30 tháng 8, 2016

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Chuyến du lịch Sapa của tôi kết thúc đã 10 ngày nhưng thỉnh thoảng trong giờ làm việc, những khi rảnh rỗi thì ấn tượng mạnh mẽ của chuyến đi với những cáp treo và đỉnh Fansipan, của con đèo ngoằn ngoèo hiểm trở nối Sapa với TP. Lào Cai trong mưa bão, của núi Hàm Rồng và bản Cát Cát đẹp như tranh vẽ… vẫn tái hiện trong tôi như một cuốn phim quay chậm.
Đời tôi không nhớ hết những nơi đã đặt chân đến kể cả trong nước lẫn ngoài nước, nhiều nơi cũng rất ấn tượng nhưng có lẽ chỉ mỗi cái thị trấn nhỏ Sapa trong chuyến đi mới rồi lại khiến tôi nhớ về nó với một tình cảm sâu lắng nhất. Không chỉ là cảnh vật với núi non hùng vĩ, mà quan trọng hơn là con người với những đồng bào dân tộc H’Mông hiền lành chăm chỉ và thật thà. Thích nhất là những em bé Mông mặt mũi áo quần nhem nhuốc nhưng rất bụ bẫm và dễ thương bám trên lưng mẹ đi bán hàng thổ cẩm cho du khách.
Thích nhất nữa là được đặt chân lên đỉnh Fansipan, cảm giác thật khó tả. Còn nhớ khi về  đến nhà Lê Quang Phương ở Thọ Xuân, Thanh Hóa tôi kể chuyện này cho Lê Đăng Sơn và Đinh Như Xuyên, Lê Ngọc Sáng nghe thì chúng nó không tin. Chúng nó bảo dù có cáp treo đi nữa thì tôi cũng không thể nào trèo qua 600 bậc đá để lên đỉnh Fansipan được.
Sau Sapa, khi về Thọ Xuân tôi còn được Lê Quang Phương nhiệt tình đưa đi mấy huyện Thanh Hóa với những Ngọc Lặc, Thường Xuân; viếng thăm Hoàng thành Lam Kinh, Đền thờ Lê Lai, Đền thờ Lê Hoàn… Đó cũng là niềm thích thú lớn của tôi trong chuyến đi nối dài Sài Gòn - Hà Nội – Sapa – Thanh Hóa – Vinh – Sài Gòn.
Có thể xem nội dung trên chiếm 70% của chuyến đi. 30% còn lại tôi dành cho những cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng đội. Ở Hà Nội là chú Ngọc là Uông Ngọc Dậu là Thành thuốc, là cu Bi... Về Thọ Xuân là Lê Quang Phương và bạn bè Thanh Hóa như Lê Đăng Sơn, Đinh Như Xuyên, Lê Ngọc Sáng; về Vinh là Ngọc Nga, Nguyễn Đình Anh, là chị Kim Liên…  Giá mà có thời gian và tiền bc rủng rỉnh, 6 tháng tôi sẽ đi một chuyến thì sướng vô cùng. Bởi tính tôi thích đi, hễ được đi là thích dù bất cứ đi đâu, huống chi là đi đến Sapa và về Vinh, Thanh Hóa thăm thú bạn bè, đồng đội chí cốt. Trở lại Sài Gòn, tôi nhớ mãi về các bạn với những quan tâm, chăm sóc đón tiếp tôi rất chu đáo, chân tình khiến tôi nhiều lúc rất cảm động. Viết những dòng này, xin được gửi lời cảm ơn đến các bạn đã cho tôi thêm niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống. Với tôi, bạn bè là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. 
Điều không bình thường lần lên Sapa này là tôi đi lẫn vào đoàn du khách Tây ba lô và Hàn ba lô, hầu như không có người Việt Nam nào. Bởi người Việt khôn lắm, chả dại gì lên Sapa mùa mưa bão để có thể dễ dàng bị lũ cuốn trôi mất xác bất cứ lúc nào. Dân Tây cũng khôn và cũng quý sự sống còn hơn cả dân Việt nhưng hơn cả sự ham sống là sự thích thú của họ khi được khám phá và mạo hiểm cho dù có hi sinh chính bản thân mình. Đi chuyến Sapa này tôi đã có được sự trải nghiệm vô cùng thích thú đó. Trên chuyến xe từ Hà Nội ngược Sapa có 2 người Việt là tôi và một ông khách khoảng 50 tuổi cũng đi du lịch đơn độc từ Sài Gòn như tôi. Ông này không về Hà Nội cùng chuyến với tôi mà còn ở lại Lào Cai để đi thêm một ngày nữa sang Hà Khẩu, Trung Quốc, kcũng là một tay giang hồ kín tiếng. Vì thế mà chuyến về Hà Nội trên xe chỉ mỗi tôi là dân Việt, còn lại là gần 40 người nước ngoài.
Đi với dân Tây, dân Hàn ba lô tôi học hỏi được ở họ rất nhiều về tầm cao của sự văn minh và văn hóa. Họ lên xuống xe rất từ tốn cứ như là một sự xếp hàng tự giác. Ai lên trước thì đi thẳng ra sau nhường chỗ phía trước cho người lên sau dù ai cũng biết khi đi ô tô khách thì những chỗ nằm hoặc ngồi phía trước tốt hơn rất nhiều, ít nhất là đỡ bị xóc hơn. Nếu là dân Việt ta, ngay cả tôi cũng thế, nếu lên trước sẽ chọn cái giường nằm tầng dưới ngay bên phải xe gần cửa ra vào cho an toàn, tha hồ ngắm cảnh vật bên đường và lên xuống xe cho tiện. Bài học này chắc chắn là tôi không học được khi đi xe khách. Trên xe họ rất im lặng, nếu có nói chuyện với nhau thì cũng chỉ ghé tai nhau nói rất nhỏ như là nói thầm. Tôn trọng người khác là một nét văn hóa quá cao của sự văn minh phương Tây.
Ở những điểm du lịch, dù luôn đi thành tốp 5 hoặc 3 người với nhau nhưng họ không nói cười hô hố và ăn uống nhồm nhoàm. Nhớ những buổi ăn sáng buffet trong khách sạn, họ xếp hàng lấy đồ ăn rất nhẹ nhàng, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Họ có thể cầm dĩa đi lấy đồ ăn vài ba lần để ăn cho đủ bữa nhưng họ không lấy một dĩa đồ ăn thật đầy tú hụ như dân ta rồi ngồi ăn một thể cho khỏe, sau đó ăn không hết thừa mứa ra cũng mặc kệ. Khi ăn họ vét sạch thức ăn thừa trong dĩa, không để dư một chút nước nào. Tôi nhìn họ ăn mà ước gì mỗi người dân nước ta khi ăn uống đều có được nét văn minh tưởng như nhỏ nhặt mà vô cùng to lớn ấy. Ngay chỉ trong săn uống đã đđể nói lên đâu là người thượng đẳng và đâu là người hđẳng. Dân Việt ta hiện tại có một bộ phận nhờ biết làm ăn mà ngày càng giàu có lên nhưng đó chỉ là sự giàu có về vật chất còn sự giàu có về tinh thần thì hình như đang ở chiều ngược lại. Văn minh vật chất đã không theo kịp với văn minh tinh thần. Hôm ở Hà Nội chú Ngọc nói với tôi một nhận xét khái quát về con người Việt Nam, nhất là người Hà Nội hiện nay: Dân ta đang lo giải quyết khâu sang là chínhNói thực tôi nhìn sứng xử văn minh nơi công cộng của người phương Tây mà phát thèm và cố gắng để học hỏi. Nói đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy.
Trở lại Sài Gòn lại chúi mũi vô công việc dù chẳng thích thú gì nhưng cũng phải tranh thủ lao động kiếm thêm ít thu nhập hàng tháng bù thêm cho chút lương hưu ít ỏi. Thỉnh thoảng sướng lên lai quẳng ra một tháng lương để đi đó đi đây cho thỏa chí tang bồng.   
Tôi đúng là kẻ giang hồ vặt trong câu thơ của nhà thơ Đồng bằng sông Cửu Long Phạm Hữu Quang:
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà
"Vặt" mà được thế cũng sướng.


Lê Quang Phương nâng chai chivas 18 của Uông Ngọc Dậu cho tôi hôm ở Hà Nội và nói: Chai này không dưới 1.500.000 đồng. Đúng thế. Siêu thị gần nhà tôi đề giá 1.770.000 đồng. Thiệt qúi cái tình anh em bạn bè của Dậu.

Với Lê Đăng Sơn. Về Thanh Hóa uống bia Thanh Hóa. Rất giống phong cách Obama nhé: đến Hà Nội uống bia Hà Nội. Sau lưng tôi là nồi cơm sống nhăn vì chủ nhà LQP nấu mà quên ấn nút.

Ở trạm dừng chân trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Tôi đã vắt óc ra mới dịch được "Dừa nửa" có nghĩa là dừa lửa. Dân Bắc Kì là vua lói ngọng


Bên quan tượng và cây ổi cười trong Lăng Vua Lê Lợi - Lê Thái Tổ

Dưới mái tam quan Hoàng thành Lam Kinh 17h chiều 16/8/216

Vái Bia Vĩnh Lăng còn gọi là Lam Sơn Vĩnh Lăng bi ở Lam Kinh, mt trước tác của Nguyễn Trãi, khi mặt trời đã tắt 

Lê Quang Phương trầm tư bên gốc cây đại cổ trong Đền thờ Lê Lai ở Ngọc Lặc

Trước cổng làng Luận Văn ở Thọ Xương, Thọ Xuân, 

nơi trồng giống bưởi đỏ Luận văn tiến vua nổi tiếng

Khoanh tay trên hồ Cửa Đặt (hay còn gọi là Cửa Đạt)

Diệu vợi nơi thượng nguồn sông Chu


Với dáng dấp rất giống bức tượng một người anh hùng ở miền Tây Nam Bộ


Phút trầm tư Cửa Đạt

Rất giống tư thế của tượng đài người anh hùng Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

Quay lại lịch sử để thấy: Dưới chân tượng đài người anh hùng Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định ở Tiền Giang. Trái sang: Trương Ngọc Kim, Lê Quang Phương, Lê Sơn, Hà Sơn (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc, Mỹ Tho, Tiền Giang, tháng 4/2016) 

Sân bay là của người ta
Anh đem anh chụp như là của anh


Sân bay Thọ Xuân, đi không đi, bay không bay, đến đây tạo dáng chụp hình. Rõ là hai thằng hâm  


      


24 tháng 8, 2016

Di tích lịch sử Thanh Hóa đôi điều mạn phép (Tiếp theo)

Rời Hoàng thành Lam Kinh, chúng tôi đến viếng Đền thờ Lê Lai ở làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc chỉ cách Hoàng thành Lam Kinh hơn 5 km. Cũng như các ngôi đền thiêng khác, Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai không chỉ là nơi thờ tự tưởng nhớ vị tướng tài đã có công lao to lớn với Lê Thái Tổ Lê Lợi, với triều đại nhà Hậu Lê, mà còn là địa chỉ lịch sử để du khách tìm về tri ân và tưởng niệm vị danh nhân này. Tuy nhiên, ở ngôi đền thờ này còn thiếu một tấm bia ghi lại công đức của Trung Túc Vương Lê Lai với tư cách là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, người có công lớn giúp Lê Lợi gây dựng sự nghiệp. Đặc biệt, ông đã hy sinh thân mình cứu Vua Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của giặc Minh và được hậu thế ngợi ca là tượng đài về lòng trung quân ái quốc. Tôi chắc chắn rằng nếu không có một tấm bia ghi công đức và giới thiệu, phần lớn du khách khi đến đây sẽ không mấy ai biết danh vị “Trung Túc Vương” của trung thần Lê Lai là do vua Lê Thánh Tông gia phong và nghĩa của nó là như thế nào.

Ở ngôi đền thờ Lê Lai này còn thiếu một tấm bia ghi lại công đức của Trung Túc Vương Lê Lai với tư cách là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn.
Địa chỉ lịch sử cuối cùng mà chúng tôi tìm đến thăm viếng là Đền thờ Lê Hoàn ở thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Lê Hoàn – Lê Đại Hành là vị Hoàng đế lừng lẫy chiến công đã nắm binh quyền chỉ huy mười đạo tướng quân đánh tan quân xâm lược Trung Quốc thời nhà Tống buộc vua Tống phải thừa nhận Việt Nam là một nhà nước độc lập có chủ quyền. Chính Hoàng đế Lê Hoàn – Lê Đại Hành đã làm nên lịch sử của triều đại nhà Tiền Lê và cùng với Hoàng đế Lê Lợi sau này (gọi là Hậu Lê) làm nên vùng đất Thọ Xuân địa linh nhân kiệt – vùng đất hai vua.
Tuy nhiên ở Đền thờ Lê Hoàn cũng có những điều khiến du khách nhức mắt. Rõ nhất là ở ngay ngoài cổng vào không biết ai đã cho dựng một tấm pa nô với khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng toàn dân”. Đền thờ một danh nhân lịch sử như Lê Hoàn không phải là nhà văn hóa thôn, càng không phải là trụ sở ủy ban xã để treo cái khẩu hiệu tuy đúng mà không trúng chỗ này. Đi sâu vào đền thờ chúng tôi thấy bên phải dựng một khung vải màu đỏ chữ vàng ghi “Giới thiệu tóm tắt thân thế sự nghiệp Vua Lê Đại Hành”. Nhìn qua và đọc kĩ tấm bảng mới thấy hết sự tùy tiện và phi logic của nó. Ở trên cùng bên phải ghi là “UBND xã Xuân Lập – Ban QLDT Đền Lê Hoàn”; bên phải ghi “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Đây là hình thức của môt văn bản hành chính chứ không phải là tấm bia (dù là làm bằng khung vải) giới thiệu công đức sự nghiệp của một vị vua ở cuối thế kỉ thứ X đầu thế kỉ thứ XI  như Lê Hoàn. Đó là chưa nói lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp của “Lời giới thiệu” này nhiều chi chít đến mức không đếm xuể. Dưới tấm bia (vải) ghi đầy đủ tên tác giả là Đỗ Viết Long - BQLDT Đền Lê Hoàn, với hai số điện thoại di động kèm theo (xem ảnh chụp đính kèm)
 Ở đền thờ Lê Hoàn 

 Có tấm bia chi chít các loại lỗi (Ảnh chụp ngày 17/8/2016)
Bề dày lịch sử của một dân tộc có thể đo đếm được từ những di tích lịch sử như Hoàng thành Lam Kinh, Đền thờ Lê Lai, Đền thờ Lê Hoàn; bởi chính nó là những minh chứng hùng hồn cho lịch sử của một dân tộc. Chăm chút bảo tồn và phát triển giá trị của những di tích lịch sử là hết sức cần thiết để truyền lại lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho hết thế hệ này sang thế hệ khác là điều rất nên làm và không bao giờ là muộn. Mấy điều mạo muội trên xin được gửi đến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Ban quản lí các khu di tích đã viết trong bài. Hi vọng có ngày trở lại thăm viếng, người viết bài này sẽ không còn thấy những khiếm khuyết như đã mạo muội đề cập.


23 tháng 8, 2016

Di tích lịch sử Thanh Hóa đôi điều mạn phép

Trung tuần tháng Tám 2016, từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm đồng đội cũ ở Thọ Xuân Thanh Hóa, tôi được bạn đưa đi thăm viếng một loạt các di tích lịch sử nổi tiếng của vùng đất này. Đó là Khu di tích Lam Kinh, Đền thờ Lê Lai và Đền thờ Lê Hoàn. Khỏi phải nói nhiều về giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn và quí giá của những khu di tích lịch sử ấy bởi ai đã từng một lần đặt chân đến, kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm trước điện thờ của những người anh hùng dân tộc đã viết nên những trang sử hào hùng của đất nước ta đều lấy làm tự hào và xúc động.
Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, từ xưa đến nay đều lắm nhân tài. Bởi thế người viết bài này không dám nói là góp ý mà chỉ dám mạn phép nói đôi điều suy nghĩ sau khi đã được thăm viếng từ Di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Lai đến Đền thờ Lê Hoàn. Đứng ở góc độ của bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các khu di tích cũng như khai thác thành những điểm tham quan, du lịch mang đậm giá trị tâm linh và nhân văn, thiết nghĩ cả ba khu di tích trên cần có sự chỉnh đốn lại cho hợp lí hơn.
Ở khu di tích Lam Kinh
Có lẽ với tên gọi “Khu di tích” thì có phần quá khiêm tốn (nghe nói trước đây còn gọi là khu phế tích). Lam Kinh là một cố đô bề thế và hoành tráng của triều đại nhà Hậu Lê do Hoàng đế Lê Lợi – Lê Thái Tổ sáng lập và dựng nghiệp. Khu di tích cấp quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng đặc biệt này rộng đến 200 ha với cấu trúc đầy đủ của một kinh thành phong kiến thời trung cổ (thế kỉ thứ XV). Kinh thành Lam Kinh có đầy đủ cổng Ngọ môn, có sân rồng và chính điện với thềm rồng và Thái miếu… Vậy tại sao không gọi là Hoàng thành Lam Kinh cho xứng tầm? Về mặt ý nghĩa và đặc điểm lịch sử thì Hàng thành Lam Kinh cũng không khác gì Hoàng thành Thăng Long hoặc Hoàng Thành triều Nguyễn ở Huế. Đó là chưa nói ở Hoàng thành Lam Kinh còn được che phủ bởi những rừng cây cổ thụ, tự nhiên mà trong đời sống đô thị hóa ngày nay, du khách muôn nơi tìm đến đều phải khát thèm và ngưỡng mộ. Vì thế nên gọi ngay khu di tích Lam Kinh là Hoàng thành Lam Kinh, không chỉ ngoài đời sống mà cả trong sách vở, văn bản hành chính cho xứng tầm.
Trong Hoàng thành Lam Kinh đang tồn tại những câu chuyện có thật rất thiêng liêng như cây ổi biết cười trước lăng mộ vua Lê Thái Tổ, cây Lim hiến thân trên nền chính điện và cây Đa Thị như một thiên tình sử cảm động. Sự tích về ba cây thiêng trên sẽ hút hồn du khách khi đặt chân đến Hoàng Thành vậy sao Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh không đặt những tấm bảng ghi lại nội dung sự tích những nơi có cây thiêng để giúp du khách có những giây phút lắng lòng bồi hồi xúc động và cảm thấy thiêng liêng khi trở về với chốn cội nguồn lịch sử này.
Một khiếm khuyết đáng kể nữa là ở Hoàng thành Lam Kinh rộng đến hàng trăm ha, các lăng miếu, nhà bia... nằm cách nhau khá xa với nhiều rất lối đi, lối rẽ nhưng hầu như không có tấm bảng sơ đồ tổng thể ở ngoài cổng cũng như các lối đi không có biển chỉ đường khiến du khách lúng túng khi thăm viếng.    

Cây ổi cười bên Lăng Lê Thái ổ Lê Lợi. 

Năm 2013, cây Đa Thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó

Trong các công trình được phục dựng, chúng tôi thấy đã khá hoàn chỉnh và hợp lí. Tuy nhiên ở nơi này còn thiếu một pho tượng đài của Lê Thái Tổ - Lê Lợi. Đó phải là một pho tượng hùng vĩ bằng đá hoặc bằng đồng cao hàng chục mét đặt giữa sân chính điện, ngay khi bước qua cầu Bạch hay còn gọi là Tiên Loan Kiều là du khách đã được ngửng đầu kính cẩn chiêm bái bức tượng của nhà vua vĩ đại. Đó cũng sẽ là nơi du khách khi đến thăm viếng Hoàng thành đặt hương dâng hoa lên Vua Lê Thái Tổ.

Ở nơi sân Chính điện này còn thiếu một pho tượng đài hùng vĩ cao hàng chục mét của Lê Tái Tổ - Lê Lợi.

Có một điều rất chướng tai gai mắt với du khách là ngay từ mấy trụ cổng đá ngoài cùng của Hoàng thành Lam Kinh, không biết ai đã cho treo căng ngang một cái băng rôn với khẩu hiệu “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản góp phần phát triển du lịch bền vững” bên cạnh là logo của ngành du lịch Việt Nam. Thật là một sự tuyên truyền thô thiển và kệch cỡm. Thiếu gì chỗ để treo cái khẩu hiệu bình thường nếu không nói là tầm thường ấy mà phải giăng ngang nó giữa chốn linh thiêng của một triều đại lịch sử oai hùng ngay ngoài trụ cổng uy nghi và thâm nghiêm xây bằng đá tảng rất cổ kính. Chính cái băng rôn treo một cách thô thiển ấy đã làm mất đi giá trị lớn lao của di sản lịch sử do cha ông ta để lại. Tháo ngay cái băng rôn ấy xuống là việc cần làm ngay của ngành văn hóa và du lịch Thanh Hóa.

Cái băng rôn với khẩu hiệu “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản góp phần phát triển du lịch bền vững” bên cạnh là logo của ngành du lịch Việt Nam. Thật là một sự tuyên truyền thô thiển và kệch cỡm (ảnh chụp ngày 16/8/2016). 

(Còn tiếp...)

20 tháng 8, 2016

Tự Vinh phó Sài Gòn không biết bao nhiêu tự

Với tôi, ở đâu mà tôi xem như quê hương tôi, như nhà tôi thì mỗi khi từ Sài Gòn đi đến nơi đó tôi gọi là về. Vinh với tôi là một nơi như thế. Từ Sài Gòn nơi tôi đang sinh sống ra Vinh tôi gọi là về Vinh, đi Quảng Bình thì gọi là về Quảng Bình vì nơi đó là quê tôi. Nhưng đi Hà Nội thì chỉ là ra chứ không thể là về. Đơn giản vì Vinh gắn với một chặng đường nhiều kỉ niệm đẹp của cuộc đời tôi, có gần 7 năm tôi ở đó học đại học và cao học; nhất là ở đó có những người bạn thân mà tôi xem như ruột thịt.
10h30 sáng 18/8/2016, tôi chia tay người bạn, người đồng đội Lê Quang Phương, từ biệt xã Tây Hồ Thọ Xuân quê của Phương để về Vinh cũng trên một chuyến xe giường nằm. Giữa chuyến thăm viếng cố đô Lam Kinh ngày hôm trước cho đến sáng chia tay nhau, tôi và Phương còn vi vu  nhiều di tích lịch sử khác nữa như đền thờ Lê Lai, đền thờ Lê Hoàn. Chúng tôi còn đến tận cổng làng Luận Văn nơi nổi tiếng với giống bưởi đỏ Luận Văn, đến đứng trên con đập hồ Cửa Đặt và cả con đập Bái Thượng lộng gió sông Chu… (Xin nói thêm, từ đền Cố đô Lam Kinh đến Đền thờ Lê Lai và Đền thờ Lê Hoàn – Lê Đại Hành tôi và Lê Quang Phương đã nghĩ ra mấy dự án – là những bài báo nhỏ sẽ được viết rất nghiêm túc để góp phần làm hoàn thiện những di tích lịch sử vô cùng quý báu này; và cũng vì nghiêm túc quá nên để dành viết sau).

Trước cửa nhà Lê Quang Phương sáng 18/8/2016. Hình do chị chủ quán cháo lòng tiết canh cạnh nhà Phương chụp.

Đến 15h chiều cùng ngày thì chiếc xe khách đường dài thả tôi xuống trạm bán vé cầu Bến Thủy. Chưa kịp đặt ba lô xuống vệ đường thì đã thấy Nguyễn Trung Ngọc với chiếc Nissan Sunny quen thuộc ra đón. Trên đường về nhà, chúng tôi tranh thủ tạt vô một quán bia hơi có cái tên rất nhạy cảm là Bia Ông Hồ uống mỗi thằng một ca nhựa bia hơi với đậu phộng luộc. Cái ca cũng cỡ nửa lít. Lần đầu tiên tôi uống bia theo phong cách của người anh hùng hảo hán Lỗ Trí Thâm như thế.
Từ đây tôi bắt đầu cho điểm dừng chân ở Vinh với hai ngày còn lại trong chuyến du lịch và thăm thú bè bạn.
Với tôi, căn nhà của Nguyễn Trung Ngọc và Phan Nga đã quá quen thuộc. Đó là một căn nhà đầy ắp tiếng cười nói bi bô của trẻ con là những đứa cháu nội ngoại của Ngọc. Tôi yêu những đứa trẻ như thế và chúng nó hình như cũng có phần thích tôi. Lần nào về Vinh tôi cũng đều ăn nghỉ lại căn nhà của Ngọc Nga, những người bạn trên cả thân thiết; được bế trên tay những đứa cháu dễ thương của Ngọc. Có lẽ đó là lí do khiến tôi hay nhớ và có cơ hội thì đều trở lại với TP Vinh.
Đến được nhà Ngọc thường tôi cũng chẳng muốn đi đâu và gặp ai khác nữa bởi với tôi thế là đã đủ cho một chuyến về Vinh rồi.
Hai ngày ở Vinh cũng là hai ngày mà cơn bão số 3 được gọi với cái tên ghê gớm là cơn bão Thần Sét tràn vào miền Bắc. Các sân bay từ Hải Phòng trở vào đều đóng cửa, hàng chục chuyến bay bị hủy. Bình thường thì chắc tôi cũng lo lắng lắm nhưng lần này tôi rất ung dung không sợ gì hủy với hoãn chuyến. Bởi sau thứ 6 ngày 19/8, ngày tôi có lịch bay vào Sài Gòn là ngày thứ 7 và chủ nhật, có về SG trễ cũng không ảnh hưởng gì tới công việc ở trường; và nhất là có cơ hội ở lại chơi thêm với Ngọc Nga thì cũng chỉ có thêm vui.
Tối muộn hôm qua, Ngọc Nga tiễn tôi về lại SG với lời dặn của Ngọc vô sân bay nếu có trục trặc gì thì thông báo. Trục trặc thì có đấy nhưng không đáng kể vì chuyến bay bị trễ chỉ 15 phút. Trong lúc các sân bay miền Bắc đều bị đóng cửa mà sân bay Vinh vẫn hoạt động bình thường là quá may rồi. Chỉ có một điều không bình thường là trên chiếc Airbus A320 của VJ tối qua có rất ít hành khách. Đang tháng 7 cô hồn lại xôn xao bão tố nên người ta tránh đi là phải. Chỉ có tôi là phó thác cho số phận với câu cửa miệng sống chết có số.
Ngọc chia tay tôi mà hình như không yên nên dừng xe gọi hỏi có gì trở ngại không. Như thường lệ tôi nói với Ngọc là mọi chuyện vẫn bình thường mặc dù chưa có chuyến bay nào từ Vinh về lại SG mà tôi không bị trễ, có chuyến trễ đến cả tiếng.
Hạ cánh xuống TSN lúc 23h3p, rời khỏi máy bay tôi mở đt nhắn tin cho Ngọc và Phương: Mình đã hạ cánh an toàn (đúng nghĩa đen của từ này) xuống SG rồi. Nhớ các bạn lắm.
Lát sau thì Ngọc nhắn lại: OK. Cảm ơn trời đất. Tôi cười thành tiếng ha ha khi đang ở trong nhà WC của sân bay TSN như một thằng điên. Rồi Phương cũng nhắn lại OK. Nếu ai biết chuyện tôi đi Sapa khi cơn bão số 1vừa tan hậu quả chết người ở Lào Cai chưa khắc phục xong; hết 3 ngày ở Sapa trong lúc đài đưa tin cơn bão số 2 đang đến thì tôi lên đèo rời Sapa về lại Hà Nội trong mưa bão; về đến Thanh Hóa lại nghe tin báo cơn bão số 3 sắp đến và rời khỏi Vinh khi cơn bão này đang hoành hành ở Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa… thì mới thấy tôi đã gặp may mắn như thế nào.
10 ngày của chuyến du lịch trong sự yên lặng khác thường giữa những cơn bão qua đi, tôi đã ngồi trong căn nhà mình vừa ăn bưởi Phúc Trạch của Nga cho với vợ con và tóm tắt lại hành trình chuyến đi với rất nhiều cảm xúc và trọn vẹn. Tôi hẹn là Tết này, khi trời yên biển lặng, khi những rừng đào núi Sapa rực nở đón xuân, tôi sẽ làm hướng dẫn viên không chuyên đưa vợ tôi đi Sapa cho biết về một vùng đất đẹp và hấp dẫn nhất Việt Nam với những đỉnh cao Fansipan, núi Hàm Rồng, bản Cát Cát; với những người đồng bào dân tộc H’Mông, Dao Đỏ hiền lành tốt bụng; với những em bé H’Mông dễ thương xinh xắn; với những đồng ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ… là như thế nào.

Tại quán bia hơi Ông Hồ trên TP. quê hương của Bác Hồ. Nguyễn Trung Ngọc với chiếc Nissan Sunny quen thuộc

Cafe Công đoàn sáng thứ 7 ngày CMT8 - CƯỚP chính quyền thành công (19/8) trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trái sang: Phan Nga, Nguyễn Trung Ngọc, Nguyễn Đình Anh và Hà Tùng Sơn

16 tháng 8, 2016

Viếng Hoàng thành Lam Kinh

7h sáng nay tôi từ biệt Hà Nội lên chuyến xe giường nằm chạy từ Giáp Bát về thẳng cổng nhà Lê Quang Phương ở Thọ Xuân. Mới10h30 đã đến. Chỉ hết có 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi không nghĩ là nhanh đến thế.  Nhờ có đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đấy.
Tôi mang ba lô bước vào căn nhà quen thuộc của Phương ở ngã ba Tây Hồ (Tôi đã đến nhà Phương một lần hồi tháng 4 năm 2015). Ra đón tôi là những ban học thời đại học và cũng là những đồng đội từ thời C20 F341: Đinh La (Như) Xuyên từ Nga Sơn vô, Lê Đăng Sơn và Lê Ngọc Sáng từ TP Thanh Hóa lên, riêng chủ nhà Lê Quang Phương ra sau cùng với đôi đũa bếp trên tay (do vợ đi nuôi cháu ngoài Hà Nội đã mấy tháng nay nên hắn phải thân chinh đi chợ nấu ăn thết đãi bạn bè). Hồi ở C20, cả mấy thằng lính sinh viên chúng tôi đều cùng ở một tiểu đội gọi là A10, thân thiết với nhau không thiếu một trò ma qủi nào là không có.
Chào hỏi bằng những cái đấm lưng, bá vai bá cổ xong, tôi chỉ kịp quẳng cái ba lô xuống là ngồi luôn vô chiếu. Phương thế mà giỏi. Vợ đi vắng nhưng hắn vẫn làm cả một mâm với 5-6 món nhậu tươm tất (trừ nồi cơm sống nhăn và nhão nhoét).
Tôi rút trong ba lô ra chai Chivas 18 của Uông Ngọc Dậu cho từ Hà Nội tối qua với lời nhắn: Cho em gửi lời chào đến bạn bè anh ở Thanh Hóa và gửi luôn chai rượu này để anh và bạn bè trưa mai thêm phần vui vẻ. Có một chai rượu ngon kèm theo hai thẩu loại 10 lít ngâm hoa phù dung núi và một két bia Thanh Hóa của Phương chuẩn bị sẵn nên cả bọn đúng là có một bữa uống lên bờ xuống ruộng.


Trái sang: Lê Ngọc Sáng, Hà Tùng Sơn, Lê Đăng Sơn và Đinh Như Xuyên

Trái sang: Lê Ngọc Sáng, Hà Tùng Sơn, Lê Đăng Sơn và chủ nhà Lê Quang Phương

Tôi cũng chẳng biết mình lăn ra ngủ từ lúc nào nhưng tỉnh dậy thì thấy Lê Sơn, Xuyên và Sáng đã về hết từ đời nào. Còn lại tôi và Phương hai thằng đi xe máy lên khu di tích lịch sử Lam Kinh cách nhà Phương 12 km để thăm viếng lăng mộ vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi và các đời vua khác của triều đại nhà Hậu Lê ở thế kỉ thứ XV. Dọc đường trời mưa như trút nhưng lạ thay khi vừa đến cổng khu Lam Kinh thì trời tạnh ráo hẳn. Có vẻ như các bậc tiền nhân đời nhà Lê cũng thương tình hai thằng con dân nước Việt có chút lòng thành là tôi và Phương mà khiến trời ngớt mưa chăng.
Lê Quang Phương cho tôi biết Hoàng thành Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu. Cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu... nguy nga tráng lệ. Đây đúng là một Hoàng thành, sao lại chỉ gọi đơn giản là khu di tích lịch sử làm giảm giá trị hẳn đi nhỉ. So sánh với điện thờ vua Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định thì tôi thấy khu Hoàng thành Lam kinh thật hơn rất nhiều và linh thiêng cũng hơn rất nhiều. 
Toàn bộ Hoàng thành Lam Kinh rộng khoảng 200 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua Hậu Lê và cả những khu rừng tự nhiên xanh tốt.
Tôi ra Bắc lần này với quyết  tâm về Thanh Hóa lên lại Hoàng thành Lam Kinh không chỉ để được thắp hương vái lạy các vua nhà Lê mà còn để thăm lại kí ức tuổi thơ tôi hồi Tết Mậu Thân năm 1968, khi còn học lớp 8 ở Trường cấp 3 Thọ Xuân 1 đã cùng thầy trò toàn trường lên đây ở lại 3 ngày để trồng cây phủ kín màu xanh cho khu kinh thành cổ này.
Cây tôi trồng ngày ấy không nhớ là cây gì và nay có còn lại cây nào không nhưng toàn bộ khu Hoàng thành Lam Kinh ngày nay thì lọt thỏm trong xanh ngát những cây lim cổ thụ và rừng cây tự nhiên thâm u cổ kính.
Hai thằng tôi mua sắm đồ lễ gồm bánh gai và chè lam cung kính dâng lên điện thờ và lăng Lê Thái Tổ cùng các đời vua nhà Hậu Lê. Khi hóa vàng nhìn khói hương nghi ngút tôi chợt nhớ ra hôm nay cũng đúng vào dịp rằm tháng Bảy, mình về Lam Kinh thắp hương khấn vái vua Lê. Thiệt là có thêm phần ý nghĩa.
Đi viếng và thắp hương cho hết các điện thờ và lăng mộ khu Lam Kinh cũng phải hơn một tiếng. Trong trời chiều âm u của tiết rằm tháng Bảy, trong cái cổ kính của kinh thành xưa, khi đứng trước văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi biên soạn, tôi chợt rùng mình. Nhìn cả khu rừng và lăng mộ trong chiều tối, chỉ có mỗi hai thằng tôi thơ thẩn đi hết điện thờ này sang nhà bia khác. Và chúng tôi chợt nhớ câu:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan mà cảm thấy lòng trào lên xúc động.
Tôi đã khấn to thành tiếng trước nấm mộ xây hình vuông rất to của Lê Thái Tổ - Lê Lợi, cầu mong cho đức vua cùng quần thần ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu và phù hộ cho đất nước Việt Nam đời đời hưng thịnh, con dân nước Việt được đời đời an hưởng thái bình.
Lê Quang Phương nghe xong khấn bổ sung thêm: Và tiêu diệt sạch sành sanh bọn lãnh đạo tham nhũng. Tính thằng này thế, rất cực đoan, cái gì cũng phải thật triệt để mới chịu.
Từ biệt Hoàng thành Lam Kinh, chúng tôi chạy xe lên đường Hồ Chí Minh tìm đến nhà hàng rất lớn có tên Lam Kinh ăn cơm với món canh cá lăng bắt từ sông Chu lên. Rất ngon.
Ăn xong chúng tôi quay lại Hoàng thành tìm đến một khách sạn có tên Lam Kinh gần với khu kinh thành nhất lấy phòng ngủ lại. Thực ra thì chỉ đi 12 cấy số là đã về nhà Phương ngủ nhưng mục đích của chúng tôi là ngủ lại trước kinh thành này để được sống và hít thở thêm không khí từ thời cổ xưa để lại với những vị vua yêu nước của một triều đại oai hùng từng đánh thắng quân giặc nhà Minh - Trung Quốc xâm lược ở thế kỉ thứ XV. Một triều đại có rất nhiều người tài mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi.
Vậy là tôi đã có thêm sự mãn nguyện với chuyến du lịch suốt 10 ngày này.


Hai thằng tôi vừa đến cổng Hoàng thành thì trời tạnh hẳn mưa

Tôi cung kính dâng hương vái lạy trước điện thờ  vua Lê Thái Tổ  - Lê Lợi


Lê Quang Phương khấn Đức Lê Thái Tổ

Cầu Bạch dẫn vào chính điện

Chiều tà trước chính điện

Lê Quang Phương trước chính điện

Cây đa thị trong khu chính điện 

...Là một cây cổ thụ rất thiêng gắn liền với một sự tích về tình yêu

Mộ vua Lê Lợi

Tôi kính cẩn thắp hương dâng lên ban thờ trước lăng Lê Thái Tổ

Tôi đã khấn to thành tiếng trước nấm mộ xây hình vuông rất to của Lê Thái Tổ - Lê Lợi, cầu mong cho đức vua cùng quần thần ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu và phù hộ cho đất nước Việt Nam đời đời hưng thịnh, con dân nước Việt được đời đời an hưởng thái bình.

Lê Quang Phương khấn bổ sung thêm: Và tiêu diệt sạch sành sanh bọn lãnh đạo tham nhũng.

Dâng đồ lễ và cúng xong ...

Chúng tôi hóa vàng

Rồi xin lộc và ra về...

Trên con đường mòn trong rừng giữa chốn u tịch khi mặt trời đã lặn. Khung cảnh này chống chỉ định với những ai sợ ma, sợ bóng sợ gió

Về khách sạn Lam Kinh nghỉ lại tôi ngồi gõ những dòng này còn LQP chụp hình tôi