30 tháng 5, 2018

Thời tôi đi học


Vài tuần nay tôi được sếp cử đi dự khá nhiều Lễ tổng kết năm học của các trường THPT trên địa bàn thành phố. Phải nói là ngày nay các buổi tổng kết năm học so với hồi chúng tôi đi học thật hoành tráng và… vĩ đại. 
Mở đầu thường là màn ca múa nhạc với các tiết mục nhảy hiện đại và bốc lửa của các nữ sinh, tiếp đến các bài phát biểu. Được cái hay là ở TP. HCM, các bài phát biểu dù của chủ nhà hay khách quý cũng đều rất ngắn, không tràng giang đại hải các số liệu và những câu chữ vô bổ khiến người nghe ngáp dài. 
Sôi nổi nhất là màn phát thưởng.
Ôi chao sao mà trường nào cũng nhiều giải thưởng đến thế. Phát thưởng cả tiếng vẫn chưa hết. Có đủ các loại giải thưởng. Từ rèn luyện TDTT, thi tuyển cấp TP, cấp quận, cấp trường. Phát thưởng bao gồm phần thưởng hiện vật như ba lô, tập vở, tiền kèm theo. Tôi nhìn và nghe đã phát khiếp. Có trường như ở PN, tổng số tiền và phần thưởng cho học sinh lên tới 650 triệu đồng do hội cha mẹ hs đóng góp. Và nhiều nhất là giấy khen. Nhiều như bươm bướm. 
Đi học bây giờ gần như ai cũng có giấy khen và dịp gì cũng có giấy khen nên giấy khen mất giá và mất luôn ý nghĩa. Các em hs cầm giấy khen về nhà cha mẹ cũng chả buồn xem vì có nó là hiển nhiên. Rồi các em cũng bỏ xó luôn cái giấy khen ở đâu đó. 
Tôi ngồi dưới nhìn lên sân khấu thấy các em xếp hàng nhận giấy khen rồi nhớ lại thời tôi đi học. Hồi đó mỗi lớp may lắm chỉ có vài ba bạn được nhận giấy khen vào cuối mỗi năm học. Vì thế rất tự hào. Giấy khen nhận về cha mẹ cũng rất hãnh diện đem treo ngay phòng khách cho cả làng biết. Cũng đúng thôi vì mấy ai có đâu ngoài con mình.
Như tôi suốt cả 10 năm đi học phổ thông không biết đến cái giấy khen là gì. Hồi đó mỗi lần tổng kết, nhìn vài ba bạn trong lớp được nhận giấy khen mà phát thèm. Bây giờ thì ở mỗi lễ tổng kết, học sinh giỏi nhiều đến 90%, học sinh tiên tiến là bộ phận hs còn lại. Hạng tiên tiến, thậm chí là hạng giỏi miễn xưng danh luôn vì quá nhiều không có thì giờ nhưng về lớp vẫn có phát giấy khen. Rồi các bé học xong mẫu giáo, các cháu tốt nghiệp cấp 2, các em học xong cấp 3 cũng mặc lễ phục áo thụng lùng thùng như sinh viên đại học tốt nghiệp thành tân khoa. Nhìn hổng giống ai nhưng nó lại đánh vào thói háo danh và niềm tự hào vô lí của cha mẹ, ông bà. Học xong bậc mầm non, còn cả 12 năm phổ thông dằng dặc ở phía trước đã gọi là tốt nghiệp. Thiệt tình tôi không hiểu nổi. Căn bệnh hoang tưởng của trẻ con và không ít người lớn ra đời từ đây chứ đâu. 
Cái gì nhiều quá thì mất giá, kể cả danh hiệu hs giỏi và cái giấy khen.

 Hồi học phổ thông không biết cái giấy khen là gì nhưng nay đi dự lễ tổng kết phát giấy khen mỏi tay.