20 tháng 10, 2020

Chuyện giữa ngày lũ lụt

 

Tối qua gọi cho lão Sung Nguyen Xuan

ở Ba Đồn, đt kêu tút tút. Nghe lạnh cả người. Gọi cho lão Nguyễn Hữu Nhia, cũng tút tút luôn, cũng nghe lạnh cả người. Ba Đồn đang là một trong rốn lũ của bắc Quảng Bình, nhà 2 ông bạn này đều đang cắm sào ở đó, không lạnh sao được.

Sáng nay gọi lại cho Sùng. May quá, máy đổ chuông (mà thực ra là réo lên một bản nhạc gì rất khó hiểu. Nghĩ tay ni đổi gu âm nhạc rồi, chứ hồi trước máy hắn cài QB quê ta ơi nghe xúc động vô cùng).

Nghe nhạc 1 hồi chán cả tai thì giọng 1 con gái vang lên: Dạ, aloo. Có phải máy bố Sùng đấy không. Dạ máy ba đây mà ba đi mô mất rồi. Rứa nhà ba con ngập đến mô. Dạ nhà ba con ngập đến cửa sổ. Khộ rứa. Vậy con có biết nhà chú Nhia ngập đến đâu không. Dạ nhà chú Nhia mới làm 2 tầng ở trên cao e không bị ngập.

Nhẹ cả người chứ không lạnh cả người nữa.

Cũng sáng nay chát với anh

Lê Trọng Minh

đang về thăm quê Đức Thọ. Ảnh cho biết nhà ga đã trả lại vé khứ hồi và chưa biết khi nào vô lại được Ninh Chữ. Coi như là kẹt toàn tập. Chứ gì nữa. Không kẹt mới lạ. Từ Đức Thọ vô Ninh Thuận chỉ có đường bộ và tàu hỏa. Cả 2 con đường ấy đều đã bị lũ lụt phá tan hoang ngay tại Hà Tĩnh quê anh và cả ở QB quê tôi. Tôi động viên Lê Trọng Minh: Cứ coi như đây là cơ hội để anh em ta trải nghiệm lũ lụt ở quê nhà, cũng là dịp để ta ở dài ngày với quê hương.

Lão

Nguyễn Trung Ngọc

ở Vinh thì ngày nào cũng nt hỏi: Mưa còn to không, làng ông ngập đến rìa chưa; mạ răng rồi. he he, tui vẫn sống khỏe nha ông. Mạ tui 90 tuổi thì suốt ngày nằm rất yên trong mền nghe mưa to gió lớn thỉnh thoảng lại thò đầu ra nói gió mát hè. Làng tui ở trên đồi cao mà ngập thì thiên hạ có mà thành cá hết à. Nhà còn 1 thùng gạo nếp và 1 đàn gà khoảng chục con với mấy bụi sả sau nhà. Mà mưa lũ càng to càng mau đói bụng và ăn càng ngon miệng mới lạ.



Cũng tối qua từ quận 9 anh

Phu Nguyen Quang

gọi đt hỏi: Tình hình lũ lụt to thế này ta có tổ chức họp lớp nữa không HTS. Vẫn họp chứ anh, mưa lũ ở miền Trung chứ ở Đà Lạt thì đất trời vẫn thơ mộng như thường mà. Đó là chưa nói vc anh Lê Em đã cầm chắc vé máy bay khứ hồi Vinh - Đà Lạt trong tay, không họp sao được. Lúc này hãy làm theo câu nói của anh hùng Cù Chính Lan khi đánh xe tăng địch trên đường số 6 ở Mai Châu, Hòa Bình: Chết cũng mần. he he.


Tình đến hôm nay nữa là tôi rời SG được 20 ngày. Trong 20 ngày đó tôi đã tranh thủ khi đại hồng thủy chưa đến để ăn 3 đám giỗ: 1 đám ở xóm Bắc Lộc (đối diện với xóm nhà tôi là Nam Lộc); 1 đám ở Nghi Văn Nghi Lộc NA, 1 đám ở xã Quảng Đông nằm dưới chân Đèo Ngang; ăn 1 đám cưới to cũng ở ngay Thọ Lộc quê tôi; rong chơi 2 ngày với Ngọc Nga ở Nghệ An và Hà Tĩnh, thăm căn nhà Tri thức của bên nhà Đoàn Tâm vợ anh Lê Trọng Minh; rong chơi Hà Nội 4 ngày để đàm đạo chuyện SGK với 2 nhà chủ biên là Lê Phương Nga (chủ biện bộ SGK lớp 1 Vì 1 nền GD dân chủ và công bằng, may không bị ai đánh) và Đỗ Ngọc Thống (chủ biên SGK lớp 6 chưa ra mắt nên chưa bị đánh); qua tận bên Long Biên thắp hương cho bạn Khải vào đúng dịp lễ 49 ngày, Khải là chồng bạn Lê Khắc Chân Như lớp 12A K2; vân vân...

Khi tôi ngồi gõ những dòng này trời QB vẫn còn mưa chưa ngớt. Nhưng mưa đã nhỏ hơn nhiều.

Cầu mong cho bình yên trở lại.



 

13 tháng 10, 2020

Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, một bách khoa toàn thư về bài chòi

 Bài đăng trên báo Giáo dục và Thời đại

Với hơn 400 trang sách, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định(*) của tác giả Nguyễn An Pha là một công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên khảo chứa đựng nhiều tri thức cả về lí luận và thực tiễn của một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ra đời từ thế kỉ thứ 15 ở các tình ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận mà trong đó, Bình Định được xem là cái nôi của sự phát tích gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ, người được xem là ông tổ của nghệ thuật bài chòi.


Đánh bài chòi lâu nay vẫn được hiểu một cách nôm na là ngồi trên những cái chòi để đánh bài, là một trò chơi vui nhộn có nhiều người tham gia thường diễn ra trong các dịp lễ tết của địa phương. Tuy nhiên, từ công trình của Nguyễn An Pha, bạn đọc sẽ thấy được rằng nó là cả một loại hình nghệ thuật có quá trình ra đời, hình thành và phát triển với rất nhiều ý nghĩa mang đến cho con người trong cuộc sống suốt cả một chiều dài lịch sử hơn nửa thế kỉ nay.

Ở Phần I – Tổng quan về bài chòi dân gian Bình Định, từ những tìm hiểu và chứng lí lịch sử thấu đáo, tác giả đã cho bạn đọc thấy một điều rất thú vị: Nghệ thuật bài chòi ra đời từ hội đánh bài trong những cái chòi (lưu ý “hội” ở đây là lễ hội chứ không phải một tổ chức) nhưng không hề mang tính bài bạc, tiêu cực mà nó hoàn toàn mang tính giải trí và đại chúng. Trò chơi này càng về sau càng được nâng lên thành một nghệ thuật với tư cách là một nghệ thuật văn hóa dân gian.

Ngay trong phần mở đầu cuốn sách cũng đã cho thấy một chân lí: Nghệ thuật ra đời từ cuộc sống lao động của con người. Từ thuở xa xưa ở Bình Định, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng và bìa làng. Trên mỗi cái chòi cắt cử một vài thanh niên nông dân trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình canh gác ấy, để đỡ buồn chán, họ đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Hình thức ban đầu là người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi trên chòi chơi bài tam cúc (tương tự như chơi bài tổ tôm ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi tồn tại đến ngày nay. Thời gian càng phát triển, để nhiều người cùng biết cách chơi này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội đánh bài chòi.

Có thể nói, bằng những tìm kiếm không mệt mỏi với tư cách là một nghệ nhân, một nhà sưu tầm và nghiên cứu, công trình của Nguyễn An Pha đã làm sáng tỏ nhiều ngóc ngách, khía cạnh của một nghệ thuật dân gian quen thuộc với nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể hiểu biết về bài chòi và nguồn gốc của nghệ thuật dân gian bài chòi, nâng bài chòi từ chỗ chỉ là một trò chơi khi tết đến xuân về ở các vùng quê nông thôn Bình Định và các tỉnh Trung Trung Bộ thành một nghệ thuật dân gian mang đậm tính folklore. Đó là đóng góp đáng kể từ Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định.

Cái hay của công trình này không chỉ là mang đến một cái nhìn tổng thể nhất, chi tiết nhất về bài chòi dân gian Bình Định mà từ những đánh giá, kết luận về ý nghĩa và tác dụng to lớn của loại hình văn hóa dân gian mang đậm bản sắc vùng miền này, tác giả đã cho ta thấy sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định. Ngày nay, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chúng ta dễ dàng bắt gặp ở những vùng quê Bình Định từ An Nhơn đến Hoài Nhơn, Tuy Phước… những hội đánh bài chòi râm ran người chơi có khi kéo dài hàng chục ngày từ mùng một Tết cho đến hết mùng mười tháng giêng âm lịch. Bởi với người Bình Định, hội đánh bài chòi có một sức cuốn hút kì lạ. Cuốn hút đến mức:

Rủ nhau đi đánh bài chòi

Để con nó khóc cho lòi rún ra

(Ca dao Bình Định)

Theo Nguyễn An Pha, người Bình Định mê bài chòi vì họ tìm thấy trong đó những bài học về triết lí nhân sinh, về lẽ ứng xử ở đời, về tình yêu vợ chồng, gái trai, đôi lứa. Chẳng thế mà câu hát:

Vợ chồng âu yếm mặn nồng

Hai đầu một gối mới hòng yên vui

không chỉ là câu thai con bài Chín gối trong hô bài chòi mà còn là tình yêu của một đôi vợ chồng trẻ đang thì say đắm nhau không thể tách rời.

Hoặc:

Thấy anh em cũng muốn theo

Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi

thì đâu chỉ là nói về con nhì nghèo mà đó còn là tình yêu và lòng chung thủy, nghĩa phu thê...

Cứ thế, hội bài chòi sống mãi sau những rặng tre làng, tưng bừng mãi giữa những sân đình hoặc đơn giản trên một khu ruộng bỏ không của làng quê yên ả.

Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định còn cho bạn đọc gần xa thấy ở Bình Định, cùng với sự giúp sức và đầu tư nhiều mặt của chính quyền địa phương, từ hội đánh bài chòi được phát triển một bước hình thành sân khấu bài chòi dân gian Bình Định. Có lẽ không ở đâu trên dải đất hình chữ S này, nghệ thuật dân gian bài chòi lại được trân trọng, nâng niu và phát triển như ở Bình Định. Do vậy, ở Bình Định bài chòi không chỉ là cái nôi mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn nghệ sĩ địa phương trong sáng tạo nghệ thuật. Bằng chứng là ở những nơi mà hội bài chòi phát triển ở Bình Định, đã xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều nghệ sĩ kịch hát rất nổi tiếng.

Điều đó chỉ có ở Bình Định. Và người Bình Định lấy đó làm niềm tự hào chính đáng của mình.

Ngoài những tri thức vừa tổng quan vừa rất cụ thể, Công trình Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định còn mang đến cho bạn đọc những gương mặt nghệ nhân bài chòi tiêu biểu ở vùng đất giàu thơ văn nhạc họa Bình Định từ Nghệ nhân Nhân dân Lê Thị Đào, Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức, NSƯT Nguyễn Kiểm cho đến các Nghệ nhân nổi tiếng Trần Văn Tới, NNƯT Minh Lưỡng, NN ƯT Minh Liễu, Nguyễn Văn Quý, Phạm Lau, Nguyễn Thị Kiều My... tất cả đã làm nên một không gian nghệ thuật bài chòi sống động và hấp dẫn.

Điều quý nhất từ Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định đọng lại với người đọc chính là sự hiểu biết, nhận thức thấu đáo của con người Bình Định từ những người thuộc tầng lớp bình dân đến quan chức chính quyền các cấp về một giá trị quý báu của nghệ thuật bài chòi, một loại  hình văn hóa phi vật thể mà ở những vùng đất khác không dễ gì có được. Chính họ đã đầu tư không ít trí tuệ, tiền của và công sức để giữ gìn và phát triển các hội bài chòi, và sân khấu bài chòi dân gian trên đất Bình Định sống mãi và phát triển như ngày nay.

Cũng vì thế mà có thể nói, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định có giá trị như là một cuốn bách khoa toàn thư về bài chòi không chỉ riêng cho bài chòi Bình Định.

Chẳng thế mà người Bình Định cũng như những ai yêu mến, quan tâm đến nghệ thuật hô - hát bài chòi đã rất vui mừng và tự hào khi vào ngày 7 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại TP Jeju, Hàn Quốc, hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thực hiện công trình Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định rất dày hơi này, Nguyễn An Pha đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết và công sức. Trong nhiều năm trời, anh đã lặn lội đến rất nhiều vùng quê, gặp gỡ rất nhiều nghệ nhân dân gian để sưu tầm những câu thai hô bài chòi đang sống trong lòng dân gian, đang được các nghệ nhân dân gian lưu giữ. Đó là cái công phu vô cùng lớn của tác giả công trình. Bởi với Nguyễn An Pha, chính anh cũng là một nghệ nhân dân gian mà mỗi câu dân ca, mỗi câu hô bài chòi Bình Định luôn chảy trong huyết quản của anh, làm nên ở anh một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, một nhà quản lý văn hóa trong đó có nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định. Vì thế Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định xứng đáng là công trình để đời của Nguyễn An Pha và khi thực hiện xong công trình này, anh cũng đã trả xong món nợ ân tình với quê hương Bình Định. 

Chẳng thế mà năm 2019, công trình Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định đã vinh dự nhận giải Nhì B (không có giải A) giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đó là một sự trưởng thưởng xứng đáng cho Nguyễn An Pha khi thực hiện công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn này.

                                                                                                         

(*) Nguyễn An Pha, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019


 Link xuất bản: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nghe-thuat-bai-choi-dan-gian-binh-dinh-mot-bach-khoa-toan-thu-ve-bai-choi-oByANp5Mg.html?fbclid=IwAR24nTAewb8qrY1ylGDH-2fD31pLUiFJ2UvHGogrAB41t5DPq5fmaENwO4M

 

7 tháng 10, 2020

Nấm tràm không chỉ có ở Phú Quốc

Ở quê tôi có một món ăn thuộc hàng đặc sản nhưng lại rẻ chỉ ngang một mớ rau lang ở Sài gòn. Đó là nấm tràm.

Tôi về làng vào những ngày này đã là cuối mùa nấm tràm. Suốt cả mấy ngày nay sáng nào tôi cũng rảo qua chợ Thọ Lộc và chợ Cự Nẫm nhưng không có. Sáng nay đi Cự Nẫm mua cái chổi đót ghé vô chợ thấy một chị nông dân người còn lấm lem hơi sương ngồi bán một rổ nấm tràm mà như không tin vào mắt mình. Đúng là khi tìm mỏi mắt không thấy. Khi bâng quơ lại vơ được cả rổ. Nấm của chị này đã gọt sạch sẽ, nhìn rất thích mắt.

Hỏi chị bán bao nhiêu một kí. 40k chú. 30k tôi mua hết cho chị nhé. Ừ, thì bán rẻ hết cho chú cũng được. Cân lên được 1kí 6. Nhẩm tính một hồi, chị bán nấm nói chú đưa tui 45k.

5 kí nấm tràm tôi mua sáng nay ở chợ Cự Nẫm


Mua xong lại thấy có hai chị nữa cũng bưng 2 rổ nấm tràm như thế bày ra ngồi bán. 2 chị này ghé tai hỏi nhỏ chị vừa bán cho tôi. Mi bán mấy. Chị bán cho tôi nói nhỏ lại: tau bán 30. cả 2 người cùng nói nhỏ nhưng tôi nghe vẫn rất rõ.

Tôi nói luôn: 2 chị cân xem được mấy tôi mua hết luôn cho. 1 chị 1,5 kí, chị còn lại 2 kí. Tôi mua hết vẫn với giá 30k. Vậy là sáng nay tôi đã mua tổng cộng 5 kí nấm tràm Cự Nẫm với 150k. Mua nấm xong ra cổng chợ mua cái chổi. Chị bán chổi hỏi: Chú buôn nấm à.

Cô em gái tôi nói ở chợ Hoàn Lão rẻ nhất cũng 50k, có khi 70k/kí.

Tôi đi đâu may đấy là thế.



Nấm tràm là món đặc sản mà có lần ra du lịch Phú Quốc, chính tôi hỏi giá với 100 ngàn đồng 1 kí nấm tươi. Còn nấm khô thì không dưới 300 ngàn đồng 1 kí. Vậy mà cánh sành ăn còn lu loa lên rằng cái giá đó không hề đắt chút nào bởi nấm tràm là thứ đặc sản độc chiêu chỉ có ở hòn đảo Phú Quốc. Láo toét. Ở quê tôi cũng gọi nó là đặc sản nhưng rẻ như rau.

Nấm tràm đem về làm sạch ngâm qua nước muối nấu nồi canh với rau khoai lang nấm nhiều hơn nước, rau ít hơn nấm. Tuyệt đối không nêm gì ngoài vài muỗng nước mắm mà ăn cứ ngọt lừ với vị đắng đặc trưng của nấm tràm.

Mỗi lần về quê đúng mùa nấm tràm, thấy người bán có bao nhiêu nấm trong rổ là tôi mua hết gọn bấy nhiêu. Mà thực ra cũng chả ai tranh giành với tôi. Dân quê tôi coi món nấm tràm không bằng nửa con mắt. Những người bán nấm cũng chính là người vừa vào rừng hái nấm về mang thẳng ra chợ bán. Được bao nhiêu vẫn lời bấy nhiêu. Công đi hái chỉ như cuộc dạo chơi thể dục buổi sáng. Rất nhiều người hái nấm và bán nấm. Bởi vậy giá có như bèo họ cũng bán. Đã từ rất lâu, người dân quê tôi coi nấm tràm là một thứ lộc trời.

Nấm tràm là loại nấm hoang mọc lên từ những đống lá tràm mục (hoặc cây tràm mục) nơi rừng tràm. Nấm tràm có hình dáng như cái ô, mặt bên ngoài có màu nâu tím, phần bên trong trắng mịn, vị nhân nhẩn, ngọt hậu.

Mỗi năm ở vùng quê tôi nấm tràm chỉ mọc một lần sau những cơn mưa đầu mùa (khoảng tháng 8 – 9 âm lịch), nấm rộ dần và kéo dài khoảng 1 tháng là hết.

Nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu…(nếu bạn uống rượu với nấm tràm sẽ cứ như nước đổ hang chuột); Riêng trong việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, nấu kiểu gì cũng ngon, nấu với gì cũng ngon.

Trưa nay cô em gái sẽ làm món nấm tràm xào tỏi. Chiều nấm tràm nấu canh đọt rau khoai lang. Còn bao nhiêu gói lại cấp đông ăn dần. Nám tràm đem cấp đông cả tháng lấy ra ăn vẫn ngon tươi như mới.

Gắp nguyên một búp nấm mập mạp bỏ vô miệng, nhai thong thả để ngấm cho hết cái dư vị đắng đót mà ngọt ngào chỉ riêng có ở loại nấm tràm quê tôi. Một cảm giác rất...nấm tràm.