8 tháng 6, 2018

Cái gia gia là cái gì


Nhớ năm 2015 tôi lên dạy cho lớp SP năm 2 ở ĐHTN, có bạn SV chạy theo hỏi: Thưa thầy cái gia gia trong câu Thương nhà mỏi miệng cái gia gia của Bà Huyện Thanh Quan nghĩa là cái gì ạ.
Đây là một câu hỏi khó trả lời nếu không biết điển tích của từ gia gia. Nhân thầy 
Nguyen Xuan Duc nhắc lại câu “Bất thực túc Chu gia” tôi nhớ lại chuyện này.
Bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan thì cõ lẽ người Việt Nam ai cũng thuộc, nhưng để hiểu cái gia gia là gì thì chắc nhiều người cũng sẽ như em sinh viên kia, đọc rất thuộc lòng mà chưa kịp hiểu.
Trước hết ta hãy đọc lại nguyên bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
 

Các nhà thơ cổ điển Việt Nam khi sáng tác thường sử dụng nhiều điển tích điển cố. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... rồi Bà Huyện Thanh Quan cũng thế.
Để hiểu nghĩa của cái gia gia thì phải trở lại với xã hội nô lệ Trung Quốc thế kỉ XVIII trước công nguyên. 
Đời nhà Thương (Trung quốc cổ đại, cuối TK 18 đến giữa TK 12 Tr. CN) vua Trụ vô đạo nên Võ Vương lên ngôi đem quân chinh phạt tiêu diệt. Lúc này cha của Võ Vương là Văn Vương vừa qua đời. 
Thấy Võ Vương lên ngựa ra trận, Bá Di và Thúc Tề (hai anh em ruột là con của vua nước Cô Trúc, một chư hầu của nhà Thương) liền ra nắm lấy dây cương ngựa của Võ Vương mà can gián: Cha ngài mới chết không lo việc tang đã đem binh chinh phạt, như thế là can tội bất hiếu. Ngài không nên đi. 
Tuy nhiên khi chí đã quyết vì việc lớn, Võ Vương gạt đi mà rằng: Trụ Vương hoang dâm vô đạo, ta phải ra tay để cứu muôn dân. Đoạn đẩy Bá Di, Thúc Tề ra xa rồi giật cương phi ngựa đi.
Rồi Võ Vương thắng trận tiêu diệt được Trụ Vương, lập ra triều đại mới gọi là nhà Chu, một triều đại mới có nhiều tiến bộ. Bá Di, Thúc Tề lúc bấy giờ rất lấy làm xấu hổ đến mức không dám ăn thóc gạo của nhà Chu. Hai ông khí khái bỏ lên núi Thú Dương ẩn dật hái rau vi ăn mà sống. 
Những tưởng thế là thoát được nỗi xấu hổ nhưng rồi một hôm gặp người ở quê lên bảo hai ông: Giang sơn bây giờ là giang sơn của nhà Chu, thiên hạ bây giờ là thiên hạ của nhà Chu, hai ông chê không ăn cơm gạo nhà Chu mà hái rau vi của núi rừng nhà Chu để ăn thì có khác gì ăn cơm gạo nhà Chu.
Bá Di, Thúc Tề nghe có lí nên từ hôm ấy nhịn ăn mà chết.
Hai ông chết trong buồn thảm nên hồn không tan được mà biến thành một đôi chim luôn cất giọng gào thét thành tiếng kêu ai oán giữa không trung: "Bất thực túc Chu gia... Bất thực túc Chu gia" (Không ăn gạo nhà Chu ... Không ăn gạo nhà Chu...)
Người đời nghe tiếng kêu đặt tên cho nó là chim đa đa lấy từ âm "gia gia" mà ra.
Bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan đưa tiếng kêu “gia gia” của con chim đa đa vào trong hai câu luận của bài thơ Đường luật: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia là để nói lên tâm trạng hoài cổ, nỗi lòng buồn thảm của mình trước một khung cảnh Đèo Ngang tráng lệ.



4 tháng 6, 2018

Câu chuyện từ Hòn 3 chồng


Hôm qua, vào lúc 11h53, ngày chủ nhật 3/6/2018, ba đứa chúng tôi gồm Quang Ngọc Nguyễn, Lê Văn Ngọ - Văn Lâm Kiều và tôi trên đường đi từ Đà lạt về lại SG, đã đi qua hòn đá chồng, gọi đầy đủ là đá 3 chồng vì do 3 hòn đá chồng lên nhau mà thành. 
Đá 3 chồng cao 36m, nằm chênh vênh ngay bên cạnh QL 20, cảnh tượng hùng vĩ của danh thắng này cuốn hút biết bao du khách đi ngang qua. Ai đã từng một lần nhìn thấy hòn đá này đều có chung cảm giác đó là “không an toàn”. Tuy nhiên, theo tài liệu địa chất thì Đá Ba Chồng thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo ở thềm cao nguyên Đông Nam Bộ; đây là chứng nhân của hàng loạt sự kiện vận động của trái đất, tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung…đó là những minh chứng của một trong những nền văn hóa đầu tiên của nhân loại. Trải qua hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng với ba lần ngâm mình dưới biển khi nước biển tràn vào, Đá Ba Chồng vẫn chênh vênh, sừng sững đứng đó tạo ra một khung cảnh hùng vĩ. Một hòn đá thật đặc biệt.
Tuy nhiên những lời trên là để dành cho những người không đi qua cuộc chiến tranh thời chống Mĩ; còn với những người lính Sư đoàn 341 (F341) chúng tôi thì khác. Bởi vùng đất này chính là một trong những chiến trường xưa hết sức ác liệt của chúng tôi.
Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, sư đoàn 341 chúng tôi tập trung tiêu diệt chi khu quân sự Định Quán của quân đội VNCH. Tôi khi đó là lính của đại đội trinh sát C20 đã có những ngày nằm vùng ở nơi có hòn đá 3 chồng nổi tiếng này để làm nhiệm vụ trinh sát quân địch. Khi đó vùng này toàn chuối và chuối. Tôi và mấy anh em trong phân đội TS sống giữa vườn chuối. Hết cả cơm gạo, lương khô, chúng tôi sống nhờ vườn chuối của dân khi đó đã chạy hết. Những buồng chuối chín khắp nơi trong rẫy không có người thu hoạch là nguồn sống của chúng tôi. Lúc đầu cứ thấy có quả chín vàng là ăn, sau tôi có kinh nghiệm quả nào có dấu chim ăn dở thì ăn, đó là quả ngon ngọt nhất. Nước không có uống thì lấy dao găm chặt 2 lát vát vào gốc thân cây chuối, chờ một lúc nước rỉ ra tha hồ uống. Một thứ nước ngọt mát lịm uống vào đến đâu biết đến đấy.
Vì thế mà những ngày ở trong các rẫy chuối của Định Quán tôi luôn thấy no đủ và an toàn. Từ trong rẫy chuối nhìn ra chúng tôi thấy rõ người dân đi lại trên con đường 20 ngày đó còn nhỏ hẹp; nhìn thấy cả lính địch đi lại, hành quân. Những bụi chuối ken dày tàu lá đã che chở chúng tôi an toàn với địch và cả với dân, vì không chỉ quân địch mà ngay cả dân vùng Định Quán ngày đó, nếu thấy bóng lính Việt Công - VC chúng tôi, họ sẽ chạy về báo ngay cho quân địch bắn pháo vào tiêu diệt.
Tôi nhớ nhất những hòn đá to tướng như cả một ngôi nhà lầu ở bên đường 20, trong đó có hòn 3 chồng.
Sau thời gian làm nhiệm vụ ở Định Quán, chúng tôi rời những rẫy chuối có Hòn 3 chồng và Quốc lộ 20 đi về căn cứ Túc Trưng ở Gia Tân, Gia Kiệm. Muốn về được Túc Trưng ngày đó chúng tôi phải vượt qua sông La Ngà. Tôi do không biết bơi nên ngồi lại bên này bờ, chờ đồng đội bơi qua rồi dòng dây võng vào phao làm bằng cái ba lô bọc trong tấm nilon kéo qua. Nước sông La Ngà ngày đó trong veo và chảy khá xiết, tôi nhát nước nên rất sợ và nghĩ thế là đời mình lần này chắc đi tong quá. May sao vừa lúc đó có cái thuyền nhỏ của du kích Định Quán bỗng dưng ở đâu xuất hiện chèo tới chở tôi qua sông an toàn. Tôi nhớ đó là ngày mà phi công Nguyễn Thành Trung ném bom xuống Dinh Độc Lập, ngày 8/4/1975.
Trên xe, tôi và Ngọc là lính C20 ngày đó đã kể cho Lê Văn Ngọ nghe câu chuyện của chúng tôi ở vùng đất chiến trận này 43 năm về trước. Ngọ nghe lấy làm kinh ngạc và thú vị lắm. Người bạn học cùng lớp đại học lớp 12A K2 không thể hình dung ra rằng ngày đó, khi Ngọ và các bạn trong lớp 12A đang học nốt học kì cuối cùng của 4 năm đại học để ra trường thì những đứa bạn cùng lớp nhập ngũ trước đó 3 năm (vào ngày 10 tháng 9/1972) đang sống những ngày rùng rợn đáng sợ như thế. Ngọ cứ nhắc đi nhắc lại: Số hai ông may thật.
May quá đi chứ. Không may mà giờ này trung sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Quang Ngọc đang ung dung cầm lái chiếc Mazda chở Ngọ và tôi, hạ sĩ HTS, làm chuyến du ngoạn 3 ngày lên Đà Lạt thăm anh Hồ Văn Thoan, chính trị viên phó C20 của chúng tôi ngày ấy và giờ đang làm nước mã hồi về lại SG qua ngả QL 20 à.
Một chuyến đi thật vui, thật thú vị. Có 3 thằng trên xe mà nói đủ thứ chuyện và luôn vang lên tiếng cười khoái trá.
Mà với tôi và Ngọc, có chuyến đi nào mà không thú vị đâu nhỉ.
Ảnh: Hòn 3 chồng tôi chụp từ trên xe đang chạy ở một góc độ rất sinh vật học mà tay BS mắt Chau Tang nói là chắc phải xài Viagra mới cương cứng vĩ đại như thế. Tay Chau Tang rõ là đang bị bịnh nghề nghiệp nặng.

Tôi dù ngồi trên xe đang chạy vẫn chụp được ở góc cạnh ý nghĩa thế, trong lúc thiên hạ chụp xấu ở góc độ làm mất hẳn tư thế của Hòn 3 chồng.