thanh Tùng không là ngoại lệ. Từ những làng quê hẻo lánh đến các event hoành tráng như Liên hoan gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung luân phiên biên giới hai nước, cho đến Đại hội Đoàn toàn quốc, các hội thảo du lịch... đều được Tùng để lại dấu ấn qua nhiều phóng sự tường thuật và những phân tích mang tính luận đề sâu sắc.
Chả thế mà đồng nghiệp các tỉnh mỗi lần thấy Phạm Thanh Tùng xuất hiện là lại hỏi: Đang có vụ gì ở đây à.
Có hôm tôi đang làm việc ở đài, mấy chú cảnh sát ở bốt trực cổng gọi lên: Có chú Thanh Tùng báo Tiền Phong muốn gặp chú ạ. Tôi xuống dẫn Tùng lên. Phòng làm việc của tôi ở đài hồi ấy rất rộng với nhiều thiết bị nhưng chỉ có một cái bàn. Tùng chỉ kịp nói mi cho tau mượn cái bàn rồi mở laptop ngồi say sưa gõ. Chắc là có một cái gì đó đang rất nóng.
Tôi lại bộ xa lông pha ấm trà ngồi uống một mình và ngắm nhìn thằng bạn đồng nghiệp làm việc. Nhìn Tùng lia lịa mổ máy tính tôi nhớ về những năm tháng chúng tôi cùng là đồng đội ở C20, cùng lăn lộn ở thao trường Hà Tran, Lệ Thủy trước khi đi B. Những ngày gian khổ và hi sinh ấy chúng tôi dù có giỏi trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể nghĩ ra được có cái ngày chúng tôi cùng làm báo như hôm nay.
Tuy vậy không phải lần nào từ Đà Nẵng vô công tác Bình Định hay đến đâu đó của Phạm Thanh Tùng cũng đều có “chuyện”. Nhiều lần Tùng đi chỉ để đi mà không viết lách gì cả. Đi với nhà báo có lúc chỉ để đơn thuần là đi. Chính tôi cũng có những chuyến đi như thế. Có khi tôi gọi là đi công tác ra Hà Nội suốt mấy ngày mà không “tác” gì cả, chỉ để ngắm nghía phố phường, bù khú với vài ông bạn xong rồi lại bay về.
Có lần Phạm Thanh Tùng xuất hiện ở đài, tôi đóng cửa phòng rồi hai thằng đi chơi suốt một ngày qua bên Thị Nại, Nhơn Hội, Nhơn Lý, An Nhơn... ngó nghiêng mấy cái tháp Chàm rêu phong cổ kính rồi về. Những lúc hiếm hoi như thế ai nói nghề báo là vất vả.
Là nhà báo, Phạm Thanh Tùng còn là một nhà Huế học. Là dân gốc Huế và gần suốt cuộc đời sống ở Huế, những đặc trưng của vùng đất và con người xứ Huế tan chảy trong máu thịt Tùng. Từ chuyện chơi đến chuyện ăn (mà chữ nghĩa gọi là du lịch và ẩm thực) qua ngòi bút của Tùng đều được nâng lên tầm nghệ thuật. Chả thế mà Phạm Thanh Tùng đã cho ra đời gần chục đầu sách từ Chuyện trò lai rai xứ Huế đến Nghệ thuật ẩm thực Huế. Ai chưa có dịp đến Huế hoặc đến Huế mà chưa hiểu hết về Huế, đọc sách của Tùng sẽ hiểu hết.
Nay thì Phạm Thanh Tùng đã nghỉ hưu nhưng cái máu viết lách, làm sách in báo của Tùng vẫn không nghỉ. Không chỉ làm báo, Tùng còn là nhà tổ chức và khởi xướng các hoạt động và sự kiện. Tôi có thể khẳng định rằng không có Phạm Thanh Tùng không có các cuộc hội ngộ của những CCB từng là lính trinh sát C20 F341, không có gặp gỡ Hà Tran – Đồng Hới, không có hội ngộ về lại Sư đoàn ở Thanh Hóa, không có luôn cả BLL CCB C20 F341. Và càng không có sự ra đời của bộ 3 sách hồi kí Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập hoành tráng và nhiều ý nghĩa như thế.
Phạm Thanh Tùng từ Huế vào Đà Nẵng thăm anh Lê Minh Hiếu nguyên C trưởng C20, 1/2020


HTS
(Mùng 3 Tết Canh Tý 2020, khai bút đầu xuân)




