Thưa các vị khách quý
Thưa các đồng
đội CCB trinh sát Sư đoàn 341
Cách đây tròn nửa thế kỉ, vào ngày 23 – 11 - 1972, Sư
đoàn BB 341(F341) được ra đời trên đất Nam Đàn, Nghệ An. Cũng thời điểm đó, đại
đội trinh sát C20 của Sư đoàn được thành lập. Vào thời điểm tháng 12 - 1972,
rất nhiều đồng đội của chúng ta có mặt hôm nay đã trở thành những người lính
đầu tiên của C20 và cũng là những người lính đầu tiên của Sư đoàn 341. Đó là
một điều rất đáng tự hào.
Hôm nay, tại TP Vinh tỉnh Nghệ An, mảnh đất đã ra đời
Sư đoàn 341 và ra đời C20, chúng ta hội tụ về đây để gặp mặt đồng đội CCB trinh
sát sư đoàn lần thứ 3 và cũng là để kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn 341;
kỉ niệm 50 năm ngày ra đời đại đội trinh sát C20 của Sư đoàn.
Thay mặt ban tổ chức, tôi nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị khách quý và tất cả anh em đồng đội CCB chúng ta.
Thưa các đồng đội
Để đến được với cuộc gặp gỡ nhiều ý nghĩa này, các đồng đội của chúng ta đã phải vượt qua nhiều trở ngại về sức khỏe, về khó khăn tài chính, về không gian và thời gian, về cả những mặc cảm tâm lí đời thường trong cuộc sống... Nhưng với phẩm chất cao quý của những người lính trinh sát sư đoàn, chúng ta đã có mặt tại đây hôm nay. Điều đó thật đáng để vui mừng.
Nhiều đồng đội của chúng ta vì nhiều lí do, chủ yếu là lí do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, đã không đến được với cuộc gặp gỡ này. Đó là một điều rất đáng tiếc.
Tuy nhiên từ Hội trường này, từ TP Vinh thân yêu, chúng ta vẫn nhớ và xin được gửi lời thăm hỏi ân cần đến các đồng đội từng là chỉ huy của C20:
- Trung úy Lê Minh Hiếu, nguyên C trưởng C20, hiện sống ở TP Đà Nẵng
- Trung úy Nguyễn Lê Hợi, nguyên Chính trị viên C20, hiện sống ở TP HCM
- Đại tá Hồ Văn Thoan, nguyên thiếu úy Chính trị viên phó C20, hiện sống ở TP Đà Lạt
- Anh Trần Quốc Tế, nguyên Chuẩn úy, B trưởng B2 C20, thương binh nặng hạng ¼ đang điều dưỡng suốt đời tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.
Từ cuộc gặp gỡ Quảng Bình lần thứ nhất năm 2018 đến
cuộc gặp gỡ lần thứ 2 Thanh Hóa 2019 và hôm nay, năm 2022 là cuộc gặp gỡ lần
thứ 3, những CCB trinh sát Sư đoàn 341 vẫn luôn nhớ về những người đồng đội của
chúng ta đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam trong cuộc chiến tranh chống
Mĩ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam giúp nước bạn Campuchia tiêu
diệt bè lũ diệt chủng Polpot. Họ đã thành liệt sĩ và mãi mãi nằm lại ở các NTLS
trên đất miền Đông Nam Bộ như NTLS Long Khánh, NTLS Trảng Bom, NTLS Biên Hòa,
NTLS Tây Ninh, NTLS Long An... với mãi mãi tuổi 20.
Nhiều đồng đội của chúng ta chết mà chưa được một lần
biết hơi ấm bàn tay con gái.
Nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong trường ca “Đất
nước hình tia chớp”:
Thế hệ chúng
con đi như gió thổi
Quân phục
xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu
một người con gái
Lúc ngã vào
lòng đất vẫn con trai...
Ngày nay, nếu có dịp đến viếng đồng đội ở các NTLS
Trảng Bom, Long Khánh, Biên Hòa... chúng ta sẽ tận mắt thấy bạt ngàn những ngôi
mộ Liệt sĩ ngay hàng thẳng lối như trong một cuộc duyệt binh vĩnh cửu mà ở đó
có hàng nghìn những mộ chí có cùng chung một dòng chữ: Đơn vị khi hi sinh:
F341.
Những người đồng đội của chúng ta đã trả giá rất đắt
để có được cuộc sống hòa bình của đất nước hôm nay. Họ đã anh dũng ngã xuống ở
cửa ngõ phía Đông TP Sài Gòn khi mà giờ phút kết thúc của cuộc chiến tranh
chống Mĩ chỉ còn tính bằng ngày.
Là những người lính, chúng ta không bao giờ quên điều
đó.
Sau 2 cuộc chiến tranh trên, khi may mắn thoát chết để
xuất ngũ trở về với cuộc sống bình thường, nhiều đồng đội của chúng ta cũng đã
qua đời vì sức khỏe, bệnh tật và tai nạn...
Từ thẳm sâu trong tâm khảm, chúng ta không bao giờ
lãng quên những người đồng đội của mình.
Thưa các đồng
đội
Là những người lính từng đi qua cuộc chiến tranh tàn
khốc nhất của lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, những CCB trinh sát Sư đoàn
341 không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của thời
trai trẻ.
Chúng ta không bao giờ quên những trận đánh lớn của Sư
đoàn 341 mà chính chúng ta đã tham gia với vai trò là những người lính trinh
sát sư đoàn, những người lính “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”,
“mình đồng da sắt”.
Chúng ta đã tham gia các trận đánh và giành chiến
thắng ở Chơn Thành, Túc Trưng, Định Quán ở Bình Phước và Đồng Nai; chúng ta đã
cùng các sư đoàn khác của Quân đoàn 4 tham gia trận đánh lớn kéo dài suốt 12
ngày đêm tháng 4 – 1975 để giải phóng Xuân Lộc và sau đó là các trận đánh quan
trọng mang ý nghĩa then chốt như Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa... trong chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử; và tiến vào TP Sài Gòn đúng trưa ngày 30 – 4 - 1975,
góp phần giải phóng TP Sài Gòn, sào huyệt của chính quyền VNCH, giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tiếp đó, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra vào
năm 1977, những người lính trinh sát sư đoàn 341 trong đội hình quân tình
nguyện Việt Nam, lại tiếp tục cầm súng bảo vệ biên cương, lãnh thổ đất nước,
đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh vào sào huyệt của bè lũ diệt chủng
Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnom Penh của nước bạn CPC.
Những kí ức hào hùng và oanh liệt ấy chúng ta không
bao giờ quên, bởi đó là niềm tự hào vô biên của mỗi người CCB trinh sát Sư đoàn
341, sư đoàn 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
Thưa các đồng
đội
50 năm đã trôi qua, chúng ta trở về từ những cuộc
chiến. Được hít thở không khí hòa bình của cuộc sống đời thường, những CCB
trinh sát sư đoàn 341 đã biết cách phát huy tư chất, phẩm cách cao đẹp của
người lính trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một đặc điểm của C20 trinh sát Sư đoàn là ngay từ ngày
đầu thành lập, đơn vị đã tiếp nhận 60 chiến sĩ là lính sinh viên từ trường ĐHSP
Vinh nhập ngũ tháng 9 - 1972, sau 3 tháng huấn luyện ở Đoàn 22A QK4 được điều
về F341. Toàn C20 ngày ấy có 110 cán bộ chiến sĩ. Ban chỉ huy đại đội đã lấy 60
chiến sĩ lính SV làm điểm tựa, làm nòng cốt của đơn vị trong huấn luyện ở miền
Bắc và trong chiến đấu ở miền Nam.
Rất nhiều CCB C20 sau chiến tranh đã trở thành những
trí thức, những PGS, tiến sĩ, thạc sĩ , doanh nhân, cán bộ quản lí, nhà báo,
giảng viên, giáo viên giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng và THPT. Rất
nhiều CCB đã thành đạt trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.
Chúng ta tự hào là những CCB lương thiện, sống tích
cực, có ích cho gia đình và xã hội.
Dù sống thầm lặng giữa quê hương hay đang sống sôi nổi
ở các thành phố khắp đất nước, những CCB trinh sát Sư đoàn 341 chúng ta vẫn
luôn nhớ về nhau, vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua các kênh thông tin và
Fanpage “Đồng đội cùng đơn vị trinh sát Sư đoàn 341” để thăm hỏi, an ủi động
viên nhau trong cuộc sống.
Đó là nét đẹp đã trở truyền thống của những CCB Trinh
sát F341.
Thưa các vị
khách quý
Thưa các đồng
đội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần gặp gỡ CCB đã
nói một câu rất thân tình: “Gặp được nhau đây là quý lắm rồi”.
Quý vì chúng ta đã đi qua chiến tranh, đã đi qua gian
khổ hi sinh, đã đi qua không biết bao nhiêu thác ghềnh của cuộc đời mà vẫn sống
để tìm gặp lại nhau.
Tôi xin phép được lấy câu nói trên của Đại tướng để
kết thúc lời phát biểu chào mừng của sự kiện hôm nay.
Chúc cuộc gặp mặt lần thứ 3 của CCB trinh sát Sư đoàn
341, Vinh, 2022 thành công.
Xin cảm ơn.
Hà Tùng Sơn
(Trưởng ban Truyền thông BLL CCB C20 F341)
cuộc hội ngộ rất ý nghĩa
Trả lờiXóaCảm ơn bạn.
Xóa