30 tháng 7, 2022

Sách cũ anh đi còn để lại

Trích Tự truyện: NHỮNG CHUYỆN KHÔNG NÊN KỂ

Chương 3: Thăng trầm đời đi học

Ngày mai tôi đi Đồng Hới họp lớp 12A K2. Lần gần đây nhất lớp này họp là tháng 8-2019 tại Cửa Lò.

Người ta thường chỉ có 1 lớp cấp 3 và 1 lớp ĐH để họp riêng tôi lại có đến 2 lớp cấp 3 và 2 lớp ĐH.

Hồi học lớp 8 tôi đi K8 ra Thọ Xuân, Thanh Hóa khi mới học hết HK 1 của lớp 7, nghĩa là chưa tốt nghiệp cấp 2. Ra đến Thọ Xuân thì người ta vừa thi tốt nghiệp cấp 2 xong. Vào năm học mới 1968 tôi phải học lại lớp 7 từ đầu ở trường cấp 2 Thọ Nguyên. Học được 2 tháng đang yên lành thì bỗng dưng không biết từ đâu và do ai can thiệp, có giấy của Ty GD Thanh Hóa do 1 cán bộ của Ty cầm về Thọ Nguyên trao tận tay tôi, 1 chú bé 14 tuổi, cho tôi vào học lớp 8 Trường cấp 3 Thọ Xuân 1 khi đó đóng ở xã Xuân Hòa bên bờ sông Chu, cách xã Thọ Nguyên 10km. Vậy là tôi thành HS lớp 8 cấp 3 khi mà mới học được nửa lớp 7 chưa kịp thi tốt nghiệp và vô lớp 8 thì chậm mất 2 tháng. Giả sử bây giờ có ai đó đứng ra viết đơn tố cáo tôi chưa thi tốt nghiệp, chưa có bằng tốt nghiệp cấp 2 mà đi dạy đại học với làm đủ thứ việc này nọ thì tôi cũng đành phải chấp nhận.

Tôi mang cái giấy của Ty GD đến gặp thầy Hiệu trưởng Trường cấp 3 Thọ Xuân 1 là thầy Khởi. Thầy tướng mạo cao to đẹp trai và rất hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ hơn cả những phụ nữ đẹp. Thầy bảo: Em vào lớp 8A nhé rồi hỏi tôi đã có sách vở gì chưa. Dạ em chưa ạ. Ngày mai em lên đây, trường sẽ cấp cho em 1 bộ sách giáo khoa mới tinh và 10 cuốn vở. Tôi mừng rơn. 3 năm sau vào học khoa văn ĐHSP Vinh tôi gặp lại thầy Hiệu trưởng Khởi ở thầy Chủ nhiệm khoa, GS Hoàng Tiến Tựu dạy VHDG, cũng cao to đẹp trai, cũng hiền lành, cũng nói năng rất nhỏ nhẹ, cũng quê Thanh Hóa.

Học sinh K8 hồi đó chế độ như bộ đội. Mỗi năm 2 bộ quần áo, tháng 15kg gạo, 1 hộp sữa đặc, 0,5kg đường... Tôi cầm Giấy vào lớp của thầy Khởi tìm đường về lớp 8A là một căn nhà hầm nằm lọt giữa làng, học buổi đầu tiên.

Tôi học buổi đầu tiên ở lớp 8A với môn toán của thầy Phục, 1 thầy giáo dạy giỏi nhưng rất nghiêm khắc của cấp 3 Thọ Xuân 1. Thầy viết lên bảng mấy chữ Đường tròn ngoại tiếp rồi chỉ luôn vào tôi (có lẽ do hôm đó tôi mặc bộ quần áo mới tinh và rất đẹp do nhà nước cấp phát, khác hẳn mọi người trong lớp): Anh trả lời cho tôi biết định nghĩa về đường tròn ngoại tiếp. Tôi ớ cả người vì đây là lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm này. Đó là kiến thức mà các bạn trong lớp đã học trong 2 tháng qua của đầu năm lớp 8. Sau này tôi còn nghe thêm 1 khái niệm toán học rất lạ nữa là đường tròn nội tiếp. Đầu óc giàu trí tưởng tượng của tôi suy đoán ra ngay: Đã có ngoại tiếp ắt phải có nội tiếp nhưng vì sao lại thế thì tôi không thể biết. Tôi đứng như trời trồng. Thầy Phục giọng lạnh ngắt: 1 điểm về chỗ. Ngay lập tức Thắng lớp trưởng (Thắng là con ông GĐ nông trường Sao Vàng) dũng cảm đứng lên: Thưa thầy bạn Sơn là học sinh K8 mới vào học buổi đầu tiên hôm nay ạ. Thầy Phục rất ngạc nhiên bước xuống bàn tôi hỏi chuyện. Tôi đứng lên kể hết câu chuyện học hành mất đầu mất cuối của tôi cho thầy nghe, kể cả chuyện bom đạn Mĩ đang ngày đêm ném xuống mảnh đất Quảng Bình chết chóc nhiều như thế nào, kể luôn chuyện tôi đã đi hàng tháng trời từ Quảng Bình để sơ tán ra được Thọ Xuân này. Thầy lặng thinh 1 lúc rồi nói: Thầy xin lỗi, thầy không cho em điểm 1 nữa. Rồi thầy giao luôn cho Thắng kèm cặp tôi học bài cho kịp chương trình. Cuối buổi học Thắng kéo tôi về ở trọ cùng nhà với hắn trong Xuân Hòa. Sau này còn thêm thằng Dong con ông chủ tịch xã Thọ Nguyên ở làng Phai Phô cùng trọ chung nhà với tôi và Thắng.

Cuối cùng thì hết năm lớp 8 tôi cũng thi đủ điểm các môn, đa số là điểm 3 (3 trên 5, tương đương điểm 5/10 bây giờ), đủ điểm lên lớp 9 mà không phải thi lại môn nào. Tôi phục tôi vô cùng và cũng vô cùng biết ơn Thắng, xem Thắng là người bạn lớn trong đời của tôi. Nghe nói lên lớp 10 thì Thắng trúng tuyển đi học phi công quân sự ở Liên Xô. Tôi ước gì được gặp lại Thắng 1 lần nữa trong cuộc đời này.

Đang nghỉ hè tung tăng đi hái trộm hồng của vườn phụ lão ven sông Chu thì Mĩ ngừng ném bom ra miền Bắc, tôi được xe của tỉnh Quảng Bình ra đón về lại quê và học lớp 9, lớp 10 rồi tốt nghiệp cấp 3 ở trường Đồng Hới (khóa 1968 – 1971).

Vì thế mà tôi có đến 2 lớp cấp 3 để đi họp. 1 lớp ở Thọ Xuân, 1 lớp ở Đồng Hới. Lớp nào kêu tôi cũng đi hết.

Tốt nghiệp cấp 3 xong tôi thi đỗ và vào học ĐHSP Vinh luôn trong năm 1971. Tôi học lớp 12A K2. Nhân đây cũng giải thích luôn cái tên lớp có vẻ khó hiểu với những ai chưa từng là SV ĐHSP Vinh. 12A có nghĩa khóa 12 lớp A. Khóa 12 khoa văn của tôi có 150 bạn trúng tuyển được chia làm 2 lớp A và B. Tôi học lớp A gọi là 12A. Còn K2 nghĩa là Khu 2, nơi ở của khoa văn, gọi K2 khoa văn là vì thế. Trường tôi những năm chiến tranh sơ tán hết từ Thanh Hóa về đến Nghệ An, ở chung với dân. Mỗi khoa là 1 khu đóng ở 1, 2 xã. Bắt đầu từ K1 (khu 1) là VP trường, K2 (Khu 2) khoa Văn, cứ thế K3 khoa Toán, K4 khoa Vật Lý, K5 Khoa Hóa, K6 Khoa Sinh, K7 là khoa đào tạo GV cấp 2 có trình độ ĐH chỉ học 3 năm, K8 là khoa Sử, hình như hồi đó chưa có khoa Địa lý. K là khu, không phải là khoa như nhiều người nhầm tưởng. Do chiến tranh, mọi thông tin cần bí mật, ngay tên Trường ĐHSP Vinh khi đó cũng có 1 cái tên rất bí mật là Trường 12-9 (Ngày khởi nghĩa Xô viết Nghệ An, bây giờ vẫn có câu ca Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An).

Cũng nhân đây xin nói luôn, thế hệ chúng tôi ai đã học dưới tên gọi trường ĐHSP đều rất tự hào và rất thích nhận là SV của Trường ĐHSP Vinh, chúng tôi không thích gì cái tên gọi cộc lốc ĐH Vinh bây giờ. Tương tự, tại Trường ĐHSP Quy Nhơn nơi mà tôi có hàng chục năm giảng dạy cũng vậy, cả thầy và trò thời ấy đều luôn xưng là ĐHSP Quy Nhơn, không ai ưa gì cái tên cộc lốc ĐH Quy Nhơn bây giờ. Tôi vẫn nghĩ những ai đã cố tình đổi tên ĐHSP Vinh, ĐHSP Quy Nhơn thành ĐH Vinh, ĐH Quy Nhơn là ngu xuẩn. Muốn mở thêm các hệ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thì cứ thế mà mở dưới tên trường ĐHSP chứ ai cấm. Tại sao ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Huế, ĐHSP TP HCM... vẫn tồn tại và đầy uy tín đến bây giờ. ĐHSP Vinh mà bỏ SP đi thì cũng ngang ĐH Hồng Đức, ĐH Hà Tĩnh; tương tự ĐHSP Quy Nhơn mà bỏ SP đi thì cũng chỉ ngang ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Phú Yên... Tự mình làm cho bé mọn hẳn đi, không ngu xuẩn mới lạ.

 Giấy chứng nhận học tập do thầy Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh GS Nguyễn Thúc Hào kí ngày 10-9-1972 xác nhận tôi là SV năm thứ 2 khoa văn “Được thôi học để đi làm NVQS”. Trong giấy ghi là Học sinh vì ngày đó Bác Hồ không cho gọi SV dễ gây kiêu căng tự mãn; tương tự ngày đó không gọi phi công mà gọi là chiến sĩ lái máy bay để các phi công khỏi kiêu căng... Hic.

Như đã nói, tháng 9-1971 tôi nhập trường làm SV lớp 12A K2 thì tròn 12 tháng sau, tháng 9-1972 tôi lên đường nhập ngũ. Tôi khi đó dù đã xong năm nhất chuẩn bị vào học năm 2 nhưng vẫn chỉ mới tròn 18 tuổi, còn rất ngu ngơ nên cũng chẳng phải yêu nước này nọ gì lắm. Người ta cho học thì học, người ta bảo đi lính thì đi lính. Chứ người ta bảo đi bộ đội mà mình cứ ì ra ngồi học cũng không xong. Tóm lại là tôi khi đó lên đường nhập ngũ mà không phải vì tinh thần thanh niên 3 sẵn sàng hay yêu nước căm thù giặc gì hết. Tôi quan niệm cái gì đã là nghĩa vụ thì phải làm cho xong và cố gắng làm cho tốt. Thế thôi. Trong người tôi ngày đó chưa có khái niệm tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc như báo chí tuyên truyền.

Đi bộ đội ngày đó thì huấn luyện xong tôi phải vô miền Nam chiến đấu. Hết chiến tranh, tháng 12-1975 tôi được quân đội trả lại trường. Lớp 12A đã tốt nghiệp và họ biến đi đâu hết, chỉ còn lại các khóa đàn em. Đáng lẽ tôi vào khóa 15 để học năm thứ 2 nhưng khóa 15 khi đó đã học gần hết học kì 1 sợ tôi theo không kịp nên trường xếp cho tôi theo học với khóa 16, nghĩa là học lại từ đầu năm thứ nhất với 4 năm dài đằng đẵng. Đời đi học của tôi quả thật lận đận.

Khoá văn 16 này tuyển sinh được 200 SV chia thành 4 lớp ABCD, tôi học lớp D gọi là lớp 16D K2. Nhà trường đặt tên cho khóa 16 là khóa Việt Nam Chiến thắng vì là khóa học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất.

Vì thế mà tôi có đến 2 lớp ĐH để đi họp lớp. Lớp 12A K2 và lớp 16D K2. 2 lớp này khá siêng họp và tôi chưa bỏ họp lớp lần nào. Có khi trong 1 năm cả 2 lớp cùng họp, tôi vừa đi họp lớp này về lại khăn áo đi họp lớp kia. Rất rộn ràng. Mà mỗi lớp lại họp 1 nơi, có khi rất xa nhau. Như năm kia, vừa họp lớp 12A ở Cửa Lò về lại tung tăng lên Đà Lạt họp lớp 16D. Bà xã tôi bảo có khi ông được cấp huy chương vì sự nghiệp họp lớp cũng nên. Huy chương thì hồi đi bộ đội tôi có mấy cái, lại thêm HC vì sự nghiệp báo chí, HC vì sự nghiệp truyền hình, HC vì sự nghiệp GD v.v., nên tôi chẳng thiết, tôi chỉ mong có đủ thời gian, sức khỏe và tiền bạc để đi họp lớp. Cái hồi anh gì chủ cafe Trung Nguyên nói câu tưởng như rất ất ơ Tiền nhiều để làm gì khiến nhiều người lấy làm khó chịu thì tôi đã có ngay đáp án: Tiền nhiều để đi họp lớp.

Đó là chưa nói năm ngoái, mấy ông bạn lớp CH6 còn gọi cho tôi đề nghị nên tổ chức họp lớp CH văn 6 tại Vũng Tàu. Chưa kịp thực hiện thì có ông lăn ra ốm nặng rồi qua đời nên tạm thời gác lại. Chứ nếu có họp thêm lớp CH nữa thì tôi vẫn vui vẻ nhận lời..

Trở lại với vụ đi họp lớp 12A K2 ngày mai. Như đã nói tôi chia tay lớp này đi lính vào tháng 9-1972. Cả lớp có 75 SV mà chỉ có 20 nam, còn lại là nữ. 2 đợt nhập ngũ vào tháng 5 và tháng 9-1972 có 12 bạn nam lên đường. Lớp trống trải hẳn ra. Bạn Đào Thủy trong lần gặp lại đầu tiên ở Gò Vấp, Sài Gòn kể cho tôi biết: Ngày các bạn lên đường không khí trong lớp chùng hẳn xuống, rất trống trải. Trong số những bạn lên đường với tôi, một số bạn đã kịp có người yêu học cùng lớp nên chia tay rất bịn rịn. Tôi vẫn nhớ cái buổi chiều tối ngày 11-9-1972 ấy, toàn bộ các thầy cô là CBGD của khoa và SV khoa văn từ năm 1 đến năm 4 đứng nối dài từ cổng gạch cổ xưa của làng Lăng Thành (cái cổng gạch ấy nay đã đổ nát) dưới bóng cây đa làng trăm tuổi (cây đa làng ấy nay đã chết) ra đến bờ đê Yên Thành để tiễn chúng tôi ra trận. Nhiều bạn chia tay nhau mà phải quệt nước mắt, mỗi tôi là không có ai để lưu luyến ngoài bạn bè vô tư trong lớp nên ra đi rất nhẹ nhàng. Giờ nghĩ lại thấy mình sao chậm khôn thế, học đến năm 2 rồi mà vẫn chưa biết hơi ấm bàn tay con gái.

Có 1 câu chuyện rất buồn cười và ngu ngơ ngày đó, chuyện này rất không nên kể nhưng tôi vẫn kể ra đây. Tôi ở trọ cùng nhà với Mạnh Trọng Hội (đã qua đời), Nguyễn Minh Khâm, Nguyễn Xuân Tùng. 4 thằng thì có 3 thằng là Khâm, Hội và tôi cùng nhập ngũ. Trong 3 thằng cùng nhập ngũ thì 2 thằng kia đã có bạn gái hoặc nhang nhác kiểu như người yêu. Mạnh Trọng Hội khi đó yêu bạn Danh cùng lớp (đã qua đời). Ngày nhập ngũ Danh thêu tặng Hội 1 cái túi đựng kem bót đánh răng xinh xắn. Hội khoe với tôi, tôi thích lắm. Danh thấy tội cho tôi quá nên mới nói: Mình muốn thêu tặng Sơn 1 cái như của Hội nhưng hết chỉ thêu rồi, bạn đi xin đâu được ít chỉ thêu về mình sẽ thêu tặng bạn. Chỉ kịp nghe có thế tôi chạy ngay qua nhà của mấy bạn Búp, Duyến, Nhạn, Hiệu xin chỉ thêu. May sao Trần Nhạn gom cho tôi được 1 mớ chỉ thêu xanh đỏ tím vàng. Danh đã thêu tặng tôi 1 cái túi y như của Hội. Cái túi thêu của Danh theo tôi vào tận B2 – miền Đông Nam Bộ, vào tận Sài Gòn ngày giải phóng 30-4.

Tóm lại ngày tôi chia tay lớp 12A K2 để nhập ngũ, lòng tôi không gợn lên 1 chút xao xuyến gì vì không có 1 gương mặt bạn gái nào để nhớ. Với tôi ngày đó thì Lê Phương Nga, Nguyễn Phương Nga hay Lê Khắc Chân Như thì cũng như Đậu Văn Phúc, như Lê Văn Ngọ, như Nguyễn Khắc Chi hay Nguyễn Trung Ngọc. Thậm chí là tôi còn thấy nhớ các bạn nam hơn nhớ các bạn nữ vì tôi thấy chơi với con trai vui hơn, thoải mái hơn là chơi với con gái. Sau này có mấy đứa bạn thân thì cũng toàn là nam, không có 1 bạn nữ nào. Tình hình này kéo dài cho đến ngày tôi trở lại trường học với lớp 16D. Có ông bạn thân nói hay là tôi bị gay, bóng, đồng tính gì đó. Tôi phải giơ tay thề là không hề nhé. Bằng chứng là nếu con gái sờ vào tôi thì tôi thấy thích còn con trai sờ vào tôi thì nhột chịu không nổi. He he.

Ngày tôi chia tay lớp 12A K2 để nhập ngũ, trong cuốn sổ tay nhỏ của tôi đút sâu trong ba lô chỉ có mỗi Nguyễn Đình Anh lưu bút với 4 câu thơ:

Sách cũ anh đi còn để lại

Mai ngày bạn mới sẽ nâng tay

Hơi nồng trong ấy còn vương mãi

Nghĩa bạn tình thầy chẳng hề phai

4 câu thơ trên năm 1988 tôi khéo léo đưa vào trong 1 truyện ngắn có tên là Người bạn trên Cao nguyên tham gia cuộc thi viết về thầy giáo và nhà trường do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tổ chức và đã đạt giải B không có giải A mảng văn xuôi. Tôi đã đọc truyện ngắn cho Nguyễn Đình Anh nghe. Hắn thích lắm. Cuốn sổ với bài thơ ngắn của Nguyễn Đình Anh sau này trên đường hành quân vào Nam, khi vượt qua vĩ tuyến 17 tôi phải tiêu hủy theo mệnh lệnh của chỉ huy đơn vị vì bộ đội vào miền Nam không được mang theo dấu vết từ miền Bắc, lỡ bị quân địch bắt thì lộ hết bí mật. Nhưng bài thơ của NĐA thì tôi thuộc đến bây giờ. Đi họp lớp 12A lần này tôi rất muốn được gặp lại Nguyễn Đình Anh là vì thế.

Đúng là Học với nhau 1 năm mà nhớ nhau suốt đời.

Nói thực lòng, chuyện tôi hay đi họp lớp và chưa bỏ 1 cuộc họp lớp nào từ to đến nhỏ không phải vì hội chứng, không phải vì đu trend. Tôi đi họp lớp từ khi chưa ai đi, từ khi tôi còn rất bận rộn với công việc biên tập ở đài truyền hình Bình Định và ở Đài TH cáp Quy Nhơn.

Tôi đi họp lớp chỉ vì mấy lí do sau: Tôi nghĩ đến những bạn học, những đồng đội cùng đi lính với tôi đã ngã xuống trong chiến tranh. Họ giờ này đang nằm yên dưới những nấm mồ ở các NTLS và chỉ mong được 1 lần chớp mắt để nhìn thấy bầu trời cũng không được. Tôi nghĩ đến những bạn bè khác dù còn sống nhưng bị thương tật, bị bệnh tật đau ốm như ung thư, đột quỵ, tiểu đường biến chứng, xương khớp, nhồi máu cơ tim... có người dù muốn đi từ giường ngủ vô nhà vệ sinh cũng không được.v.v. Hà cớ gì tôi còn đi lại hoạt động bình thường, có đủ sức khỏe, điều kiện các thứ thế này mà lại không đi khi bạn bè kêu gọi. Trong lúc các bạn ban cán sự lớp (đã giải tán từ 50 năm trước), ban tổ chức họp lớp tự nguyện vác tù và kia đã đứng ra lo liệu hết mọi thứ vất vả thế, mất thì giờ thế để có được 1 cuộc họp lớp với những chỗ chơi, chỗ ăn, chỗ ngủ rất ngon lành, mình chỉ book vé bay vù cái là xong, sao lại không đi. Mình không đi thì ai đi. Không đi là phụ lòng bạn bè và tự thấy mình có lỗi. Không đi là phụ lòng với bạn bè lớp 12A K2, những người đã tiễn tôi, nắm chặt tay tôi ngày tiễn tôi lên đường nhập ngũ tròn 50 năm về trước (năm 2022 này là kỉ niệm tròn 50 năm tôi chia tay bạn bè, chia tay trường, khoa đi bộ đội, tháng 9-1972). Đó là chưa nói vợ tôi lại rất ủng hộ tôi đi họp lớp dù đi hơi nhiều và hơi dày.

Bởi họp lớp chính là 1 phần của cuộc sống.


 

5 tháng 7, 2022

Cuốn tiểu thuyết về một chương đen tối trong lịch sử nhân loại

 (Đọc “Gương mặt loài Homo Sapiens” của Trần Như Luận, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Bài đăng trên báo THANH NIÊN ngày 4/7/2022

 Trần Như Luận là một nhà văn Việt Nam đương đại hoàn toàn sống ở Việt Nam nhưng ông đã viết cuốn tiểu thuyết mang tên Gương mặt loài Homo Sapiens dài 370 trang về lịch sử nước Congo thuộc châu Phi giai đoạn từ năm 1940 đến năm 1964 với những chi tiết chân thực, sống động như người trong cuộc. Đó là điều đáng để bạn đọc khâm phục về tác giả Trần Như Luận qua cuốn tiểu thuyết lấy đề tài và cảm hứng từ lịch sử đất nước Congo, Gương mặt loài Homo Sapiens.

Tiểu thuyết “Gương mặt loài Homo Sapiens” của tác giả Trần Như Luận

(Ảnh: HTS) 

Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1940 khi mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1941 – 1945) bắt đầu diễn ra cho đến khi kết thúc với tội ác tày trời của chủ nghĩa phát xít mà đứng đầu là Adolf Hitler. Cùng với đó là cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân Bỉ vào đất nước Congo (nay là nước Cộng hòa Dân chủ Congo). Là một tác phẩm văn học được sáng tác dựa trên những cứ liệu lịch sử nên các nhân vật và sự kiện được đề cập đến trong nội dung sách được hư cấu theo kiểu 7 thực 3 hư. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy ở Gương mặt loài Homo Sapiens những trang viết miêu tả sự áp bức, bóc lột dã man kinh hoàng của chủ ngĩa thực dân Bỉ đối với người dân thuộc địa Congo. Đó chính là lời tố cáo đanh thép đầy sức thuyết phục của ngòi bút Trần Như Luận trước tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân. Qua những trang hồi kí của nhân vật chính Po Martin, thực trạng áp bức, bất công đó đã được vạch trần: “Đồng loại Homo Sapiens quá lạm dụng vũ lực và khí giới. Khi nắm quyền hành và vũ khí trong tay, chúng trở nên quá lộng hành. Chúng coi đồng loại chẳng ra gì. Muốn cướp là cướp, muốn bắt là bắt, muốn bắn bỏ là bắn bỏ” (Trang 63).

Vấn đề đặt ra ở đây là, dù là thực dân thống trị hay người dân thuộc địa bị áp bức thì cũng đều là giống người được trưởng thành từ một loài động vật bậc cao rất tinh khôn, rất gần với loài người, đó là loài Homo Sapiens. Vì thế mà từ tên sách còn đặt ra một vấn đề khác: Sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa Apartheid. Ở đây không đơn giản là học thuyết về sự đề cao giống người da trắng (được xem là con người thượng đẳng) và kì thị giống người da đen (được xem là con người hạ đẳng) mà từ đó chủ nghĩa phát xít đã lấy làm cơ sở lí luận để mở những cuộc chiến tranh xâm lược khắp thế giới với những cuộc giết chóc ghê rợn trong đó có cả chiến dịch bài trừ người Do Thái. Chúng gây ra nạn đói tràn lan khắp thế giới trong đó có cả đất nước Việt Nam xa xôi thuộc Đông Nam Á. Nhân vật Po Martin đã có những trang viết cháy bỏng lòng căm phẫn về tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam trong chuyến đi thực tế ở Việt Nam vào năm 1945: “Tôi cực lực lên án cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật, những kẻ phải chịu trách nhiệm về nạn đói tại Việt Nam kéo dài từ tháng 10 năm 1944 đến hết tháng 5 năm 1945. Tính ra trong 8 tháng đã có 2 triệu người Việt Nam chết đói” (trang 282). Ở chi tiết này, tác giả Trần Như Luận đã rất khéo léo dẫn dắt câu chuyện từ Congo châu Phi xa xôi về đất nước Việt Nam và nhờ đó mà tiếng nói lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân trong Gương mặt loài Homo Sapiens càng lan tỏa rộng rãi hơn.     

Thông qua lời của nhân vật thông tuệ, nhà sử học lớn của Congo Po Martin, Gương mặt loài Homo Sapiens đã đặt ra một vấn đề rất lớn: “Động vật thượng đẳng (Homo Sapiens – người viết bài) hóa ra là như thế sao” (trang 63). Vì những nội dung và ý nghĩa được nêu trên mà Gương mặt loài Homo Sapiens không chỉ là mang hơi hướng của một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà hơn thế, nó còn là một cuốn tiểu thuyết luận đề, luận đề về chủ nghĩa thực dân và luận đề về tệ nạn kì thị chủng tộc mà thực chất là chủ nghĩa Apartheid đã từng rất phổ biến trên thế giới và hiện vẫn còn rơi rớt ở nhiều nước.

Tuy nhiên nội dung và ý nghĩa của tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens không chỉ có thế. Trong cuốn tiểu thuyết này, với những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, tác giả Trần Như Luận còn vạch trần tội ác của chủ ngĩa phát xít như là một kẻ đồng hành, đồng lõa cùng chủ nghĩa Apartheid mà đứng đầu là tên trùm quốc xã Adolf Hitler trong đó nổi bật là chủ nghĩa bài Do Thái (tiếng Anh: antisemitism). Câu chuyện của Trần Như Luận đưa người đọc đến với số phận của nhận vật Anne, người thiếu nữ Do Thái xinh đẹp, người yêu của nhân vật chính Po Martin. Cô và cả gia đình gồm 9 người đã bị lính Đức bắt vào trại tập trung và dùng hơi ngạt giết chết trong đau đớn. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, đã có đến 6 triệu người Do Thái bị giết chết trong các trại tập trung của phát xít Đức. Tiểu thuyết của Trần Như Luận cũng cho biết từ cái chết của cô gái Anne: “Người ta đã nghĩ sai khi cho rằng Anne là biểu tượng của 6 triệu người Do Thái bị bức hại cho đến chết. Thực ra cuộc đời và cái chết của Anne chỉ là số phận của một cá nhân riêng lẻ; nhưng số phận thảm khốc ấy đã diễn ra tới 6 triệu lần” (trang 287). Một con số thật là khủng khiếp từ một cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tính luận đề.

Từ đó độc giả cũng thấy thêm một ưu điểm nữa của Gương mặt loài Homo Sapiens là tính hiện thực trong tác phẩm đã được tác giả tuân thủ một cách nghiêm nhặt. Vì thế, Gương mặt loài Homo Sapiens là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực phê phán thời đương đại. Ở đó ngòi bút tiểu thuyết của Trần Như Luận đã thông qua tội ác của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa Apartheid và chủ nghĩa phát xít để nhằm nói lên rằng, loài người dù là động vật bậc cao nhất trong thế giới động vật nhưng sự dã man của một số tầng lớp người trong đó là hết sức khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả những loài vật dã man nhất như hổ báo.

Những trang viết của Gương mặt loài Homo Sapiens còn cho bạn đọc thấy một thực tế rất khác về những người da đen châu Phi ở Congo. Họ bị áp bức nặng nề bởi chủ nghĩa thực dân Bỉ nhưng tinh thần quật cường, ý chí phản kháng chống lại thực dân Bỉ để xây dựng một nước Congo độc lập, dân chủ luôn trỗi dậy ở một bộ phận những người dân và trí thức yêu nước. Trong đó tiêu biểu là nhân vật Patrice Lumumba, một thanh niên trí thức trẻ, một người anh hùng dân tộc của Congo, sau này trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Congo độc lập đã nói những lời đầy tin tưởng: “Nhất định châu Phi sẽ viết nên lịch sử riêng của nó. Đó sẽ là lịch sử ở phía bắc và phía nam của sa mạc Sahara, một lịch sử vinh quang và thấm đẫm nhân phẩm, chứ không phải lịch sử của sự cắn răng chịu đựng nỗi lăng nhục triền miên” (trang 192).

Chính vì tinh thần quật cường và giàu tư tưởng nhân bản ấy nên tuy sống trong nghèo khổ, lạc hậu và xa lạ với văn minh phương Tây nhưng đời sống tâm hồn của các bộ tộc Congo lại rất trong sáng và đẹp đẽ. Họ đã làm nên cuộc sống của một xã hội loài người thu nhỏ mà ngày nay con người của xã hội văn minh đang mơ ước: “Ở đấy không hề có nạn bắt bớ, giam cầm và tàn sát nhau như tại Somaliland thuộc Ý, hoặc tại Pháp và Hà Lan. Không hề có mối thâm thù giữa người Đức và người Pháp do Hitler đầy hoang tưởng dựng lên, đẩy hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Không hề có tình trạng dùng vũ lực cướp nước rồi bỏ dân bản địa chết đói đối với bọn Đức Quốc xã tại Hà Lan và bọn phát xít Nhật tại Việt Nam” (trang 315). Tương tự, trong hồi kí của nhân vật Po Martin cũng đưa ra những tư tưởng rất tiến bộ về cách ứng xử giữa người với người để triệt tiêu chiến tranh: “Bạn có bao giờ mong muốn ai đó đối xử dã man với bạn không? Đương nhiên là không. Vậy thì, tôi mong bạn đừng bao giờ đối xử dã man với bất cứ ai. Những kẻ manh tâm hành động dã man không xứng đáng là người đâu. Họ là ác quỷ đấy”. (trang 322).

Những trang viết như thế đã làm sáng lên cuốn tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận. Nó làm cho người đọc không rơi vào bi quan mà đã tạo nên một niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Đó cũng là chất lãng mạn đáng kể của Trần Như Luận trong cuốn tiểu thuyết này.    

Đọc Gương mặt loài Homo Sapiens ban đầu độc giả sẽ có cảm nhận đây là một cuốn sách khó đọc và khô khan nhưng càng đọc bạn sẽ càng bị cuốn hút. Cuốn hút vì sự hấp dẫn của một nội dung vô cùng phong phú của loài Homo Sapiens như là một chương đen tối trong lịch sử nhân loại được nén chặt trong 370 trang sách. Cuốn sách còn cuốn hút người đọc vì lối dẫn chuyện điềm đạm, tự tin, chủ động của tác giả. Mặt khác, lối hành văn ngắn gọn, ý tại ngôn ngoại được xây dựng bởi một bố cục hợp lí là một trong những thế mạnh của Trần Như Luận ở tác phẩm này. 

Trước khi Gương mặt loài Homo Sapiens ra đời, nhà văn Bình Định Trần Như Luận đã là tác giả của 7 đầu sách được xuất bản. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, biên khảo và có thế mạnh về tiểu thuyết. Gương mặt loài Homo Sapiens là cuốn tiểu thuyết thứ 3 trong gia tài sáng tác văn học của anh. Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết thành công không chỉ vì đề tài mới lạ mang tính nhân bản cao mà còn vì những giá trị về nội dung và ý nghĩa mà cuốn sách mang lại cho bạn đọc.

HTS

 Link XB trên báo THANH NIÊN :

https://thanhnien.vn/ve-mot-chuong-den-toi-trong-lich-su-nhan-loai-post1474826.html?fbclid=IwAR2FsH7eZOO0da4PdNhcR_A0pYwqzCgtymwR9toi7yrdzmzmnPCETyt15cE