22 tháng 12, 2023

PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG TẠI CUỘC GẶP MẶT CCB C20 TRINH SÁT SƯ ĐOÀN 341 LẦN THỨ 3, VINH, 17 – 12 - 2022

 Thưa các vị khách quý

Thưa các đồng đội CCB trinh sát Sư đoàn 341

Cách đây tròn nửa thế kỉ, vào ngày 23 – 11 - 1972, Sư đoàn BB 341(F341) được ra đời trên đất Nam Đàn, Nghệ An. Cũng thời điểm đó, đại đội trinh sát C20 của Sư đoàn được thành lập. Vào thời điểm tháng 12 - 1972, rất nhiều đồng đội của chúng ta có mặt hôm nay đã trở thành những người lính đầu tiên của C20 và cũng là những người lính đầu tiên của Sư đoàn 341. Đó là một điều rất đáng tự hào.

Hôm nay, tại TP Vinh tỉnh Nghệ An, mảnh đất đã ra đời Sư đoàn 341 và ra đời C20, chúng ta hội tụ về đây để gặp mặt đồng đội CCB trinh sát sư đoàn lần thứ 3 và cũng là để kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn 341; kỉ niệm 50 năm ngày ra đời đại đội trinh sát C20 của Sư đoàn.

Thay mặt ban tổ chức, tôi nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị khách quý và tất cả anh em đồng đội CCB chúng ta.


Thưa các đồng đội

Để đến được với cuộc gặp gỡ nhiều ý nghĩa này, các đồng đội của chúng ta đã phải vượt qua nhiều trở ngại về sức khỏe, về khó khăn tài chính, về không gian và thời gian, về cả những mặc cảm tâm lí đời thường trong cuộc sống... Nhưng với phẩm chất cao quý của những người lính trinh sát sư đoàn, chúng ta đã có mặt tại đây hôm nay. Điều đó thật đáng để vui mừng.

Nhiều đồng đội của chúng ta vì nhiều lí do, chủ yếu là lí do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, đã không đến được với cuộc gặp gỡ này. Đó là một điều rất đáng tiếc.

Tuy nhiên từ Hội trường này, từ TP Vinh thân yêu, chúng ta vẫn nhớ và xin được gửi lời thăm hỏi ân cần đến các đồng đội từng là chỉ huy của C20:

- Trung úy Lê Minh Hiếu, nguyên C trưởng C20, hiện sống ở TP Đà Nẵng

- Trung úy Nguyễn Lê Hợi, nguyên Chính trị viên C20, hiện sống ở TP HCM

- Đại tá Hồ Văn Thoan, nguyên thiếu úy Chính trị viên phó C20, hiện sống ở TP Đà Lạt

- Anh Trần Quốc Tế, nguyên Chuẩn úy, B trưởng B2 C20, thương binh nặng hạng ¼ đang điều dưỡng suốt đời tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.

Cùng các anh khác trong BCH C20 và rất nhiều CCB đang sống trên mọi miền đất nước. Chúc các đồng đội vui khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Thưa các đồng đội

Từ cuộc gặp gỡ Quảng Bình lần thứ nhất năm 2018 đến cuộc gặp gỡ lần thứ 2 Thanh Hóa 2019 và hôm nay, năm 2022 là cuộc gặp gỡ lần thứ 3, những CCB trinh sát Sư đoàn 341 vẫn luôn nhớ về những người đồng đội của chúng ta đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mĩ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt bè lũ diệt chủng Polpot. Họ đã thành liệt sĩ và mãi mãi nằm lại ở các NTLS trên đất miền Đông Nam Bộ như NTLS Long Khánh, NTLS Trảng Bom, NTLS Biên Hòa, NTLS Tây Ninh, NTLS Long An... với mãi mãi tuổi 20.

Nhiều đồng đội của chúng ta chết mà chưa được một lần biết hơi ấm bàn tay con gái.

Nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong trường ca “Đất nước hình tia chớp”:

Thế hệ chúng con đi như gió thổi

Quân phục xanh đồng sắc với chân trời

Chưa kịp yêu một người con gái

Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai...

Ngày nay, nếu có dịp đến viếng đồng đội ở các NTLS Trảng Bom, Long Khánh, Biên Hòa... chúng ta sẽ tận mắt thấy bạt ngàn những ngôi mộ Liệt sĩ ngay hàng thẳng lối như trong một cuộc duyệt binh vĩnh cửu mà ở đó có hàng nghìn những mộ chí có cùng chung một dòng chữ: Đơn vị khi hi sinh: F341.

Những người đồng đội của chúng ta đã trả giá rất đắt để có được cuộc sống hòa bình của đất nước hôm nay. Họ đã anh dũng ngã xuống ở cửa ngõ phía Đông TP Sài Gòn khi mà giờ phút kết thúc của cuộc chiến tranh chống Mĩ chỉ còn tính bằng ngày.

Là những người lính, chúng ta không bao giờ quên điều đó.

Sau 2 cuộc chiến tranh trên, khi may mắn thoát chết để xuất ngũ trở về với cuộc sống bình thường, nhiều đồng đội của chúng ta cũng đã qua đời vì sức khỏe, bệnh tật và tai nạn...

Từ thẳm sâu trong tâm khảm, chúng ta không bao giờ lãng quên những người đồng đội của mình.



Thưa các đồng đội

Là những người lính từng đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, những CCB trinh sát Sư đoàn 341 không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của thời trai trẻ.

Chúng ta không bao giờ quên những trận đánh lớn của Sư đoàn 341 mà chính chúng ta đã tham gia với vai trò là những người lính trinh sát sư đoàn, những người lính “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, “mình đồng da sắt”.

Chúng ta đã tham gia các trận đánh và giành chiến thắng ở Chơn Thành, Túc Trưng, Định Quán ở Bình Phước và Đồng Nai; chúng ta đã cùng các sư đoàn khác của Quân đoàn 4 tham gia trận đánh lớn kéo dài suốt 12 ngày đêm tháng 4 – 1975 để giải phóng Xuân Lộc và sau đó là các trận đánh quan trọng mang ý nghĩa then chốt như Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa... trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; và tiến vào TP Sài Gòn đúng trưa ngày 30 – 4 - 1975, góp phần giải phóng TP Sài Gòn, sào huyệt của chính quyền VNCH, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiếp đó, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra vào năm 1977, những người lính trinh sát sư đoàn 341 trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam, lại tiếp tục cầm súng bảo vệ biên cương, lãnh thổ đất nước, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh vào sào huyệt của bè lũ diệt chủng Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnom Penh của nước bạn CPC.

Những kí ức hào hùng và oanh liệt ấy chúng ta không bao giờ quên, bởi đó là niềm tự hào vô biên của mỗi người CCB trinh sát Sư đoàn 341, sư đoàn 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.



Thưa các đồng đội

50 năm đã trôi qua, chúng ta trở về từ những cuộc chiến. Được hít thở không khí hòa bình của cuộc sống đời thường, những CCB trinh sát sư đoàn 341 đã biết cách phát huy tư chất, phẩm cách cao đẹp của người lính trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một đặc điểm của C20 trinh sát Sư đoàn là ngay từ ngày đầu thành lập, đơn vị đã tiếp nhận 60 chiến sĩ là lính sinh viên từ trường ĐHSP Vinh nhập ngũ tháng 9 - 1972, sau 3 tháng huấn luyện ở Đoàn 22A QK4 được điều về F341. Toàn C20 ngày ấy có 110 cán bộ chiến sĩ. Ban chỉ huy đại đội đã lấy 60 chiến sĩ lính SV làm điểm tựa, làm nòng cốt của đơn vị trong huấn luyện ở miền Bắc và trong chiến đấu ở miền Nam.

Rất nhiều CCB C20 sau chiến tranh đã trở thành những trí thức, những PGS, tiến sĩ, thạc sĩ , doanh nhân, cán bộ quản lí, nhà báo, giảng viên, giáo viên giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng và THPT. Rất nhiều CCB đã thành đạt trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.

Chúng ta tự hào là những CCB lương thiện, sống tích cực, có ích cho gia đình và xã hội.

Dù sống thầm lặng giữa quê hương hay đang sống sôi nổi ở các thành phố khắp đất nước, những CCB trinh sát Sư đoàn 341 chúng ta vẫn luôn nhớ về nhau, vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua các kênh thông tin và Fanpage “Đồng đội cùng đơn vị trinh sát Sư đoàn 341” để thăm hỏi, an ủi động viên nhau trong cuộc sống.

Đó là nét đẹp đã trở truyền thống của những CCB Trinh sát F341.


Thưa các vị khách quý

Thưa các đồng đội

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần gặp gỡ CCB đã nói một câu rất thân tình: “Gặp được nhau đây là quý lắm rồi”.

Quý vì chúng ta đã đi qua chiến tranh, đã đi qua gian khổ hi sinh, đã đi qua không biết bao nhiêu thác ghềnh của cuộc đời mà vẫn sống để tìm gặp lại nhau.

Tôi xin phép được lấy câu nói trên của Đại tướng để kết thúc lời phát biểu chào mừng của sự kiện hôm nay.

Chúc cuộc gặp mặt lần thứ 3 của CCB trinh sát Sư đoàn 341, Vinh, 2022 thành công.

Xin cảm ơn.

Hà Tùng Sơn

(Trưởng ban Truyền thông BLL CCB C20 F341)

 

14 tháng 5, 2023

CÀNH PHONG LAN KHÔNG NỞ HOA (TRUYỆN VIẾT GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19)

 (Viết tiếp chuyện “Nhánh Lan rừng Trường Sơn”)

Tác giả Nguyễn Trung Ngọc

 

Lời TG: Tôi viết truyện này như một sự cảm thông, hơn nữa là tri ân, những người dân bình dị đã chịu hi sinh, mất mát rất nhiều trong cuộc chiến tranh trước 1975; góp thêm tiếng nói khẳng định sự “hư hại” của chiến tranh: Mất mát trong chiến tranh còn là mất mát của bao nhiêu giá trị vô hình.

 

Tác giả Nguyễn Trung Ngọc (ngoài cùng bên phải) với bạn học cùng lớp đại học 16D K2 ĐHSP Vinh


Làng L. đã lâu không còn bị coi là cái làng “nghiệp chướng”, “làng hủi”… như nhiều năm trước nữa. Khách qua lại nơi đây thậm chí còn muốn ngồi lại lâu hơn dưới gốc Bồ đề không biết được trồng từ năm nào ở đầu làng, nay đã mở tán xum xuê, tỏa bóng mát rượi cả một khoảnh đất rộng lớn, ngay cạnh con đường độc nhất vào làng. Ngày xóm nhỏ mới hình thành, chẳng ai thèm đến cái xó đầy rác bẩn, nằm bên con lạch chảy từ trên xã xuống, mang theo đủ thứ chẳng lấy gì làm sạch sẽ. “Văn minh” của những năm 80 ấy vẫn còn là văn minh ỉa đồng, ỉa bãi nên thường gặp nhất là những con chó đói giơ xương từ trong làng chạy ra bờ lạch, gầm ghè nhau tranh giành những đống phân buổi sáng sớm. Để vào được xóm nhỏ, người ta phải dùng cả “nghệ thuật nhảy múa” mới thoát qua được đoạn đường này. Lối vào xóm đi chênh vênh bên bờ con lạch chứa dòng nước chẳng ra trong ra đục, nổi lềnh bềnh đủ thứ, kể cả phân người và xác những con gà chết dịch bị ném xuống. Tuy vậy, dải đất cao dần về phía núi lại là một địa bàn rất thích hợp để mở rộng dần cái khu dân cư đặc biệt chỉ có thể có sau chiến tranh: Làng không chồng.

Cũng khó xác định như nơi bắt đầu của một dòng sông, chẳng ai còn nhớ chính xác Làng Lòi được chính thức thành làng từ năm nào nữa. Hoặc giả người ta muốn cố tình quên đi người đã khai sinh ra ngôi làng này: Sao một người đàn bà hư hỏng, một “con đĩ” lại có thể là “Thành hoàng” của một làng quê xứ “địa linh” này! Người dân trong vùng chỉ còn nhớ được, sau chiến tranh chừng dăm bảy năm, nghĩa là khoảng những năm đầu của thập kỉ 80, có một cô gái trạc 27 tuổi người làng trên làm việc ở huyện về dựng một túp lều đầu tiên trên dải đất ven núi bên kia bờ lạch. Để sang được vườn mới ấy, người anh trai của cô phải giúp kết 3 cây tre làm cầu đi qua con lạch lúc nào cũng chỉ có nước chảy lờ đờ mang theo rác bẩn.

Chủ nhân của túp nhà lá đơn sơ mới dựng là Sương. Cô Sương. Ở làng quê, chỉ ít bữa thôi là người ta đã nắm hết lí lịch của một người từ nơi khác đến. Dù tách biệt với mọi người trong xóm cũ nhưng chỉ mấy tuần sau là những lời ong tiếng ve đã lọt đến tai người phụ nữ đơn côi tội nghiệp. Khi là những lời bóng gió của mấy bà đi chợ sớm ngoài đường cố nói thật to để vọng vào; khi là mấy đứa trẻ chăn trâu nói vu vơ hoặc hát mấy câu đồng dao cốt để Sương nghe, không cho Sương chạy thoát búa rìu dư luận: “Không chồng có chửa mới ngoan…” Chắc chúng nó cũng chẳng biết gì, chỉ là nghe người lớn xúi, sướng mồm mà hát. Thuở ấy người ta không buông tha cho bất cứ người con gái nào không chồng mà “mang bụng”. Nhưng sự thể đâu phải đơn giản như người đời đồn đoán. Có ở vào hoàn cảnh Sương người ta mới hiểu hết sự tình.

Hai mươi bảy tuổi, Sương vẫn đẹp như cành Phong lan giữa độ, tươi thắm, nền nã, đầy quyến rũ…Năm chiến tranh kết thúc, đúng khi Sương từ hỏa tuyến trở về thì trên huyện cần một cán bộ đoàn là nữ. Cô được giới thiệu vào vị trí đó. Trong suốt bảy năm, cho đến khi thành Phó bí thư đoàn huyện rồi có chuyện xảy ra, không ai gợn một chút suy nghĩ gì về đức hạnh của người con gái tài sắc vẹn toàn này. Tất cả là vì chiến tranh chăng? Chiến tranh là thủ phạm của nhiều tội lỗi quá! “Chiến tranh là hư hại”, ông Đỗ Phủ cũng từng nói như vậy! Dù sao thì Sương cũng là Người. Mà Con Người thì…không phải là thần thánh! Đứa con trong bụng Sương chưa kịp ra đời là kết quả của một cuộc tình đầy trắc ẩn.

Chuyện dài lắm…

Hồi mới đi hỏa tuyến về rồi được đưa lên huyện công tác, năm sáu năm trôi qua, Sương sống yên ổn trong dãy nhà cán bộ độc thân của cơ quan huyện. Không một lời ra tiếng vào với cô cán bộ trẻ bởi Sương thuộc tuýp đảng viên quá mẫu mực thời đó. Đã kinh qua chiến trường, lại là một cô gái thông minh, Sương làm việc giỏi giang ít người bì kịp. Vì thế, chỉ mấy năm cô đã từ một cán bộ văn phòng Đoàn trở thành phó bí thư huyện đoàn đầy tiềm năng, ai cũng nể trọng. Vậy thì Sương có lỗi gì không? Có chứ! Tại sao Sương lại là Sương? Tại sao giọt nước ấy cứ long lanh thế! Để rồi cái sắc đẹp của một người con gái làm tự hào cho cả vùng quê lúa đã trở thành con mồi cho cả những tên săn gái tồi tệ nhất. Chính chiến tranh tàn bạo cả ở khía cạnh này: Những phụ nữ xinh đẹp vì thiếu con trai mà phải thiêu thân trong những cuộc tình khập khiễng.

Hồi ấy, khu nhà cho cán bộ độc thân ở huyện được dựng lên sau chiến tranh còn đơn sơ lắm nhưng khá đẹp bởi sự gọn gàng, nền nếp, lại được điểm trang thêm một vạt hoa cúc vàng được trồng trước các dãy nhà. Những căn phòng cho cán bộ độc thân được chia nhỏ từ một ngôi nhà cấp bốn lợp ngói đúc bằng xi măng nhưng vách ngăn thì cũng chỉ là những tấm cót ép tận dụng được nẹp lại cho gọn ghẽ, biểu hiện sự cố gắng cao để chăm lo đời sống cán bộ của thời bao cấp khốn khó. Trong cái khó ló cái khôn, chủ các căn phòng đã rất khéo sắp đặt để cái không gian chưa đầy mười mét vuông ấy vẫn đảm bảo cho mọi sinh hoạt thiết yếu diễn ra hàng ngày. Sương được phân một phòng cuối dãy nhà, hướng gió nồm mùa hè rất mát. Nhưng hay cái này thì lại dở cái khác: Phòng thoáng gió thì lại nằm ở rìa ngoài, đêm có tiếng động gì vừa sơ ma lại sợ cả lũ trộm rình mò. Có người bảo Sương xin đổi phòng vào giữa, Sương chỉ cười: “Ngày đi C, nhiều khi một mình khiêng hai cái sọt đựng hài cốt liệt sĩ đi trong rừng Trường Sơn còn chẳng sợ, giờ về quê sống giữa trung tâm huyện, bày đặt chi cho phiền đến cơ quan”. Không sợ ma nhưng có phải sợ người, sợ hoàn cảnh mà nhiều khi chúng ta không dễ gì làm chủ nó? Sương đã không lường được chuyện này. Chính căn phòng ở góc khu tập thể huyện Y ấy đã chôn vùi tương lai xán lạn của cô Phó bí thư huyện Đoàn trẻ đẹp.

Chủ nhân căn phòng cạnh phòng Sương là Thôn, cán bộ tuyên giáo huyện, có vợ là nông dân làm ruộng ở quê, một huyện xa trong tỉnh. Hai tháng nay, khi chị Huyền hội phụ nữ chuyển lên tỉnh công tác thì thấy Thôn chuyển đến đó. Thôn không đẹp trai nhưng chải chuốt và rất thích làm dáng. Anh ta “diễn” thì khỏi bàn: Làm gì, nói gì ai cũng lầm, nhất là phụ nữ. Một cái liếc mắt của anh ta cũng khiến cho một người đàn bà nào đó trong cơ quan xao xuyến, tơ tưởng suốt đêm.…Thôn “diễn” giỏi từ trước chiến tranh nên mấy lần đi tuyển quân đều không trúng, mặc dù “sức đàn ông” ở anh ta không hề kém cạnh ai. Có lẽ cũng nhờ cái năng lực dấu mình hơn người cộng với lí lịch “cơ bản” mà Thôn thăng tiến rất nhanh. Khi Sương được tuyển về huyện làm việc thì Thôn đã là phó phòng văn hóa. Giờ thì Thôn đang chờ đi học trường đảng để làm “nguồn cơ cấu”, người ta nghe trong huyện kháo nhau như vậy. Từ một bí thư xã đoàn “tiềm năng”, thuộc lớp đảng viên được kết nạp từ phong trào “bèo hoa dâu hai giỏi”, chỉ 3 năm lên huyện rồi chuyển sang huyện Y, Thôn đã trở thành “cán bộ cốt cán”.

Có thể ngay từ khi thưng vách ngăn các phòng, mấy người thợ không để ý nên giữa căn phòng của Sương và Thôn có một cái lỗ bằng ngón tay không được bịt lại. Anh cán bộ văn hóa rất ý tứ, đặt một chiếc đồng hồ để bàn che kín đáo nhưng cũng thật “cơ động”. Sương không hề hay biết căn phòng của mình và phòng kế bên có một lỗ sáng “di động” do tình cờ hay có bàn tay ai sắp đặt từ lúc nào nữa. Có thể nhiều năm qua, cái tủ nhỏ của chị Huyền đã che khuất lỗ nhỏ đó. Cho đến một hôm, khi Sương xuống một xã xa trở về hơi mệt đi nằm sớm thì bí mật của căn phòng được “khơi thông”. Cô đang ngã mình trên chiếc giường cá nhân, bật cái quạt cóc để xua bớt hơi nóng ngày hè nung nấu thì bỗng nhìn thấy một lỗ sáng trên vách ngăn ngay sát chỗ nằm mà lâu nay không hề thấy. Ở phòng bên tiếng nước dội đâu đó tạo nên tiếng chảy theo từng đợt ào ào. Tò mò, S ghé mắt nhìn sang. Một cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú trước hình ảnh không thật rõ nhưng đủ thấy trong ánh sáng của ngọn đèn đỏ ít công suất: Người đàn ông đang đứng trần truồng dội nước ngay cuối góc phòng, quay hẳn về phía S, tay xoa xoa xà phòng làm cho phần dưới cứng đơ, vung vẩy như một khúc cao su đàn hồi. (Hồi đó, hầu như cả dãy nhà cứ học nhau hạ thấp góc phòng phía sau xuống 5 - 10cm một khoảng nền chừng một mét vuông để làm nơi tắm rửa luôn cho tiện, đỡ phải chen nhau chờ đợi ngoài nhà tắm công cộng, nhất là những phòng con gái ở). Chính cái “hình ảnh sinh vật” tai quái đã ám ảnh S rất nhiều ngày sau đó. Tự nhiên cô thấy hoảng sợ: Vậy thì những khi cô tắm rửa ở góc phòng của mình, rất có thể người ta cũng đã nhìn thấy…như cô đã thấy họ qua cái lỗ nhỏ rất kín đáo cho bên chủ động quan sát.

          Cố gắng không nhìn lâu qua “cái lỗ định mệnh” ở bức vách, quay mặt ra ngoài, S cố nhắm mắt nhưng cái hình ảnh quái quỉ cứ hiện ra. Từ khi lớn lên, chưa một lần cô tận mắt nhìn thấy cái “cần tăng dân số” của đàn ông một cách rõ ràng mà lại trong tư thế thoải mái, chủ động để quan sát đến vậy. Bên kia, tiếng dội nước thỉnh thoảng cứ như vẫy gọi, rủ rê S dán mắt vào cái lỗ phên tuy rất nhỏ nhưng ghé sát thì cả không gian phòng bên rộng mở còn hơn cả một màn hình cỡ lớn. Và, S đã không cưỡng được, quay lại, úp mặt vào vách ngăn…Ngọn điện bên phòng Thôn dường như sáng hơn soi rõ cái “nòng pháo” như vẫn sẵn sàng xung trận của người đàn ông độc thân, xa vợ. Cả người S râm ran, cô bóp chặt ngực mình, cưỡng lại một sức mạnh vô hình đang vò xé…Hôm nay là một ngày S xuống cơ sở làm việc nhiều, khá mệt. Cô cố quên đi sự cám dỗ bằng cách tìm một mảnh giấy nâu dán bịt cái lỗ bên vách ngăn lại rồi thả mình trong trí tưởng tượng, hình dung về một thời con gái đi chiến trường với đầy kỉ niệm vui buồn trên những nẻo đường gian khổ, đưa mình thiếp đi trong giấc ngủ.

                                                          *

                                                       *        *

          Sáng chủ nhật nên Sương dậy muộn hơn ngày thường. Tỉnh giấc là cô nhớ ngay đến chuyện tối qua. Quay nhìn cái lỗ trên vách thì lạ thay, mảnh giấy cô dán bịt lại tối qua hình như có ai tác động đã bong ra rơi xuống giường. Phía bên kia đã được che kín bằng vật gì đó có vẻ chắc chắn hơn mảnh giấy cô dán nhiều nhưng hình như không cố định. Cô nằm yên suy nghĩ miên man: Tại sao bỗng dưng Thôn lại chuyển đến ở phòng chị Huyền? Sao anh ta không ở nốt khu nhà trên chờ đi học luôn, chỉ lấy lí do trên đó mùa hè rất nóng? Và điều làm S nghi ngờ nhất là vì sao chỉ sau một tuần Thôn đến lại xuất hiện cái lỗ trên bức vách như vậy? Cô nhất quyết muốn tìm hiểu. Nói là làm ngay. Dậy đánh răng rửa mặt xong, thấy Thôn cũng đã dậy đang mở đài, S gọi vọng sang:

-          Anh Thôn ơi! Anh còn nước uống cho em sang xin cốc, hôm qua em đi cả ngày không đun giờ đã hết cả.

Thôn rất vui vẻ, trả lời:

-          Sang đây! Em sang đây, muốn uống mấy cốc cũng có!

        Từ ngày chị Huyền chuyển đi, đây là lần đầu tiên S bước sang căn phòng đó. Thôn thấy S qua, mặt tươi rói, đon đả mời S ngồi. S xua tay:

-          Anh cứ nghe đài tự nhiên, em chỉ xin cốc nước.

        Rồi vừa rót nước vào cốc, S vừa liếc nhìn vào chỗ đoán có cái lỗ thủng trên bức ngăn giữa hai phòng. Nhưng nhìn từ phía phòng Thôn, không ai có thể thấy gì khác ngoài một chiếc đồng hồ bàn chủ nhân của nó đặt rất ý tứ trên chiếc bàn con sát vách để che khuất cái lỗ. S vờ cầm đồng hồ lên như để nhìn cho rõ: “Ôi, mới đó mà đã gần 7 giờ…” rồi đặt lại thật đúng chỗ cũ, cám ơn Thôn và trở về phòng. Nấu vội nắm mì sợi ăn sáng xong, S đạp xe ghé về thăm nhà ngày chủ nhật. Cả tuần tiếp đó S bận tối mắt cho Đại hội Đại biểu Đoàn toàn huyện nên tạm quên đi chuyện đã xảy ra hôm trước. Nhiều lần, khi vắng người, Thôn vẫn qua lại tỏ ý săn sóc nhưng Sương cũng không còn thì giờ chú ý.

Cho đến một tối cuối tuần…

Xong xuôi chuyện Đại Hội, công việc đã giãn ra, S trở về phòng sau bữa chiều liên hoan ở huyện. Cô xách xô ra cái giếng khơi ngay góc sân của dãy nhà tập thể xách liền mấy chuyến những xô nước mát lạnh về đổ đầy vại nước đặt ở góc sau căn phòng, chuẩn bị cho việc tắm táp. Lớp trẻ ngày nay nghe kể về đời sống, sinh hoạt của cán bộ huyện thời ấy chắc cứ tưởng là chuyện của một thế giới mông muội nào nhưng với S lúc này lại thấy thật hạnh phúc so với những ngày ở Tây Trường Sơn có khi cả tuần chỉ được tắm rửa vài ba lượt. Tinh thần thư thái sau một tuần căng thẳng, lại có cảm giác thoải mái của người vừa tắm xong, S mặc bộ đồ ngủ thật mát rồi nằm trên chiếc giường quen thuộc nghêu ngao mấy bài hát cũ. Tối thứ bảy, cơ quan huyện rất vắng vẻ. Một tối mùa hè nơi huyện lị thật yên tĩnh. Những người ở xa hầu hết đã “cắt cơm, bơm xe”. S cứ 2 tuần thì về nhà một lần. Hôm nay là “phiên” ở lại. Ở phòng bên, có lẽ Thôn cũng không về vì vừa khi S tắm xong thấy bên đó điện đã bật sáng. Cô giật mình khi cái lỗ sáng trên vách một lần nữa lại hiện ra. Trong phút chốc cô đoán ra mọi chuyện: Thời gian cô đứng tắm ở góc phòng, chiếc đồng hồ trên chiếc bàn nhỏ bên phòng Thôn đã được nhắc khỏi vị trí để lộ ra lỗ sáng nhỏ mà nếu Thôn tắt điện thì S sẽ không thể nào biết được. Chắc nãy giờ anh ta đã ngắm S như lần trước S đã làm. Có thể khi S tắm xong, anh ta quên kéo chiếc đồng hồ lại. Cũng có thể anh ta cố ý để vậy vì một ý đồ riêng. Chỉ biết, phía bên phòng Thôn, tiếng nước dội trên người đổ xuống lại nghe ào ào, khêu gợi S một lần nữa ghé mắt nhìn sang. Hệt như lần trước, trong ánh sáng của ngọn đèn mờ, S vẫn thấy rõ thân hình trắng trẻo và cái “biểu tượng giống đực” rất khỏe trên cơ thể người đàn ông 37 tuổi. Thôn tắm rất nhanh, dường như chỉ muốn khỏa trần dội nước để xua đi cái nóng ngày hè. Không mặc quần áo vội, anh ta đi thẳng về phía S (tất nhiên là phía bên kia bức vách), thong thả rút chiếc khăn tắm vắt trên dây căng ngang giữa phòng lau nước trên đầu, ngực, bụng… “Nòng pháo” phía dưới vẫn thẳng đứ bật lên bật xuống theo nhịp cánh tay. S nhắm mắt lại, lật ra giữa giường, người nóng ran như đang lên cơn sốt. Hai bên ngực S cương lên chờ đợi… “Nhìn ngắm còn tệ hơn sờ mó”. Trời ơi! Sương đã làm gì đây? Một đời con gái trinh trắng, đến một nụ hôn S cũng chưa bao giờ biết đến. Chỉ một lần, trên đỉnh Trường Sơn xa lắc S tưởng đã được đón nhận từ một anh lính sinh viên đẹp trai, rất trẻ với tình yêu đầu đời tinh khiết của cô nhưng đã bị từ chối. Bóng người bên phòng Thôn bước lại gần bức vách và cái lỗ sáng được che kín lại. Mà hình như người ta biết S đã lén nhìn vì hôm nay điện bên phòng S vẫn để sáng từ nãy, cô quên không bấm công tắc tắt đi.

Tự nhiên Sương thấy sợ. Cô hay đọc sách nên cũng biết nhiều. Giờ thì dù có hồn nhiên đến mấy S cũng hiểu Thôn chính là một Becxônôp trong “Con đường đau khổ”. (Nhân vật trong bộ tiểu thuyết “Con đường đau khổ” nổi tiếng của Nhà văn Nga A.Tôntôi đã làm Đasa sa ngã). Khi đã thích một phụ nữ nào Thôn sẽ săn bằng được. Anh ta đang dụ S vào bẫy. Hôm trước, tình cờ ở lại cơ quan làm nốt chút việc đang dở, S có nghe Th tán chuyện với mấy lão đàn ông đã có vợ đang nán lại ở phòng bên rất tục tĩu. Th “câu” gái có lí thuyết hẳn hoi. Một người hỏi anh ta: “Ông Th có bí quyết gì mà các em hay theo quá nhỉ?” Th cười ha hả và nói: “Rất đơn giản! Táo bạo, thần tốc. Với phụ nữ, phải dám đụng chạm mạnh vào!” Đàn ông như vậy thì ở gần thật đáng sợ. Cái lỗ trên vách chắc chắn cũng là một sự dàn dựng của Th? Nghĩ vậy nhưng lúc này con quỉ trong người S cứ xúi cô tìm lối vào chốn bồng lai, hoan lạc. S đang bị kích dục cao độ.

Bỗng tiếng Th từ phòng bên vọng sang:

-          S ơi! Tuần này em không về à?

S không tự chủ được nữa, giọng run lên:

-          Dạ…không!

-          Bên em còn xà phòng cho anh xin chút giặt quần áo. Anh hết mà quên mua!    

S lúng túng như một đứa trẻ, tim đập dồn dập nhưng cố bình tĩnh:

-          Tổ Công đoàn em tuần trước mới phân người hai bánh, còn tha hồ dùng. Anh sang mà lấy!

           Dường như hiểu được tâm trạng S qua giọng nói và đoán biết S vừa quan sát mình tắm, Thôn rất tự tin đi sang phòng S trong bộ quần áo tuềnh toàng mặc ngày hè. S mở cửa cho Thôn vào rồi chạy lại chiếc tủ nhỏ ở góc phòng tìm một bánh xà phòng chưa dùng trao cho Th. Lí thuyết “táo bạo”, “thần tốc” ngay lập tức được Th vận dụng triệt để. Anh ta áp sát, ngửa một tay để nhận bánh xà phòng còn tay kia đặt lên vai S bóp chặt: “- Tối thứ bảy buồn quá em…”

          Sương như bị điện giật. Cô không thể chống cự, đứng như trời trồng giữa nhà. Rồi người nàng nhũn ra như sợi bún, ngã chuồi vào tay gã đàn ông. Thôn bỏ rơi bánh xà phòng xuống nền, cúi xuống bế thốc S lên giường…

          Sau cái đêm mây mưa điên dại ấy, Sương thấy thù ghét Th. Anh ta chỉ là một thằng đàn ông đểu cáng, hám gái chứ đâu phải yêu đương gì. Anh ta chỉ cần cái thân thể nõn nà, trinh bạch của S để thỏa mãn thú vui xác thịt. Nghe đâu trong cái huyện Y này, một tay y đã phá nát không biết bao nhiêu đời con gái. Ghét mà không sao xa được. Thỉnh thoảng có cơ hội là hai người lại gặp nhau. Thậm chí có hôm đêm đã khuya, S còn chủ động búng tay vào bức vách ra hiệu gọi Th qua phòng mình.

Một tháng…rồi hai tháng đi qua nhanh chóng. Mọi chuyện vẫn được giữ kín hoàn toàn. Nhưng Sương thì ngày càng lo lắng: Đã thêm hai lần cô không “thấy tháng” mà ngực và bụng thì căng lên rất nhanh. Tự bản thân, S cảm nhận được điều đó. Cô chọn một ngày nghỉ xuống tỉnh gặp chị Huyền để tâm sự hết. Chỉ có người chị, người bạn thân thiết từng giúp đỡ S như chị em ruột thịt kể từ ngày S về huyện nhận công tác này mới có thể chia sẻ nỗi lòng đang rối bời của cô. Nếu chỉ Huyền không lên tỉnh, nếu chị vẫn ở cái phòng bên cạnh ấy thì S đã an toàn biết mấy! Ngồi bên chị H, S đã khóc nức nở, khóc để vơi đi nỗi tủi hổ, để mong trút bỏ phần nào sự dơ bẩn mà cô đã bị vấy sang từ tên đàn ông khốn nạn, dù biết trước mà S không sao tránh được. Nghĩ đến những ngày trước mắt, S không kìm được tiếng khóc và cô thấy hoàn toàn bất lực, bế tắc. Chị H bàn cùng S:

-          Hay là em cứ thành thật trình bày với tổ chức. Kỉ luật thì khó tránh nhưng cũng để Huyện               

      ủy bắt lão Th phải chịu trách nhiệm một phần.

S vẫn nói trong nước mắt:

-          Không được đâu chị ơi! Làm thế là em hại cả nhà anh ấy, em giết chết chị vợ tội nghiệp ở quê. Anh Th cũng sắp đi học rồi, để cho người ta yên lành mà đi. Gì thì gì, cứ để mình em chịu hết.

Chị H gần như phát cáu:

-          Chị hỏi thật, em có yêu anh ta không và anh ta có tình cảm gì với em không?

-          Trời ơi! Sao chị hỏi vậy. Em chỉ thấy ghê sợ anh ta và ghê sợ cả chính mình. Còn anh ta từ ngày ấy không một lời hỏi han em, cứ như mọi chuyện là do em phải chịu, anh ta không cần biết! Một lần anh ta còn nói với em thật ghê tởm: “S hời quá rồi còn gì! Nếu lỡ có rắc rối cứ tự đi đâu đó xa xa giải quyết tí là xong”.

Bàn tính mãi cũng không tìm ra được một cách gì thật ổn. Cuối cùng chị H đành phải đồng thuận là S sẽ để lại đứa con trong bụng, bỏ việc ở huyện đoàn, về quê “dưỡng bệnh”. Sương nói với chị H: “Em nghĩ kĩ rồi, chỉ cần em có một đứa con, rồi mẹ con sẽ rau cháo nuôi nhau. Đường đời chắc cũng kéo lê qua được. Vả lại gia đình chắc cũng còn giúp được em chút ít. Em làm em chịu. Xin chị đừng nói gì với ai cả. Bố đứa bé, cứ kệ anh ta. Từ nay em sẽ coi như chưa bao giờ biết đến.”

Rồi việc S rời cơ quan huyện diễn ra nhanh chóng đến ngỡ ngàng cả huyện. Nhưng cũng không nhanh bằng chuyện đi học của Th, một tuần sau, anh ta đầy kiêu hãnh lên đường ra Thủ đô, đến cái trường đào tạo cán bộ cao cấp mà chỉ những đảng viên ưu tú mới được đến, không thèm và cũng không hề hay biết giọt máu của mình đang lớn dần lên trong người đàn bà tội nghiệp.

Không muốn để bố mẹ phải quá ê chề vì con gái chửa hoang, với sự giúp đỡ của người anh trai đi bộ đội phục viên về rất thương yêu và cảm thông, S chọn một đám đất ở làng dưới, nằm trên dải đất ven đồi bên kia con lạch dựng lên một cái gọi là nhà, “lót ổ” chờ ngày sinh nở. Những lời thị phi, đàm tiếu của dân làng rồi cũng chuyển dần thành sự cảm thông, thương mến, khi người ta thấy chủ nhân của túp lều bên chân núi thật cô đơn mà lại rất xinh đẹp, dịu hiền. Dần dà, nhiều chị em có hoàn cảnh giống S ở trong vùng đã đến dựng nhà nối tiếp vườn cô. Láng giềng của S đông dần lên thành xóm, thành làng. Nhưng không giống bất cứ làng quê Việt Nam nào khác, cộng đồng nhỏ dân cư ở đây trong thời kì đầu chỉ gồm toàn phụ nữ độc thân hay nhỡ nhàng và những đứa trẻ không có bố. Làng L đã hình thành như vậy.

                                                          *   

                                                                  *      *

          Chúng tôi đến làng L vào một sáng đầu hè nắng đẹp. Cây Bồ đề do người anh trai S trồng vừa thay lá mới xanh mướt, tỏa bóng xuống bờ kênh - cũng là con đường vào làng, đẹp như tranh vẽ. Xưa kia, trước ngày S về ở, đây chính là một bờ lạch làm nơi đi xia của dân xóm cũ. Nhìn sang dải đất ven đồi, một chiếc cầu mới bắc ngang con kênh, soi mình trên mặt nước trong xanh dẫn về từ thượng nguồn sông Lam. Nghe đâu, những con em của làng L đi làm ở nước ngoài đã góp tiền xây chiếc cầu này. Một tốp trẻ trâu trần truồng đuổi những con trâu béo mộng lội ào ào xuống kênh để cả người và trâu vùng vẫy. Quá sướng trước khung cảnh này, cậu con trai tôi vội dừng xe, bảo phóng viên quay phim mang cả Flycam xuống thả lên trời ghi lại một clip mà anh chàng (đạo diễn phim) rất lấy làm thích thú.

          Để con trai và tốp làm phim theo đuổi công việc của họ, tôi một mình tản bộ qua cầu. Mấy người dân rất nhiệt tình chỉ cho tôi căn nhà đầu xóm không to nhưng khá đẹp trên một dải đất chạy dài dưới chân đồi. Chủ nhân của nó chính là S mà 50 năm về trước đã được tôi “cứu thương” vụ vắt chui vào người trên một đỉnh núi xa lắc của dãy Trường Sơn hùng vĩ tận bên nước bạn Lào (Xem truyện “Nhánh Lan rừng Trường Sơn). Đầu năm, Khi nghe tôi kể chuyện chiến trường, cậu con trai tôi đã thốt lên: Con sẽ làm một bộ phim về chuyện này! Tôi biết người phụ nữ không còn trẻ ấy sáng nay đang chờ đoàn làm phim của Đài tuyền hình theo lời hẹn với con trai tôi để thực hiện những cảnh quay cho một bộ phim tài liệu mới: Số phận một con người.

         

          Chiều muộn, xe chúng tôi mới quay lại qua cầu trở về thành phố. Tôi ngắm kĩ một lần nữa cây Bồ đề đầu làng mà bao năm nay chắc có Đức Phật từ bi về đây phù hộ cho những dân làng đặc biệt đã phải gồng mình vươn lên trong khổ nhục để có được cuộc sống không phải khác xa quá với những con người trong tòa biệt thự nguy nga của ông “quan huyện” Thôn chiếm cả khu đất rộng giữa trung tâm thị trấn./.

 

                                                                        Tháng 6-2021

                                                                              NTN

5 tháng 1, 2023

Ấm áp nghĩa tình đồng đội (Tường thuật cuộc gặp mặt lần thứ 3 đồng đội CCB đơn vị trinh sát C/D20 Sư đoàn 341, TP Vinh, 17 – 12 – 2022)

 Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này trên máy tính thì các đồng đội CCB đơn vị đại đội Trinh sát Sư đoàn 341 (C20 F341) đã ai về nhà nấy nhưng dư âm của cuộc gặp gỡ Vinh, Nghệ An ngày 17 – 12 -  2022 thì chắc chắn vẫn còn đọng mãi.

Từ chủ trương của Thường trực Ban Liên lạc (TTBLL) đưa ra và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao của đông đảo CCB C/D20, cuộc gặp gỡ lần thứ 3 của những người lính Trinh sát Sư đoàn 341 đã mau chóng trở thành hiện thực và đã thành công tốt đẹp.

Theo Thông báo của TT BLL,  cuộc gặp gỡ lần thứ 3 sẽ chính thức diễn ra vào chiều ngày 17 – 12 nhưng từ ngày 15, 16 – 12 nhiều đồng đội đã có mặt từ rất sớm để thăm hỏi các gia đình Liệt sĩ, thương binh, những gia đình chính sách của C20 đang sinh sống tại Nghệ An.

Tổng Thư kí Phạm Thanh Tùng tự mình lái xe từ Huế ra đã thay mặt TTBLL cùng đồng đội Trần Nga, và 3 đồng đội lính Nam Đàn nhập ngũ tháng 12/1972 là Lê Đình Biên, Nguyễn Nhuận, Đào Mạnh Hùng đến thắp hương cho LS Trần Văn Tam, ở xã Nam Thanh - Nam Đàn; thăm gia đình đồng đội Hoàng Thế Hai (Hai Bộc) và nhiều gia đình đồng đội khác.

Thăm anh Trần Quốc Tế tại Trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng Nghệ An


Anh Lê Trần Quý nguyên C tưởng C20 cùng rất nhiều đồng đội và bạn bè đã tìm đến Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Nghệ An thăm và tặng quà anh Trần Quốc Tế, nguyên B trưởng B2 C20, thương binh hạng ¼ đang điều dưỡng suốt đời tại đây.

Tại Nhà khách Nghệ An, các đồng đội CCB C/D20 lần lượt hội quân. Họ  gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng với những cái xiết tay, những vòng ôm nhau thắm tình đồng đội. Những người lính già 50 năm trước khi đang thời trai trẻ đã cùng chung một đơn vị, cùng chung một chiến hào trong 2 cuộc chiến tranh chống Mĩ và bảo vệ biên giới Tây Nam Bộ nay tìm gặp lại nhau mà mắt cứ rưng rưng.

Đúng 14h chiều 17-12, chương trình Gặp gỡ lần thứ 3 của những người lính Trinh sát Sư đoàn 341 bắt đầu. Sau các tiết mục biểu diễn văn nghệ của Đoàn ca nhạc CCB Trường Sơn, đồng đội Hồ Viết Tiến, Trưởng ban LL CCB C/D20 Nghệ An, đơn vị đăng cai tổ chức cuộc gặp gỡ lần thứ 3 phát biểu khai mạc. TBLL Nghệ An đã trân trọng giới thiệu và chào mừng sự có mặt của gần 100 CCB C/D20 cùng những người vợ, người bạn thân thiết của các CCB đã đến tham dự cuộc gặp.

Toàn thể CCB và các vị khách quý đã đứng dậy, dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ về những người đồng đội C/D20 đã hi sinh trong chiến đấu qua 2 cuộc chiến tranh chống Mĩ và chống bè lũ diệt chủng Pol Pot và tưởng nhớ những đồng đội đã qua đời trong cuộc sống hòa bình sau khi xuất ngũ vì ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

Trưởng ban Truyền thông Hà Tùng Sơn phát biểu chào mừng


Tiếp theo, Trưởng ban Truyền thông Hà Tùng Sơn thay mặt TTBLL đã phát biểu chào mừng cuộc gặp. Lời phát biểu chào mừng đã nhấn mạnh: “
Là những người lính từng đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, những CCB trinh sát Sư đoàn 341 không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của thời trai trẻ. Chúng ta không bao giờ quên những trận đánh lớn của Sư đoàn 341 mà chính chúng ta đã tham gia với vai trò là những người lính trinh sát sư đoàn. Những kí ức hào hùng và oanh liệt ấy chúng ta không bao giờ quên, bởi đó là niềm tự hào vô biên của mỗi người CCB trinh sát Sư đoàn 341, sư đoàn 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND”.

Sau phát biểu chào mừng của TBTT Hà Tùng Sơn, Đại tá Lê Hồng Mão, Trưởng ban LL C/D 20 toàn quốc đã phát biểu mang tính tổng kết, hệ thống lại hoạt động của BLL C/D 20 từ cuộc gặp lần thứ 2 Thanh Hóa 2019 đến nay. Trong phát biểu tổng kết, TB Lê Hồng Mão đã nhấn mạnh: “Để anh em ta về gặp mặt được đông đủ hơn hai lần trước, TTBLL và Ban tổ chức chương trình đã nỗ lực hết sức mình trong vận động tài trợ và trong công tác hậu cần. Xin chân thành cám ơn các đồng đội, các anh Lê Tự Hiểu, Lê Hồng Mão, Hồ Văn Thoan, Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Văn Thắng, Hà Tùng Sơn, Lê Trần Quí, Lương Hữu Tiến, Hoàng Tấn Quả, Lê Sơn, Đỗ Vũ Dũng, Lê Văn Đài, Trần Khắc Nam, Đỗ Diên Thắng, Lê Thu, Lê Chí Thảo, Đình Nhã, Hồ Tiến, Nguyễn Đăng Tăng, Hoàng Quang Vinh, Đào Xuân Lục... Cùng các bạn thân thiết của C20 đã dành sự quan tâm, ưu ái với những món quà ý nghĩa dành tặng cho đồng đội nhân ngày gặp mặt truyền thống. Cảm ơn anh Hồ Văn Thoan, CTVP thời kì đầu, dù gia cảnh khó khăn không thể về được nhưng lần nào cũng gửi tiền ủng hộ chương trình, riêng lần này anh đã ủng hộ 3 triệu đồng. Cám ơn anh Nguyễn Lê Hợi, CTV thời kì đầu, cũng như anh Hồ Văn Thoan, dù không về được nhưng chương trình Về Nguồn lầ thứ 2 anh đã ủng hộ 3 triệu đồng. Và lần này anh đã chuyển cho TTBLL 5 triệu đồng để tặng 4 đồng đội cũ mỗi người 1 triệu đồng; 1 triệu đồng để BTC chương trình lo việc chung. Năm tháng qua đi, tuổi xuân cũng qua đi theo năm tháng. Nhưng những kỷ niệm của quá khứ mãi in đậm trong lòng mỗi một chúng ta. Trong ngày Về Nguồn lần 3, niềm vui xen lẫn xúc động, bồi hồi không thể diễn tả hết”.



Tại cuộc gặp, đồng đội Phạm Thanh Tùng trong vai trò là Tổng thư kí BLL đã phát biểu những lời tâm huyết: “Để cuộc gặp gỡ lần thứ 3 này đi đến thành công, TT BLL đánh giá cao những công lao đóng góp, sự tích cực chuẩn bị của các CCB, BLL, BTC cuộc gặp của đồng đội tại Nghệ An. Từ lên lịch trình, chuẩn bị cơ sở vật chất đến đón tiếp đại biểu khách mời, đón tiếp đồng đội từ khắp cả nước trở về và trong quá trình diễn ra cuộc gặp, các đồng đội BLL Nghệ An đã hết sức nhiệt tình và chu đáo. Thay mặt TTBLL, tôi xin được nói lời cảm ơn chân thành và biểu dương các CCB, BLL, BTC cuộc gặp của Nghệ An trong lần gặp gỡ này. Cũng trong dịp này TTBLL tỏ lòng biết ơn đến tổ chức, cá nhân đồng đội đã hết lòng quan tâm ủng hộ về tinh thần, vật chất có hiệu quả cho cuộc gặp mặt hôm nay. Cảm ơn sự có mặt của các vị đại biểu, các anh các chị là những người bạn chí tình của đồng đội cd/20, mặc dầu xa cách nhưng đã mang hơi ấm về với chúng tôi trong cuộc gặp mặt truyền thống”.

Tổng thư kí BLL Phạm Thanh Tùng cũng đã đưa ra dự kiến cho cuộc gặp gỡ lần thứ 4 tại nơi “địa chỉ Đỏ” Hà Tran, Quảng Bình với nhiều nội dung phong phú và ý nghĩa.

Trước đề xuất của TTK Phạm Thanh Tùng, đồng đội Hoàng Tấn Quả cùng người vợ tào khang là chị Nguyễn Hòa Hương đã lên sân khấu nói lời ủng hộ chí tình cho cuộc gặp gỡ lần thứ 4 sẽ diễn ra trên đất Lệ Thủy, Quảng Bình và hứa sẽ làm hết sức mình với tư cách là “thổ dân” để cuộc gặp lần thứ 4 năm 2023 thành công. Hi vọng vào dịp này năm 2023, những đồng đội CCB C/D 20 F341 lại được dịp hội ngộ trên đất Quảng Bình thân thương.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Phó ban LL Lê Tự Hiểu thay mặt TTBLL đã phát biểu tổng kết. Trong lời tổng kết cuộc gặp gỡ, đồng đội Lê Tự Hiểu đã khẳng định: “Là những người lính từng đi qua chiến tranh, những CCB cd/20 chúng ta vô cùng may mắn là mình vẫn còn sống, dẫu trên thân thể vẫn còn thương tích, nhưng phần lớn vẫn còn tham gia hoạt động, còn làm được nhiều việc có ích trong đời sống gia đình và xã hội. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta luôn hướng mình vào nhẵng mặt tích cực của cuộc sống. Bởi ý nghĩa cuộc đời của mỗi con người không phải là sống bao nhiêu năm mà là chúng ta đã sống như thế nào. Đến và có mặt để tham gia vào những cuộc họp mặt, gặp gỡ đồng đội như thế này, chúng ta đã chứng minh rằng “Chúng ta đang sống và hơn thế, sống tích cực, sống vui và sống khỏe”.   

Quả đúng như thế. Nếu trước đây trong những năm tháng chiến tranh, những người lính trinh sát Sư đoàn 341 còn sống còn chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, thì ngày nay trong cuộc sống thời bình, họ còn sống còn tìm gặp lại nhau. Bởi mỗi lần gặp nhau là thêm một lần chúng ta làm ấm thêm tình đồng đội và làm giàu thêm cho đời sống tinh thần của mỗi người.

Nói như nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương:

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời

 

Hà Tùng Sơn 

(TB Truyền thông)

 

 

 

20 tháng 12, 2022

BAMBOO MUÔN NĂM

 

Trước đây tôi cứ nghĩ đi Vietnamairline mới là tốt nhất nhưng gần đây tôi đi liền mấy chuyến đều bay của hãng Bamboo airways, cái hãng hàng không có ông chủ tịch đang mặc đồng phục đội Ju Ve. Cứ tưởng khi ông chủ tịch vô lò thì hãng bay này sẽ sập tiệm ai ngờ nó vẫn đứng vững và ngày càng tốt lên.

Này nhé:

- Đi Bamboo thường đúng giờ, ít khi bị delay. Theo thống kê của Cục Hàng không VN thì Bamboo là hãng bay có tỉ lệ chuyến bay bị deley thấp nhất trong các hãng bay VN. Trên chuyến bay từ Vinh – TP HCM tối 17-12 mới rồi hành khách (là tôi) còn được mời ăn 1 ổ bánh mì kẹp chả và 1 chai nước hoàn toàn miễn phí. Điều mà những ai bay VNA hoặc VJ có nằm mơ cũng không thấy. Nhận chai nước và ổ bánh từ tay cô tiếp viên đẹp hơn hoa hậu lúc kim đồng hồ chỉ 22h30 và khi máy bay đã ở độ cao 9000m khiến lòng tôi rưng rưng.

Chai nước và ổ bánh mì kẹp chả free của Bamboo dành cho hành khách lúc máy bay ở độ cao 9000m vào lúc gần nửa đêm.

- Đội bay với các nữ tiếp viên thì không chỉ trang phục lịch sự mà ngoại hình cô nào cũng khiến cánh đàn ông mê mệt mỗi khi ngắm nhìn. Cô nào cũng chân dài miên man, eo thon và vân vân các cái. Vì thế đi VJ hoặc VNA thường ngồi yên chỗ là hành khách đã ngủ, nhưng với Bamboo thì không như thế, khách chỉ ngủ 1 nửa thời gian bay, nửa thời gian còn lại dành để ngắm các tiếp viên thoăn thoắt đi lại dọc các hàng ghế.

- Ghế ngồi hình như cũng cao rộng hơn so với VJ. Ngồi thoải mái và dựa lưng cũng thoải mái hơn.

- Điều quan trọng nữa là trong vé bay của Bamboo hành khách thường được gửi thêm 20kg hành lí ngoài 7kg hành lí xách tay dù mình không đặt mua. Điều này nếu là bay hãng VJ thì bạn phải chi thêm 300k nữa.

Cuối cùng tôi muốn dành lời khen ngợi cho sân bay Vinh. Cái đứa nào nói SB Vinh là sân bay làng quê thì đích thị đó là một đứa thuộc thế lực thù địch.

Tối 17-12 mới rồi, sau khi lặng lẽ rời đám tiệc đang vào lúc cao trào của cuộc gặp gỡ lần thứ 3 những người lính Trinh sát Sư đoàn 341 tại Nhà khách Nghệ An, lặng lẽ rời vì nếu tôi mà mở lời chào để ra về thì mỗi đồng đội sẽ chào lại tôi 1 li tiễn biệt và chắc chắc tôi sẽ ngã gục ngay cửa nhà khách trước khi ra đến sân bay Vinh.

Tôi bay chuyến 22h05. Đến nơi chỉ 1’ là tôi đã xong thủ tục check in và thấy mình đã ngồi trong phòng chờ bay. Nghĩ đến những lần check in và qua cửa an ninh ở sân bay TSN mà rùng cả mình. Có khi cả tiếng cũng chưa qua được cổng an ninh.

Phòng chờ bay vào giờ đó ở SB Vinh tha hồ thoáng đãng kiểu vắng như chùa Bà Đanh rất hợp với tâm trạng tôi. Khoan khoái ngả mình trên ghế tôi tha hồ tư duy, tha hồ nhớ về những người đồng đội, nhớ về những người bạn mà mình vừa chia tay với những cái nắm tay nóng hổi.

Đến giờ lên máy bay, rất đúng giờ, tôi được đi trong ống lồng, điều mà ở sân bay TSN 5 thì 10 họa tôi mới được sử dụng.

Tối đó khi đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 0h05’ (đã bước qua ngày mới) tôi như vẫn còn thả hồn mình ở SB Vinh.

Hoan hô sân bay Vinh và muôn năm Bamboo. Từ nay đi đâu tôi sẽ ưu tiên chọn Bamboo.

Ảnh 1: Chai nước và ổ bánh mì kẹp chả free của Bamboo dành cho hành khách lúc máy bay ở độ cao 9000m vào lúc gần nửa đêm.

Ảnh 2: Cái ống lồng ra máy bay tuyệt hảo của sân bay Vinh. Điều ít khi gặp nếu bạn đến sân bay Tân Sơn Nhất vì ở đó ống lồng dù nhiều mấy cũng quá ít so với lượng máy bay cất hạ cánh.

Ảnh 3: Vinh và những người bạn tại cuộc gặp gỡ lần thứ 3 đồng đội CCB trinh sát C20 Sư đoàn 341, ngày 17 - 12 - 2022. (Ảnh: Hoàng Tấn Quả)