(Viết tiếp chuyện “Nhánh Lan rừng Trường Sơn”)
Tác
giả Nguyễn Trung Ngọc
Lời TG: Tôi viết truyện này như một sự cảm thông, hơn nữa là tri
ân, những người dân bình dị đã chịu hi sinh, mất mát rất nhiều trong cuộc chiến
tranh trước 1975; góp thêm tiếng nói khẳng định sự “hư hại” của chiến tranh:
Mất mát trong chiến tranh còn là mất mát của bao nhiêu giá trị vô hình.
Tác giả Nguyễn Trung Ngọc (ngoài cùng bên phải) với bạn học cùng lớp đại học 16D K2 ĐHSP Vinh
Làng L. đã lâu không còn bị coi là cái làng “nghiệp chướng”,
“làng hủi”… như nhiều năm trước nữa. Khách qua lại nơi đây thậm chí còn muốn
ngồi lại lâu hơn dưới gốc Bồ đề không biết được trồng từ năm nào ở đầu làng,
nay đã mở tán xum xuê, tỏa bóng mát rượi cả một khoảnh đất rộng lớn, ngay cạnh
con đường độc nhất vào làng. Ngày xóm nhỏ mới hình thành, chẳng ai thèm đến cái
xó đầy rác bẩn, nằm bên con lạch chảy từ trên xã xuống, mang theo đủ thứ chẳng
lấy gì làm sạch sẽ. “Văn minh” của những năm 80 ấy vẫn còn là văn minh ỉa đồng,
ỉa bãi nên thường gặp nhất là những con chó đói giơ xương từ trong làng chạy ra
bờ lạch, gầm ghè nhau tranh giành những đống phân buổi sáng sớm. Để vào được
xóm nhỏ, người ta phải dùng cả “nghệ thuật nhảy múa” mới thoát qua được đoạn đường
này. Lối vào xóm đi chênh vênh bên bờ con lạch chứa dòng nước chẳng ra trong ra
đục, nổi lềnh bềnh đủ thứ, kể cả phân người và xác những con gà chết dịch bị
ném xuống. Tuy vậy, dải đất cao dần về phía núi lại là một địa bàn rất thích
hợp để mở rộng dần cái khu dân cư đặc biệt chỉ có thể có sau chiến tranh: Làng
không chồng.
Cũng khó xác định như nơi bắt đầu của một dòng sông, chẳng ai
còn nhớ chính xác Làng Lòi được chính thức thành làng từ năm nào nữa. Hoặc giả
người ta muốn cố tình quên đi người đã khai sinh ra ngôi làng này: Sao một
người đàn bà hư hỏng, một “con đĩ” lại có thể là “Thành hoàng” của một làng quê
xứ “địa linh” này! Người dân trong vùng chỉ còn nhớ được, sau chiến tranh chừng
dăm bảy năm, nghĩa là khoảng những năm đầu của thập kỉ 80, có một cô gái trạc
27 tuổi người làng trên làm việc ở huyện về dựng một túp lều đầu tiên trên dải
đất ven núi bên kia bờ lạch. Để sang được vườn mới ấy, người anh trai của cô
phải giúp kết 3 cây tre làm cầu đi qua con lạch lúc nào cũng chỉ có nước chảy
lờ đờ mang theo rác bẩn.
Chủ nhân của túp nhà lá đơn sơ mới dựng là Sương. Cô Sương. Ở
làng quê, chỉ ít bữa thôi là người ta đã nắm hết lí lịch của một người từ nơi
khác đến. Dù tách biệt với mọi người trong xóm cũ nhưng chỉ mấy tuần sau là
những lời ong tiếng ve đã lọt đến tai người phụ nữ đơn côi tội nghiệp. Khi là
những lời bóng gió của mấy bà đi chợ sớm ngoài đường cố nói thật to để vọng
vào; khi là mấy đứa trẻ chăn trâu nói vu vơ hoặc hát mấy câu đồng dao cốt để
Sương nghe, không cho Sương chạy thoát búa rìu dư luận: “Không chồng có chửa
mới ngoan…” Chắc chúng nó cũng chẳng biết gì, chỉ là nghe người lớn xúi, sướng
mồm mà hát. Thuở ấy người ta không buông tha cho bất cứ người con gái nào không
chồng mà “mang bụng”. Nhưng sự thể đâu phải đơn giản như người đời đồn đoán. Có
ở vào hoàn cảnh Sương người ta mới hiểu hết sự tình.
Hai mươi bảy tuổi, Sương vẫn đẹp như cành Phong lan giữa độ,
tươi thắm, nền nã, đầy quyến rũ…Năm chiến tranh kết thúc, đúng khi Sương từ hỏa
tuyến trở về thì trên huyện cần một cán bộ đoàn là nữ. Cô được giới thiệu vào
vị trí đó. Trong suốt bảy năm, cho đến khi thành Phó bí thư đoàn huyện rồi có
chuyện xảy ra, không ai gợn một chút suy nghĩ gì về đức hạnh của người con gái
tài sắc vẹn toàn này. Tất cả là vì chiến tranh chăng? Chiến tranh là thủ phạm
của nhiều tội lỗi quá! “Chiến tranh là hư hại”, ông Đỗ Phủ cũng từng nói như
vậy! Dù sao thì Sương cũng là Người. Mà Con Người thì…không phải là thần thánh!
Đứa con trong bụng Sương chưa kịp ra đời là kết quả của một cuộc tình đầy trắc
ẩn.
Chuyện dài lắm…
Hồi mới đi hỏa tuyến về rồi được đưa lên huyện công tác, năm sáu
năm trôi qua, Sương sống yên ổn trong dãy nhà cán bộ độc thân của cơ quan
huyện. Không một lời ra tiếng vào với cô cán bộ trẻ bởi Sương thuộc tuýp đảng
viên quá mẫu mực thời đó. Đã kinh qua chiến trường, lại là một cô gái thông
minh, Sương làm việc giỏi giang ít người bì kịp. Vì thế, chỉ mấy năm cô đã từ
một cán bộ văn phòng Đoàn trở thành phó bí thư huyện đoàn đầy tiềm năng, ai
cũng nể trọng. Vậy thì Sương có lỗi gì không? Có chứ! Tại sao Sương lại là
Sương? Tại sao giọt nước ấy cứ long lanh thế! Để rồi cái sắc đẹp của một người
con gái làm tự hào cho cả vùng quê lúa đã trở thành con mồi cho cả những tên
săn gái tồi tệ nhất. Chính chiến tranh tàn bạo cả ở khía cạnh này: Những phụ nữ
xinh đẹp vì thiếu con trai mà phải thiêu thân trong những cuộc tình khập
khiễng.
Hồi ấy, khu nhà cho cán bộ độc thân ở huyện được dựng lên sau
chiến tranh còn đơn sơ lắm nhưng khá đẹp bởi sự gọn gàng, nền nếp, lại được
điểm trang thêm một vạt hoa cúc vàng được trồng trước các dãy nhà. Những căn
phòng cho cán bộ độc thân được chia nhỏ từ một ngôi nhà cấp bốn lợp ngói đúc
bằng xi măng nhưng vách ngăn thì cũng chỉ là những tấm cót ép tận dụng được nẹp
lại cho gọn ghẽ, biểu hiện sự cố gắng cao để chăm lo đời sống cán bộ của thời
bao cấp khốn khó. Trong cái khó ló cái khôn, chủ các căn phòng đã rất khéo sắp
đặt để cái không gian chưa đầy mười mét vuông ấy vẫn đảm bảo cho mọi sinh hoạt
thiết yếu diễn ra hàng ngày. Sương được phân một phòng cuối dãy nhà, hướng gió
nồm mùa hè rất mát. Nhưng hay cái này thì lại dở cái khác: Phòng thoáng gió thì
lại nằm ở rìa ngoài, đêm có tiếng động gì vừa sơ ma lại sợ cả lũ trộm rình mò.
Có người bảo Sương xin đổi phòng vào giữa, Sương chỉ cười: “Ngày đi C, nhiều
khi một mình khiêng hai cái sọt đựng hài cốt liệt sĩ đi trong rừng Trường Sơn
còn chẳng sợ, giờ về quê sống giữa trung tâm huyện, bày đặt chi cho phiền đến
cơ quan”. Không sợ ma nhưng có phải sợ người, sợ hoàn cảnh mà nhiều khi chúng
ta không dễ gì làm chủ nó? Sương đã không lường được chuyện này. Chính căn
phòng ở góc khu tập thể huyện Y ấy đã chôn vùi tương lai xán lạn của cô Phó bí
thư huyện Đoàn trẻ đẹp.
Chủ nhân căn phòng cạnh phòng Sương là Thôn, cán bộ tuyên giáo
huyện, có vợ là nông dân làm ruộng ở quê, một huyện xa trong tỉnh. Hai tháng
nay, khi chị Huyền hội phụ nữ chuyển lên tỉnh công tác thì thấy Thôn chuyển đến
đó. Thôn không đẹp trai nhưng chải chuốt và rất thích làm dáng. Anh ta “diễn”
thì khỏi bàn: Làm gì, nói gì ai cũng lầm, nhất là phụ nữ. Một cái liếc mắt của
anh ta cũng khiến cho một người đàn bà nào đó trong cơ quan xao xuyến, tơ tưởng
suốt đêm.…Thôn “diễn” giỏi từ trước chiến tranh nên mấy lần đi tuyển quân đều không
trúng, mặc dù “sức đàn ông” ở anh ta không hề kém cạnh ai. Có lẽ cũng nhờ cái
năng lực dấu mình hơn người cộng với lí lịch “cơ bản” mà Thôn thăng tiến rất
nhanh. Khi Sương được tuyển về huyện làm việc thì Thôn đã là phó phòng văn hóa.
Giờ thì Thôn đang chờ đi học trường đảng để làm “nguồn cơ cấu”, người ta nghe
trong huyện kháo nhau như vậy. Từ một bí thư xã đoàn “tiềm năng”, thuộc lớp
đảng viên được kết nạp từ phong trào “bèo hoa dâu hai giỏi”, chỉ 3 năm lên
huyện rồi chuyển sang huyện Y, Thôn đã trở thành “cán bộ cốt cán”.
Có thể ngay từ khi thưng vách ngăn các phòng, mấy người thợ
không để ý nên giữa căn phòng của Sương và Thôn có một cái lỗ bằng ngón tay
không được bịt lại. Anh cán bộ văn hóa rất ý tứ, đặt một chiếc đồng hồ để bàn
che kín đáo nhưng cũng thật “cơ động”. Sương không hề hay biết căn phòng của
mình và phòng kế bên có một lỗ sáng “di động” do tình cờ hay có bàn tay ai sắp
đặt từ lúc nào nữa. Có thể nhiều năm qua, cái tủ nhỏ của chị Huyền đã che khuất
lỗ nhỏ đó. Cho đến một hôm, khi Sương xuống một xã xa trở về hơi mệt đi nằm sớm
thì bí mật của căn phòng được “khơi thông”. Cô đang ngã mình trên chiếc giường
cá nhân, bật cái quạt cóc để xua bớt hơi nóng ngày hè nung nấu thì bỗng nhìn
thấy một lỗ sáng trên vách ngăn ngay sát chỗ nằm mà lâu nay không hề thấy. Ở
phòng bên tiếng nước dội đâu đó tạo nên tiếng chảy theo từng đợt ào ào. Tò mò,
S ghé mắt nhìn sang. Một cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú trước hình ảnh không
thật rõ nhưng đủ thấy trong ánh sáng của ngọn đèn đỏ ít công suất: Người đàn ông
đang đứng trần truồng dội nước ngay cuối góc phòng, quay hẳn về phía S, tay xoa
xoa xà phòng làm cho phần dưới cứng đơ, vung vẩy như một khúc cao su đàn hồi.
(Hồi đó, hầu như cả dãy nhà cứ học nhau hạ thấp góc phòng phía sau xuống 5 -
10cm một khoảng nền chừng một mét vuông để làm nơi tắm rửa luôn cho tiện, đỡ
phải chen nhau chờ đợi ngoài nhà tắm công cộng, nhất là những phòng con gái ở).
Chính cái “hình ảnh sinh vật” tai quái đã ám ảnh S rất nhiều ngày sau đó. Tự
nhiên cô thấy hoảng sợ: Vậy thì những khi cô tắm rửa ở góc phòng của mình, rất
có thể người ta cũng đã nhìn thấy…như cô đã thấy họ qua cái lỗ nhỏ rất kín đáo
cho bên chủ động quan sát.
Cố gắng không
nhìn lâu qua “cái lỗ định mệnh” ở bức vách, quay mặt ra ngoài, S cố nhắm mắt
nhưng cái hình ảnh quái quỉ cứ hiện ra. Từ khi lớn lên, chưa một lần cô tận mắt
nhìn thấy cái “cần tăng dân số” của đàn ông một cách rõ ràng mà lại trong tư thế
thoải mái, chủ động để quan sát đến vậy. Bên kia, tiếng dội nước thỉnh thoảng cứ
như vẫy gọi, rủ rê S dán mắt vào cái lỗ phên tuy rất nhỏ nhưng ghé sát thì cả
không gian phòng bên rộng mở còn hơn cả một màn hình cỡ lớn. Và, S đã không cưỡng
được, quay lại, úp mặt vào vách ngăn…Ngọn điện bên phòng Thôn dường như sáng
hơn soi rõ cái “nòng pháo” như vẫn sẵn sàng xung trận của người đàn ông độc
thân, xa vợ. Cả người S râm ran, cô bóp chặt ngực mình, cưỡng lại một sức mạnh
vô hình đang vò xé…Hôm nay là một ngày S xuống cơ sở làm việc nhiều, khá mệt.
Cô cố quên đi sự cám dỗ bằng cách tìm một mảnh giấy nâu dán bịt cái lỗ bên vách
ngăn lại rồi thả mình trong trí tưởng tượng, hình dung về một thời con gái đi
chiến trường với đầy kỉ niệm vui buồn trên những nẻo đường gian khổ, đưa mình thiếp
đi trong giấc ngủ.
*
* *
Sáng chủ nhật nên
Sương dậy muộn hơn ngày thường. Tỉnh giấc là cô nhớ ngay đến chuyện tối qua.
Quay nhìn cái lỗ trên vách thì lạ thay, mảnh giấy cô dán bịt lại tối qua hình
như có ai tác động đã bong ra rơi xuống giường. Phía bên kia đã được che kín bằng
vật gì đó có vẻ chắc chắn hơn mảnh giấy cô dán nhiều nhưng hình như không cố định.
Cô nằm yên suy nghĩ miên man: Tại sao bỗng dưng Thôn lại chuyển đến ở phòng chị
Huyền? Sao anh ta không ở nốt khu nhà trên chờ đi học luôn, chỉ lấy lí do trên
đó mùa hè rất nóng? Và điều làm S nghi ngờ nhất là vì sao chỉ sau một tuần Thôn
đến lại xuất hiện cái lỗ trên bức vách như vậy? Cô nhất quyết muốn tìm hiểu.
Nói là làm ngay. Dậy đánh răng rửa mặt xong, thấy Thôn cũng đã dậy đang mở đài,
S gọi vọng sang:
-
Anh Thôn ơi!
Anh còn nước uống cho em sang xin cốc, hôm qua em đi cả ngày không đun giờ đã hết
cả.
Thôn rất vui vẻ, trả lời:
-
Sang đây! Em
sang đây, muốn uống mấy cốc cũng có!
Từ ngày chị Huyền
chuyển đi, đây là lần đầu tiên S bước sang căn phòng đó. Thôn thấy S qua, mặt
tươi rói, đon đả mời S ngồi. S xua tay:
-
Anh cứ nghe
đài tự nhiên, em chỉ xin cốc nước.
Rồi vừa rót nước
vào cốc, S vừa liếc nhìn vào chỗ đoán có cái lỗ thủng trên bức ngăn giữa hai
phòng. Nhưng nhìn từ phía phòng Thôn, không ai có thể thấy gì khác ngoài một
chiếc đồng hồ bàn chủ nhân của nó đặt rất ý tứ trên chiếc bàn con sát vách để
che khuất cái lỗ. S vờ cầm đồng hồ lên như để nhìn cho rõ: “Ôi, mới đó mà đã gần
7 giờ…” rồi đặt lại thật đúng chỗ cũ, cám ơn Thôn và trở về phòng. Nấu vội nắm
mì sợi ăn sáng xong, S đạp xe ghé về thăm nhà ngày chủ nhật. Cả tuần tiếp đó S
bận tối mắt cho Đại hội Đại biểu Đoàn toàn huyện nên tạm quên đi chuyện đã xảy
ra hôm trước. Nhiều lần, khi vắng người, Thôn vẫn qua lại tỏ ý săn sóc nhưng
Sương cũng không còn thì giờ chú ý.
Cho đến một tối cuối tuần…
Xong xuôi chuyện Đại Hội, công việc đã giãn
ra, S trở về phòng sau bữa chiều liên hoan ở huyện. Cô xách xô ra cái giếng khơi
ngay góc sân của dãy nhà tập thể xách liền mấy chuyến những xô nước mát lạnh về
đổ đầy vại nước đặt ở góc sau căn phòng, chuẩn bị cho việc tắm táp. Lớp trẻ
ngày nay nghe kể về đời sống, sinh hoạt của cán bộ huyện thời ấy chắc cứ tưởng
là chuyện của một thế giới mông muội nào nhưng với S lúc này lại thấy thật hạnh
phúc so với những ngày ở Tây Trường Sơn có khi cả tuần chỉ được tắm rửa vài ba
lượt. Tinh thần thư thái sau một tuần căng thẳng, lại có cảm giác thoải mái của
người vừa tắm xong, S mặc bộ đồ ngủ thật mát rồi nằm trên chiếc giường quen thuộc
nghêu ngao mấy bài hát cũ. Tối thứ bảy, cơ quan huyện rất vắng vẻ. Một tối mùa
hè nơi huyện lị thật yên tĩnh. Những người ở xa hầu hết đã “cắt cơm, bơm xe”. S
cứ 2 tuần thì về nhà một lần. Hôm nay là “phiên” ở lại. Ở phòng bên, có lẽ Thôn
cũng không về vì vừa khi S tắm xong thấy bên đó điện đã bật sáng. Cô giật mình
khi cái lỗ sáng trên vách một lần nữa lại hiện ra. Trong phút chốc cô đoán ra mọi
chuyện: Thời gian cô đứng tắm ở góc phòng, chiếc đồng hồ trên chiếc bàn nhỏ bên
phòng Thôn đã được nhắc khỏi vị trí để lộ ra lỗ sáng nhỏ mà nếu Thôn tắt điện
thì S sẽ không thể nào biết được. Chắc nãy giờ anh ta đã ngắm S như lần trước S
đã làm. Có thể khi S tắm xong, anh ta quên kéo chiếc đồng hồ lại. Cũng có thể
anh ta cố ý để vậy vì một ý đồ riêng. Chỉ biết, phía bên phòng Thôn, tiếng nước
dội trên người đổ xuống lại nghe ào ào, khêu gợi S một lần nữa ghé mắt nhìn
sang. Hệt như lần trước, trong ánh sáng của ngọn đèn mờ, S vẫn thấy rõ thân
hình trắng trẻo và cái “biểu tượng giống đực” rất khỏe trên cơ thể người đàn
ông 37 tuổi. Thôn tắm rất nhanh, dường như chỉ muốn khỏa trần dội nước để xua
đi cái nóng ngày hè. Không mặc quần áo vội, anh ta đi thẳng về phía S (tất
nhiên là phía bên kia bức vách), thong thả rút chiếc khăn tắm vắt trên dây căng
ngang giữa phòng lau nước trên đầu, ngực, bụng… “Nòng pháo” phía dưới vẫn thẳng
đứ bật lên bật xuống theo nhịp cánh tay. S nhắm mắt lại, lật ra giữa giường,
người nóng ran như đang lên cơn sốt. Hai bên ngực S cương lên chờ đợi… “Nhìn ngắm
còn tệ hơn sờ mó”. Trời ơi! Sương đã làm gì đây? Một đời con gái trinh trắng, đến
một nụ hôn S cũng chưa bao giờ biết đến. Chỉ một lần, trên đỉnh Trường Sơn xa lắc
S tưởng đã được đón nhận từ một anh lính sinh viên đẹp trai, rất trẻ với tình
yêu đầu đời tinh khiết của cô nhưng đã bị từ chối. Bóng người bên phòng Thôn bước
lại gần bức vách và cái lỗ sáng được che kín lại. Mà hình như người ta biết S
đã lén nhìn vì hôm nay điện bên phòng S vẫn để sáng từ nãy, cô quên không bấm
công tắc tắt đi.
Tự nhiên Sương thấy sợ. Cô hay đọc sách nên
cũng biết nhiều. Giờ thì dù có hồn nhiên đến mấy S cũng hiểu Thôn chính là một
Becxônôp trong “Con đường đau khổ”. (Nhân vật trong bộ tiểu thuyết “Con đường
đau khổ” nổi tiếng của Nhà văn Nga A.Tôntôi đã làm Đasa sa ngã). Khi đã thích một
phụ nữ nào Thôn sẽ săn bằng được. Anh ta đang dụ S vào bẫy. Hôm trước, tình cờ ở
lại cơ quan làm nốt chút việc đang dở, S có nghe Th tán chuyện với mấy lão đàn
ông đã có vợ đang nán lại ở phòng bên rất tục tĩu. Th “câu” gái có lí thuyết hẳn
hoi. Một người hỏi anh ta: “Ông Th có bí quyết gì mà các em hay theo quá nhỉ?”
Th cười ha hả và nói: “Rất đơn giản! Táo bạo, thần tốc. Với phụ nữ, phải dám đụng
chạm mạnh vào!” Đàn ông như vậy thì ở gần thật đáng sợ. Cái lỗ trên vách chắc
chắn cũng là một sự dàn dựng của Th? Nghĩ vậy nhưng lúc này con quỉ trong người
S cứ xúi cô tìm lối vào chốn bồng lai, hoan lạc. S đang bị kích dục cao độ.
Bỗng tiếng Th từ phòng bên vọng sang:
-
S ơi! Tuần này
em không về à?
S không tự chủ được nữa, giọng run lên:
-
Dạ…không!
-
Bên em còn xà
phòng cho anh xin chút giặt quần áo. Anh hết mà quên mua!
S lúng túng như một đứa trẻ, tim đập dồn dập nhưng cố bình tĩnh:
-
Tổ Công đoàn
em tuần trước mới phân người hai bánh, còn tha hồ dùng. Anh sang mà lấy!
Dường như hiểu
được tâm trạng S qua giọng nói và đoán biết S vừa quan sát mình tắm, Thôn rất tự
tin đi sang phòng S trong bộ quần áo tuềnh toàng mặc ngày hè. S mở cửa cho Thôn
vào rồi chạy lại chiếc tủ nhỏ ở góc phòng tìm một bánh xà phòng chưa dùng trao
cho Th. Lí thuyết “táo bạo”, “thần tốc” ngay lập tức được Th vận dụng triệt để.
Anh ta áp sát, ngửa một tay để nhận bánh xà phòng còn tay kia đặt lên vai S bóp
chặt: “- Tối thứ bảy buồn quá em…”
Sương như bị điện
giật. Cô không thể chống cự, đứng như trời trồng giữa nhà. Rồi người nàng nhũn ra
như sợi bún, ngã chuồi vào tay gã đàn ông. Thôn bỏ rơi bánh xà phòng xuống nền,
cúi xuống bế thốc S lên giường…
Sau cái đêm mây
mưa điên dại ấy, Sương thấy thù ghét Th. Anh ta chỉ là một thằng đàn ông đểu
cáng, hám gái chứ đâu phải yêu đương gì. Anh ta chỉ cần cái thân thể nõn nà,
trinh bạch của S để thỏa mãn thú vui xác thịt. Nghe đâu trong cái huyện Y này,
một tay y đã phá nát không biết bao nhiêu đời con gái. Ghét mà không sao xa được.
Thỉnh thoảng có cơ hội là hai người lại gặp nhau. Thậm chí có hôm đêm đã khuya,
S còn chủ động búng tay vào bức vách ra hiệu gọi Th qua phòng mình.
Một tháng…rồi hai tháng đi qua nhanh chóng.
Mọi chuyện vẫn được giữ kín hoàn toàn. Nhưng Sương thì ngày càng lo lắng: Đã
thêm hai lần cô không “thấy tháng” mà ngực và bụng thì căng lên rất nhanh. Tự bản
thân, S cảm nhận được điều đó. Cô chọn một ngày nghỉ xuống tỉnh gặp chị Huyền để
tâm sự hết. Chỉ có người chị, người bạn thân thiết từng giúp đỡ S như chị em ruột
thịt kể từ ngày S về huyện nhận công tác này mới có thể chia sẻ nỗi lòng đang rối
bời của cô. Nếu chỉ Huyền không lên tỉnh, nếu chị vẫn ở cái phòng bên cạnh ấy
thì S đã an toàn biết mấy! Ngồi bên chị H, S đã khóc nức nở, khóc để vơi đi nỗi
tủi hổ, để mong trút bỏ phần nào sự dơ bẩn mà cô đã bị vấy sang từ tên đàn ông
khốn nạn, dù biết trước mà S không sao tránh được. Nghĩ đến những ngày trước mắt,
S không kìm được tiếng khóc và cô thấy hoàn toàn bất lực, bế tắc. Chị H bàn
cùng S:
-
Hay là em cứ
thành thật trình bày với tổ chức. Kỉ luật thì khó tránh nhưng cũng để Huyện
ủy bắt lão Th phải chịu trách nhiệm một phần.
S vẫn nói trong nước mắt:
-
Không được đâu
chị ơi! Làm thế là em hại cả nhà anh ấy, em giết chết chị vợ tội nghiệp ở quê.
Anh Th cũng sắp đi học rồi, để cho người ta yên lành mà đi. Gì thì gì, cứ để
mình em chịu hết.
Chị H gần như phát cáu:
-
Chị hỏi thật,
em có yêu anh ta không và anh ta có tình cảm gì với em không?
-
Trời ơi! Sao
chị hỏi vậy. Em chỉ thấy ghê sợ anh ta và ghê sợ cả chính mình. Còn anh ta từ
ngày ấy không một lời hỏi han em, cứ như mọi chuyện là do em phải chịu, anh ta
không cần biết! Một lần anh ta còn nói với em thật ghê tởm: “S hời quá rồi còn
gì! Nếu lỡ có rắc rối cứ tự đi đâu đó xa xa giải quyết tí là xong”.
Bàn tính mãi cũng không tìm ra được một cách
gì thật ổn. Cuối cùng chị H đành phải đồng thuận là S sẽ để lại đứa con trong bụng,
bỏ việc ở huyện đoàn, về quê “dưỡng bệnh”. Sương nói với chị H: “Em nghĩ kĩ rồi,
chỉ cần em có một đứa con, rồi mẹ con sẽ rau cháo nuôi nhau. Đường đời chắc
cũng kéo lê qua được. Vả lại gia đình chắc cũng còn giúp được em chút ít. Em
làm em chịu. Xin chị đừng nói gì với ai cả. Bố đứa bé, cứ kệ anh ta. Từ nay em
sẽ coi như chưa bao giờ biết đến.”
Rồi việc S rời cơ quan huyện diễn ra nhanh
chóng đến ngỡ ngàng cả huyện. Nhưng cũng không nhanh bằng chuyện đi học của Th,
một tuần sau, anh ta đầy kiêu hãnh lên đường ra Thủ đô, đến cái trường đào tạo
cán bộ cao cấp mà chỉ những đảng viên ưu tú mới được đến, không thèm và cũng
không hề hay biết giọt máu của mình đang lớn dần lên trong người đàn bà tội
nghiệp.
Không muốn để bố mẹ phải quá ê chề vì con
gái chửa hoang, với sự giúp đỡ của người anh trai đi bộ đội phục viên về rất
thương yêu và cảm thông, S chọn một đám đất ở làng dưới, nằm trên dải đất ven đồi
bên kia con lạch dựng lên một cái gọi là nhà, “lót ổ” chờ ngày sinh nở. Những lời
thị phi, đàm tiếu của dân làng rồi cũng chuyển dần thành sự cảm thông, thương mến,
khi người ta thấy chủ nhân của túp lều bên chân núi thật cô đơn mà lại rất xinh
đẹp, dịu hiền. Dần dà, nhiều chị em có hoàn cảnh giống S ở trong vùng đã đến dựng
nhà nối tiếp vườn cô. Láng giềng của S đông dần lên thành xóm, thành làng. Nhưng
không giống bất cứ làng quê Việt Nam nào khác, cộng đồng nhỏ dân cư ở đây trong
thời kì đầu chỉ gồm toàn phụ nữ độc thân hay nhỡ nhàng và những đứa trẻ không
có bố. Làng L đã hình thành như vậy.
*
*
*
Chúng tôi đến
làng L vào một sáng đầu hè nắng đẹp. Cây Bồ đề do người anh trai S trồng vừa
thay lá mới xanh mướt, tỏa bóng xuống bờ kênh - cũng là con đường vào làng, đẹp
như tranh vẽ. Xưa kia, trước ngày S về ở, đây chính là một bờ lạch làm nơi đi
xia của dân xóm cũ. Nhìn sang dải đất ven đồi, một chiếc cầu mới bắc ngang con
kênh, soi mình trên mặt nước trong xanh dẫn về từ thượng nguồn sông Lam. Nghe
đâu, những con em của làng L đi làm ở nước ngoài đã góp tiền xây chiếc cầu này.
Một tốp trẻ trâu trần truồng đuổi những con trâu béo mộng lội ào ào xuống kênh
để cả người và trâu vùng vẫy. Quá sướng trước khung cảnh này, cậu con trai tôi vội
dừng xe, bảo phóng viên quay phim mang cả Flycam xuống thả lên trời ghi lại một
clip mà anh chàng (đạo diễn phim) rất lấy làm thích thú.
Để con trai và tốp
làm phim theo đuổi công việc của họ, tôi một mình tản bộ qua cầu. Mấy người dân
rất nhiệt tình chỉ cho tôi căn nhà đầu xóm không to nhưng khá đẹp trên một dải
đất chạy dài dưới chân đồi. Chủ nhân của nó chính là S mà 50 năm về trước đã được
tôi “cứu thương” vụ vắt chui vào người trên một đỉnh núi xa lắc của dãy Trường
Sơn hùng vĩ tận bên nước bạn Lào (Xem truyện “Nhánh Lan rừng Trường Sơn). Đầu
năm, Khi nghe tôi kể chuyện chiến trường, cậu con trai tôi đã thốt lên: Con sẽ
làm một bộ phim về chuyện này! Tôi biết người phụ nữ không còn trẻ ấy sáng nay
đang chờ đoàn làm phim của Đài tuyền hình theo lời hẹn với con trai tôi để thực
hiện những cảnh quay cho một bộ phim tài liệu mới: Số phận một con người.
…
Chiều muộn, xe
chúng tôi mới quay lại qua cầu trở về thành phố. Tôi ngắm kĩ một lần nữa cây Bồ
đề đầu làng mà bao năm nay chắc có Đức Phật từ bi về đây phù hộ cho những dân
làng đặc biệt đã phải gồng mình vươn lên trong khổ nhục để có được cuộc sống không
phải khác xa quá với những con người trong tòa biệt thự nguy nga của ông “quan
huyện” Thôn chiếm cả khu đất rộng giữa trung tâm thị trấn./.
Tháng 6-2021
NTN