2 tháng 11, 2019

Có một đại đội quân giải phóng như thế


(Kính tặng C20-F341)
Nguyễn Trung Ngọc

Là một CCB kinh qua chiến tranh, hành quân đi khá xa, “vào sinh ra tử” cũng từng, có lẽ tôi đủ kinh nghiệm để nhìn thấy sự oai hùng của một cá nhân nào đấy, đơn vị nào đấy. Ví như, khi đến thăm thành cổ Quảng Trị, cả những chiến binh từng qua trăm trận đánh cũng không thể không nghiêng mình kính nể những chiến sĩ đã trải qua 81 ngày đêm khốc liệt ở cái “chảo lửa” giữa mùa hè cháy bỏng của chiến trường này. Phải nói thật rằng, nếu xét về chiến công, Mặt trận Miền Nam trong cuộc chiến trước 1975, có rất nhiều những con người và đơn vị anh hùng mà sử sách đến nay vẫn còn thiếu sót chưa ghi hết được. Họ lớn hơn chúng ta!
Nhưng ở đây, tôi không nói về những chiến công vang dội, những chiến tích lẫy lừng của một thời khói lửa, tôi muốn nói đến cái “thầm lặng”, cái lắng sâu, đầy chất nhân văn của một đại đội Quân Giải Phóng còn rất “hùng mạnh” của thời hậu chiến.
Từ khoảng đầu năm ngoái (2018), tôi được người bạn thân Hà Tùng Sơn cho hay đơn vị cũ của Sơn đang định làm một cuộc Về Nguồn thật ý nghĩa. Đồng thời với việc ấy là ra một cuốn sách ghi dấu một thời đã sống mà rất đáng nhớ. Tôi động viên Sơn ngay: “Hay quá, nhưng cái này khó là ở khâu tổ chức. Cần phải có người biết “xắn tay áo”, nếu không chỉ dừng ở một nghị quyết đẹp mà thôi!”. Sơn nói rất hăng: “Bọn tớ có đủ “lực lượng vật chất” rồi: Phạm Thanh Tùng ở Huế bảo đã hòm hòm để ra được một cuốn sách “nội bộ”; Vợ chồng Hoàng Tấn Quả ở Đồng Hới nhiệt liệt tán thành; Lê Tự Hiểu ở Vũng Tàu có vợ nối tay thêm cũng đã lên tiếng sẵn sàng lo liệu…Bài vở kêu gọi gửi thêm sẽ ổn.”
Và họ làm được thật. Tôi cảm nhận ngay những người như Phạm Thanh Tùng, Hoàng Tấn Quả…là con người của công việc, họ nói là làm, không phải chỉ ngồi ở văn phòng tuyên giáo. Cuộc hội ngộ Hạ Tran là sự nối dài truyền thống của một đơn vị quân chủ lực đã để lại trong lòng dân những tình cảm đẹp đẽ về một đội quân cách mạng. Nói chính xác hơn, Những cựu chiến binh C20 dù đã “gác kiếm, rửa tay” vẫn làm nên “chiến công” thầm lặng, tạo nên những giá trị chân chính của cuộc sống hôm nay mà “có đốt đuốc đi tìm cũng khó tìm thấy được” (Lời tự hào chính đáng của Phạm Thanh Tùng, người đã có công lớn trong cuộc Về nguồn Hạ Tran – Lệ Thuỷ).
Tôi cứ hình dung, nếu mỗi đại đội của Quân đội nhân dân Việt Nam đều làm được như C20 – F341 thì cả nước ta đã có một “Ngày hội quân dân” lớn biết chừng nào…và cũng ý nghĩa biết chừng nào!
Chắc chắn rằng, nếu không có cuộc hội ngộ Hạ Tran 12 – 2018 và sự ra mắt của cuốn “Từ dòng Kiến Giang đến dinh Độc Lập”, những Cựu chiến binh của C20 và cả bạn bè đã nghèo đi khá nhiều đời sống tinh thần của họ. Tôi nghĩ vậy khi tôi suy từ mình: Nhờ có sự giao lưu với C20 mà trực tiếp là trang “Đồng đội cùng đơn vị trinh sát C20, F341” tôi gặp lại rất nhiều đồng đội cũ, những sinh viên của Đại học sư phạm Vinh đã cùng tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 9-1972. Bọn lính – sinh viên chúng tôi đã từng chung sách bút nơi giảng đường đại học rồi cùng nhau ra trận trong thời kì đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Tôi nhớ ngày huấn luyện với nhau ở Nghĩa Đàn, hai thằng khoẻ nhất tiểu đội là Đỗ Xuân Ngôn và Lê Quang Phương cứ vật nhau huỳnh huỵch mà không bên nào thắng được. Rồi Ngôn nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn – Xuân Lộc khi chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc chiến tranh. Tìm về quê Ngôn để thắp hương cho bạn, nhìn bức ảnh trên bàn thờ: Ngôn mặc bộ lễ phục của lính mà cái hiệu ảnh ở Tuần hồi đó đã sắm để “câu” chụp ảnh bọn tân binh chúng tôi, mấy thằng tôi cũng từng mặc, cả tôi, cả Phương, cả Hà Tùng Sơn và Lê Sơn đã không sao cầm nước mắt. Nghĩa tình đồng đội quả còn sâu hơn biển cả!
Cùng một mái trường, thậm chí là cùng khoa với nhau nhưng thực tình lính sinh viên Đại học Vinh chúng tôi hết chiến tranh về trường học tiếp rồi mỗi đứa một phương bươn bả mưu sinh nào có biết gì về nhau nữa. Nhờ có “Đồng đội cùng đơn vị trinh sát sư 341” (Trang Facebook của CCB C20), nhờ có chuyến Về nguồn ở Hạ Tran tôi gặp lại Nguyễn Quang Ngọc, người đồng đội cũ, người bạn làm báo có tư duy góc cạnh đáng quý biết chừng nào! Những trang viết của anh về “Xá lị Hạ Tran”, về “Bông lúa” vùng Lệ Thuỷ giúp tôi hiểu thêm nhiều đồng đội mình trong và sau khi đánh giặc.
Cũng nhờ trang “Đồng đội…” tôi nhớ lại và kết giao với Phạm Thanh Tùng, người đồng đội học trước tôi một lớp, mấy chục năm nay là cây bút viết báo đầy tâm huyết, không mệt mỏi đấu tranh cho một nền tự do dân chủ thực sự. Người đàn ông gốc Huế ấy có thêm những năm tháng tuổi thơ lớn lên nơi Xứ Nghệ khó nghèo, rèn đúc cho anh một nghị lực phi thường để đứng vững trong hoàn cảnh éo le mà không phải ai cũng làm được. Đọc một bài viết gần đây của ai đó trên trang "Đồng đội...", thoạt đầu tôi tưởng tác giả viết nhầm, sau mới hiểu thêm một chữ mới gắn với những năm tháng đã “xế chiều” của Thanh Tùng: “Trở vợ”. (Vợ Tùng bị liệt, nằm một nơi đã mấy năm nay, thỉnh thoảng Tùng phải trở tư thế nằm của vợ).
Tôi cũng từng “ngẩn ngơ” trước những bài viết của Hoàng Tấn Quả, của Nguyễn Hoà Hương – vợ anh, và của con gái Ngọc Hà của anh nữa trên trang “Đồng đội…” Không chỉ mình tôi khâm phục những nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng Hương – Quả đối với đồng đội, với đồng bào Hạ Tran, nơi anh đóng quân cách đây đã non nửa thế kỉ. Vợ chồng anh là những người chung thuỷ, cả với nhau và cả với bạn bè, đồng bào, đồng chí. Cả nhà chung tay lo cho cuộc về Hạ Tran sau chuyến hội ngộ để khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân nơi đó là một việc làm “vĩ đại”, tôi nghĩ thế!
Cuộc “Về nguồn” ở Hạ Tran 2018 có một sức lan toả thật sâu rộng. Để thực hiện chương trình này, trước đó Hà Tùng Sơn đã từ Sài Gòn bay ra rủ tôi cùng đi thăm anh Trần Quốc tế ở Trung tâm điều dưỡng Thương binh nặng tỉnh Nghệ An, người “thủ trưởng” cũ bị liệt nửa người vì trúng đạn ở cột sống. Từ đó, mấy năm nay vợ chồng tôi vẫn thường tới thăm anh. Quả thật, gặp những người thiệt thòi là thế mà vẫn rất lạc quan, tôi cứ ngẫm nghĩ phải làm sao để “máu của anh chị, của chúng ta không uổng”... Rồi vợ chồng Hoàng Tấn Quả, Lương Hữu Tiến, đồng đội Thanh Hoá…từ những nơi xa xôi đã đến dang vòng tay ôm chặt người thương binh đặc biệt này.
Cũng đi cùng Hà Tùng Sơn, tôi đã lên Hương Sơn thăm anh Lê Trần Quí. Tôi biết thêm người Đại đội trưởng của C20 “có tâm, có tài” này. Ngoài 70, người chỉ huy bộ đội tinh nhuệ năm xưa vẫn đau đáu dõi theo thế sự. Tôi rất nể khi thấy anh bình trên facebook với một chiến sĩ cũ của mình (LQP):
- Em nhớ ngày trước, khi anh Lợi cất tiếng hát “Ôi xương tan máu rơi/ Lòng hận thù ngất trời…” Anh giục bọn em: “Hát đi bay!”. Bây giờ lũ khốn nạn chúng moi hết tiền dân ta, ngoài khơi giặc vào chiếm biển đảo ta, có căm thù không anh?
- Căm thù! Căm thù! Căm Thù…!
Nghĩ mà thương anh.
Tôi biết cả anh Hồ Thoan ở Đà Lạt xa xôi, người chính trị viên một thời của đại đội, giờ phải chăm người vợ tai biến, trăm bề cực khổ. Vậy mà, đồng đội – chiến sĩ cũ đến nhà, không đãi được bữa cơm, anh theo về tận khách sạn nơi đồng đội ở trao một phong bì bảo rằng “em không cầm, anh không đành lòng được!” (chuyện HTS kể cho tôi). Ai bảo những chuyện thế này là nhỏ? Cái “nhỏ” ấy là của một tình cảm không nhỏ, từ một nhân cách không nhỏ đấy. Tôi nghe chuyện mà cứ cay cay nơi khoé mắt. Chắc người chỉ huy ấy cứ nhớ về hồi chiến sĩ của mình thiếu thốn đủ bề, có khi vi phạm kỉ luật phải nhổ cả một bụi sắn của dân.
Sức mạnh tinh thần của sự kiện Hạ Tran - C20 không chỉ dừng lại trong nội bộ đơn vị mà nó còn tác động đến bạn bè, đến “đồng bào” mạnh mẽ. Tôi chỉ nói đến một trường hợp thôi chắc cũng đủ để các bạn thấy được điều đó. Tôi gọi đây là “Người phụ nữ kì lạ”. Người phụ nữ này có tên gắn với một vùng đất đầy chiến công của “gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn” – Ngư Thuỷ. Không có “dây mơ rễ má” gì với C20, “chỉ có sơ sơ tấm tình bè bạn” mà Ngư Thuỷ nôn nao chờ đón “Ngày trở lại” của C20 như chờ đón người nhà đi xa trở về, cùng mấy trò yêu, với lẵng hoa rất đẹp. Cái gì dính với C20 là Cô giáo về hưu này nâng niu, trân quí. Một mình cô ra tận Đoàn điều dưỡng thương binh nặng ở Nghệ an thăm anh Trần Quốc Tế; Một mình cô trong đêm đi xe máy từ Hoàn Lão vào sân bay Đồng Hới tìm đón người bạn mới chưa hề biết mặt để kết lại với nhau thành đội khách đến chúc mừng các anh Cựu chiến binh C20 từng đóng quân trên đất quê mình, nghe cứ như là trong truyện cổ tích. Rồi cô giáo về hưu có tâm hồn rất trẻ này theo suốt mấy ngày C20 “hội quân” với tất cả nhiệt tình. Có lẽ nhân dân Hạ Tran cũng không hiểu người phụ nữ ấy là ai nữa. Lính trinh sát năm xưa làm gì có nữ? Cảm thông sâu sắc với các anh gặp hoàn cảnh éo le, cô tặng quà cho người “trở vợ”. Cảm phục tấm lòng của gia đình Hoàng Tấn Quả, cô chung tay để mọi việc suôn sẻ hơn. Lần thứ 2 về Hạ Tran, trong chiếc áo blu trắng nhiều người tưởng cô là bác sĩ…
Còn nhiều và nhiều lắm...
Ai theo dõi chuyến Về Nguồn Hạ Tran mà không cảm kích khi nhìn Lê Quang Phương một mình nhảy xe đò để mang bằng được mấy cây bưởi “tiến vua” làm quà mang từ Thọ Xuân vào trồng ở khoảnh đất Nhà văn hoá bên bờ Kiến Giang, nơi năm xưa đơn vị vẫn ngày ngày đến đây tập hợp. Anh cũng chính là tác giả viết bài “Mẹ của chúng tôi” nói về Mẹ Tòng của đất Hạ Tran mà khi đọc không ít người đã rơi nước mắt vì nhớ Mẹ.
Ai lại không nhớ Vợ Chồng Lương Hữu Tiến từ Hà Nội vòng xe khắp nơi đưa đón và ghé thăm từng gia đình đồng đội. Anh như một lái xe cần mẫn, trách nhiệm không ai bì được, chỉ khác là không thu tiền khách!!!

Tôi đọc, tôi xem, tôi quan sát từ xa…không thể không nghiêng mình trước những Con Người đã làm nên một cuộc Về Nguồn đẹp và nhân văn đến thế.
Người Đaghextan (Liên Xô cũ) có câu châm ngôn này: “Nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn ta bằng đại bác”. Tôi nghĩ, Cựu chiến binh C20 F341 đã làm sống lại một thời kì đã qua, thời các anh đã sống và chiến đấu trong tình thương yêu nồng ấm của nhân dân Hạ Tran, Lệ Thuỷ. Những chiến sĩ với cốt cách đầy chất nhân văn ấy không có lí gì lại không viết tiếp những trang sử rất đẹp của thời kì mới cho một tương lai tốt đẹp. Dù nhiều thứ có đổi thay nhưng cái mãi còn ấy là chúng ta luôn biết VÌ NHÂN DÂN VÀ CHÍNH NGHĨA – VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH!
Đầu đông 2019
NTN

Tác giả Nguyễn Trung Ngọc (2 phải sang) cùng Quang Ngọc Nguyễn, HTS, Phuong le Quang lên thăm lại căn cứ địa Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn 12/2018.


2 nhận xét:

  1. Những trang sách, những câu chuyện cảm động viết về những người lính đã qua một thời máu lửa chiến tranh không bao giờ hết. Chúc cho những người lính các anh lúc nào cũng vui, khỏe và hạnh phúc với quá khứ hào hùng của mình.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới