6 tháng 11, 2019

Đêm chợ Cồn


         Truyện của Nguyễn Trung Ngọc

Tôi muốn thử viết về con người
 chứ không phải viết về thần thánh


    
      I. 
                                                  
Hồi ấy khu đất vùng chợ Cồn khác bây giờ nhiều lắm. Ngay nay qua đây người ta thấy một cái chợ quê thật sầm uất, người quê buôn bán tấp nập. Vào mùa hoa trái, dân mấy xã miền hạ Thanh Chương dọc 2 bờ sông Lam mang đầy các loại hoa tươi quả ngọt về đây không chỉ để đổi trao mua bán trong vùng mà còn để giao cho thương lái từ thành phố Vinh ngược lên. Nhiều lần qua đây, tôi như được hoà vào không khí vui nhộn mà rất lành của một chợ quê điển hình. Tôi rất thích ghé chợ Cồn. Nhưng không phải là ghé vào mua bán mà là ghé về miền kí ức, nhớ về kỉ niệm của một thời chiến tranh đã qua.
Thời ấy, lần ấy, chỉ là một đêm duy nhất và đã đi qua 46 năm rồi mà sao cứ cháy mãi trong tôi ngọn lửa của tuổi 20 không thể nào dập tắt. Có dịp là trào ra, bùng lên, thiêu đốt và gào thét…
Một ngày đầu thu năm 1972, trong tư cách anh lính quân nhu Trung đoàn, tôi từ Quảng Bình ra Quân khu nhận nhu yếu phẩm và thuốc men cho đơn vị. Chuyến đi công tác lẻ này chỉ có tôi và đồng chí lái xe trạc tuổi nhưng đã có gia đình. Chúng tôi chạy một mạch từ bản doanh của E bộ đóng bên đường 22A khói lửa ra đến T50 ở Nam Đàn thì đã chiều muộn. Lẽ ra chúng tôi sẽ nghỉ lại T50 của Quân khu nhưng đồng chí lái xe đề nghị với tôi:
- Ta chạy thêm đoạn nữa lên chợ Cồn, ở đó tôi có bà chị con bác bán trong cửa hàng thực phẩm sơ tán từ Vinh lên đóng trên một gò đất cao rộng rãi, mát mẻ, một nơi nghỉ qua đêm lí tưởng. Sáng mai ta nhận thuốc quân y ở Thanh Chương trước, quay về Nam Đàn nhận hàng quân nhu rồi chạy vào luôn cũng rất tiện. Luôn thể anh trông xe cho tôi về thăm nhà qua đêm, sáng mai tôi trở lại. Nhà ở bên kia sông Lam, qua bến đò là đến mà!
Nghe cũng hợp lí, tôi đồng ý để lái xe chạy lên nơi anh ta nói đến. Đó quả là một gò đất quá thích hợp cho việc nghỉ lại của một vài chiếc xe quân sự đi công tác lẻ như chúng tôi. Cửa hàng thực phẩm được rào quanh bằng dây thép gai khá chắc chắn. Phía trước có một cổng to có khoá cẩn thận để bảo vệ, xe ô tô có thể chạy thẳng vào sát bên ngôi nhà lợp lá cọ làm nơi bán thực phẩm của nhà nước, sơ tán từ dưới Vinh lên. Chừng 17h thì chiếc gats 63 của chúng tôi yên vị trên khoảng đất đồi đã được san bằng bên cạnh cửa hàng thực phẩm. Nền nhà cao hơn nên xe đậu phía dưới thì thùng xe gần như ngang với nền nhà. Có lẽ khi làm cửa hàng người ta đã có chủ ý san sân, nền thế này để đỗ xe chuyển thực phẩm cho thuận tiện. Hạ tấm chắn sau xe xuống, mở cửa bên ngôi nhà là có thể bước lên sàn xe một cách dễ dàng. Xe đậu trên gò cao, từ trên xe quan sát cổng đi vào và con đường chạy phía trước giống như một đài quan sát, mình nhìn “đối phương” thì rất rõ nhưng họ ở dưới ngước lên khó thấy được gì. Nhìn vị trí đỗ xe quá thuận tiện, tôi thầm nghĩ: từ nay ra công tác Quân khu mình cứ đến nơi này là tuyệt nhất.
Có lẽ đã đến đây nhiều lần, cậu lái xe thông thạo từ cái ngõ vào, đám đất đỗ xe bên ngôi nhà để có thể đi vào từ cửa bên không cần gặp chủ nhân từ trước quầy hàng lúc nào cũng có khách. Xe đỗ lại sau khi phải xuống số 2 để bò sát lên cửa hàng đang vừa lúc đóng cửa sau một ngày phục vụ. Hoà (tên cậu lái xe) dẫn tôi vào giới thiệu với hai người phụ nữ, chủ nhân của cửa hàng:
- Các chị ơi! Lại về quấy các chị nữa đây. Sáng mai xe bọn em lên Đô Lương nhận hàng, ghé đỗ lại chỗ các chị một đêm. Nghỉ ở đây yên bình mà mát mẻ. Mà có gì đâu nhỉ, các chị có một xe bộ đội đến bảo vệ cửa hàng, đêm càng khỏi lo, đúng không? Hôm nay có anh Phương đi cùng, lính đại học sáng choang đấy. Chị Loan thích nghe chuyện, tối nay làm ấm chè xanh chiêu đãi anh Phương, tha hồ mà nghe!
Người mà Hoà gọi là chị Loan là một phụ nữ trạc 30 tuổi, đẹp mặn mà, người chắc khoẻ, đầy đặn. Nước da trắng mịn màng càng làm nổi bật làn môi đỏ đầy thách thức dưới cái mũi thẳng sang trọng, quý phái. Loan vẫn gọi tôi bằng “anh” dù Hoà giới thiệu là “bọn em” ra quân khu lấy hàng cho đơn vị.
Hai người phụ nữ nhanh chóng đóng quầy hàng, dọn dẹp gọn gàng các thứ rồi mở rộng cánh cửa của căn phòng phía đông hướng ra chỗ chiếc xe chúng tôi vừa đỗ lại. Trong khi đó chúng tôi đi ra phía sau, múc nước từ một cái giếng rất sâu tắm vội bằng những gàu nước mát lạnh như nước đá. Mới đầu thu chưa hết hơi nóng mùa hè mà nước dội vào người, nổi cả da gà.
Chắc không muốn bỏ tôi lại một mình khi vừa chân ướt chân ráo đến đây, dù tôi đã đồng ý để Hoà về thăm nhà nhưng anh chàng vẫn rất thư thái, cùng tôi xách gạo cùng mấy hộp thịt, ruốc bông…vào bếp bảo hai cô chủ cửa hàng cùng thổi cơm chiều để ăn chung. Mùa hè nên ngày rất dài. Chúng tôi ăn xong mà trời vẫn chưa tối. Cơm nước xong, Hoà mới thong thả nói, giọng đùa đùa:
          - Giờ thì gửi anh Phương cho 2 chị, em phải về với mụ vợ tí, bỏ không lâu ngày héo cả rồi!
          Nghe vậy, chị nhân viên cửa hàng ở với chị Loan bỗng cuống lên:
          - Vậy thì cho chị về với! Chiều nay có người bên làng qua đây nói chuyện chị mới biết, thằng cu lên bốn nhà chị bị ốm mấy ngày nay. Chị đang tính về mà đi một mình lại sợ. Thôi, Hoà đạp xe chị chở chị về luôn nhé! Ta đi hai người cũng mất chừng 30 phút.  
          Hoà gật đầu:
- Thế lại hoá may cho em rồi!
Giờ tôi mới biết chị Luyến (tên người bán hàng cùng Loan) là người cùng làng với Hoà. Chính vì vậy mà hắn quen thuộc cái gò cao chợ Cồn này như vườn nhà mình. Lần nào đi công tác qua đây Hoà cũng ghé đỗ xe thổi cơm ăn hay nghỉ ngơi, tắm táp…
          Tự nhiên tôi rơi vào một hoàn cảnh thật đặc biệt: Trở thành người đàn ông duy nhất trong một đêm cuối tuần ở lại bảo vệ cái cửa hàng thực phẩm nơi sơ tán và một người phụ nữ cô đơn.
Hoà và chị Luyến đi rồi, cả khu đồi trở nên yên lặng hẳn. Tính tôi vốn ngại bắt chuyện, nhất là đối với phụ nữ chưa quen biết. Vì thế tôi lên xe sớm, trải chiếc bạt còn thơm mùi mới, lật chiếc ghế xe ra làm bàn và bật chiếc bóng đèn nhỏ sau thùng xe ngồi viết nhật kí. Chếch sau thùng xe chừng 15m, dưới bóng đêm mờ ảo được giàn Thiên Lí che kín thêm, chị Loan sau một lúc nghỉ ngơi cũng đi ra cái giếng phía sau múc nước tắm. Sau một ngày hè làm việc tất bật, có lẽ chị đang tận hưởng những phút tắm tiên thư thái với những gàu nước mát lấy lên từ lòng đất sâu. Nghe tiếng nước dội, tôi tắt đèn thôi không viết nữa, cố nhìn về phía giếng nước nhưng chỉ thấy một bóng người nhờ nhờ, hình như rất trắng, nhưng bị bóng đêm quây chặt. Nhắm mắt mơ màng, tưởng tượng làn nước mát đang chảy trên da thịt Loan, cả người tôi râm ran, nóng như phát sốt.                 
Sau một hồi tắm xong, từ trong nhà, Loan mở cánh cửa bên bước rất nhanh về phía chiếc xe tôi đang ngồi trên đó ngắm trăng lên. Trong bộ đồ đen cài khuy bấm, Loan đẹp như một phụ nữ vẽ trong tranh Phục Hưng. Nàng không chút e dè, xăm xăm bước lên sàn xe đã hạ sẵn vách chắn sau trải lên nền đất tạo nên một khoang rộng như cái sân khấu. Xung quanh yên tĩnh lạ lùng. Chưa bao giờ tôi được thấy một người đàn bà quyến rũ đến vậy. Đối với một người đàn ông, có thể đây là những giây phút định mệnh. Dưới làn áo mỏng, những đường cong của cơ thể người phụ nữ một con hiện lên thật rõ khi vầng trăng 17 đằng đông cũng vừa nhô lên khỏi rặng cây phía dưới đường, sáng như rải bạc. Tôi cảm thấy hình như Loan không bận nội y (ngày nay bọn trẻ gọi là “thả rông”) vì dưới lớp lụa mỏng, “toà thiên nhiên” nhô lên trông rõ mồn một. Nàng như một bó đuốc tiến đến gần tôi là một kho xăng đầy nguy cơ bùng phát dữ dội.
Rất tự nhiên, Loan ngồi xuống chiếc ghế đã hạ sẵn bên thùng xe, một tay xách ấm nước còn tay kia cầm cốc, tươi cười bảo tôi:
- Có chè xanh đây! Nghe Hoà nói chú là lính sinh viên. Tui rất thích nghe chuyện. Uống chè xanh cho tỉnh táo rồi kể vài chuyện trong Văn nghệ quân đội hay hay cho nghe với nào.
- Ối dào! Sinh viên sinh viếc gì, lính chiến trường khô cả xương rồi đây nè. À, chị đọc truyện “Người trên đỉnh đèo” mới đăng VNQĐ số vừa rồi chưa?
Tôi không ngờ Loan trả lời ngay: “đọc rồi!” và còn bình luận rất sắc: “Tác giả lãng mạn hoá tình yêu của anh lính công binh – kĩ sư Xinh thôi chứ trong thực tế người ta yêu “thực tế” hơn nhiều”.
- Yêu “thực tế” là yêu thế nào? Trung uý Xinh có tình yêu đẹp chết còn gì! Mà chị nói về văn chương cứ như cô giáo dạy văn ấy nhỉ. Hay là…
Loan ngắt lời tôi nhưng giọng bỗng trầm xuống và đột ngột xưng “em” rất nhẹ nhàng (Loan hơn tuổi tôi một chút nhưng nhìn lại không giống “chị” tí nào):
- Nếu cuộc đời suôn sẻ em đã là cô giáo thật. Đang học dở Trung cấp sư phạm văn thì nhà em trúng bom. May hôm đó cả nhà đi vắng hết. Em bỏ học, cùng bố mẹ và hai em trôi dạt lên đây rồi tự trói mình vào cột đã 6, 7 năm nay rồi. Thôi, mà chuyện dài lắm, buồn lắm, chẳng nhắc làm gì…Mà chuyến này các anh ra đây…lâu không? – Loan nhấn giọng chữ “lâu” như một nốt nhạc. Tự nhiên tôi nghe như một lời van xin, ẩn chứa trong đó một ý nghĩa mà chỉ có người nghe mới hiểu.
Tôi chưa biết gì về hoàn cảnh của Loan, chỉ mới nghe Loan kể vài câu nên cũng chỉ mơ hồ về cuộc đời cô nhưng điều này thì tôi hiểu: Người phụ nữ xinh đẹp bị chúa bỏ quên này đang khát khao cháy bỏng. Ngọn lửa dục đang thiêu đốt nàng dễ đến độ có thể bỏ qua tất cả để chiếm được cho mình cái mà mình muốn. Phụ nữ khi đã thích họ liều lĩnh đến cùng.
Rồi Loan đặt ấm chè xanh xuống đầu ghế, xoay lưng về phía tôi, nói nửa đùa nửa thật thăm dò:
- Hi…hi! Bộ đội giúp dân day cái huyệt vai tí nào! Suốt ngày đứng ở quày, đau cứng sau vai gáy.
Tôi như bị thôi miên, đang đứng trên sàn xe cầm cốc nước uống, tự nhiên thần người ra như bức tượng, định bước mà chân không nhấc lên được, lúng túng như một đứa trẻ. Mới hôm trước tôi vừa đọc được đâu đó câu Nam Cao giải thích về “nói nửa đùa nửa thật”: Nói nửa đùa nửa thật là muốn nói thật cái điều không tiện nói ra. Biết có điều đặc biệt đang đến, tim tôi bỗng đập rộn lên. Không làm chủ được mình nữa, tay tôi bị hút vào bờ vai của Loan. Loan mặc chiếc áo cổ tim phụ nữ hay mặc thời đó, cổ áo khoét rộng lộ ra bờ vai nõn nà, mềm mại như một cánh hoa. Vì đứng cao hơn Loan ngồi trên ghế, tôi nhìn thấy cả bộ ngực căng đầy khó có một người đàn ông nào cưỡng lại, nhất là trong hoàn cảnh quá “đặc biệt” này: Cả khu đồi rộng chỉ có tôi và Loan; Cổng xa phía dưới đường đã được khoá cẩn thận; chiếc xe đỗ giữa bãi trống bên nhà rất “đàng hoàng”; Sàn xe cao, xe lại đậu trên gò đất cao nên trên thùng xe 2 người dù có làm gì đi nữa thì cũng chỉ có bầu trời sao và vầng trăng vằng vặc nhìn thấy mà thôi. Có phải vì có một không gian, thời gian quá thuận lợi mà Loan táo bạo như nữ thần Tình yêu trong Thần thoại Hi Lạp khi đặt ra lời đề nghị tôi giúp nàng bấm mấy huyệt ở vai – cổ, nơi đó chỉ cách mấy ngọn thiên thai phía trước chưa đầy một gang tay nữa?
Nhích thêm nửa bước cho vừa tầm tay hơn, tôi như dính vào vai Loan, dưới cái cổ để trần với làn da mát rượi, bàn tay vụng về cứ để yên chẳng biết day, bấm chỗ nào. Người tôi rung lên, cổ họng khô khốc, mồ hôi túa ra, cảm giác như có một luồng điện làm tôi tê dại toàn thân thể…
Loan quay lại nhìn tôi, mắt đắm đuối, long lanh như hai vì sao sáng. Hàm răng và làn môi ướt hé cười:
- Chiến binh hay là con thỏ đấy!
Đằng đông trăng đã lên cao hơn, vượt hết tầm chắn của những ngọn cây cao nhất trồng dọc đường 46 và đám đất dưới chân đồi, ánh sáng vằng vặc soi rõ chiếc xe có buộc những cành lá nguỵ trang xung quanh và trên nóc ca-bin. Gió nồm lay khẽ những cành cây ở sườn đồi tạo nên một khung cảnh đẹp lạ lùng, yên tĩnh lạ lùng của miền trung du xứ Nghệ.
Như không thể kéo dài những phút chờ đợi căng thẳng nữa, Loan đứng phắt dậy, kéo tôi ngồi xuống ghế rồi ghì mái đầu thằng đàn ông khờ khạo vào ngực mình. Hai chiếc khuy bấm phía trên đã bung ra từ lúc nào, tôi như ngạt thở giữa bộ ngực trần hé mở của nàng. Trên đôi cánh thiên thần, cả người tôi như được nhấc bỗng, bay lên tầng mây xa tít. Loan nhũn ra như sợi bún, chuồi xuống sàn xe đã trải sẵn chiếc bạt mới sạch sẽ, vòng tay ôm chặt vai tôi kéo theo…Tôi không kịp phản ứng gì trước sự táo bạo khó lường của Loan, có thể bởi sự khát khao nhục thể cao độ, cũng có thể vì một lí do tinh thần khác. Trong cơn hứng tình mê mẩn, tôi cứ mặc cho Loan muốn làm gì thì làm. Nàng vừa đưa tay định cởi chiếc áo Đông xuân màu cỏ úa trên người tôi thì bỗng có tiếng động cơ như là của một chiếc máy bay AD6 bay từ hướng biển lên rồi mấy tiếng “bụp! bụp!”...phát ra giữa trời đêm, đồng thời xuất hiện những vệt khói – lửa dài: Máy bay địch thả pháo sáng!
Những chiếc đèn dù treo lơ lửng bên đường 34 gặp gió bay khá nhanh về hướng tây. Nghĩ là địch muốn đánh chặn hướng truông Bồn nhưng để an toàn, tôi giục Loan đi về phía chiếc hầm trú ẩn sau nhà còn mình thì nhảy lên ca bin nổ máy đánh xe ẩn vào rặng cây bên trái cửa hàng, vừa rất kín đáo, vừa khuất bên sườn đồi tránh bom rất tốt. (Tôi biết lái loại gats 63 nhờ sống gần tiểu đội xe vận tải của Trung đoàn lại thường xuyên đi lấy hàng với cánh lái xe. Trong những chuyến đi dài nhiều lúc tôi vẫn cầm lái thay cho tài xế những đoạn đường dễ). Che lại mấy cành nguỵ trang quanh xe cho kín đáo hơn, tôi quay lại chỗ Loan đang đứng cạnh chiếc hầm chữ A làm rất chắc chắn và rộng rãi đủ cho chị Luyến và Loan nằm trong đó những hôm máy bay Mĩ oanh tạc trong vùng. Thấy tôi đến, Loan vẫn cái giọng nhẹ nhàng tối nay thường nói với tôi:
- Bộ đội là phải, gan lì gớm! Anh không sợ máy bay à? Ta vào hầm đi!
- Chưa cần đâu! Cứ bình tĩnh quan sát vòng lượn của thằng AD6 để nắm được mục tiêu nó đang hướng tới là ta không phải sợ gì nữa!
Loan bỗng đổi giọng như là dỗi tôi mà rất ý tứ:
- Không sợ? Có mà anh lúc nào cũng sợ, cũng căn ke như một kĩ sư xây dựng làm móng nhà lúc nào cũng thấy chưa đủ vững.  
Rồi bỗng Loan bỏ tôi lại một mình bên hầm, đi thẳng vào trong cửa hàng, mặc cho tôi can ngăn, mặc cho mấy chiếc pháo sáng vẫn còn treo lơ lửng và tiếng máy bay vẫn ì ì vọng lại từ sau núi. Loan lịch kịch sửa soạn một lúc rồi dắt chiếc xe đạp nữ đèo một túi nhỏ phía sau ra khỏi cửa hàng gọi tôi:
- Anh Phương…Chú Phương! Loan cần về nhà. Nhờ anh trông giúp cửa hàng đêm nay, sáng mai chị Luyến đến. Mai Loan được nghỉ bù. Phải về…! Lúc đầu cũng định ở lại nhưng…thôi, chúng ta không có duyên gần nhau. Khoá cổng đây, anh cầm khi cần mà mở. Chào nhé!  
Và Loan không cho tôi hỏi gì thêm, đi xuống mở cổng ra đường. Trên bầu trời, mấy chiếc pháo sáng đã tắt, chỉ còn những vệt khói làm ánh trăng trở nên u ám, xám xịt. Chiếc máy bay bà già cũng đã bay đi không thấy quần đảo gì thêm.  Phía dưới đường, một tốp nam nữ dân quân được điều đi ứng cứu giao thông cũng vừa lúc đạp xe đi từng hai người một hướng xuôi xuống vùng núi Đụn. Tôi thấy yên tâm hơn khi Loan có tốp người ấy làm bạn đường. Nhìn đồng hồ, tôi thấy kim chỉ đúng 21 giờ.
Loan đi rồi tự nhiên tôi thấy trống vắng, một cảm giác có lỗi cứ ám ảnh tôi. Không! Tôi không làm gì cả! Nhưng có lẽ chính điều ấy cứ làm tôi day dứt. Tôi có phải là một thằng đàn ông chân chính? Chắc là tôi đã ngoan ngoãn vào hầm khi Loan nhắc, nếu bấy giờ không nghĩ đến bộ hồ sơ kết nạp đảng mới gửi chi bộ tuần trước.
Đoán chắc trong đêm không còn máy bay địch quấy phá nữa, tôi lùi xe chừng 20m trở lại vị trí ban đầu sát bên cửa hàng rồi leo lên sau thùng xe, ngồi đúng nơi ngồi ban nãy. Hương bồ kết Loan vừa gội đầu như vẫn còn phảng phất trên cái thùng xe trải bạt cho giấc ngủ đêm nay của tôi.
Và tôi suy nghĩ miên man…
Phải có lí do gì đấy, đặc biệt hơn chúng ta vẫn tưởng nhiều, một người phụ nữ đẹp như Loan, thông minh như Loan mới lẩn khuất nơi này, muốn trao mình cho một anh lính, nay đây mai đó, biết sống chết ngày nào? Nhà nàng ở đâu? Sao lại đột ngột về trong đêm. Vì giận tôi hay còn vì một lí do nào khác?


                                                        II.

          Sáng chủ nhật.
Ở vùng quê người ta ít phân biệt đầu hay cuối tuần, nhất là thời chiến tranh. Có khi cả tháng cứ lầm lũi đi làm, quên cả ngày tháng. Nhưng chị Luyến và Loan làm ở cửa hàng là “làm nhà nước” nên vẫn có những bữa chủ nhật thay nhau để nghỉ. Hơi lạ là sáng nay tưởng chị Luyến về nhà sẽ nghỉ luôn hết ngày, thì mới chừng 5 rưỡi sáng, tôi vừa kịp dậy thể dục và đánh răng rửa mặt xong đã thấy Hoà đèo chị xuất hiện đầu dốc dưới đường. Chị Luyến vừa mở khoá cánh cổng vừa gọi từ xa:
          - Loan ơi! Chị quên dặn nên phải sang sớm đây! Chuẩn bị gì ăn sáng đãi khách chưa?
          Tôi vội chạy xuống đỡ lời chị:
          - Chị Loan về nhà từ tối qua rồi chị ơi. Sau khi chị và Hoà về khoảng hơn một tiếng thì chị Loan cũng về, lúc máy bay thả pháo sáng vừa tắt ấy. Chị ở bên kia thấy máy bay thả đèn dù chứ?
          Chị Luyến có vẻ ngạc nhiên:
          - Ối cái con này, chiều qua đã hẹn sẽ ở lại để giúp chị việc này rồi mà. Chắc lại nhớ con bé quá nên về ôm đít nó rồi. Ừ, mà được ngày nghỉ…cũng tội nó!
          Rồi chị đi lên mở cửa bên của ngôi nhà, đi vào trong cửa hàng lấy ra một cái rá tre rồi đổ mớ củ Từ đã luộc sẵn đặt lên chiếc bàn thô sơ ngoài thềm gọi tôi và Hoà:
          - Chị có món tuyệt vời cho hai chú ăn sáng đây! Khoai Từ ngon lắm. Chị luộc cả đêm qua. Ăn thật no vào mà đi. Có khi tận trưa mới được ăn cơm quân khu, đói lắm đấy!
          Chúng tôi vừa ăn khoai Từ vừa nghe chị Luyến kể chuyện. Thằng bé con chị đã cắt sốt, chị yên tâm qua cửa hàng sắp xếp lại quầy để chuẩn bị cho thứ hai kiểm kê. Loan về chắc chốc nữa lại lên, đã hẹn với chị chủ nhật này hai chị em “lao động cộng sản” một bữa. Hai thằng chúng tôi chén gần hết cả rá khoai. Thời bao cấp, thời chiến tranh, sao người Việt mình ăn nhiều lương thực đến vậy: Lính lái xe như Hoà những tháng chiến dịch được cấp những 29 kí gạo.
Ăn xong, tôi và Hoà lên xe ngược đường 46 đến nơi sơ tán của Viện 4 hồi bấy giờ để nhận thuốc tây cho đơn vị. Chúng tôi tính với nhau không quay lại đường 46 nữa mà chạy tắt qua đường 15 về Nam Đàn để xuống mấy kho quân trang ở T50. Khoảng 10 giờ thì chúng tôi về đến Nam Yên. Cả tôi và Hoà bàng hoàng khi nhìn thấy một quang cảnh thật kinh khủng: hai xóm dân bên đường 46 đoạn qua Nam Yên tan hoang bởi một thảm B52 vừa rải đêm qua. Thảo nào khoảng giữa đêm vừa rồi, nằm trên chợ Cồn tôi cứ nghe tiếng ì ùng vọng lên kéo dài cả năm, sáu phút.
Mặt Hoà biến sắc khi nhận ra con đường đi vào T50 bị bom B52 băm nát, cây cối, nhà cửa đổ ngổn ngang, bùn dưới các ao cá tung lên lấp cả lối đi. Cậu ta thở hổn hển, nói giọng đứt quãng:
- Đêm qua tôi định đánh xe vào đường này đậu lại để anh em mình nghỉ qua đêm ở đây. Số mình chưa chết! Ối, nhưng mà anh ơi, không khéo tối qua chị Loan về đây thật rồi, nhà chị trong xóm.
Tôi lặng người. Cả hai chúng tôi vội tìm chỗ nép xe rồi nhảy xuống, chạy qua muôn thứ chướng ngại, hướng vào phía trong xóm. Hoà dẫn tôi chạy được chừng hơn trăm mét thì dừng lại trước một bờ tre xơ xác như có một lưỡi dao khổng lồ vừa chặt phá, phía bên kia, một hố bom to tướng đã thay vào chỗ mà trước đó, theo Hoà, là ngôi nhà của bà cháu, mẹ con Loan. Thấy có 2 anh bộ đội đến, một tốp dân quân kéo lại nói cho chúng tôi biết nhà Loan đã trúng bom như thế nào. Cả tôi và Hoà gần như nghẹt thở khi nghe họ cho hay: cả Loan cùng bà mẹ chồng và đứa con nhỏ đang nằm ngoài sân kho hợp tác, nơi xã tạm dùng làm chỗ đặt xác của tất cả bà con xấu số bị sát hại trong trận bom đêm qua để đầu chiều đưa ra nghĩa trang.
Chúng tôi chạy đến sân kho, một cảnh tượng thật kinh hoàng mà chỉ trong chiến tranh mới có: Mấy chục xác người nằm la liệt quanh cái sân kho hợp tác, người đã liệm trong quan tài, người đang đắp chiếu chờ áo quan chưa mua về kịp. Tiếng kêu khóc dậy cả một vùng thôn quê nghe thật não nùng, ai oán. Hai nữ dân quân dẫn tôi và Hoà đến phía góc sân chỉ 3 chiếc quan tài không sơn, 2 to, một nhỏ nói trong nước mắt: “đây hai anh! Chị Loan, mẹ chồng và con gái chị đó…” Hàm răng nghiến chặt nhưng tôi đã bật khóc theo Hoà. Hai vai rung lên, tự nhiên tôi kêu  thành tiếng nghẹn ngào: “Loan…ơi…! Vì tôi mà em chê…ết…” Không ai hiểu gì. Cả Hoà cũng không hiểu gì. Nhưng trong giờ phút mà lòng căm thù giặc đang dâng lên cao độ, chẳng ai chú ý...
Tôi và Hoà ở lại tận hai giờ chiều để đưa Loan và những bà con xấu số ra nghĩa trang. Vậy là từ đây, hàng năm ở Xuân Hoà (Nam Yên trước đây) có ngày giỗ chung của những người dân lành đã chết một cách đau thương trong cái đêm bi thảm ấy. Xong việc tang chúng tôi mới loay hoay vào cục hậu cần Quân khu xin lại lệnh cấp quân trang mới vì cái kho định đến đã bị B52 địch xoá sổ. Chừng 16 giờ hôm đó chúng tôi mới làm xong mọi việc để lên đường trở về Quảng Bình. Tính là xe chạy đêm cũng không đáng sợ nhiều, Hoà bàn với tôi cứ theo đường gần hơn mà đi. Chúng tôi đã đi theo đường 1 và may mắn không vấp phải một cản trở nào. Gần suốt cả một đêm để chạy về bên kia Đèo Ngang, Hoà có đủ thời gian để kể hết cho tôi nghe về người chị họ rất gần gũi với cậu ta, trong niềm tiếc thương vô hạn.
                                                  *
                                                      *    *
Loan là con gái lớn của một gia đình “Địa chủ nghèo” bên đất Hà Tĩnh. Cải cách ruộng đất, bố Loan bị qui là “thành phần phản động” nên sau đó ông đã đưa cả nhà chạy sang đất Thanh Chương sinh sống ở một cái làng mom sông cách chợ Cồn vài ba cây số để tránh sự kì thị của dân quê nơi chôn rau cắt rốn. Gọi là “Địa chủ nghèo” vì thực ra ông nội Loan cũng chẳng có gì nhiều ngoài cái tước “Quan Hàn” được triều đình Nhà Nguyễn sắc phong thời trước cách mạng. Ông bị giam rồi chết vì bệnh tật ở một trại cải tạo trên núi Hồng Lĩnh. Còn bố Loan được coi là “phản động” vì ông từng làm thông ngôn cho chính quyền thực dân Pháp. Hồi cải cách, Loan mới chỉ là cô bé con chưa biết gì, bố mẹ mang đi đâu thì đi đó. Bên bờ sông Lam, cô hồn nhiên lớn lên như cây cỏ. Sẵn tư chất thông minh lại được người bố giỏi về Tây học kèm cặp, Loan học môn gì cũng giỏi, dù là tự nhiên hay xã hội.
Đặc biệt, nhờ có nguồn nước sông Lam trong lành của miền trung du, Loan có nước da trắng mịn, mái tóc óng ả buông dài. Mười bảy tuổi, cô đẹp như một ánh trăng rằm, đẹp nổi tiếng cả vùng. Những chàng trai “có máu mặt” bắt đầu để ý đến người con gái tài sắc này, chỉ trừ cái lí lịch là hơi ngần ngại.
Loan tốt nghiệp phổ thông với một thành tích đáng nể. Cô “thừa điểm” để được chọn đi học nước ngoài. Dĩ nhiên, người như Loan hồi đó không thể qua được “cửa ải chính quyền”, cô bị hạ xuống hai bậc trên các nấc thang tuyển sinh (1 bậc là không được đi nước ngoài, một bậc nữa là không được vào đại học). Người ta vớt vát cho cô đi học Văn – Sử ở trường Sư phạm “Mười cộng ba” miền núi. Mới đến trường chân ướt chân ráo, nghe theo tiếng gọi cứu nước, Loan xung phong nhập ngũ, cùng rất nhiều bạn bè trang lứa đi ra tiền tuyến, trở thành một nữ quân nhân thực thụ. Là một cô gái xinh đẹp lại múa giỏi và ngâm thơ rất hay, Loan được điều về đoàn văn công Trung đoàn (hồi đó gọi là Đội tuyên truyền văn hoá). Vừa làm công tác văn hoá, vừa phục vụ chiến đấu, chẳng mấy chốc Loan trở thành ngôi sao sáng lung linh giữa cơ quan E bộ. Một cô gái đẹp và giỏi giang như Loan làm sao không có người để ý. Cô dính chuyện yêu đương với thiếu uý Tường, trợ lí văn hoá, đang phụ trách Văn công Trung đoàn, một sĩ quan trẻ, học gần xong Đại học tổng hợp thì nhập ngũ. Hồi bấy giờ, đấy là chuyện cấm kị trong quân đội. Nhưng mối tình của hai người đắm say như Rô-mê-ô và Juy-li-et nên dẫn đến bi kịch cũng là điều dễ hiểu.
Một hôm, sau mấy ngày đi phục vụ một đơn vị chiến đấu ra mặt trận, Loan và Tường trở về nơi ban chỉ huy Trung đoàn đóng trong một khu rừng của miền tây Quảng Bình. Họ đang hôn nhau bên bờ suối thì bị tham mưu trưởng Trung đoàn bắt gặp. Ông là một đại uý đã qua trận mạc nhiều, chỉ học lớp 5 nhưng đánh trận rất giỏi, đặc biệt nóng tính và nghiêm nghị. Vậy là đôi uyên ương kia không thoát được vòng kỉ luật: Tường thôi làm trợ lí ở Trung đoàn, được điều về một tiểu đoàn đang tham chiến ở mặt trận phía tây; Loan được trả về địa phương với một vết đen thêm vào trong lí lịch. Nhưng tình yêu của họ là một tình yêu đẹp. Loan chờ đợi. Hơn một năm sau, Tường về quê Nam Đàn, lên Thanh Chương tìm Loan và hai người tổ chức đám cưới. Mấy ngày sống bên nhau hiếm hoi ấy đã để lại cho họ một cô con gái nhưng thương thay, không biết có phải bố nó dính chất độc trong chuyến đi C không, cháu bị tật bẩm sinh. Khi cháu mới vừa 3 tháng tuổi, Loan nhận giấy báo Tường hi sinh ở Mặt trận Nam Lào, khi anh đang là một phóng viên Mặt trận đầy hứa hẹn.
Mất chồng – người đàn ông mà theo Loan, “không dễ gì gặp trong cõi đời này”, người phụ nữ quá nhiều bất hạnh tưởng như không thể gượng lên được nữa. Tường điển trai, hào hoa, thông minh mà mạnh mẽ vô cùng. Loan thường nói với Hoà, chị ghét nhất loại đàn ông èo ợt, chẳng dám quyết một điều gì cho ra dáng đàn ông. Yêu cũng còn ngó nghiêng xem chi bộ có ý kiến gì không!
Nghe Hoà kể, tự nhiên tôi thấy hổ thẹn với mình: Đêm qua, khi bảo Loan chưa cần vào hầm mà đứng ngoài quan sát vòng lượn của chiếc AD6, thật ra đấy là lúc tôi nghĩ đến bộ hồ sơ vào đảng mới gửi cho cấp uỷ. Và tôi đoán chắc, Tường là mẫu thanh niên rất bản lĩnh, kiểu người có tư tưởng phá cách mạnh mẽ đã làm Loan yêu say đắm và không sao quên được. Có thể đây là sự giải mã cho việc đêm qua Loan đã bỏ về khi thấy tôi cứ lừng chừng, quanh quẩn với mấy cái đèn dù và chiếc máy bay.      
Trải qua một ngày làm việc cật lực mà Hoà vẫn không hề mệt mỏi. Cậu ta như muốn giải bày với tôi hộ cho Loan để vơi bớt nỗi buồn về cái chết của người chị họ. Khi bố Loan đưa vợ con từ Hà Tĩnh sang Thanh Chương sinh sống, ông kéo theo cả người em ruột là bố Hoà cùng đi. Hai chị em Loan và Hoà gần tuổi lại chơi thân với nhau từ nhỏ, không có chuyện gì mà Loan không nói với cậu em trai con chú này. Xe đi qua mấy vùng trọng điểm, chạy êm hơn trên một quãng đường bằng. Giọng Hoà như đỡ buồn hơn khi quay sang hỏi tôi:
- Tháng trước đã có lần ta đi qua chợ Cồn về dưới T50 và chị Loan đi nhờ xe xuống Nam Yên. Không biết anh còn nhớ không chứ chị Loan thì lại rất ấn tượng với chuyến đi đó. Chẳng dấu gì anh, tuần trước tôi cũng vừa mới qua chợ Cồn và nghỉ lại đó một đêm, chị Loan đã hỏi về anh rất kĩ. Chị ấy bảo: Sao anh giống anh Tường quá, cũng là sinh viên đại học vào lính, cũng có tên với vần “ương” ở cuối chắc “ương” lắm đây! Chỉ ngồi xe một đoạn từ chợ Cồn xuống trạm 50 mà chị mê anh thật đấy.
Tôi hỏi Hoà với một giọng nghiêm chỉnh:
- Hoá ra chị em ông định cài bẫy tôi?
Hoà cự lại:
- Anh nói thế thì lại hơi coi thường chúng tôi đấy. Đừng tưởng chị Loan là gái goá nên muốn tìm trai nhá. Tết vừa rồi có tay bí thư huyện chết vợ muốn “đặt vấn đề” chị gạt bay đấy. Bao nhiêu đàn ông đến vo ve, chị coi như bọt biển. Từ ngày chồng mất, chị như cái tượng gỗ, một mình lo cho mẹ chồng và đứa con gái không ngó ngàng gì bên ngoài đã gần 4 năm nay. Đàn ông không dễ gì gần chị đâu. Có thể từ ngày gặp anh, tuổi xuân, bản năng con gái trong chị mới sống lại. Điều đó ở đàn bà nhiều khi cũng không sao hiểu được. Chỉ biết, có lần chị tâm sự với tôi: “Con người ta hơn nhau ở cái tâm hồn Hoà ạ! Từ ngày mất anh Tường chị chỉ gặp những thằng đàn ông nhạt thếch và hợm hĩnh. Chị mà gặp lại được một người như anh ấy, không lấy nhau cũng được, chị sẽ kiếm thằng con trai để rồi sống với nó lúc về già”. Tôi thương chị quá! Xin lỗi, thấy chị thích anh, tôi cứ muốn để chị được gần anh thêm...Biết đâu, đó là sự sắp đặt của chúa.
   ...
Càng nghe Hoà nói tôi càng như người tỉnh dần cơn mê, nhớ lại tất cả những gì diễn ra đêm qua giữa tôi và Loan trên cồn đất cao tắm đầy ánh trăng huyền diệu. Nhưng là trăng 17, nghĩa là gần như trăng rằm. Mà lại là trăng của tháng đầu thu, tức tháng 7 – Rằm tháng 7! Người xứ tôi nói là thiêng lắm.
Trong tiếng gió vi vu qua cửa xe, tôi như nghe có giọng thì thào của Loan: Em tưởng đã gặp được anh – Người trong mộng. Đâu biết anh cũng chỉ là một đảng viên tốt mà thôi – có lẽ vậy! Nếu biết lí lịch Nguyễn Thanh Loan chắc rồi anh cũng lảng ra. Anh là Bộ đội Cụ Hồ nhưng chưa phải là một Người Đàn Ông đích thực mà em tìm kiếm./.
                                                                          Đầu Đông 2019 
                                                                           NTN           


Tác giả Nguyễn Trung Ngọc










   

2 tháng 11, 2019

Có một đại đội quân giải phóng như thế


(Kính tặng C20-F341)
Nguyễn Trung Ngọc

Là một CCB kinh qua chiến tranh, hành quân đi khá xa, “vào sinh ra tử” cũng từng, có lẽ tôi đủ kinh nghiệm để nhìn thấy sự oai hùng của một cá nhân nào đấy, đơn vị nào đấy. Ví như, khi đến thăm thành cổ Quảng Trị, cả những chiến binh từng qua trăm trận đánh cũng không thể không nghiêng mình kính nể những chiến sĩ đã trải qua 81 ngày đêm khốc liệt ở cái “chảo lửa” giữa mùa hè cháy bỏng của chiến trường này. Phải nói thật rằng, nếu xét về chiến công, Mặt trận Miền Nam trong cuộc chiến trước 1975, có rất nhiều những con người và đơn vị anh hùng mà sử sách đến nay vẫn còn thiếu sót chưa ghi hết được. Họ lớn hơn chúng ta!
Nhưng ở đây, tôi không nói về những chiến công vang dội, những chiến tích lẫy lừng của một thời khói lửa, tôi muốn nói đến cái “thầm lặng”, cái lắng sâu, đầy chất nhân văn của một đại đội Quân Giải Phóng còn rất “hùng mạnh” của thời hậu chiến.
Từ khoảng đầu năm ngoái (2018), tôi được người bạn thân Hà Tùng Sơn cho hay đơn vị cũ của Sơn đang định làm một cuộc Về Nguồn thật ý nghĩa. Đồng thời với việc ấy là ra một cuốn sách ghi dấu một thời đã sống mà rất đáng nhớ. Tôi động viên Sơn ngay: “Hay quá, nhưng cái này khó là ở khâu tổ chức. Cần phải có người biết “xắn tay áo”, nếu không chỉ dừng ở một nghị quyết đẹp mà thôi!”. Sơn nói rất hăng: “Bọn tớ có đủ “lực lượng vật chất” rồi: Phạm Thanh Tùng ở Huế bảo đã hòm hòm để ra được một cuốn sách “nội bộ”; Vợ chồng Hoàng Tấn Quả ở Đồng Hới nhiệt liệt tán thành; Lê Tự Hiểu ở Vũng Tàu có vợ nối tay thêm cũng đã lên tiếng sẵn sàng lo liệu…Bài vở kêu gọi gửi thêm sẽ ổn.”
Và họ làm được thật. Tôi cảm nhận ngay những người như Phạm Thanh Tùng, Hoàng Tấn Quả…là con người của công việc, họ nói là làm, không phải chỉ ngồi ở văn phòng tuyên giáo. Cuộc hội ngộ Hạ Tran là sự nối dài truyền thống của một đơn vị quân chủ lực đã để lại trong lòng dân những tình cảm đẹp đẽ về một đội quân cách mạng. Nói chính xác hơn, Những cựu chiến binh C20 dù đã “gác kiếm, rửa tay” vẫn làm nên “chiến công” thầm lặng, tạo nên những giá trị chân chính của cuộc sống hôm nay mà “có đốt đuốc đi tìm cũng khó tìm thấy được” (Lời tự hào chính đáng của Phạm Thanh Tùng, người đã có công lớn trong cuộc Về nguồn Hạ Tran – Lệ Thuỷ).
Tôi cứ hình dung, nếu mỗi đại đội của Quân đội nhân dân Việt Nam đều làm được như C20 – F341 thì cả nước ta đã có một “Ngày hội quân dân” lớn biết chừng nào…và cũng ý nghĩa biết chừng nào!
Chắc chắn rằng, nếu không có cuộc hội ngộ Hạ Tran 12 – 2018 và sự ra mắt của cuốn “Từ dòng Kiến Giang đến dinh Độc Lập”, những Cựu chiến binh của C20 và cả bạn bè đã nghèo đi khá nhiều đời sống tinh thần của họ. Tôi nghĩ vậy khi tôi suy từ mình: Nhờ có sự giao lưu với C20 mà trực tiếp là trang “Đồng đội cùng đơn vị trinh sát C20, F341” tôi gặp lại rất nhiều đồng đội cũ, những sinh viên của Đại học sư phạm Vinh đã cùng tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 9-1972. Bọn lính – sinh viên chúng tôi đã từng chung sách bút nơi giảng đường đại học rồi cùng nhau ra trận trong thời kì đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Tôi nhớ ngày huấn luyện với nhau ở Nghĩa Đàn, hai thằng khoẻ nhất tiểu đội là Đỗ Xuân Ngôn và Lê Quang Phương cứ vật nhau huỳnh huỵch mà không bên nào thắng được. Rồi Ngôn nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn – Xuân Lộc khi chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc chiến tranh. Tìm về quê Ngôn để thắp hương cho bạn, nhìn bức ảnh trên bàn thờ: Ngôn mặc bộ lễ phục của lính mà cái hiệu ảnh ở Tuần hồi đó đã sắm để “câu” chụp ảnh bọn tân binh chúng tôi, mấy thằng tôi cũng từng mặc, cả tôi, cả Phương, cả Hà Tùng Sơn và Lê Sơn đã không sao cầm nước mắt. Nghĩa tình đồng đội quả còn sâu hơn biển cả!
Cùng một mái trường, thậm chí là cùng khoa với nhau nhưng thực tình lính sinh viên Đại học Vinh chúng tôi hết chiến tranh về trường học tiếp rồi mỗi đứa một phương bươn bả mưu sinh nào có biết gì về nhau nữa. Nhờ có “Đồng đội cùng đơn vị trinh sát sư 341” (Trang Facebook của CCB C20), nhờ có chuyến Về nguồn ở Hạ Tran tôi gặp lại Nguyễn Quang Ngọc, người đồng đội cũ, người bạn làm báo có tư duy góc cạnh đáng quý biết chừng nào! Những trang viết của anh về “Xá lị Hạ Tran”, về “Bông lúa” vùng Lệ Thuỷ giúp tôi hiểu thêm nhiều đồng đội mình trong và sau khi đánh giặc.
Cũng nhờ trang “Đồng đội…” tôi nhớ lại và kết giao với Phạm Thanh Tùng, người đồng đội học trước tôi một lớp, mấy chục năm nay là cây bút viết báo đầy tâm huyết, không mệt mỏi đấu tranh cho một nền tự do dân chủ thực sự. Người đàn ông gốc Huế ấy có thêm những năm tháng tuổi thơ lớn lên nơi Xứ Nghệ khó nghèo, rèn đúc cho anh một nghị lực phi thường để đứng vững trong hoàn cảnh éo le mà không phải ai cũng làm được. Đọc một bài viết gần đây của ai đó trên trang "Đồng đội...", thoạt đầu tôi tưởng tác giả viết nhầm, sau mới hiểu thêm một chữ mới gắn với những năm tháng đã “xế chiều” của Thanh Tùng: “Trở vợ”. (Vợ Tùng bị liệt, nằm một nơi đã mấy năm nay, thỉnh thoảng Tùng phải trở tư thế nằm của vợ).
Tôi cũng từng “ngẩn ngơ” trước những bài viết của Hoàng Tấn Quả, của Nguyễn Hoà Hương – vợ anh, và của con gái Ngọc Hà của anh nữa trên trang “Đồng đội…” Không chỉ mình tôi khâm phục những nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng Hương – Quả đối với đồng đội, với đồng bào Hạ Tran, nơi anh đóng quân cách đây đã non nửa thế kỉ. Vợ chồng anh là những người chung thuỷ, cả với nhau và cả với bạn bè, đồng bào, đồng chí. Cả nhà chung tay lo cho cuộc về Hạ Tran sau chuyến hội ngộ để khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân nơi đó là một việc làm “vĩ đại”, tôi nghĩ thế!
Cuộc “Về nguồn” ở Hạ Tran 2018 có một sức lan toả thật sâu rộng. Để thực hiện chương trình này, trước đó Hà Tùng Sơn đã từ Sài Gòn bay ra rủ tôi cùng đi thăm anh Trần Quốc tế ở Trung tâm điều dưỡng Thương binh nặng tỉnh Nghệ An, người “thủ trưởng” cũ bị liệt nửa người vì trúng đạn ở cột sống. Từ đó, mấy năm nay vợ chồng tôi vẫn thường tới thăm anh. Quả thật, gặp những người thiệt thòi là thế mà vẫn rất lạc quan, tôi cứ ngẫm nghĩ phải làm sao để “máu của anh chị, của chúng ta không uổng”... Rồi vợ chồng Hoàng Tấn Quả, Lương Hữu Tiến, đồng đội Thanh Hoá…từ những nơi xa xôi đã đến dang vòng tay ôm chặt người thương binh đặc biệt này.
Cũng đi cùng Hà Tùng Sơn, tôi đã lên Hương Sơn thăm anh Lê Trần Quí. Tôi biết thêm người Đại đội trưởng của C20 “có tâm, có tài” này. Ngoài 70, người chỉ huy bộ đội tinh nhuệ năm xưa vẫn đau đáu dõi theo thế sự. Tôi rất nể khi thấy anh bình trên facebook với một chiến sĩ cũ của mình (LQP):
- Em nhớ ngày trước, khi anh Lợi cất tiếng hát “Ôi xương tan máu rơi/ Lòng hận thù ngất trời…” Anh giục bọn em: “Hát đi bay!”. Bây giờ lũ khốn nạn chúng moi hết tiền dân ta, ngoài khơi giặc vào chiếm biển đảo ta, có căm thù không anh?
- Căm thù! Căm thù! Căm Thù…!
Nghĩ mà thương anh.
Tôi biết cả anh Hồ Thoan ở Đà Lạt xa xôi, người chính trị viên một thời của đại đội, giờ phải chăm người vợ tai biến, trăm bề cực khổ. Vậy mà, đồng đội – chiến sĩ cũ đến nhà, không đãi được bữa cơm, anh theo về tận khách sạn nơi đồng đội ở trao một phong bì bảo rằng “em không cầm, anh không đành lòng được!” (chuyện HTS kể cho tôi). Ai bảo những chuyện thế này là nhỏ? Cái “nhỏ” ấy là của một tình cảm không nhỏ, từ một nhân cách không nhỏ đấy. Tôi nghe chuyện mà cứ cay cay nơi khoé mắt. Chắc người chỉ huy ấy cứ nhớ về hồi chiến sĩ của mình thiếu thốn đủ bề, có khi vi phạm kỉ luật phải nhổ cả một bụi sắn của dân.
Sức mạnh tinh thần của sự kiện Hạ Tran - C20 không chỉ dừng lại trong nội bộ đơn vị mà nó còn tác động đến bạn bè, đến “đồng bào” mạnh mẽ. Tôi chỉ nói đến một trường hợp thôi chắc cũng đủ để các bạn thấy được điều đó. Tôi gọi đây là “Người phụ nữ kì lạ”. Người phụ nữ này có tên gắn với một vùng đất đầy chiến công của “gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn” – Ngư Thuỷ. Không có “dây mơ rễ má” gì với C20, “chỉ có sơ sơ tấm tình bè bạn” mà Ngư Thuỷ nôn nao chờ đón “Ngày trở lại” của C20 như chờ đón người nhà đi xa trở về, cùng mấy trò yêu, với lẵng hoa rất đẹp. Cái gì dính với C20 là Cô giáo về hưu này nâng niu, trân quí. Một mình cô ra tận Đoàn điều dưỡng thương binh nặng ở Nghệ an thăm anh Trần Quốc Tế; Một mình cô trong đêm đi xe máy từ Hoàn Lão vào sân bay Đồng Hới tìm đón người bạn mới chưa hề biết mặt để kết lại với nhau thành đội khách đến chúc mừng các anh Cựu chiến binh C20 từng đóng quân trên đất quê mình, nghe cứ như là trong truyện cổ tích. Rồi cô giáo về hưu có tâm hồn rất trẻ này theo suốt mấy ngày C20 “hội quân” với tất cả nhiệt tình. Có lẽ nhân dân Hạ Tran cũng không hiểu người phụ nữ ấy là ai nữa. Lính trinh sát năm xưa làm gì có nữ? Cảm thông sâu sắc với các anh gặp hoàn cảnh éo le, cô tặng quà cho người “trở vợ”. Cảm phục tấm lòng của gia đình Hoàng Tấn Quả, cô chung tay để mọi việc suôn sẻ hơn. Lần thứ 2 về Hạ Tran, trong chiếc áo blu trắng nhiều người tưởng cô là bác sĩ…
Còn nhiều và nhiều lắm...
Ai theo dõi chuyến Về Nguồn Hạ Tran mà không cảm kích khi nhìn Lê Quang Phương một mình nhảy xe đò để mang bằng được mấy cây bưởi “tiến vua” làm quà mang từ Thọ Xuân vào trồng ở khoảnh đất Nhà văn hoá bên bờ Kiến Giang, nơi năm xưa đơn vị vẫn ngày ngày đến đây tập hợp. Anh cũng chính là tác giả viết bài “Mẹ của chúng tôi” nói về Mẹ Tòng của đất Hạ Tran mà khi đọc không ít người đã rơi nước mắt vì nhớ Mẹ.
Ai lại không nhớ Vợ Chồng Lương Hữu Tiến từ Hà Nội vòng xe khắp nơi đưa đón và ghé thăm từng gia đình đồng đội. Anh như một lái xe cần mẫn, trách nhiệm không ai bì được, chỉ khác là không thu tiền khách!!!

Tôi đọc, tôi xem, tôi quan sát từ xa…không thể không nghiêng mình trước những Con Người đã làm nên một cuộc Về Nguồn đẹp và nhân văn đến thế.
Người Đaghextan (Liên Xô cũ) có câu châm ngôn này: “Nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn ta bằng đại bác”. Tôi nghĩ, Cựu chiến binh C20 F341 đã làm sống lại một thời kì đã qua, thời các anh đã sống và chiến đấu trong tình thương yêu nồng ấm của nhân dân Hạ Tran, Lệ Thuỷ. Những chiến sĩ với cốt cách đầy chất nhân văn ấy không có lí gì lại không viết tiếp những trang sử rất đẹp của thời kì mới cho một tương lai tốt đẹp. Dù nhiều thứ có đổi thay nhưng cái mãi còn ấy là chúng ta luôn biết VÌ NHÂN DÂN VÀ CHÍNH NGHĨA – VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH!
Đầu đông 2019
NTN

Tác giả Nguyễn Trung Ngọc (2 phải sang) cùng Quang Ngọc Nguyễn, HTS, Phuong le Quang lên thăm lại căn cứ địa Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn 12/2018.