14 tháng 1, 2020

Chuyện ở U Minh


Nhờ có chuyến công tác dài ngày đến 5 tỉnh cực Tây Nam Bộ tôi mới được đặt chân đến một nơi gọi là U Minh, tên một huyện ở miệt rất sâu và rất xa của tỉnh Cà Mau.
Thuở nhỏ tôi đã biết đến rừng U Minh qua tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Vậy mà bây giờ tôi mới đươc thấy tận mắt, được đi lại trên mảnh đất đầy hấp dẫn này. Nghĩ đời mình thật may mắn khi được đặt chân đến nơi đây bởi U Minh không có tên trong 1 tour du lịch nào ở miền Tây.
Từ huyện Cái Nước về U Minh xe chúng tôi chạy trên một con đường nhựa hẹp hai bên bời bời lau sậy. Bầu trời U Minh không trong xanh cũng không u ám. Nhìn nó cứ ong ong một màu vàng vọt rất khó tả. Chỉ có thể nói là rất ... U Minh.
Nói đến từ ong ong làm tôi nhớ ngay đến một đặc sản của rừng U Minh mà ông Đoàn Giỏi đã tả rất hay trong Đất rừng phương Nam: mật ong rừng tràm U Minh. Tôi đã căng mắt chú ý xem có chỗ nào treo biển bán mật ong để mua về làm quà. Nhìn mãi hai bên đường vẫn không có.
Chợt đi qua một gốc cây đang tỏa bóng mát Trần Anh Tuấn rất tinh mắt nhìn thấy có bày mấy nải chuối chín mấy bịch chuối khô và 2 chai nhựa loại 1 lít đựng thứ gì như là mật ong.
Xe chúng tôi dừng lại bên đường.
Nhìn chung quanh chẳng thấy ai. Sâu bên trong là một ngôi nhà lợp tôn tuềnh toàng cửa mở sẵn. Tôi lấy cái chai nhựa 1lit vặn nắp ra ngửi đúng mùi mật ong, rất thơm lại sủi bọt phun tràn lên như gas. Đây chắc là mật ong rừng tràm U Minh rồi. Tôi mừng húm như bắt đc vàng. Liền đi sâu vào trong nhà gọi có ai không...
Gọi mãi mới thấy một bác gái khoảng trên 75 tuổi khuôn mặt rất hiền từ chậm rãi từ sau nhà đi ra.
Chú hỏi gì đấy. Mật ong kia có bán không bác. Thì tui đang bày bán mà. Có đúng mật ong rừng tràm không bác. Không rừng tràm thì rừng gì ở xứ này chú. Bác làm sao có mật bán đây ạ. Của thằng cháu nó vô rừng bắt về đấy. Mà chỉ có chừng đấy thôi. 2 lit đấy. Bác bán bao nhiêu 1 lít ạ. 400 chú. Trong nhà còn nữa không bác. Còn có 2 lít à. Vậy bọn cháu mua cả 4 lít bác bớt tiền không. Tui bớt chú 50k 2 lít. Vậy là 750k 2 lít mật ong rừng tràm U Minh. Quá rẻ luôn. Tuấn mua 2 lit tôi 2 lít. Chúng tôi lấy tiền trả bác. Bác gái hỏi hai chú mua gì nữa không. Dạ không ạ. Có ăn chuối khô không cầm 1 bịch ăn cho vui này. Tui cho chú tài xế nha.
Ôi trời, qúa ngạc nhiên luôn.
Nhớ buổi sáng xe đi dọc kênh 19/5 để đến trường THPT huyện Cái Nước, thấy ở Cái Nước dân bày bán rất nhiều bồn bồn tươi và bồn bồn muối chua. Ở Cái Nước trên trời dưới bồn bồn, không mua ở đây thì mua ở đâu nữa. Tôi đã dừng lại hỏi mua 1 hũ bồn bồn muối chua. Hỏi chị chủ nhà bao nhiêu 1 hũ. 35k chú. Tôi mua luôn 2 hũ trả 70k. Chị chủ đếm tiền rồi thối lại tôi 5k. Lấy chú 65k thôi.
Tôi lại tròn mắt ngạc nhiên.
Rồi hôm trên đường từ Cà Mau về Hậu Giang đi qua Bạc Liêu dừng lại ăn trưa ở một quán ăn rất nhỏ bên đường, vợ chồng chị chủ quán đã nấu cho chúng tôi 1 bữa cơm gia đình với nồi canh chua đặc loại cá chốt to bằng ngón tay nhưng bụng con nào cũng căng phình đầy trứng. Tôi ăn nồi canh cá chốt đến no căng. Lâu lắm tôi mới được ăn bữa cá chốt ngon như thế.
Ăn xong thấy trong nhà có treo buồng chuối 5 nải đang chín vàng hỏi mua bỏ lên xe ăn. Chị chủ nói chỉ lấy tiền cơm canh cá 150k. Còn buồng chuối chị chặt thành từng nải rời cho chúng tôi bỏ lên xe ăn dọc đường.
Lòng tốt vô bờ bến ấy của vợ chồng chị chủ quán đã làm tôi bị sốc.
Có lẽ miền Tây Nam Bộ là xứ sở của nước VN này còn sót lại cuối cùng những con người hiền lành chất phác và tốt bụng nhất thế giới.
Tôi ước sao mình được sống giữa những con người như thế.