20 tháng 12, 2011

Chuyện ở lính bây giờ mới kể 3

5/ Ở sở chỉ huy tiền phương

Khi vào đến chiến trường B2, bộ chỉ huy của sư đoàn bao giờ cũng phải chia làm hai bộ phận gọi là sở chỉ huy tiền phương và sở chỉ huy hậu phương. Gọi là hậu phương nhưng thực ra cũng đều là đang ở tiền phương như nhau. Chia ra làm hai là để lỡ có bị chết thì cũng không chết hết, vẫn còn một nửa để chỉ huy.
Trong trận đánh ở Suối Tre Long Khánh, tôi đi với Sở chỉ huy tiền phương do Đại tá Chính ủy Trần Nguyên Độ làm chỉ huy trưởng. Nếu ở Chuyện lính (2) Đại tá sư trưởng Trần Văn Trân được tôi và đồng đội coi là một thần tượng thì với đại tá chính ủy Trần Nguyên Độ lại là một tấm gương khác, tấm gương của một trí thức điềm đạm và uyên bác. Trước khi về sư đoàn Sông Lam 341 nhận nhiệm vụ chính ủy, ông được cử sang Liên Xô học ở học viện quân sự chính trị cao cấp. Trong thời gian này Trần Nguyên Độ đã tranh thủ bảo vệ thành công  luận án phó tiến sĩ triết học. Vì thế, những người lính Sv như chúng tôi không thể không lấy làm ngưỡng mộ vị chính ủy của mình. Riêng tôi thấy mình thật là may mắn và tự hào khi được làm lính của một sư đoàn có hai đại tá chỉ huy như Trần Văn Trân và Trần Nguyên Độ.
Trở lại với cái lần đánh trận ở Suối Tre. Chúng tôi đào hầm hào và tác chiến tại sở chỉ huy tiền phương trong cánh rừng nhỏ bao bọc bốn phía một cái trảng cỏ rộng bằng cái sân bóng đá. Phía trước tiền duyên ở căn cứ Suối Tre của địch, một trong ba trung đoàn bộ binh của sư đoàn tôi là trung đoàn 273 đang bao vây tiêu diệt căn cứ này. Sở chỉ huy tiền phương của chính ủy Độ là cấp chỉ huy cao nhất của trận đánh đó. Vào giữa trưa thì chợt nghe tiếng xe tăng địch gầm rú ở phía bên kia trảng cỏ đối diện với sở chỉ huy tiền phương. Lúc đó chính ủy Độ đang chăm chú nghiên cứu tấm bản đồ mặt trận. Mấy lính vệ binh sư đoàn mặt mũi tái mét hớt hãi chạy vào báo cáo là có hàng chục xe tăng địch đang tiến về hướng sở chỉ huy của chúng ta. Nghe báo cáo xong, sau một lúc suy nghĩ, ông ra lệnh: tất cả từ sĩ quan đến chiến sĩ nhảy hết lên khỏi hầm hào, chạy đi chạy lại và dùng tất cả các loại súng có trong tay bắn về phía trước nơi có xe tăng địch, không ai được ẩn nấp.
Nói thật lúc đó tôi hoang mang và sợ hãi vô cùng vì là sở chỉ huy tiền phương nên chỉ có khoảng hơn ba chục người vừa sĩ quan vừa lính. Vũ khí thì chỉ có tiểu liên AK và súng lục với một ít lựu đạn, không có lấy một khẩu trung liên. Chưa bao giờ tôi ở gần và thấy rõ nhiều xe tăng địch với tiếng gầm rú kinh hoàng đến thế. Trong đầu tôi kịp hiện lên ý nghĩ: có lẽ đây là những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Lúc đó là đầu tháng Tư năm 1975, tôi vừa đi qua tuổi 20 được ba tháng.
Vậy mà sau một hồi quân ta vừa chạy đi chạy lại dưới rừng cây vừa bắn thí mạng súng lục và AK về phía trước, bỗng nhiên thấy xe tăng địch quay đầu tháo chạy về hướng khác, để lại sự im ắng lạ thường. Thật là hú hồn. Chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc mà vẫn không hiểu là vì sao cả. Nếu xe tăng địch không cần bắn chỉ dấn thêm hết qua trảng cỏ thì  đại tá chính ủy sư đoàn và tất cả chúng tôi đều đã bị nghiền nát dưới bánh xích để trở thành liệt sĩ rồi.
Khi đã yên hàn, chính ủy Độ mới giải thích với nhóm sĩ quan tác chiến: Đơn vị xe tăng này của địch không phải là đi làm nhiệm vụ tấn công mà là đang trên đường tháo chạy về Xuân Lộc. Do vậy chúng rất sợ bị rơi vào ổ phục kích của quân ta. Khi thấy từ phía bên kia trảng cỏ thấp thoáng bóng quân ta chạy đi chạy lại và tiếng súng nổ liên hồi thì cho đó là ổ phục kích của quân ta;  đang lúc hoang mang thần hồn nát thần tính nên chúng quay lui tháo chạy tìm đường khác để về Xuân Lộc.
Chính sự thông minh, bình tĩnh và quyết đoán đến tuyệt vời của chính ủy sư đoàn đã cứu nguy cho mạng sống của cả sở chỉ huy tiền phương, trong đó có thân tôi. Sau này còn nhiều dịp may mắn thoát chết khác nữa nhưng lần đó đối với tôi vẫn là rùng rợn nhất và may mắn nhất.
Đại tá Trần Nguyên Độ hồi đó khoảng hơn 50 tuổi nhưng tóc bạc trắng như cước. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng hình như ông quê Nam Hà. Ông được thăng cấp hàm thiếu tướng năm 1982. Năm 1983 ông được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh đoàn Dầu khí 318. Rồi ông nghỉ hưu theo chế độ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới