11 tháng 4, 2016

Một thoáng Tiên Dung

 Viết nhân ngày giỗ Tổ

                                                       Truyện của Chử Anh Đào

                                                                                                                       
Lại một đêm mất ngủ. Khi ban mai còn đẫm sương đêm và mờ ảo như làn khói loãng phía xa mờ phía ngã ba Hạc Trắng, Tiên Dung xuống giường, xỏ chân vào đôi dép cỏ mà bà vú đan cho, với lấy cái khăn mặt đi về phía giếng Ngọc. Còn vương vấn trong không gian quanh nhà là ngát mùi hoa bưởi, hoa xoan. Bao giờ cũng thế, cứ sau tết là trời ấm dần lên. Muôn loài, sau những chịu đựng cùng cực trong giá buốt giờ như được Mẹ Tự nhiên thổi vào luồng sinh khí. Người ta muốn được sống. Người ta cố hít sâu vào lồng ngực hương hoa, mạch sống đất trời. Ở tuổi trăng tròn, Tiên Dung không là ngoại lệ. Mà hình như niềm mê say, khao khát ấy nơi nàng còn bạo liệt hơn những người khác. "Mất ngủ" với nàng có nghĩa là không muốn ngủ, muốn được sống. Vì những đêm xuân như thế thì ngủ là một sự phí hoài.
Giếng Ngọc nằm lưng chừng núi Nghĩa Lĩnh, nước trong văn vắt, mát lành và không bao giờ vơi cạn. Tiên Dung buông vấn tóc bới đuôi gà nghiêng xuống. Mặt gương trong vắt hiện lên một khuân mặt có nước da trứng gà bóc; đôi mắt to đen, như biết nói dưới cặp lông mày hơi rậm và xếch rất nam tính; sống mũi thẳng hơi hếch và đôi môi nồng thắm. Tiên Dung khẽ mỉm cười và giơ ngón tay cái dứ dứ vào khuôn mặt kia- một gương mặt kết tụ những tinh hoa của bố và cái (mẹ).
Tiên Dung ăn sáng bằng xôi sắn chấm muối vừng, trám om với các mị- đám tì nữ. Xôi được nấu bằng gạo tiến kẻ Á và sắn Phú Lộc. Những hạt xôi trong như ngọc, mịn màng bám vào những cọng sắn ruôi mỏng tựa những chùm hoa nhỏ. Mùi xôi thơm lựng, đẫm mùi sỏi đá trung du, mùi phù sa bờ bãi sông Hồng, mùi mồ hôi dân dã và cả khí thiêng đất trời hội tụ. Thời đại Tiên Dung sống là buổi bình minh của lịch sử. Đã có nhà nước, có người đứng đầu nhưng tất cả mọi thứ hầu như đang còn lẫn vào nhau, hòa quyện vào nhau, khó mà phân biệt. Từ cái ăn, cái ở đến mọi sinh hoạt khác đều mang một chữ :con người. Vua cũng cày ruộng, săn bắn; hoàng hậu, công chúa cũng trồng dâu, dệt vải, hát xoan sân đình...Khác chăng là tài thao lược và đức độ của người đứng đầu và lòng muôn dân kết về một mối nơi núi thiêng Nghĩa Lĩnh. Bằng chứng là những của ngon vật lạ, những sản vật đặc sắc một vùng như mắm tôm, cá Kẻ Gáp, tương Dục Mĩ, chuối Bản Nguyên, cọ Phù Ninh, trám Trạm Thản...mùa nào thức nấy, các con dân đều "tiến" lên vua cha yêu quí của mình...
Bữa sáng đã xong. Hôm nay Tiên Dung sẽ cùng đám tì nữ ra bến Then, xuôi sông Cái về bến Bạch Hạc để thưởng thức món cá Anh Vũ kho tương như lời hẹn của người bạn thân con tù trưởng Bi dưới ấy. Là phận nữ nhi nhưng Tiên Dung lại toát lên những khí chất của đấng mày râu. Từ nhỏ nàng đã không thích chơi ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt mà thích khăng, thích đáo, bày trận giả đánh nhau của bọn con trai. Lớn lên một chút là tập cưỡi ngựa, theo các anh các chú tập phóng lao, bắn cung, bắn nỏ...Như có ngọn lửa hồ thỉ tang bồng, dặm nghìn da ngựa ngày đêm cứ sục sôi, gào thét trong huyết quản, như đối nghịch với thân hình ngày một căng nở mà mềm mại, đầy nữ tính của nàng.

                 Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (Tranh vẽ từ internet)

Con sông Cái vĩ đại gập ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn mà khi về đến kinh đô Phong Châu trung du đã trở nên hiền hòa, bao dung và độ lượng. Con sông nặng phù sa, miệt mài năm tháng bồi đắp bãi bờ xanh biếc bãi ngô, mía, dâu tằm. Con sông đã đi vào mặt trống đồng rộng hơn sải tay đặt nơi chính điện trong cung cấm. Đang là tiết thanh minh. Bầu trời trong sáng. Những con lũ còn đang hoài thai nơi rừng sâu núi thẳm thượng nguồn. Nước sông trong leo lẻo, có thể nhìn thấy từng đàn cá trôi, cá măng tung tăng bơi lội. Thi thoảng, có con hứng lên tung mình khỏi mặt nước, làm một đường cong phồn thực, khoe vảy lóng lánh dưới ánh mặt trời. Rời bến Then, thuận buồm xuôi gió, thuyền đã đi qua Xuân Lũng, Xuân Huy, rồi Thạch Sơn, Hợp Hải. Qua những nơi mà nghìn năm sau sẽ thành di chỉ: Sơn Vi, Gò Mun, Hiền Quan, Văn Lang... Khi tới bến Á thì nắng chiều đã dịu. Dòng sông như nở rộng thêm ra. Mùa hè qua, dòng chính sông Cái chảy bên hữu ngạn. Bên này là bời bời ngô, lúa. Tuần tự mỗi năm sông đổi dòng như thế. Thấp thoáng thuyền ngư phủ, tiếng gọi đò. Từng đàn hạc trắng mải miết bay về núi Tản viên- quê hương của ông anh rể Sơn Tinh trước mặt. Những sợi khói chiều của thôn dã bên trong đê đã rụt rè vẽ những nét xanh mảnh vào  bầu trời cao rộng. Phong cảnh thanh bình và nên thơ quá. Tự nhiên cảm hứng tuôn trào. Tiên Dung muốn dừng lại bến sông này để được vẫy vùng, được hòa mình cùng dòng nước mát. Thuyền dừng. Nàng trút bỏ xiêm áo, hồn nhiên như đứa trẻ lên ba ùa xuống bãi cát. Dấu chân nàng in trên cát trắng như những bông hoa sen, hoa súng tươi hồng. Rồi nàng lội xuống dòng sông. Muôn nghìn hạt nước mơn man, ve vuốt và vỗ về cái cơ thể thanh tân của nàng. Như không chỉ có nước mà còn là gió, là hương, là chim, là cá, là ánh dương cùng nhảy múa, reo vui bên nàng. Tất cả làm nên một bức tranh của Mẹ Tự nhiên vĩ đại mà Tiên Dung là nhân vật trung tâm.
Chuyện tắm xong, lúc bọn tì nữ quây màn để nàng dội lại bằng nước giếng nấu lá xả lấy ở trong thôn ra, gặp chàng trai họ Chử nghèo khó không áo quần vùi trong cát; rồi vượt qua nỗi sợ hãi với bề trên, họ nên vợ nên chồng thuận lẽ tự nhiên và chàng trai ấy trở thành tứ bất tử của người Việt hàng mấy nghìn năm sau thì ai cũng biết. Người viết chỉ lưu ý hai chi tiết. Một. Lúc Tiên Dung dội nước, cái mà nàng nhìn thấy đầu tiên dưới chân mình là một vật giống hình cái nấm đang độ nhú mầm, chưa có tai xòe rộng. Chẳng mất nhiều thời gian là mấy, Tiên Dung nhận ra nó giống y đúc vật thiêng gọi là "nõ" trong lễ hội phồn thực Trò Trám của kẻ Gáp ngày mười một tháng giêng cách đây vài tháng mà nàng đã đi xem. Cát bám vào vật ấy bị nước xối trồi hẳn lên giữa thanh thiên bạch nhật. Một thoáng rùng mình, ngạc nhiên, đỏ mặt, nhũ hoa cương cứng, tê dại, miệng khô cứng, hơi thở gấp gáp, đứt quãng...Nàng cúi xuống, dùng hai tay vuốt nhẹ "nõ" và áp nó lên má đỏ như gấc của mình. Trời nghiêng một sắc cầu vồng nơi nàng quì xuống...Rồi mới đến cánh tay, gương mặt và toàn thân người chồng tương lai. Hai. Tiên Dung và Chử Đồng tử không quay về kinh đô mà dong buồm xuôi mãi về phía Đông- Nam, mạn Gia Lâm, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên ngày nay. Hành trình này rất thuận ý Trời, được Vua cha tha thứ. Và trước mũi thuyền tình yêu của họ luôn có đàn chim Lạc bay trước dẫn đường.
                                                         PK. Trước ngày giỗ Tổ
                                                         5/3/ Bính Thân 2016
                                                                     C.A.Đ
                                                                       

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới