(Bài đăng trên báo Quảng Bình số ra ngày 23 – 9- 2022)
Tôi về làng
vào những ngày đang là cao điểm của mùa nấm tràm. Đúng là nấm mọc sau mưa. Ngày
đầu tiên đi chợ Cự Nẫm, tôi đã không tin vào tai mình khi hỏi một chị đang ngồi
bán chỉ duy nhất một rổ nấm tràm khoảng 2kg: Bao nhiêu mớ nấm này chị? Dạ, 30
nghìn 1kg chú. Cứ nghĩ là tai tôi nghe nhầm, chí ít thì cũng phải 50 nghìn chứ
nhỉ. Phải hỏi lại lần nũa tôi mới tin là mình không nghe nhầm. Vẫn chỉ có 30 nghìn
với 1 kí nấm tràm với những búp nấm tròn trịa xinh xắn, trong rổ có 2kg nghĩa
là 60 nhìn đồng.
Nấm tràm là món ăn đặc sản từ thiên nhiên mà có lần ra Phú Quốc, chính tôi hỏi ở chợ Dương Đông người bán đã hét giá 100 nghìn đồng 1 kí nấm tươi. Còn muốn mua nấm tràm khô đem về Sài Gòn làm quà thì không dưới 300 nghìn đồng một kí. Vậy mà cánh sành ăn ở đảo Ngọc còn lu loa lên rằng cái giá đó không hề đắt chút nào bởi nấm tràm là thứ đặc sản độc chiêu chỉ có ở Phú Quốc do thiên nhiên ban tặng chứ con người chưa thể tạo ra được. Riêng chỗ này thì mấy tay đó chưa biết hết thôi chứ ở một số vùng quê trung du Quảng Bình, nấm tràm ngày nay cũng đã thành đặc sản nhưng... rẻ như rau.
2 kí
nấm tràm 60 nghìn đồng tôi mua ở chợ Cự Nẫm. Nấm này búp mới nhú nên có đắt hơn
tí xíu, nếu là loại đã nở xòe thì rẻ hơn nhiều, chỉ 15 nghìn đồng/kg (Ảnh: HTS)
Về thăm quê
đã một tuần, ngày nào tôi cũng đi rảo ở hai cái chợ quê là chợ Thọ Lộc và chợ
Cự Nẫm để tìm mua nấm tràm về ăn. Người bán có bao nhiêu nấm trong rổ là tôi
mua hết gọn bấy nhiêu. Mà thực ra cũng chả ai tranh giành với tôi. Dân quê tôi
coi nấm tràm cũng chỉ như mớ rau muống rau lang. Những người bán nấm cũng chính
là những người vừa vào rừng hái nấm về mang thẳng ra chợ. Bán được bao nhiêu
vẫn lời bấy nhiêu vì họ không mất chút vốn liếng nào. Công đi hái chỉ như cuộc
dạo chơi thể dục buổi sáng.
Mùa nấm tràm đến, sau một trận mưa giông ban đêm, tảng sáng khi mặt trời hửng là khi nấm tràm mọc rộ lên từng vạt. Có nhiều người từ các làng quê Kẻ Nầm, Kẻ Hạc (tên gọi cũ của vùng Cự Nẫm và Vạn Trạch) vào rừng hái nấm và bán nấm. Hái được bao nhiêu họ đem ra chợ Cự Nẫm và chợ Thọ Lộc bán cho bằng hết. Nấm tràm tươi là thứ không thể để qua ngày vì thế giá có rẻ mấy họ cũng bán.
Nấm tràm sau
khi gọt rửa sạch, ngâm nước muối khoảng 10 phút là nấu ăn ngon lành (Ảnh: HTS)
Riêng trong
việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, nấu kiểu gì cũng
ngon, nấu với gì cũng ngon. Nấm tràm có thể nấu lẩu, nấu cháo, xào với tôm,
thịt, gói giấy bạc nướng lên ăn càng ngon. Nhưng với người làng quê tôi, nấm
tràm nấu canh rau khoai lang là ngon nhất.
Mỗi năm ở
vùng quê tôi nấm tràm chỉ mọc một lần sau những cơn mưa đầu mùa khoảng từ giữa
tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, nấm mọc rộ dần và kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần
là hết. Người dân quê Cự Nẫm và Vạn Trạch coi nấm tràm là một thứ lộc trời. Lộc
cho người hái bán và cả lộc cho người mua ăn. Hái được nấm tràm và được ăn nấm
tràm chỉ có từ may mắn trở lên.
Gắp một búp nấm tràm mập mạp bỏ vô miệng, thong thả
nhai để ngấm cho hết cái dư vị đắng đót mà ngọt ngào chỉ riêng có ở nấm tràm.
Một cảm giác rất...nấm tràm.
HTS
Link XB trên báo Quảng Bình ngày 23-9-2022: