2 tháng 11, 2015

"Đạo khả đạo..."

                               
(Trao đổi với tác giả Inrasara- bài "Văn chương đạo và không đạo", báo Tiền phong ngày 25/10/2015, đọc lại trên Zing.vn 30/10/2015)

                                                                        Chử Anh Đào

   Mong giữ mình cho sạch, tôi không muốn dây vào những xấu xa của người đời, tỉ như lừa đảo, trộm cắp.Nhưng khi đọc bài "Văn chương, đạo và không đạo" của tác giả Inrasara với quan niệm muốn "cần một cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về chuyên môn" nên ngứa nghề, mạo muội luận bàn thêm.
   Đầu đề của tôi trích từ câu nói của Lão Tử- ông tổ của Đạo giáo. Nguyên văn:"Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh". Tạm dịch: Đạo là đạo mà cũng không phải là đạo, tên là tên mà cũng không phải là tên. Thoạt nghe thì từ "đạo" chỉ là đồng âm giữa một bên là ăn cắp và một bên là những điều người ta tôn thờ và làm theo suốt đời. Nhưng đây là tiếng nói tiêu cực của tầng lớp quí tộc phong kiến thời mạt vận, phản đối và chủ trương làm ngược lại những điều được coi là chính thống hàng nghìn năm Nho giáo. Cả hai chữ "đạo" giống nhau ở một điểm: nảy nở và sinh sôi trong một điều kiện xã hội không ra gì! Vì vậy "đạo" thường gắn với "tặc" (giặc).
   Chuyện "cầm nhầm" của nhau thì đã rõ rồi, đã xin lỗi và được tha thứ rồi. Tôi chỉ có một băn khoăn về tác phẩm trong tập thơ được giải (đã bị thu hồi) ở hai vấn đề. Thứ nhất là tên bài thơ. Đành rằng đặt tên con cái như thế nào là quyền của bố mẹ chúng. "Bạch lộ" nếu là "cò trắng" thì không ăn nhập gì với nội dung; còn với nghĩa là cái chén uống rượu lớn và "lộ" thì lại càng tối nghĩa. Thứ hai, tác giả đề từ:"Độc ẩm với Lã Bất Vi". "Độc" là một mình, "ẩm" là uống. Muốn uống với người khác thì phải là "đối ẩm" chứ. Ông bà ta đã có câu: dốt đặc mà lại nói chữ lỏng để chê cười những trường hợp như trên!
    Trở lại bài viết của Irasara, tác giả đánh số lần lượt 6 ý kiến. Xin trao đổi từng mục một:
    1.Tác giả cho rằng chuyện ăn cắp "gần như là thuộc tính của văn chương ở mọi nơi và mọi thời", kèm theo một số lời "thú nhận" của các tác giả tên tuổi. Lời kết tội này miễn bàn. Chỉ lưu ý tác gỉa xem lại nghĩa của từ "thuộc tính" và ngữ cảnh phát ngôn của các vị tên tuổi trên.
    2. Tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng Nguyễn Du đã "đạo" thơ Đường khi viết câu:"Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Nhầm lẫn cái gì ở đây? Xin thưa: Việc lấy các điển tích, điển cố và văn liệu Trung Hoa là một trong những nguyên tắc mĩ học trong sáng tác của các nhà văn nhà thơ trung đại Việt Nam. Càng tầm chương trích cú nhiều càng được người đọc khâm phục vì mức độ uyên thâm của người viết. "Cung oán ngâm khúc", "Chinh phụ ngâm"...là những ví dụ gần gũi, thân thuộc. Cứ như ý của tác giả thì trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du còn nhiều lần mắc tội này. Ví dụ những câu thơ sau đều có nguồn gốc Trung Hoa: "Một hai nghiêng nước nghiêng thành; Khi về hỏi liễu Chương Đài; Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân; Sân Lai cách mấy nắng mưa; Mắt xanh chẳng để ai vào có không..." Người ta đã làm cả cuốn "Từ điển Truyện Kiều" vì lẽ ấy.
     Gần gũi, đương đại, Inrasara cho rằng việc dùng lại một số từ ngữ trong ca dao, việc mượn một số điệu thức dân ca trong sáng tác ca khúc cũng là "đạo". Như vậy thì từ Đỗ Nhuận đến An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Văn Tí, Nguyễn Tài Tuệ, Trần Long Ẩn...đều mắc tội này.
     3. Tác giả có vẻ nhẹ tay, cảm thông cho những trường hợp "nhỏ lẻ, vô danh". Nhưng theo tôi, không phân biệt già trẻ gái trai, dân tộc tôn giáo, vùng miền, hữu danh hay vô danh, lẻ tẻ hay hệ thống... Hễ lấy của người khác làm của mình mà chưa được phép thì phải gọi là ăn cắp. Không phải tác phẩm được giải bị phát hiện mới thành vấn đề.
      4. Đâu là nguyên do? Tác giả đặt vấn đề nhưng không trả lời mà chỉ dẫn ra hai trường hợp bị tố là PQM và PHT. Theo tôi, có chuyện đạo văn trước hết là do nhân cách, văn hóa và lòng tự trọng của người viết. Cần "tiên trách kỉ" trước rồi mới đến "hậu trách nhân" là do biên tập viên, quản lí xuất bản và việc thi hành luật sở hữu trí tuệ...
      5. Cách xử lí của những người có trách nhiệm và liên quan. Tác giả đưa ra ba ý kiến của ba nhà quản lí (kèm theo ảnh chân dung hoành tráng) là H.T, N.Q.T, N.V.C. Nhưng đây vẫn là những ý kiến cá nhân có vẻ vuốt đuôi của người có trách nhiệm từ đầu mà không phát hiện ra, chỉ thấy "ngờ ngợ, không ổn" hoặc của bậc trưởng lão cho hành động ăn cắp là "nghịch dại". Trẻ con mà nghịch dại thì có thể thể tất.
     6. Cuối cùng, một lần nữa, Inrasara lại nhầm lẫn giữa "đạo" và các thủ pháp nghệ thuật khác như "giễu nhại" (mà tác giả cho là chỉ có ở những người"hậu hiện đại"), "tập". Kiểu:"Trăm năm trong cõi người ta/Đời người ai cũng thở ra hít vào", "Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may ô mới được phần may ô". Nếu vậy hãy kết luận tác giả của bài thơ làm sau người trước hơn ba trăm năm xem có phải là "đạo" không?
      Bài thứ nhất: Thanh minh
                        Thanh minh thời tiết vũ phân phân
                        Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
                        Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
                        Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
      Bài thứ hai: Thanh minh
                        Thanh minh thời tiết vũ phân phân
                        Lung lí tù nhân dục đoạn hồn
                        Tá vấn tự do hà xứ hữu?
                        Vệ binh dao chỉ biện công môn.
             
               PK. 2/11/15
              C.A.Đ

                       Tác giả bài viết Chử Anh Đào (Ảnh: pleikucafe.com)


1 nhận xét:

  1. "Thứ hai, tác giả đề từ:"Độc ẩm với Lã Bất Vi". "Độc" là một mình, "ẩm" là uống. Muốn uống với người khác thì phải là "đối ẩm" chứ. Ông bà ta đã có câu: dốt đặc mà lại nói chữ lỏng để chê cười những trường hợp như trên!"
    Phê rất trúng. Đã dốt lại hay nói chữ.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới