31 tháng 7, 2018

Quan đi Nhật

Tiếp xúc với những quan chức này thì thấy: Họ bị ảo tưởng sức mạnh. Lúc nào cũng nghĩ mình kinh lắm mà không hề biết là người Nhật coi mấy lão này như mọi. Lúc hai bên nói chuyện thì bên NA nói, “đề nghị các anh phải đầu tư vào …”. Một người nghèo hơn, dốt hơn nói với người giàu hơn, giỏi hơn là “đề nghị… phải…” thì có buồn cười không. Kiểu như thằng ăn mày bảo “đề nghị mày cho tao thêm tiền”. Họ nghĩ mình là bố thiên hạ quá (Nguyễn Thanh Việt)..KD: Quyền lực và quá nhiều tiền (tham nhũng, bổng lộc) đã khiến mấy gã quan chức trọc phú này không coi ai ra gì, và cũng nỏ biết mình là ai. Ngồi dưới đáy văn minh nhưng hợm hĩnh. Lố bịch!Vì sao nảy nòi ra loại này? Xin bạn đọc tự trả lời lấy!



Nguyễn Thanh Việt: Bản thân tôi là công dân danh dự của xứ sở hoa anh đào. Khi đọc chuyện này, tôi thấy giống như chuyện thần thoại hay khoa học giả tưởng gì đó. Các anh các chị thấy thế nào? Có nhẽ đâu thế? Làm người ai làm thế?
Theo lời kể trên Facebooker Quốc Hưng Nguyễn 
Đợt này có đoàn quan chức của tỉnh Nghệ An đến tỉnh GIFU giao lưu học hỏi. Dù vừa gặp các ông này đã gạ dẫn họ đi Tokyo để shopping. Trong lúc dẫn đi thăm quan thì các ông này mặc dù tiếng Nhật không biết, tiếng Anh cũng không biết nhưng rất tự tin, cứ tách đoàn đi lẻ, báo hại phải đi tìm.
Hôm nay tiễn ra sân bay cũng vậy, sau khi đưa họ qua cổng soát vé thì ông Phó Chủ tịch huyện Tân Kỳ, Đặng Thọ Xuân phăm phăm đi vào trước, người bên tổ chức hỏi ông ta đâu thì mấy người khác nói rằng: “Cứ yên tâm, đây là lãnh đạo nên không phải lo“. Thế rồi ông này mãi đi mua sắm, nhỡ chuyến bay, ở lại sân bay một mình. Làm bên phía Nhật loạn hết cả lên.
Sau khi tìm khách sạn gần sân bay cho ông ta, thì ông ta nói “không cần, để kệ anh”. Mấy tiếng sau thì bên tổ chức lại nhờ tìm khách sạn khác vì ông này đi shopping tiếp, mãi sau mới đến nên khách sạn đã hết phòng.
Điểm chung của mấy ông này là rất nhiều tiền, nhưng văn hóa lùn, nên với người nước ngoài mà nói thì họ không tôn trọng.
***
Vài năm trước cũng có đoàn của tỉnh Nghệ An đến tỉnh GIFU học tập kinh nghiệm và giao lưu. Bên Nhật đã chuẩn bị kế hoạch rất kỹ đi đâu, làm gì, mấy giờ.
Trong khi mấy ông quan chức thì đến tập trung trễ giờ. Mà bên này việc tuân thủ giờ giấc và việc bắt người khác phải đợi là rất nghiêm trọng, làm thế là bị khinh luôn dù trước mặt họ vẫn cười rất tươi.
Đang đi theo lịch trình thì tự nhiên ông chức to nhất bảo thôi không đi chỗ đó nữa, đi đến làng rèn kiếm nổi tiếng của GIFU. Mấy ông này mua gần sạch bách kiếm của cửa hàng. Mà mỗi thanh cũng tầm nghìn đô. Chủ hàng khiếp luôn. Lúc tiễn khách họ còn ra nói “cảm ơn các anh đã đóng góp cho kinh tế của tỉnh GIFU”.
Nghe mà cay, tỉnh Nghệ An là tỉnh nghèo, nhiều năm phải xin gạo cứu đói mà các công bộc của dân tiêu tiền như nước. Kể cả dân nước giàu như Nhật cũng không dám tiêu tiền như thế.
***
Tiếp xúc với những quan chức này thì thấy mấy điểm chung:
– Họ bị ảo tưởng sức mạnh. Lúc nào cũng nghĩ mình kinh lắm mà không hề biết là người Nhật coi mấy lão này như mọi. Lúc hai bên nói chuyện thì bên NA nói, “đề nghị các anh phải đầu tư vào …”. Một người nghèo hơn, dốt hơn nói với người giàu hơn, giỏi hơn là “đề nghị… phải…” thì có buồn cười không. Kiểu như thằng ăn mày bảo “đề nghị mày cho tao thêm tiền”. Họ nghĩ mình là bố thiên hạ quá.
– Họ vô văn hóa. Buổi sáng họ chỉ chào nhau còn không chào người bên đoàn Nhật đến đón và nói với nhau rằng “nó là người Nhật không cần phải chào nó”.
– Họ vô tri. Chỉ nói đến chuyện ăn gì, uống gì, đi mua sắm. Cánh đàn ông thì thêm chuyện sex, chuyện bồ nhí. Tức là họ chẳng khác con lợn là mấy. Vì con lợn thì cũng chỉ có ăn, uống, đx… Hết. Và con lợn nó không biết suy tư.
– Họ rất nhiều tiền. Mình lĩnh lương của Nhật mà tiêu tiền vẫn phải tính toán. Còn họ tiêu không cần phải nghĩ luôn. Vì tiền đó là tiền đánh quả, tiền ăn cướp. Chứ đi làm lĩnh lương thì ai mà dám tiêu như thế.
————


19 tháng 7, 2018

Vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang và hiệu ứng domino


Mấy ngày nay thông tin về vụ bê bối chấm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang đã gây chấn động dư luận cả nước. Tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục thì dù ít dù nhiều năm nào chả có với đỉnh cao là vụ gian lận thi cử ở Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang năm 2012 mà đến nay sau sáu năm nhiều người vẫn còn nhớ. Từ đó đến nay năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tìm đủ mọi phương kế có thể để dẹp bớt tiêu cực nhằm mang lại một cái nhìn thánh thiện hơn cho mọi người khi nói đến chuyện học hành thi cử của nước ta.
Nhưng Bộ GD và ĐT muốn cũng không bằng giáo dục Hà Giang muốn. Mà cụ thể là những quy trình kín như bưng và chặt chẽ đến mức một con gián cũng không thể chui lọt của việc coi thi, chấm thi THPT Quốc gia mà Bộ đề ra cũng đã phải chào thua một anh phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng mang tên Vũ Trọng Lương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Theo những thông báo ban đầu của tổ chấm thẩm định do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh làm Tổ trưởng đã công bố, chỉ trong thời gian 2 tiếng, ông phó trưởng phòng Lương đã thay đổi được điểm thi cho 330 bài thi trắc nghiệm với tốc độ trung bình được tính ra là 6 giây cho một bài thi được làm sai lệch kết quả.
Tuy nhiên bằng những suy đoán đơn giản và mang tính cảm quan nhưng rất lô gíc, ai cũng tin một cách có chắc chắn rằng một mình ông Lương sẽ không thực hiện nổi cái quy trình sửa điểm thi trắng trợn ấy mà phải có cả một đường dây cùng thực hiện. Còn xét về tính mục đích của hành động phi pháp này, không thể chấp nhận theo kiểu nói của Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang là ông Lương đã sửa điểm với mục đích không trong sáng. Phải có ai đó rất có uy quyền gửi gắm, phải có ai đó chạy điểm, mua điểm với cái giá cao đáng kể thì ông Lương và đường dây sửa điểm (rất có thể có) mới dám ra tay một cách bạo gan nhưvậy.
Nói như thế cũng có nghĩa là sự gian dối của vụ bê bối chấm thi ở Hà Giang năm nay không chỉ có một người là ông phó phòng Lương mà phải có nhiều người cùng chung tay thực hiện. Vì thế mà cũng thật đau xót khi trên mạng xã hội, và trong những câu chuyện vỉa hè, quán nước, không ít người đã nói từ nay nói đến giáo dục Hà Giang nên bỏ bớt chữ “G” ở cuối (để “Giang” sẽ thành “gian”).
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở Hà Giang bởi sau những gì đã kết luận ban đầu ở tỉnh này, nay chuyện nghi vấn tương tự đã lan sang cả vài tỉnh khác như Sơn La và Lạng Sơn với những cứ liệu tương đối rõ ràng. Và trước sức ép của công luận cũng như của cả dư luận trên mạng xã hội, ngay trong tối ngày 18/7/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Phùng Xuân Nhạ đã phải ký hai quyết định thành lập hai tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia nhằm kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng Sở GD&ĐT Sơn La và Sở GD&ĐT Lạng Sơn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Có lẽ đó là một hiệu ứng domino không ai muốn có của những gì rất xấu xa tủi hổ của ngành giáo dục nước ta trong kì thi THPT Quốc gia năm 2018 này. 

                    Vũ Trọng Lương, kẻ đang hot nhất mạng xã hội