25 tháng 9, 2015

Nguyễn Du làm quan triều Nguyễn

Tiến tới kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (1765-2015)
                                                                                                                                                                                                                 Chử Anh Đào

          Những năm đầu thế kỉ XIX lịch sử bước vào giai đoạn đen tối. Tây Sơn ngày càng nguy ngập. Thế lực phản động bành trướng. Một nhóm quí tộc lưu vong thừa lúc nhân dân mệt mỏi, thất vọng trước kết cục bi đát của phong trào Tây Sơn, dựa vào tư bản Pháp đã cướp được chính quyền.
          Trong những ngày ấy, Nguyễn Du từ bỏ cuộc sống ẩn dật, ra làm quan. Việc nhà thơ ra làm quan cho triều Nguyễn có thể có nhiều lí do: Có lệnh gọi mà ông không thể chối từ (theo gia phả); do Gia Long lên làm vua trong tình thế có nhiều thuận lợi trong việc thu phục hàng ngũ trí thức phong kiến đương thời; do sinh kế quẫn bách; do Nguyễn không chịu được thêm nữa cuộc sống ẩn dật tù túng đã sáu năm dưới chân núi Hồng? Dù với lí do nào chăng nữa thì việc Nguyễn Du ra làm quan là một thực tế mà ông phải ân hận suốt đời.

          
Những ngày làm quan, được hưởng bổng lộc, Nguyễn Du vẫn còn than thở: "Bạch đầu sở kế duy y thực"* (Đầu bạc mà chỉ lo mỗi chuyện cơm áo). Nhiều lần Nguyễn Du muốn treo mũ áo ra về nhưng tình cảnh nhà mười miệng ăn đang kêu đói ở phía bắc Hoành sơn (Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc) buộc ông phải tạm gác thú rau thuần cá vược.
          Trong thời gian làm quan, Nguyễn Du cũng được Gia Long tin dùng, cất nhắc. (Thời Nguyễn, những người làm quan gặp trắc trở, thăng giáng bất thường không ít). Nguyễn Du từ một chức công danh nhỏ ở một châu lần lần cũng được đứng vào hàng ngũ đại thần chốn triều đường. Được tin dùng cất nhắc như vậy, Nguyễn Du đã phải lo ngại:
                   Hoa đào chớ cậy được chúa xuân yêu dấu
                   (Vì) bên cạnh có dì gió tính hết sức hay ghen
          Cái ơn tri ngộ của Gia Long làm Nguyễn Du hết sức áy náy vì chưa báo đáp được mảy may. Tuy nhiên, trong đời sống bản thân, không có việc nào làm Nguyễn Du tủi hổ và buồn chán với chính mình bằng việc đã nhận ra làm quan. Ngay từ đầu bước vào con đường này, Nguyễn Du đã ân hận:
                   Viên ngọc trong đá không còn giữ được bộ mặt thật nữa rồi.
          Cái "nghề" này đương thời, Nguyễn Du thấy không phù hợp với bộ xương của mình. Nó làm cho người ta"Không bệnh mà lưng cứ khom khom", "Vui hay buồn cũng phải tính toán". Trên trường đua danh lợi, dáng cười hay dáng nhăn mặt cũng không được tự nhiên, không còn là sở hữu riêng của mình nữa mà thuộc về những người khác, của người khác. Hàng ngày Nguyễn Du thấy tấm thân sáu thước của mình bị câu thúc "cứ vất vả mãi"; thấy mình"đã là vật trong lồng cũi", không thể tìm lại cuộc sống tự do phóng khoáng nữa. Nhà thơ xấu hổ, xót xa:
                   Hoa cúc vàng năm ngoái nay lại nở
                   Hãy vì ta mà tạ từ cây tùng, tảng đá ở núi Hồng
                   (Ta) không còn mặt mũi nào trông thấy các bạn đồng minh nữa
          Những chế độ có áp bức, bất công là chế độ không thể dung hòa con người phận sự và con người cá nhân trong mỗi một con người!
          Biết thế nhưng hoàn cảnh bo bức để gia đình no đủ và yên ổn bản thân đã làm cho nhà thơ không thể nào thoát ra được những trói buộc cung đình. Nguyễn Du đành phải kéo dài cuộc sống tẻ nhạt trong cái "nghề" mà mình chán ghét này. Đã thế "Khi có việc, bọn nha lại đều lên mặt với ta". Có lúc ông bực dọc phát tức với chính mình: "Đầu bạc mãi vẫn chẳng chết".
          Nguyễn Du ghét cái "nghề" này nhưng tiếp xúc với môi trường chán ngắt của những người quyền quí trong xã hội, nhà thơ đã có dịp hiểu rõ lối sống nhơ nhớp của họ. Trong số này, đáng khinh nhất là những kẻ cơ hội hãnh tiến. Đây là những kẻ ít nhiều có công theo Gia Long ra làm vua. Nguyễn Du ghi lại những bộ mặt giả nhân giả nghĩa "cứng nhắc như lưỡi mác"; những điệu múa rất khéo: "Múa mà để lộ ra cái vẻ ngoài văn hoa tốt đẹp", mà giấu kín được bên trong"chất độc giết người". Với nghệ thuật "vật hóa", nhà thơ đã khái quát:
          Họ đi ra ngoài thì ngựa ngựa xe xe, ở nhà thì vênh vênh váo váo
          Đứng ngồi bàn tán tựa ông Cao ông Quì
          Không để lộ vuốt nanh, sừng và nọc độc
          Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường.
                                                (Phản chiêu hồn)
          Bọn này nhân danh đủ thứ cao đẹp thiêng liêng để tiện bề làm những điều xấu xa nhất. Nguyễn Du biết rõ điều này. Ông đã nhân danh con người để phê phán, lên án những kẻ mất tính người, chà đạp lên cuộc sống con người. Tác giả đồng nghĩa chúng với "rồng rắn quỉ quái, sài lang, ruồi xanh, đầu trâu mặt ngựa, mặt mo, giống hôi tanh..." với những bộ râu vểnh như mác, những cái lưỡi ba tấc và nọc độc trong tim...Bọn người này là sản phẩm của cái chính quyền đối lập với nhân dân ngay từ khi nó còn phôi thai. Cũng giai cấp ấy do chính quyền không còn nhựa sống nắm giữ đã đẻ ra một lớp con cháu Tô Tần. Lớp người này gắng xoay xở bằng mọi cách để giành cho được quyền cao chức trọng cốt mưu cầu danh lợi cho bản thân.
          Nhận thức của Nguyễn Du về những người cùng giai cấp của mình căn bản cũng là nhận thức của quần chúng lao động bị áp bức bóc lột. Vì vậy, các tác phẩm của nhà thơ có gí trị tố cáo mạnh mẽ và giá trị nhân văn sâu sắc./.
                                                                                                     C.A.Đ
* Những câu trích trong bài viết lấy từ phần dịch nghĩa "Nguyễn Du- Thơ chữ Hán"- NXB Văn học. H.1965.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới