7 tháng 10, 2020

Nấm tràm không chỉ có ở Phú Quốc

Ở quê tôi có một món ăn thuộc hàng đặc sản nhưng lại rẻ chỉ ngang một mớ rau lang ở Sài gòn. Đó là nấm tràm.

Tôi về làng vào những ngày này đã là cuối mùa nấm tràm. Suốt cả mấy ngày nay sáng nào tôi cũng rảo qua chợ Thọ Lộc và chợ Cự Nẫm nhưng không có. Sáng nay đi Cự Nẫm mua cái chổi đót ghé vô chợ thấy một chị nông dân người còn lấm lem hơi sương ngồi bán một rổ nấm tràm mà như không tin vào mắt mình. Đúng là khi tìm mỏi mắt không thấy. Khi bâng quơ lại vơ được cả rổ. Nấm của chị này đã gọt sạch sẽ, nhìn rất thích mắt.

Hỏi chị bán bao nhiêu một kí. 40k chú. 30k tôi mua hết cho chị nhé. Ừ, thì bán rẻ hết cho chú cũng được. Cân lên được 1kí 6. Nhẩm tính một hồi, chị bán nấm nói chú đưa tui 45k.

5 kí nấm tràm tôi mua sáng nay ở chợ Cự Nẫm


Mua xong lại thấy có hai chị nữa cũng bưng 2 rổ nấm tràm như thế bày ra ngồi bán. 2 chị này ghé tai hỏi nhỏ chị vừa bán cho tôi. Mi bán mấy. Chị bán cho tôi nói nhỏ lại: tau bán 30. cả 2 người cùng nói nhỏ nhưng tôi nghe vẫn rất rõ.

Tôi nói luôn: 2 chị cân xem được mấy tôi mua hết luôn cho. 1 chị 1,5 kí, chị còn lại 2 kí. Tôi mua hết vẫn với giá 30k. Vậy là sáng nay tôi đã mua tổng cộng 5 kí nấm tràm Cự Nẫm với 150k. Mua nấm xong ra cổng chợ mua cái chổi. Chị bán chổi hỏi: Chú buôn nấm à.

Cô em gái tôi nói ở chợ Hoàn Lão rẻ nhất cũng 50k, có khi 70k/kí.

Tôi đi đâu may đấy là thế.



Nấm tràm là món đặc sản mà có lần ra du lịch Phú Quốc, chính tôi hỏi giá với 100 ngàn đồng 1 kí nấm tươi. Còn nấm khô thì không dưới 300 ngàn đồng 1 kí. Vậy mà cánh sành ăn còn lu loa lên rằng cái giá đó không hề đắt chút nào bởi nấm tràm là thứ đặc sản độc chiêu chỉ có ở hòn đảo Phú Quốc. Láo toét. Ở quê tôi cũng gọi nó là đặc sản nhưng rẻ như rau.

Nấm tràm đem về làm sạch ngâm qua nước muối nấu nồi canh với rau khoai lang nấm nhiều hơn nước, rau ít hơn nấm. Tuyệt đối không nêm gì ngoài vài muỗng nước mắm mà ăn cứ ngọt lừ với vị đắng đặc trưng của nấm tràm.

Mỗi lần về quê đúng mùa nấm tràm, thấy người bán có bao nhiêu nấm trong rổ là tôi mua hết gọn bấy nhiêu. Mà thực ra cũng chả ai tranh giành với tôi. Dân quê tôi coi món nấm tràm không bằng nửa con mắt. Những người bán nấm cũng chính là người vừa vào rừng hái nấm về mang thẳng ra chợ bán. Được bao nhiêu vẫn lời bấy nhiêu. Công đi hái chỉ như cuộc dạo chơi thể dục buổi sáng. Rất nhiều người hái nấm và bán nấm. Bởi vậy giá có như bèo họ cũng bán. Đã từ rất lâu, người dân quê tôi coi nấm tràm là một thứ lộc trời.

Nấm tràm là loại nấm hoang mọc lên từ những đống lá tràm mục (hoặc cây tràm mục) nơi rừng tràm. Nấm tràm có hình dáng như cái ô, mặt bên ngoài có màu nâu tím, phần bên trong trắng mịn, vị nhân nhẩn, ngọt hậu.

Mỗi năm ở vùng quê tôi nấm tràm chỉ mọc một lần sau những cơn mưa đầu mùa (khoảng tháng 8 – 9 âm lịch), nấm rộ dần và kéo dài khoảng 1 tháng là hết.

Nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu…(nếu bạn uống rượu với nấm tràm sẽ cứ như nước đổ hang chuột); Riêng trong việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, nấu kiểu gì cũng ngon, nấu với gì cũng ngon.

Trưa nay cô em gái sẽ làm món nấm tràm xào tỏi. Chiều nấm tràm nấu canh đọt rau khoai lang. Còn bao nhiêu gói lại cấp đông ăn dần. Nám tràm đem cấp đông cả tháng lấy ra ăn vẫn ngon tươi như mới.

Gắp nguyên một búp nấm mập mạp bỏ vô miệng, nhai thong thả để ngấm cho hết cái dư vị đắng đót mà ngọt ngào chỉ riêng có ở loại nấm tràm quê tôi. Một cảm giác rất...nấm tràm.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới