24 tháng 3, 2017

Từ Ngồi thấy xa xăm đến Tự cứu mình

Trong tháng qua tôi được bạn bè tặng 3 cuốn sách hay và quý. Chỉ có 3 cuốn mà có đủ cả 3 thể loại: Thơ có, biên khảo có và ... sách thuốc có.
Mặc dù một ông bạn học thời 16D K2 VU của tôi là Lê Em từng sáng tác ứng khẩu câu thơ nổi tiếng đắng lòng đã được đi vào giới văn chương cả nước như một câu ca dao của khoa folklore:
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ  
Nhưng tôi vẫn thường xuyên được bạn bè tặng thơ, và may thay thơ của bạn bè tôi đều đọc được nên lòng tôi cũng không vì thế mà … đắng lắm.

Ngồi thấy xa xăm và những bài thơ khác là một tập thơ mới của Nguyễn Công Thắng được xuất bản bởi NXB Văn học, Hà Nội, 2016. Anh là bạn đồng nghiệp cùng dạy khoa văn với tôi thời Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nay là ĐHQN.
Thắng quê Quảng Ngãi, dạy môn VHVN cổ cận, trước khi vào dạy ĐHSP Quy Nhơn Thắng từng dạy ở Khoa Văn ĐHSP Huế từ những năm sau 30 tháng Tư 1975. Rồi Thắng chuyển cả nhà vô Sài Gòn định cư ở miệt Phú Nhuận. Vô Sài Gòn Thắng bỏ nghề dạy học chuyển sang làm biên tập cho tờ Thời báo Tài chính Sài Gòn. Người Thắng cao gầy, đến giờ vẫn cao gầy luôn nở nụ cười chân thành với bạn bè và có một tâm hồn thi sĩ trong một cốt cách phong trần nghệ sĩ. Thắng làm thơ không ồn ào, theo kiểu im im lâu lâu lại cho ra một bài đăng trên một tờ báo hoặc tạp chí nào đó. Tôi gọi Nguyễn Công Thắng là một tay làm thơ ngầm, không khoa trương ồn ào kiểu như một số tay làm thơ có tóc tai quần áo luôn bốc mùi dơ dáy ngồi đâu cũng ngoác miệng đọc thơ tình.
Thơ Thắng như con người Thắng, trầm tĩnh mà đĩnh đạc, trữ tình mà triết lí; luôn chất chứa một suy tư về thời cuộc về số phận con người nhưng cũng không kém phần lãng mạn:
… giờ tôi ngồi lặng yên và thấy xa xăm trải dài tưởng như mất hút vào vô tận  
ở đâu đó, lạy trời, còn những bãi cỏ hoang, tụi dứa dại, đám hoa mắc cỡ, lũ chuồn chuồn
và những thằng bé con nhập vào thong dong với gió lang thang dọc dòng sông mát lành…
(Ngồi thấy xa xăm).
Tập thơ của Nguyễn Công Thắng gồm 29 bài, in đẹp, sang trọng, là một ấn phẩm bắt mắt với bạn đọc gần xa từ nội dung đến hình thức.




Tác giả Nguyễn Công Thắng (thứ 3 trái sang hay phải sang gì cũng được tại Lễ tốt nghiệp của SV khóa VI Khoa Ngữ Văn ĐHSP Quy Nhơn, 1988. Trong ảnh này từ trái sang: Hà Tùng Sơn, Nguyễn Hồng Thoa, Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Khánh Nồng - GV Ngôn ngữ đã qua đời, Biện Tấn Mân).

Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch, NXB Hồng Đức, 2017  là một vựng tập bằng hình ảnh của Sài Gòn xưa với những bài khảo cứu đi kèm của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Mỹ Tuyệt, Nguyễn Phan Sơn Trúc. Tôi quen biết với PGS sử học Nguyễn Mạnh Hùng từ khi ông còn làm Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Dịp Tết Nguyên tiêu mới rồi ông nhắn gặp tôi ở quán café Văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo quận 3. Gặp nhau chưa kịp ngồi ông đã lấy sách kí tặng: Tặng em món quà.
Đọc Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch, tôi đã ngộ ra rất nhiều điều về mảnh đất và con người nơi tôi đang sống với bao điều thú vị và hấp dẫn. Đặc biệt khoái nhất ở Sài Gòn là mọi chuyện đều trở nên đơn giản và giản dị. Ngay cái tên Sài Gòn ngày nào cũng có dịp nhắc đến, nói ra nơi cửa miệng mà chắc mấy ai đã hiểu cho hết nghĩa từ nguyên của nó là gì đã được cắt nghĩa thú vị đến ngạc nhiên như sau:.
“Sài Gòn, theo cách hiểu của người dân Sài Gòn phiêu bạt giang hồ thì “Sài” chỉ là tên một loại củi, còn “Gòn” là loại cây gỗ xốp có trái dài, bọc trong lớp sợi dày, được đánh ra để làm gối đầu giường. Hãy tạm quên đi những chứng tích lịch sử “hàng trăm, hàng nghìn năm trước” mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã để lại trong sử sách, văn chương – thì Sài Gòn, cứ cho đó là tên gọi loại “củi” mà trong dân gian có câu:
Củi mục bà để trong rương
Ai mà sờ đến trầm hương của bà
Loại “củi” đã bị chôn vùi trong lớp đất, nay được dò tìm, đã hóa đá thành những “chuỗi ngọc” được xác định địa giới thuộc miền Viễn Đông xa xăm nằm trong khu vực Đông Nam châu Á.”
Chỉ đọc chừng đó cũng đã đủ để để ta lấy làm thích thú về cuốn sách ảnh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, Những bước chân hóa thạch rồi.




Tự cứu mình:
Một lần đi ăn mì vằn thắn với bạn bè trên đường Phó Đức Chính quận Nhất, tôi may mắn được giới thiệu với ông Nguyễn Văn Phước Việt kiều Mỹ đã trên 75 tuổi. Ông là một thầy thuốc chuyên nghiên cứu về đông y vừa có cuốn Tự cứu mình Quyển I, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016. Tôi cầm cuốn sách ngắm cái bìa rất lạ và nói với ông: Cái hình ảnh giọt máu thắm đỏ làm nền cho chữ “cứu” thật là ý nghĩa. Ông nghe lấy làm khoái lắm.
Tự cứu mình là cuốn cẩm nang y khoa về tất tần tật các loại bệnh con người ta có thể mắc phải từ đơn giản đến phức tạp và các phương thuốc đơn giản dễ tìm kiếm nhất để phòng và cứu chữa nó.
Tác giả Nguyễn Văn Phước nói với tôi là trở lại Mỹ, ông sẽ hoàn thiện nốt Tự cứu mình tập II và Tự cứu mình tập III rồi sẽ đem về VN in tiếp để phục vụ quốc dân đồng bào. Quý hóa lắm thay.


   

Trân trọng giới thiệu cùng các bạn.


    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới